Syndicate content

Tiếng nói ICTPress

70 năm Ngày Truyền thống Ngành Bưu điện: Tôi đi tìm gặp một người Bưu điện... “già”

(ICTPress) - Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay, còn ngày hôm nay thì chắc chắn nó phải bắt đầu từ ngày hôm... qua rồi. 

Tôi cũng là một “Người Bưu Điện” - tôi tự nhận như thế bởi lẽ đến giờ tôi còn đang làm việc cho một đơn vị có tên là báo “Bưu điện”. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Bưu điện, tôi muốn tìm gặp một người bưu điện... “già” - “già” cả về “tuổi bưu điện” lẫn “tuổi đời” so với tôi. Điều đó đảm bảo cho tôi được biết chi tiết hơn về việc cái “bưu điện xưa” có gì mà hôm nay gọi là “truyền thống”. Đồng thời với góc độ một người làm báo, tôi cũng muốn khai thác tâm sự của một người đã nghỉ hưu, xem dù đã đứng “ngoài dây chuyền” từ lâu nhưng trong không khí của ngày kỷ niệm hôm nay, họ có những suy nghĩ gì?

Người tôi tìm đến là một “bạn đồng nghiệp, đồng nghiệp vong niên”, một nhà báo cùng trong Liên chi hội Nhà báo Thông tin Truyền thông, hay mang bút danh  là M.C, người mà tôi vẫn thường có dịp trao đổi chuyện trò.

Tôi hỏi bác: “Theo bác thì truyền thống của Ngành là gì và cái gì đã tạo nên truyền thống đó?” - một câu hỏi rất báo chí. Bác cười hóm hỉnh: “Thì chính cái “Mụ Lịch sử” nó nặn ra “thằng cu Truyền thống” chứ còn ai vào đó nữa !”...

Gợi một hồi, bác kể dài dòng về lịch sử ngành mà tôi cũng đã từng được nghe, được đọc, được thấy đâu đó, tại sách báo, tại các cuộc họp hay tại bảo tàng... Và rồi bác “vào cuộc” lúc nào không hay: “Thôi, cháu đã hỏi thì bác cũng kể. Nhưng chỉ là một mảnh bằng cái đầu ghim thôi đấy, chắp nối lại thế nào để hiểu tùy cháu. Ngày còn trẻ, trẻ tức là ngày  60 tuổi, bác nghĩ khác. Bây giờ “bát thập” rồi, cái sự nghĩ cũng có khác đi đôi chút.

Bác biết cũng không ít người, nhiều bạn bè, đồng đội của mình ngày đó, giờ đây hễ cứ nói đến truyền thống là lại say sưa kể về “công tích” của mình. Thậm chí  trước những cơn lốc của cuộc đời không khỏi có đôi lúc cũng oán trách, giận hờn. Nhưng cháu phải hiểu, họ hoàn toàn không sai, họ không xấu, họ cũng không phải “máu công thần” như một số người nghĩ đâu. Quả thật họ đã phải trải qua không biết bao sự hy sinh, đóng góp... Phải làm sao để người của hôm nay và ngày mai hiểu cho họ. Cõng pho sử của chính mình lặc lè, không kịp ngẩng đầu lên nhìn ngó xung quanh, cứ nghĩ nó... là tất cả, nên vẩn vơ thế thôi chứ thật ra họ xứng đáng lắm!    

Nói đến sự hy sinh của ngành Bưu điện, giờ đây ta hay kể nấm mồ của  hơn một vạn liệt sỹ còn nằm đấy. Nhưng còn nhiều vạn tuổi xuân đã qua đi mà không được mọi người “hiểu cho”, nghĩ cũng ...tội! Người công tác Bưu điện là những người có mặt trên khắp các “hang cùng ngõ hẻm của đất nước”, họ gìn giữ từng giây cho sự liên tục của toàn mạng lưới. Họ ốm đau gầy mòn, xanh xao rồi có khi còn... “chết mất xác” cũng chẳng ai hay... Họ nằm trong các hang đá rừng sâu lúc chiến tranh. Rồi ngay khi hòa bình trở lại, mọi người xum họp đầm ấm thì vẫn còn những cô gái sống âm thầm trên các “trạm vi ba” heo hút ở các ngọn núi cao. Họ tận tụy bất kể ngày đêm để nối thông liên lạc mà chẳng bao giờ phàn nàn. Nhưng lúc nào họ cũng vẫn vui và lạc quan, “coi khinh” những tính đếm so bì ...”.

Ảnh tư liệu

Lan man chuyện cũ, bác kể thêm chuyện mới hôm qua, bác vừa đi thăm một cô trước công tác với bác ở Sơn La. “Cô” ấy bây giờ về sống ở quê hương, một bản của dân tộc Mường tận tít tắp Hòa Bình, cách Hà Nội hơn 100 km. Chú Huệ, người cùng “tổ sửa chữa vô tuyến” năm đó nhờ trời giờ đây có khấm khá hơn nhưng vẫn không thể quên bạn cũ. Nghe tin “cô” sắp làm đám cưới cho con, thế là chú Huệ bắt con dù có bận trăm công ngàn việc cũng phải bỏ đấy để “đánh xe” đi đón đưa các bác các chú cùng về...

Gặp nhau, cô hỏi: “các anh còn nhớ “cái... Liên” hồi đó không? Bây giờ thì nó đã “lên chức” mẹ chồng. Nó cũng đã có 2 cháu ngoại rồi”. Thế rồi các bác các chú xúm xít lại kể chuyện ngày xưa, về cái ngày “cái Liên” mới ra đời trong... hang đá ngày đó. Đúng phải bữa máy bay oanh tạc, giữa phiên cô trực, ngoài cửa hang thì lửa cháy đùng đùng. Nhưng mà rồi “Ùng! ùng! Oàng oàng mà ... em vẫn sinh !”... Các cụ ngồi kể chuyện với nhau cười nghiêng ngả. Quan viên hai họ ngơ ngác rồi cũng thấy vui theo....

Mải mê với hàng loạt kỷ niệm cũ có mới có, bác còn kể mấy hôm Hà Nội trời nóng vừa qua thì một bữa tối bác còn nhận được một cuộc điện thoại của bác Mười Ân, cũng là một bậc “đại ca” của Bưu điện thời mở cửa, nguyên giám đốc bưu điện Cần Thơ. Nghe ti vi thông báo tình hình thời tiết, “ông anh 83 tuổi” thấy sốt ruột vác máy gọi điện hỏi “thằng em 80 tuổi”  xem trời nóng thế có đau ốm gì không”... Một cử chỉ nhỏ nhưng thể hiện đầy ân tình của những người anh em trong Ngành. 

Gần kết thúc câu chuyện, bác cố kể thêm: Một người bạn già vừa chia sẻ lo lắng với bác về chuyện con họ chưa đến 60 mà rồi lần này cũng...phải về hưu vì Ngành đang tái cơ cấu. “ Bây giờ thì thực thể tổ chức của Ngành Bưu Điện không còn nữa. Cũng rất hiếm hoi mới thấy 1 vài đơn vị mang tên Bưu điện. Lâu ngày không nhắc đến thì không khéo người ta cũng quên... Cái “vật thể” tuy không còn nhưng cái “phi vật thể” là cái truyền thống cố giữ cho lâu dài. Trung thành với những cái đích đã đặt ra, cái phận sự xã hội là phải phục vụ người sử dụng sao cho ngày một chu đáo thuận tiện hơn. Muốn thế tất nhiên phải “sáng tạo” không ngừng, “biến khó thành khôn” để mà vượt qua chướng ngại. Nhưng cũng vẫn cố mà giữ lại được “nghĩa tình”, đừng “cuống” rồi làm ẩu”, bác chia sẻ suy nghĩ.

Bác bảo bác rất... “phục” không biết là cái anh nào là người đầu tiên nghĩ ra cái “10 chữ vàng” tặng ngành Bưu Điện? Chỉ 10 chữ “Trung thành - Dũng cảm - Sáng tạo - Tận tụy - Nghĩa tình” thôi mà khắc họa được cả một quá trình 70 năm của Ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2015)...

Chia sẻ những hồi ức cũ, có những lúc thấy bác nghẹn ngào khiến tôi cũng phải ngoảnh mặt đi cho qua cơn xúc động... Hai ngày sau, bác điện thoại cố thanh minh về những điều không kìm nén được của lòng mình. Bác bảo: “Cháu thông cảm, đấy không phải là một biểu hiện của một trạng thái tâm lý yếu ớt đâu. Bệnh lý đấy. Mấy anh già bây giờ nhũn não cứ hễ nhắc đến chuyện xưa là... vãi nước mắt ra. Cháu thông cảm!”. Thật không có gì buồn bằng thấy một ông già mếu máo, nước mắt, nước mũi quệt ngang.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay, còn ngày hôm nay thì chắc chắn nó phải bắt đầu từ ngày hôm... qua rồi. Nhưng đừng để dòng chảy liên tục đó chảy lờ đờ mà hãy chảy cuồn cuộn hiên ngang. Đừng quên mình là Bưu điện, đừng quên quá khứ!

P.B.M

Một số ý kiến về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong hoạt động báo chí hiện nay

(ICTPress) - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông hiện đại đang là công cụ tốt nhất để giúp cho báo chí truyền tải một lượng thông tin khổng lồ đến với công chúng. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với những người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Vấn đề đặt ra cho các nhà báo cũng giống như các nhà sản xuất hàng hóa khi phải trả lời ba câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào? Nhà báo cũng phải tự đặt ra cho mình ba câu hỏi là: Viết cái gì? Viết cho ai? Và viết như thế nào? Để trả lời cho ba câu hỏi ấy mỗi nhà báo nên bắt đầu từ đâu?

Với một giờ đồng hồ, chương trình “Chào buổi sáng” của VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam đã tóm lược tình hình đất nước và cả thế giới với rất nhiều các thông tin nóng bỏng diễn ra trong vòng 24 giờ. Từ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, thể thao, thời tiết… tất cả đều được các phóng viên của đài giúp cho độc giả cập nhật một cách thuận tiện và nhanh chóng.

Nói như vậy thì các phương tiện truyền thông khác như radio, các tờ báo viết, các tạp chí, báo điện tử… sẽ không còn tác dụng nữa hay sao? Không! Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng, truyền tải những thông tin thời sự có tính định kỳ đến với đông đảo công chúng. Đặc điểm nổi bật của báo chí, chính là tính công khai và sự lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp.

Báo chí phải gắn liền với thông tin thời sự, những sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên toàn thế giới và trên cả nước rất cần sự phản ánh và phân tích, mổ xẻ của báo chí nhằm rộng đường dư luận. Như vậy, những thông tin mà đài truyền hình đưa trong chương trình “Chào buổi sáng” chỉ mới mang tính cập nhật tin tức, rất ngắn gọn, chưa chuyên sâu, chưa có sự phân tích và mổ xẻ một cách kỹ lưỡng, trong khi đó rất nhiều độc giả lại muốn được nhận biết những thông tin một cách tường tận sâu sắc cũng như muốn biết thêm các thông tin trên nhiều những lĩnh vực khác như: thời trang, khoa học kỹ thuật, âm nhạc… Đây chính là cơ hội để các tờ báo khác có đất hoạt động. Nếu như báo hình có các game show như kiểu Tạp chí thời trang (VTV3), Tạp chí phụ nữ (VTV1)… để đáp ứng nhu cầu của người xem thì báo điện tử sẽ có thế mạnh là cập nhật rất nhanh từng giờ, thậm chí là từng phút cho độc giả. Chúng ta còn nhớ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng, nhiều bạn đọc trong Nam và ngoài Bắc chờ đợi từng phút để nhận biết các thông tin về người thân. Mỗi phút trôi qua là mỗi phút lo âu của nhân dân cả nước…

Có thể nói, độc giả nín thở để chờ tin qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách nhanh nhất, để được hưởng những giây phút xúc động nhất. Họ tìm đến các phương tiện báo chí trước hết là để tìm kiếm thông tin và trong những thông tin đó thì thông tin thời sự luôn đóng vai trò quan trọng. Một dẫn chứng nữa mang tính thời sự rất cao đó là việc đưa tin trực tiếp trên truyền hình cảnh lũ lụt lớn diễn ra ở miền Trung cuối năm 2007. Hoặc gần đây nhất là cơn bão số 8 đổ bộ vào Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và một số tỉnh lân cận quá nhanh làm cho nhân dân ở các tỉnh nói trên gặp muôn vàn khó khăn… Khán giả được tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà bị ngập trắng, những con người bị đói ăn và chịu rét đang đu bám trên các ngọn cây, nóc nhà chờ cứu trợ…

Những cảnh tượng đó đã gây nhiều xúc động cho cộng đồng và ngay lập tức tác dụng của báo chí đã thu được kết quả rất lớn bằng sự đóng góp cứu trợ, bằng sự chung tay góp sức khắc phục hậu quả lũ lụt cho miền Trung. Chính những thông tin thời sự đã làm nên uy tín, vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay. Rõ ràng báo chí đã góp phần mở rộng tầm nhìn cho công chúng, liên kết xã hội, tác động mãnh liệt vào số đông bằng chính tính chất thời sự nóng bỏng và chân thực.

Quay trở lại với thể loại chuyên đề khác như các game show mang tính giải trí. Công chúng đến với báo chí không phải chỉ tìm những cái mới nhất, nóng nhất, họ vẫn mong đợi những “giọt nước mát” làm dịu đi nhịp sống hối hả đời thường, tạo những giây phút thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi… Tuy vậy những thông tin theo dạng này cũng phải hiểu là những thông tin mà công chúng chưa biết, hoặc đã biết nhưng lại muốn biết nhiều hơn… Như vậy, ngay cả các chương trình mang tính giải trí cũng phải chứa đựng những thông tin giá trị bởi vì: Thông tin về tri thức mới, về các chương trình giải trí mới sẽ tạo nên sức hấp dẫn và có ý nghĩa nhất định trong đời sống xã hội.

Từ khi báo điện tử xuất hiện đã phần nào phá vỡ tính định kỳ trong đặc điểm truyền thống của báo chí. Thông tin trên báo điện tử ngày nay không phải là hàng ngày mà nó được cập nhật hàng giờ, thậm chí là chỉ ít phút… Vấn đề đặt ra cho mỗi nhà báo là phải làm thế nào để xử lý những thông tin trước khi đưa lên mặt báo một cách nhanh nhất, chính xác nhất nhưng phải mang tính định hướng dư luận xã hội tốt nhất.

Ảnh minh họa (nld.com.vn)

Nhà báo luôn cần sự nhạy cảm trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Một thông tin nhanh nhạy, chính xác có sức lan tỏa nhanh, nhận được sự đồng tình lớn của dư luận xã hội đó là những thông tin tốt, đúng định hướng. Chúng ta nên hiểu, báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, mọi hoạt động của báo chí đều phải nhằm mục đích là phục vụ công tác tuyên truyền quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước. Báo chí không thể đi ngược lại với lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân. Sự nhạy cảm của các nhà báo chính là cách xử lý thông tin, điều này phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nhận thức xã hội và kinh nghiệm.

Xin nhắc lại luận điểm: “Viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào?” để lý giải thêm cho vấn đề này, đó là trình độ của công chúng. Họ là những độc giả “khó tính” và có trình độ cao, thậm chí cao hơn các nhà báo chúng ta rất nhiều. Điều đó bắt buộc các nhà báo phải toàn tâm, toàn ý cho mỗi tác phẩm của mình, phải có trách nhiệm cao cho mỗi bài viết, trách nhiệm này được hiểu rằng đó là trách nhiệm trước xã hội.

Chúng ta không thể dễ dãi để từ đó xem thường độc giả. Lấy thí dụ một tin mang tính “giật gân” có tựa đề: “Xác chết bí hiểm trên ngọn cây” và kèm theo một bức ảnh có hình cây cau. Mọi người đổ xô vào đọc với ý nghĩ sẽ được chứng kiến cảnh ly kỳ, rùng rợn, nhưng đọc đến hết mới té ngửa ra là chẳng có cái gì ghê ghớm cả. Đó chỉ là vụ tai nạn điện giật do một người sơ ý trèo lên cây cau hái quả không may chạm vào dây diện nên bị điện giật chết… Hoặc gần đây, vụ việc đưa thông tin thất thiệt “Bố chồng dính nàng dâu” cũng làm xôn xao dư luận xã hội. Đây thực sự là một dư luận xấu, thậm chí gây phẫn uất cho nhiều độc giả… Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và việc khiếu kiện về đất đai xảy ra ở các địa phương, việc toàn Đảng đang tiến hành kiểm điểm phê và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW lần thứ 4 và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII để xuyên tạc, nói xấu, kích động và tìm cách chia rẽ nhằm gây hoang mang trong nhân dân. Việc các nhà báo phải có những bài viết sắc sảo nhằm phản bác lại những thông tin sai trái đó là hết sức cần thiết.

Chúng ta không thể để một số ít các phần tử của phản động lợi dụng cái gọi là “Tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận…”  để xuyên tạc nói xấu và bôi nhọ chế độ CNXH, làm giảm uy tín của Đảng, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hơn lúc nào hết các nhà báo phải là những chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh để bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân…

Đó có phải là do dự phối hợp không tốt giữa các cơ quan báo chí, nhiều trường hợp là do a dua, chạy theo sự kiện giật gân, tạo dư luận không chính xác. Cũng có thể là do trình độ của phóng viên, biên tập viên và người quản lý còn bất cập… Bên cạnh đó, Báo chí của ta trong thời điểm hiện nay cũng mắc không ít những sai phạm thiếu sót, từ đó gây dư luận không tốt trong đời sống xã hội, đồng thời tạo kẽ hở để kẻ địch lợi dụng thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình”. Trước tình hình đó công tác quản lý báo chí trong giai đoạn hiện nay thực sự là một vẫn đề cấp bách.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ với khoảng 700 tờ báo và tạp chí, 750 ấn phẩm mỗi năm tương đương với 700 triệu bản, như vậy tình trung bình mỗi người dân Việt Nam được đọc 8 tờ báo trong mỗi năm. Tuy nhiên số người ở các đô thị lớn chiếm khoảng 75%, còn các vùng xa thì đạt khoảng 25%. Hệ thống phát thanh và truyền hình đã phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc, ngoài ra còn có thêm truyền hình kỹ thuật số, báo điện tử, báo mạng… Như vậy hệ thống báo chí và tuyên truyền của ta đã và đang thực sự mạnh. Nhưng làm thế nào để quản lý thật tốt hệ thống truyền thông đó, đòi hỏi phải có một cơ quan quản lý báo chí đủ mạnh, phải định hướng được đối tượng quản lý, nội dung quản lý và phương pháp quản lý, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, trình độ chính trị và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp.

Để khắc phục các điểm yếu này chỉ có một biện pháp duy nhất là công bố thông tin một cách đầy đủ, chuẩn bị những bài viết có sự phân tích thuyết phục cao để định hướng dư luận. Nhưng muốn làm được việc này các tờ báo phải có đội ngũ bình luận viên sắc sảo, những cộng tác viên có uy tín, kinh nghiệm. Chúng ta cần phải nhớ rằng, nguyên tắc quan trọng nhất của báo chí luôn là sự thật; Sự tác động của báo chí vào dư luận xã hội là nội dung được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vì vai trò của báo chí đã giữ vững trận địa thông tin và là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa cơ quan quản lý với mọi thành tố khác trong xã hội…

Tóm lại báo chí luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội và góp phần định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tiến bộ. Tuy nhiên để làm được điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo chúng ta phải luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo và trau dồi phẩm chất chính trị vững vàng.

Trần Bình Tám

Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT

Tham luận tại Đại hội X Hội nhà báo Việt Nam 7 - 9/8/2015

Dân khổ vì ngành Điện không xóa độc quyền được như Viễn thông

Cách đây 5 năm, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Mai Liêm Trực đều cho rằng ngành điện phải học ngành viễn thông về mở cửa thị trường, tạo cạnh tranh để người dân được lợi. Thế nhưng, đến nay điện vẫn là ngành độc quyền.

Nhiều khách hàng phản ánh cách tính giá điện mới khiến cho nhiều hộ giá đình nhận được hóa đơn tiền điện tăng đột biến . Nguồn: Dân trí

Ngày 12/3/2015, Bộ Công Thương đã ra quy định chi tiết giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện, giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện và áp dụng biểu giá mới này kể từ ngày 16/3/2015. Quyết định này quy định giá điện đối với 8 nhóm đối tượng khách hàng, chia làm 89 mức giá điện áp dụng cho các khách hàng khác nhau. Với mức điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 1.622,01 đ/kWh (tăng 113,16 đ/kWh).

Theo Quyết định này, tiền điện tăng thêm của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 4.800 đồng; mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 9.800 đồng, hộ tiêu thụ 150 kWh/tháng là 16.100 đồng. 

Thế nhưng, liên tiếp trong mấy ngày gần đây rất nhiều khách hàng đã than phiền trên mạng xã hội rằng tá hỏa khi nhận được hóa đơn tiền điện tăng đột biến ở mức gần gấp đôi so với những tháng trước. Thậm chí có khách hàng phản ánh tiền điện của họ dùng mỗi tháng chỉ hết khoảng 900.000 nhưng hóa đơn tiền điện tháng 5 lên đến hơn 2,5 triệu đồng.

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến rất nhiều khách hàng đặt ra câu hỏi. Cách quản lý của Bộ Công Thương đang đi ngược với nguyên tắc thị trường là càng dùng nhiều phải càng giảm giá, càng được rẻ, trong khi đó tại Việt Nam dùng càng nhiều lại càng đắt. Thậm chí, rất nhiều khách hàng đặt câu hỏi trên Facebook rằng Việt Nam đang nỗ lực kêu gọi các nước công nhận Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường thì đây được xem là điển hình của việc đi ngược với cơ chế đó.

Những câu chuyện buồn của ngành điện với dân hôm nay được cho là đã không học được bài học mở cửa thị trường của ngành Viễn thông vốn độc quyền trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện độc quyền đã nảy sinh ra rất nhiều hệ lụy như khách hàng không phải là thượng đế, chất lượng phập phù, giá cao và cả chuyện quản trị của chính doanh nghiệp độc quyền rất ít được đề cấp đến…

Cách đây 5 năm, trong buổi tọa đàm về bài học mở cửa thị trường của ngành viễn thông các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là những bài học cho các ngành như điện, nước, ô tô… khi mở cửa thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực dường như đã bỏ qua những bài học đó.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết, đặc thù của viễn thông là độc quyền tự nhiên vì thời kỳ đầu nó như một đơn vị sự nghiệp của cơ quan chính quyền, phục vụ cho lãnh đạo hoặc cho dân, dần dần nó là đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo quá dè dặt và những níu kéo nhất định của tư tưởng cục bộ khiến quá trình mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam chậm hơn. “Giờ đây tôi thấy chị bán rau, anh xe ôm đã dùng điện thoại di động. Tôi cảm thấy rất xúc động vì điện thoại đã được bình dân hóa”, ông Mai Liêm Trực nói

Trả lời câu hỏi liệu bài học về mở cửa thị trường viễn thông có thể làm ánh xạ cho các ngành khác như điện, nước, ô tô mở cửa thị trường hay không? TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương cho rằng, khi thị trường mở cửa, các ngành gia nhập đều có những điều kiện nhất định. Về bản chất, chúng ta cần một nền công nghiệp, cần một sự cạnh tranh với thế giới, cần có sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi của sản phẩm đó. “Trong quan hệ so sánh thị trường ô tô với thị trường viễn thông, cách mở cửa thị trường viễn thông đã đi đúng hướng. Các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường một cách có điều kiện. Thị trường viễn thông ngày càng mở rộng và càng ngày có sự cạnh tranh quyết liệt, đúng theo quy luật của thị trường”, TS. Thiên nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Quang A cho rằng, chúng ta cần tiến hành tổng kết nghiêm túc mở cửa thị trường viễn thông để có kinh nghiệm phát triển các ngành khác. Tuy nhiên, việc mở cửa ngành điện khác với viễn thông và lại càng khác với thị trường ô tô. “Tôi cho rằng với câu chuyện mở cửa thị trường, nếu Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đưa ra chính sách và để cho những người có liên quan thảo luận góp ý một cách cởi mở, xây dựng thì chắc rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ phát triển hiệu quả hơn”, ông Quang A nói.

TS.Trần Đình Thiên cho còn biết, viễn thông là một trường hợp rất điển hình vì xuất phát ở một trình độ chung rất thấp nhưng đã vươn tới đỉnh cao công nghệ của thế giới bằng “ý chí” mở cửa thị trường. Thị trường này đã chấp nhận cạnh tranh để đi đến hình thành một thị trường ngày càng lành mạnh, khác hẳn với trường hợp của ngành công nghiệp ô tô nước ta. “Tôi thấy rằng, thị trường viễn thông có thể có những trục trặc trong bước đi nhưng hiện nay ngành viễn thông Việt Nam đã hình thành nên được một cấu trúc cạnh tranh tương đối tốt, tương đối hiệu quả. Cá nhân tôi vẫn mong muốn rằng Bộ TT&TT cùng các đơn vị khác có một sự tổng kết hết sức nghiêm túc vì đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập và mở cửa ngày càng sâu rộng. Những mô hình, những khuôn mẫu này cần được tổng kết để đúc rút ra thành bài học chung cho cả đất nước”, TS. Trần Đình Thiên nói.

5 năm trước, Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng, ngành điện lực, cấp nước... nên học bài học chống độc quyền và mở cửa thị trường của ngành viễn thông. Ông Trực vẫn trăn trở về mở cửa thị trường trong những lĩnh vực khác để các ngành này mạnh lên. Đến bây giờ những trăn trở đó của Tiến sĩ Mai Liêm Trực vẫn còn nguyên tính thời sự. Người dân chưa biết đến khi nào ngành điện mới hoạt động theo đúng cơ chế thị trường?

 ICTNews

Bkav - Chúng ta có thể tin được không?

(ICTPress) - "Thật tuyệt vời, không thể tin nổi, chính chúng tôi cũng không thể tin nổi khi mình làm được như vậy" là câu nói được ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng Giám đốc Bkav nhắc lại nhiều lần với sự tự tin pha lẫn tự hào khi nói đến những cái nhất, cái đầu tiên của chiếc Bphone trong sự kiện ra mắt sản phẩm này ngày hôm qua (26/5).

Câu nói này lập tức khiến nhiều người có mặt tại hội trường nhắc lại theo cách nửa đùa nửa thật khi nói về thành quả mới của Bkav và sau đó đã nhanh chóng lan truyền trên khắp mạng xã hội.

Quả thực, nếu Bkav không có đủ niềm tin khi bắt tay vào dự án này từ cách đây nhiều năm, thì cho đến giờ nhiều người vẫn sẽ không thể tin nổi Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ các khâu để sản xuất ra một chiếc smartphone thực sự "Made in Vietnam" có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với những chiếc điện thoại cao cấp của thế giới.

Ảnh chế về ông Nguyễn Tử Quảng trên Internet.

Thách thức 1500 ngày

Tại buổi lễ công bố, ông Quảng tiết lộ, dự án Bphone đã được khởi động từ cách đây hơn 4 năm, vào tháng 9 năm 2010. Kiểu dáng của chiếc điện thoại được thiết kế độc quyền và được bảo hộ sáng chế từ năm 2011.

"Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi là liệu mình có thể thiết kế ra một smartphone đẹp hơn các smartphone hàng đầu trên thế giới được hay không? Chúng tôi tham gia lĩnh vực này sau các hãng khác, vậy để trở thành một thương hiệu thực sự trong lĩnh vực, không có cách nào khác, chúng tôi phải làm ra sản phẩm tốt hơn của họ", người đứng đầu Bkav nói.

Theo ông Quảng, riêng về khâu thiết kế, để có thể hoàn thiện được các chi tiết, các kĩ sư của Bkav đã phải bỏ ra hàng nghìn giờ nghiên cứu, chế tạo thử để làm ra những chi tiết tinh xảo.

"Hơn 1.500 ngày, hàng trăm kĩ sư với tinh thần nhiệt huyết, sự đam mê đã tạo ra sản phẩm này", Tổng Giám đốc Bkav nói.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Truyền thông Bkav từng chia sẻ với chúng tôi, các dự án phần cứng tại Bkav - trong đó có Bphone là mảng "đốt tiền" nhiều nhất trong Tập đoàn, tiền liên tục chi ra, nhưng kết quả nhiều năm không thấy đâu. Tuy thế, ông Quảng chưa từng một lần nói về chuyện này, họ kiên định thực hiện và tin vào kết quả, bà Hằng cho biết.

Nói dễ dàng vậy nhưng nếu ai từng làm ra một sản phẩm hay thực hiện một công việc kinh doanh đều hiểu, đó chắc chắn là một hành trình đầy thách thức và khó khăn.

Phó chủ tịch phụ trách mảng Phần cứng của Bkav Vũ Thanh Thắng: "Thách thức là vô cùng lớn".

Chia sẻ về thách thức này, ông Vũ Thanh Thắng - Phó chủ tịch phụ trách mảng Phần cứng của Bkav cho biết "Khi sản xuất một chiếc điện thoại smartphone cao cấp, Bkav gặp phải thách thức vô cùng lớn, đó là làm sao để đặt vừa vặn 800 linh kiện cơ khí và điện tử vào trong một sản phẩm với kích thước chỉ vừa vặn trong lòng bàn tay mà vẫn bảo đảm được thiết kế kiểu dáng đẹp và hài hòa."

"Thách thức này là vô cùng lớn. Bạn không thể dễ dãi trong quá trình thiết kế các kết cấu cơ khí. Mỗi kết cấu khi gặp khó khăn, các bạn nới nó lên thêm chỉ cần 0,1mm sẽ phá vỡ kiểu dáng thiết kế. Các bạn cần biết rằng 0,1mm chưa được bằng đường kính một sợi tóc. Các kĩ sư của chúng tôi đã phải kiểm soát các kích thước, các sai số tới 0,1mm, thậm chí là 0,05mm. Và đó là vì sao trên thị trường không có nhiều các smartphone cao cấp vừa đẹp, vừa mỏng, camera không lồi, dung lượng pin lớn như Bphone, lên đến 3.000 mAh", ông Thắng cho biết thêm.

Điều đáng nói là tất cả đều mới mẻ và họ chưa hề có kinh nghiệm. Vũ Thanh Thắng là người thuộc thế hệ 8x, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành Công nghệ thông tin, giờ đây làm chủ và quản lý tất cả các công đoạn từ thiết kế, sản xuất cơ khí, thiết kế điện tử, gia công, lắp ráp theo quy trình công nghiệp. Thật... khó có thể tin được.

Xây dựng hệ sinh thái

Sự kiện ra mắt chiếc điện thoại Bphone đã thu hút được nhiều sự chú ý khiến ít người để ý rằng, Bkav đang âm thầm xây dựng cả một hệ sinh thái to lớn bao gồm từ phần mềm tới phần cứng, từ giải pháp, thiết bị cho tới các dịch vụ - phục vụ các khách hàng từ người dùng cuối, các doanh nghiệp cho đến khối cơ quan nhà nước.

Ngay trong sự kiện ra mắt Bphone, Bkav cũng đã giới thiệu hàng loạt các sản phẩm mới trong hệ sinh thái của mình: giải pháp truyền hình trực tuyến Blive, dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây Bdrive, Website thương mại điện tử Vala.vn, giải pháp họp trực tuyến eMeeting. Đồng thời, tập đoàn này cũng ra mắt một mảng sản xuất mới là smart devices - các thiết bị thông minh.

"Các bạn cũng có thể mua Bphone kèm theo ổ cắm thông minh, hay công tắc thông minh. Với các thiết bị này, các bạn có thể điều khiển các thiết bị trong nhà thông qua smartphone hoặc tablet. Vậy là bạn đã sẵn sàng gia nhập thế giới của tương lai, thế giới của Internet of Things cùng chúng tôi", Tổng Giám đốc Bkav nói.

Hệ sinh thái to lớn của Bkav còn đang tiếp tục được bổ sung.

Đó là ở phần cung cấp sản phẩm ra bên ngoài. Ở bên trong, Bkav duy trì quan điểm dù khó nhưng kiên trì xây dựng các bộ phận có khả năng tự làm tốt tất cả các khâu, không thuê ngoài. Ngay cả ở những dịch vụ thường được các doanh nghiệp khác "outsource" như tổng đài hỗ trợ khách hàng, chuyển phát, truyền thông,... đều được Bkav thực hiện ngay trong nội bộ.

Cách làm này cho phép họ xây dựng một nền tảng cực vững, thống nhất, có khả năng chuyển đổi nhanh phù hợp theo nhu cầu nội bộ doanh nghiệp, và khả năng mở rộng dễ dàng cho những lĩnh vực mới.

Quan trọng hơn, cách làm này giúp Bkav phát hiện ra các nhu cầu mới của khách hàng, hiểu rõ nhu cầu đó, đưa ra giải pháp, triển khai trước tiên trong nội bộ, và sau đó cung cấp thành sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.

Tin được không?

Trước khi sự kiện ra mắt Bphone diễn ra, chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Thanh Thắng nói Bkav muốn chứng minh rằng người Việt Nam hoàn toàn có năng lực, có thể tạo ra các sản phẩm hàng đầu, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp thế giới.

Để khẳng định được điều này, mảng phần cứng của ông Thắng sử dụng toàn bộ các kỹ sư trong nước, tuyển chọn từ các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia,... không thuê nhân sự người nước ngoài, không có sinh viên tốt nghiệp từ nước ngoài - tất cả hầu hết đều ở độ tuổi 8x, 9x.

Trong một lần trao đổi trước đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Tử Quảng cũng khẳng định với chúng tôi, những gì Bkav làm không chỉ cho bản thân công ty, mà nhằm tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam. "Chỉ cần khoảng 10 doanh nghiệp thành công, sẽ tạo ra niềm tin và 'làn sóng' rất lớn trong nước", ông Quảng nói.

Và đến hôm nay họ đã làm được!

Và ông Quảng một lần nữa khẳng định lại mục tiêu của mình trong những chia sẻ nhiều cảm xúc ở cuối sự kiện ra mắt Bphone: "Chúng tôi vô cùng tự hào có thể thiết kế và sản xuất được một sản phẩm như vậy ngay tại Việt Nam, một đất nước còn vô cùng nhiều khó khăn, còn vô cùng nhiều những điều không thuận lợi. Có được điều này là bởi vì chúng tôi có động lực mong muốn rằng chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ căn dặn. Và dĩ nhiên vì chúng tôi yêu các bạn, yêu Việt Nam."

Vì một niềm tin "Made in Vietnam"

Trong nhiều bình luận khen chê ngày hôm qua trên mạng về sự kiện Bphone, tôi đọc được một vài doanh nhân đã nhắc tới "Hiệu ứng cánh bướm", đó là khi một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây những thay đổi lớn như cơn lốc ở bên kia bán cầu.

Sự kiện ngày hôm qua của Bkav có thể là một "cánh bướm" tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghệ Việt Nam. Cuộc cách mạng trước hết ở niềm tin - niềm tin rằng người Việt Nam hoàn toàn có năng lực tạo ra sản phẩm ở đẳng cấp quốc tế, tin rằng một doanh nghiệp khi nói lên khát vọng muốn cạnh tranh với những sản phẩm hàng đầu của thế giới không hề đáng bị "ném đá", bị coi là "nổ" mà xứng đáng được cổ vũ, hỗ trợ.

Tôi phần nào đọc thấy sự phấn khích và niềm tin này trong những tràng vỗ tay của hàng nghìn người có mặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày hôm qua.

Còn chúng ta, chúng ta có thể tin được không?

An Du

 
               
 
 
Text-to-speech function is limited to 100 characters
 

Trường Sa - ba chuyến đi một đời để nhớ

(ICTPress) - Đã hai lần đến với Trường Sa vậy mà chuyến đi lần này cảm xúc trong tôi vẫn ắp đầy háo hức.

Trưởng đoàn công tác số 9 - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chính là người thổi hồn cho đề cương kịch bản bộ phim tài liệu “Tổ Quốc nơi đầu sóng”. Ông nói, đối với Trường Sa, con người và hình ảnh đã được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều, vì thế phim tài liệu này phải tập trung khai thác những hình ảnh chân thực, đẹp và xúc động nhằm động viên kịp thời tinh thần quyết tâm giữ biển, giữ đảo của quân và dân Trường Sa.

Trưa 4/5 chúng tôi có mặt ở nhà khách vùng 4 Quân chủng Hải quân. Bữa cơm đầu tiên mang đậm hương vị bộ đội gây được cảm tình cho nhiều đại biểu. Từ hình ảnh người lính anh nuôi nhặt rau, rửa rau, vo gạo, nấu cơm, rán cá… đến chia cơm, thái thịt… Họ đã trở thành người “mẹ nuôi” cần mẫn, khéo tay và biết lo toan mọi thứ.

Hòn đảo chìm đầu tiên đoàn công tác được đặt chân đến là đảo Đá Nam. Đảo tuy nhỏ nhưng bộ đội ở đây sinh hoạt rất gọn gàng, sạch sẽ. Cái gì các anh cũng làm đẹp được. Từ mắc áo, giường nằm, chăn màn, giày tất… đến chậu rau, cây cảnh, vật nuôi… tất cả đều được tính toán một cách chi li, chính xác. Tâm sự với Trung sỹ trẻ Đào Phúc Anh, quê ở làng Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi được biết: Anh đang học năm thứ hai Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì có ý định thi sang trường khác. Trong lúc chờ đợi anh được gọi đi làm nghĩa vụ Quân sự. Đây là lần đầu tiên xa nhà, lại ở vùng biển đảo xa xôi khắc nghiệt, nhiều khó khăn nhưng anh vẫn xác định tư tưởng rất tốt, yên tâm công tác, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trao đổi với đồng chí đảo trưởng, anh tâm sự: Những khó khăn về rau xanh, nước ngọt, về tình cảm người lính xa nhà… là rất đỗi bình thường. Bởi chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên qua những món quà, câu ca lời hát mang hơi ấm từ đất liền.

Tạm biệt Đá Nam thân yêu, tôi nhìn mãi vào những cánh tay các anh lính Hải quân vẫy trong nắng chiều rát bỏng.

Song Tử Tây đón chúng tôi bằng hình ảnh vô cùng cảm động khi các em nhỏ má đỏ hây hây gặp ai cũng chào cô, chào bác. Hình ảnh về một làng quê Việt Nam yên lành giữa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc như tạo thêm niềm tin và sức mạnh trong lòng chúng tôi. Bất chợt tôi thoảng nghe có tiếng chuông Chùa, còn đang ngơ ngác, ngó nghiêng thì có một phụ nữ tay dắt theo một bé gái giải thích: Đó là tiếng chuông của Chùa Song Tử Tây đấy các cô, các chú ạ! Chùa Song Tử Tây ư? Bốn từ nghe sao gần gũi và thân thương đến thế. Tôi thầm nghĩ về thế hệ những người đi trước, thầm tự hào và cảm phục ý chí của Dân tộc mình, một đất nước nhỏ bé nằm bên bờ biển Đông đầy nắng gió và phải chịu biết bao gian nan thử thách trước thiên tai và địch họa. Đất nước có Đảng, nhân dân, Quân đội kiên cường, yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm… Và hôm nay, ở giữa đảo Song Tử Tây, chúng ta được nghe một tiếng chuông Chùa, một tiếng quê hương sao lắng lòng đến thế.

Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây đang xem triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa do Bộ TT&TT tổ chức trưng bày (Ảnh: Xuân Lộc)

Ít phút sau, đoàn làm phim cũng đến được Chùa Song Tử Tây, Đại Đức Thích Nhuận Đạt cho biết: Tiếng chuông vừa rồi là do Trưởng đoàn công tác số 9 Trương Minh Tuấn thỉnh để cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho mảnh đất này, vùng biển trời này mãi mãi trường tồn cùng Dân tộc. Đối với tôi, người có vinh hạnh được cùng với quân và dân đang làm nhiệm vụ giữ đảo Trường Sa lúc nào cũng tâm niệm một điều: Là người Việt Nam thì phải yêu Tổ Quốc Việt Nam:

Tổ Quốc Việt Nam phải là tất cả

Những núi cao biển rộng, sông dài

Những nụ cười của em bé ngày mai

Đều mang nặng hồn mặn mòi của biển…

Cột mốc chủ quyền từ bao đời nay vẫn hiên ngang đứng giữa đảo Song Tử Tây, còn đó ngọn Hải đăng đêm đêm rọi sáng dẫn đường cho những con tàu Việt Nam và bạn bè quốc tế, còn đó tượng đài vị Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo sừng sững uy nghi cùng với quân, dân Song Tử Tây, Trường Sa và nhân dân cả nước quyết tâm giữ yên bờ cõi Việt Nam.

Gần trưa chúng tôi ghé thăm ngôi trường Tiểu học do thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh đang dạy các em. Cảm giác đầu tiên là yêu thương xúc động. Lũ trẻ còn quá nhỏ nên chúng cứ vô tư làm mọi việc mình thích. Có 2 cháu 9 tuổi, học lớp 4, còn lại là lớp 2, lớp 1 và lớp mẫu giáo. Điều quý nhất là cháu nào cũng khỏe, nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Thầy giáo Mạnh nói rằng, bữa nay vì có nhiều các cô, các chú, các bác tới thăm nên bọn trẻ mới “quá vui” như vậy đó.

Ở nhà dân số 2, chị Trương Thị Thanh Xuân, người đã nói cho chúng tôi biết về tiếng chuông của Chùa Song Tử Tây ngồi kể chuyện làm ăn. Anh chị ra đây đã được hơn 2 năm, cùng đi có cô con gái đầu lòng khi đó 4 tuổi, nay cháu đã vào lớp 1. Thấy tôi ngập ngừng định hỏi thêm chị Xuân liền nói: Dạ em đang có bầu cháu thứ 2 được hơn 6 tháng rồi!

-  Đã biết là trai hay gái chưa?

- Dạ chưa!

Tôi nhanh nhẩu tiếp lời đoán mò:

- Ồ! Thế thì lần này chắc chắn là thằng cu Tí rồi.

Vừa lúc đó anh Nguyễn Thành Trung chồng chị Xuân vừa đi làm lễ chào cờ từ sân vận động trở về. Anh hồ hởi nói với chúng tôi: Ở đảo này, quân với dân là một, các anh bộ đội giúp các gia đình nhiều lắm. Từ chữa bệnh, dạy học thêm cho các cháu đến việc động viên tinh thần và vật chất. Vì vậy chúng em thật sự yên tâm bám biển, bám đảo.

Còn rất sớm nhưng đảo Sơn Ca đã ngập tràn trong nắng. Nhìn lại mấy cây dừa sau 14 năm cảm giác như chúng chậm lớn quá, chỉ có mấy cây bàng vuông vẫn giữ được màu xanh đầy sức sống. Buổi chào cờ và duyệt đội ngũ diễn ra rất nhanh chóng, các đại biểu tập trung ra Chùa thắp hương, sau đó về hội trường để nghe đảo trưởng báo cáo. Đồng chí Trương Minh Tuấn chỉ phát biểu ngắn gọn, tập trung vào tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết, sáng tạo. Tôi ghé vào trạm xá của đảo Sơn Ca, kíp quân y của Quân khu 1 đang trực tại đây cho biết: Ngoài việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bộ đội trên đảo, quân y đảo Sơn Ca còn giúp đỡ ngư dân khi đau yếu bất thường. Nhiều trường hợp phải xử lý những ca khó vượt cả điều kiện phương tiện cho phép. Ở các phân đội trực chiến, chúng tôi gặp Thiếu úy chuyên nghiệp Bùi Đức Sơn quê ở Quảng Yên, Quảng Ninh đã có vợ và một con trai 2 tuổi. Tôi hỏi đùa sao lấy vợ sớm thế? Anh cười và nói: 

-  Tại bố mẹ em đấy! Em lấy vợ là lấy cho bố mẹ chứ mới 21 tuổi đã có con buồn cười chết đi được.

Anh nhắn vợ con là yên tâm, bố sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ để mang thành tích về khoe với cu còi của bố. Ngoài sân đoàn văn công Quân khu 3 đang biểu diễn cùng bộ đội, sau phút ấy là khoảng thời gian gặp gỡ, giao lưu và chia tay. Những nhớ thương bịn rịn, những cái ôm thắm thiết, cao hơn cả là niềm tin mãnh liệt của các đại biểu trước sự quyết tâm của cán bộ và chiến sỹ.

Vì phải theo kịch bản của phim “Tổ quốc nơi đầu sóng” nên chúng tôi không tham gia các nghi lễ đón và trao quà trên đảo. Sự háo hức được nhìn lại cây bàng vuông bảy thân đã làm cho bước chân chúng tôi như nhanh hơn. Nắng sớm đã chói lòa trên biển đảo, Nam Yết giờ đây đã xanh hơn, đẹp hơn. Con đường “Thanh Niên” thẳng tắp với hai hàng cây gồm dừa, tra, mù u và bàng vuông đã gây nhiều cảm xúc cho các đại biểu. Đồng chí Thượng Tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo cho biết đang đề nghị Nhà nước công nhận cây bàng vuông bảy thân là cây di sản. Đề xuất này thật xứng đáng. Bởi vì với bề dày thời gian cũng như dáng vóc của cây cổ thụ vừa đẹp lại vừa mang nhiều yếu tố tâm linh ở nơi đầu sóng. Nhìn sang bên trái của Đảo, ngôi Chùa nhỏ mang đầy sự yên bình lặng lẽ, mùi trầm hương tỏa thơm ngào ngạt trong tiếng chuông Chùa ngân nga gợi nhớ hồn quê.

Trở lại trung tâm của Nam Yết, tôi gặp Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Vịnh đang cùng anh em chăm sóc “Vườn rau Thanh Niên” rất kiên cố. Hàng rào bằng tôn, mái lợp ni lông và rau trồng trong chậu. Chúng được tưới bằng thứ nước “thập cẩm”, gồm nước tiểu, nước vo gạo, nước rửa rau, nước rửa bát, thậm chí cả nước tắm giặt nữa. Có thể nói, mỗi cọng rau xanh là mỗi giọt mồ hôi công sức của anh em trên đảo. Chia tay chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Nam Yết nói ngắn gọn một câu: “Mong đất liền cứ yên tâm. Đảo Nam Yết nói riêng và Trường Sa nói chung xin hứa với nhân dân cả nước quyết tâm xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ Quốc”.

Sinh Tồn Đông nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý về phía Đông. Đây là hòn đảo nổi nhưng nhỏ hơn so với các đảo khác. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi gặp là các chiến sỹ công binh đang trần mình dưới nắng để làm việc. Nước da người nào cũng đen bóng, chỉ có nụ cười và hàm răng trắng là dễ nhận ra. Các anh hơi gầy nhưng rắn chắc, khỏe mạnh, gặp đại biểu nào cũng chào hỏi, vui vẻ, hòa đồng.

Sau lễ chào cờ và tặng quà chúng tôi tranh thủ đi thăm hỏi gặp gỡ cán bộ và chiến sỹ ở các phân đội. Chiến sỹ trẻ Lê Đình Đông quê ở Kim Thủy, Thanh Oai, Hà Nội, ra đảo đã được 4 tháng nhưng vẫn còn rụt rè, nhút nhát. Đông cho biết, em đã học xong câp III nhưng chưa thi được vào Đại học. Hoàn thành nghĩa vụ xong em sẽ thi vào một trường nào đó phù hợp với sở thích của mình. Đông nhắn bố mẹ và em trai hãy yên tâm, ở ngoài đảo anh em chúng con quý nhau như ruột thịt. Đông gửi chúng tôi mang quà về cho bố mẹ vỏ một con ốc rất đẹp, anh cứ dặn đi dặn lại: Các chú cố gắng về nhà cháu chơi nhé!

Ở giường bên cạnh Trung Úy Trần Đình Thành, Trưởng xuồng CQ của đảo Sinh Tồn Đông đang tranh thủ lúc khách đi thăm đảo gọi điện về cho vợ con. Dù ở xa nhưng tôi vẫn nhìn thấy anh đang nở nụ cười với vợ:

- Em à, hôm nay đảo vui lắm, đang có đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm. Em nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm con cho tốt nhé, cuối năm anh sẽ về.

Mặc dù chỉ nói nhỏ đủ cho vợ mình nghe vậy mà mấy thằng “quỷ con” vẫn nghe trộm được. Chúng nói với vào thật to: Anh hôn em nhé, mấy lị cả con mình nữa… Phòng nhỏ lại rộn rã tiếng cười. Vừa lúc Trưởng đoàn công tác bước vào, hôm nay ông mặc bộ đồ của Sỹ quan Hải quân, dù đã chuyển ngành rất lâu nhưng Cựu chiến binh - Đại Úy Trương Minh Tuấn vẫn còn giữ chuẩn tác phong Quân đội. Từ cách chào theo điều lệnh đến những câu thăm hỏi bộ đội vừa thân thiết, gần gũi và đậm đà chất quê. Những lời chia sẻ tâm huyết đã làm cho khoảng cách của người lính, người dân trên các đảo không còn cách xa, chỉ đọng lại niềm cảm xúc thẳm sâu.

Đầu giờ chiều 11/5 chúng tôi lên đảo Cô Lin. Cái nắng cuối mùa khô càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Nhiều đại biểu hỏi tại sao ở giữa biển, không có gì che khuất lại mênh mông sóng nước thế này mà vẫn nóng. Ở vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5 khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài từ 4h30’ đến khoảng 19h mới dịu. Bù lại đây lại là mùa sóng yên biển lặng, là mùa đánh bắt hải sản của bà con ngư dân và thuận tiện cho các đoàn đại biểu đi thăm các đảo ở Trường Sa.

Cuộc đón tiếp diễn ra rất nhanh gọn, Trưởng đoàn công tác cùng các đại biểu đi thăm nơi ăn, ở và làm việc của bộ đội. Lán bên phải, bộ phận công binh Hải quân đang mải mê làm việc dưới cái nắng nóng cháy da cháy thịt. Dù phải tác nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu thực phẩm tươi sống nhưng các anh nuôi tài ba tháo vát vẫn biết tìm cách cải thiện bữa ăn. Giá đỗ tự làm, rau xanh tự gieo, tự cấy, chỉ cần vài chậu đất, các loại hạt rau và 20 ngày là có thể thu hoạch được.

Ở bộ phận thông tin, Trung Úy Đinh Mạnh Tiến quê ở An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình cho biết:  Từ khi nhập ngũ, tính cho đến lúc này anh đã đi qua 5 đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Phan Vinh, Đá Nam và Cô Lin. Tôi hỏi anh đã có gia đình chưa? Tiến lắc đầu cho biết: Vẫn chưa ạ! Năm nay em mới 33 thôi mà… Anh kể lại câu chuyện trên vùng biển Gạc Ma 27 năm trước, khi lực lượng công binh ít ỏi của ta phải chống trả một lực lượng lớn của phía Trung Quốc với đầy đủ vũ khí khí tài. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, 64 Sỹ quan và chiến sỹ của chúng ta đã anh dũng hy sinh và nơi chúng ta đang đứng đây chính là nơi các anh đang yên nghỉ. Nói đến đây Tiến chùng giọng xuống, vẻ xúc động lộ rõ trên khuôn mặt. Anh chỉ nói đúng một câu: Chúng em tự hào về các anh.

Có tiếng loa thông báo, tất cả các đại biểu rời đảo để về tàu chuẩn bị cho lễ tưởng niệm. Hoàng hôn vùng biển Gạc Ma đang buông xuống. Biển lặng sóng như muốn gọi đón hương hồn các anh về. Trưởng đoàn Trương Minh Tuấn nấc nghẹn ngay trong lời đọc tưởng niệm đầu tiên. Ông khóc bởi lẽ đã một thời ông làm người lính, một thời chiến đấu hy sinh, một thời vào sinh ra tử, một thời khóc thương đồng đội và tự hào kiêu hãnh vì đồng đội.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đọc diễn văn tại Lễ tưởng niệm (Ảnh: Xuân Lộc)

Các anh ơi! 64 hương hồn Liệt sỹ trên vùng biển này sẽ sống mãi trong lòng Dân tộc. Cho phép chúng tôi, những thế hệ cùng các anh và sau các anh nhỏ những giọt lệ tiếc thương và biết ơn. Xin cầu chúc cho linh hồn các anh mãi bình yên trong lòng biển đảo Việt Nam… Nắng tắt rồi nhưng nhiều đại biểu vẫn còn đứng trên bong tàu, mắt mọi người cứ nhìn về phía biển:

Gạc Ma chiều nay nắng đẹp

Sóng rất yên, biển cũng rất yen

Triệu triệu con tim ở phía đất liền

Đang cùng chúng tôi nghiêng mình tưởng niệm

64 hương hồn Liệt sỹ

Đang nằm đây giữa biển đảo Việt Nam

Các anh nằm đây như việc phải làm

Khi giặc đến chúng ta phải đánh

Khi giặc đến chúng ta phải đuổi

Biển trời này đâu của lũ chúng bay…

Đúng 7h trên đảo Trường Sa lớn âm hưởng của Tiến Quân Ca vang lên hùng tráng. Tôi đứng hát mà lời như nghẹn lại, cảm giác thiêng liêng dâng trào trong con tim khi đứng giữa đảo Trường Sa lại được hát Quốc ca và chào cờ Tổ quốc. Được nghe đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau lễ chào cờ, chúng tôi đến thăm các hộ dân trên đảo. Tại nhà hộ dân số 3, vợ chồng anh chị Thái Nhật Tường và Nguyễn Bình Phương Ái có hai con một trai và một gái. Cháu trai đang học lớp 2 và cháu bé chuẩn bị vào mẫu giáo. Anh Trường cho biết: Mặc dù vẫn còn thiếu thốn về tình cảm và một số nhu yếu phẩm khác nhưng theo tôi đời sống của các hộ dân trên đảo Trường Sa hiện nay là tốt. Chúng tôi được Đảng bộ, chính quyền thị trấn và các chú bộ đội giúp đỡ rất nhiều. Đúng như lời anh Trường nói, buổi chiều chúng tôi đi thăm trường học, bưu điện và đặc biệt là bệnh xá của Trường Sa đã có các phương tiện tương đối hiện đại như máy siêu âm, máy chụp X quang và phòng điều trị với hơn 10 giường bệnh.

15h chiều tại một phân đội chiến đấu nằm ở cuối đảo, chúng tôi được dự một cuộc hội ngộ đầy xúc động. Đó là cuộc gặp gỡ của Phó Chính Ủy vùng 4 Hải quân Đại tá Nguyễn Công Sơn với cậu con trai thứ 2 và thuyền trưởng tàu Trường Sa 571 Trung tá Phạm Xuân Hải với cậu con trai cả. Đại tá Sơn với tác phong nhanh nhẹn, chất giọng đầm ấm nhưng mang đầy sự cương quyết, mẫu mực. Ông giấu sự xúc động trước mặt con trai bằng cách khoác tay lên vai con và nói: Con gọi tất cả đồng đội về đây để liên hoan, mẹ gửi quà cho các con đây này. Vậy là cuộc liên hoan giữa hai ông bố đều là lính Hải quân với hai cậu con trai cùng đồng đội đang có mặt ở đảo Trường Sa diễn ra ấm áp và vô cùng cảm động. Hai chàng trai mới 19 đôi mươi tuổi song đã chững chạc như một người lính thực thụ. Nguyễn Công Huân, con trai Phó Chính Ủy vùng 4 Hải Quân còn nói qua ống kính truyền hình: “Mẹ ơi, con và đồng đội vẫn khỏe, công tác tốt, con đang ở Trường Sa. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, con hoàn thành nghĩa vụ sẽ về để đi học tiếp. Mẹ cho con gửi lời thăm bà nội mẹ nhé”. Cũng có đôi chút xúc động nhưng Huân đã vượt qua cảm xúc ấy rất nhanh. Anh còn nói thêm với tôi, bọn cháu đang phấn đấu để được kết nạp Đảng.

Dáng chiều đang buông xuống, tôi nhìn nơi mép sóng thấp thoáng những sải chân của tổ tuần tra, theo sau các anh là vài chú chó cứ chạy theo như hình với bóng. Tôi đứng ngắm hoàng hôn, hình ảnh đẹp và ngộ nghĩnh ấy tạo cho chúng ta một cảm giác bình yên.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng cho Bộ Tư lệnh Hải quân 4 tỷ đồng, món quà rất ý nghĩa do Bộ TT&TT phát động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TT&TT ủng hộ Hải quân nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Xuân Lộc)

Trước khi lên nhà giàn DK17, đoàn công tác số 9 tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh trên vùng biển này. Trong lời tưởng niệm, đồng chí Phó Chính Ủy Quân chủng Hải quân đã nghẹn ngào nhắc lại những tấm gương dũng cảm hy sinh, xả thân vì nước của những người lính nhà giàn trong các năm 1990 và 1998. Khoảnh khắc của người chỉ huy nhường chiếc áo phao cuối cùng cho đồng đội, nhường sự sống cho đồng đội sẽ còn in đậm trong lòng mỗi chúng ta… DK17 đón chúng tôi trong sóng yên biển lặng, việc lên xuống của các đại biểu đã diễn ra nhanh chóng và an toàn. Sau phút nghe báo cáo của nhà giàn, các đại biểu tranh thủ gặp gỡ, đi thăm nơi ở và làm việc của các anh.

Tuy diện tích hơi nhỏ nhưng DK17 cũng hội tụ nhiều người con của các tỉnh thành: Thái Bình, Quảng Bình, Nam Định, Ninh Thuận… Nhiều miền quê đang chung một mái giàn, chung một ý chí, chung một niềm tin. Câu chuyện của người lính nhà giàn, của các đảo nổi, đảo chìm và của người dân xã đảo luôn là những câu chuyện chân thực, những khó khăn mà họ đang phải đương đầu, chưa phải một sớm một chiều có thể khắc phục được. Sự cố gắng của Đảng, nhà nước và Quân đội cho đến lúc này thật đáng ghi nhận. Các xã đảo, đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn đã và đang được đầu tư ngày một tốt hơn, tập trung hơn, hiện đại hơn.

Tuy vậy cảm nhận của Trưởng đoàn công tác số 9 Trương Minh Tuấn, người đã 6 lần đến với Trường Sa thật giản dị và sâu sắc. Ông nói: “Cứ mỗi lần rời đảo nổi, đảo chìm hoặc nhà giàn khi xuống tàu tôi vẫn khó cầm nổi lòng mình trước những tình cảm, những khó khăn và thử thách mà quân và dân Trường Sa, nhà giàn đang phải ghánh chịu”.

Chuyến thăm Trường Sa của đoàn công tác số 9 đúng vào mùa sóng yên biển lặng, song có rất nhiều những nghĩ suy trăn trở trong lòng các đại biểu. Vẫn còn nhiều việc phải làm, phải rút kinh nghiệm bởi nơi đó Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta “sóng” vẫn chưa yên. Quân và dân huyện đảo Trường Sa cùng nhân dân cả nước quyết tâm bám biển, bám đảo, quyết tâm giữ vững chủ quyền trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam.

Ấn tượng về Trường Sa, về nhà giàn trong lòng các đại biểu hẳn sẽ còn đọng mãi. Những dáng hình cháy nắng da anh, những bát canh nước nhiều rau ít, những gáo nước ngọt dội lên đầu một cách từ từ cho đỡ lãng phí, những chậu rau xanh chan trộn mồ hôi…

Nhà báo Trần Bình Tám

Cần thống nhất trong chủ trương về Học viện BCVT

(ICTPress) - Trong mấy ngày gần đây, báo giới và dư luận đã quan tâm tới thông tin về đề xuất chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) về Tập đoàn Viettel.

Là nhà báo kỳ cựu của ngành, ông Nguyễn Ngô Hồng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Bưu điện đã bày tỏ ý kiến cho biết khi Chính phủ có Quyết định 888 chuyển Học viện Công nghệ BCVT về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quản lý, nhiều cán bộ lâu năm trong ngành Bưu điện đã có tâm tư và thắc mắc bởi trước đây khi thành lập Học viện tại VNPT, Phó Thủ tướng Chính phủ khi đó đã nhấn mạnh: Đây là một bước tiến trong sự nghiệp Đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Đưa giáo dục nghiên cứu gắn liền với sản xuất, làm cho công tác nghiên cứu và đào tạo bám sát yêu cầu phục vụ của doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 888 của Chính phủ việc đưa Học viện Công nghệ BCVT về Bộ TT&TT quản lý sẽ phục vụ chung cho yêu cầu nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông của cả nước.

Cách đây ít ngày, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ TT&TT cùng 4 Bộ liên quan khác về việc chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ BCVT từ Bộ TT&TT về Tập đoàn Viettel. Nhiều cán bộ lâu năm trong Ngành, cán bộ, sinh viên Học viện đã có nhiều ý kiến và không ít câu hỏi đặt ra thế là thế nào nhỉ??? Sao lại xoay như chong chóng vậy, nếu để Học viện về Viettel thì có phải vì lợi ích nào không? có trái với tinh thần Quyết định 888 của Chính phủ không?

Tâm tư về công lao xây dựng nên ngành Bưu điện Việt Nam và lịch sử hơn 60 năm của của hàng vạn cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện Việt Nam, kể cả những người đã hy sinh cho sự nghiệp đó lại được giấy lên.

Theo nhà báo Nguyễn Ngô Hồng không nên chuyển Học viện về Viettel vì Viettel mạnh hơn VNPT mà phải là vì lợi ích chung của cả nước, nhất quán trong chủ trương đến việc làm, phải có trước có sau. Học viện nên tiếp tục do Bộ TT&TT quản lý. Đừng để xảy ra một tiền lệ không đẹp trong quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng tới niềm tin của đông đảo đảng viên và quần chúng.

Lãnh đạo ngành TT&TT qua các thời kỳ, CBCNV Học viện chụp ảnh nhân dịp Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1953 - 2013)

Trước đó, ông Nguyễn Huy Luận, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông I (nay là Học viện) cũng đã cho biết ý kiến rằng ngay từ khi được thành lập (1953), sự phát triển của Học viện đã luôn gắn liền với sự phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam, đặc biệt là của Tập đoàn VNPT. Tập đoàn đã gây dựng, tạo điều kiện cho Học viện lớn mạnh và có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, trở thành không những là một cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong hệ thống các trường đại học trên cả nước, mà còn là một cơ sở đào tạo, cung cấp nhân lực viễn thông, CNTT chất lượng cao cho VNPT nói riêng và ngành TT&TT nói chung.

Khi tách khỏi VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT theo Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều tâm tư, lưu luyến từ cả phía Tập đoàn lẫn Học viện, tuy nhiên, vì sự phát triển của học viện, vì khả năng nâng tầm hoạt động phục vụ cho xã hội, VNPT và Học viễn vẫn ủng hộ chủ trương này. "Tuy nhiên, nếu Học viện lại tiếp tục được chuyển về Tập đoàn Viettel quản lý thì điều này không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của CBCNV của VNPT cũng như của Học viện qua các thời kỳ, cũng không đúng với tinh thần của Quyết định số 888", ông Luận nêu quan điểm.

Chủ trương chung của Chính phủ khi tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn, tổng công ty lớn phải thoái vốn, dừng đầu tư ngoài ngành. Do đó, VNPT đã chuyển Học viện về Bộ TT&TT quản lý, giống như Đại học Điện lực chuyển từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Bộ Công thương quản lý...

Trong trả lời phỏng vấn báo điện tử được đăng tải trên Vietnamnet sáng nay 12/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã cho biết nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã và đang tập trung xây dựng Học viện thực sự là đơn vị sự nghiệp công lập - từng bước trở thành một trung tâm đào tạo lớn của Ngành, của đất nước trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, truyền thông cho xã hội nói chung và cho Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel nói riêng. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; tới đây Bộ sẽ bổ sung ngành đào tạo về báo chí, xuất bản, truyền thông đa phương tiện... cho Học viện theo tinh thần Quyết định số 1593/QĐ-TTg, ngày 9/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Minh Anh

Suy nghĩ về giấc mơ Việt Nam

(ICTPress) - Những ngày tháng tư lịch sử này đâu đâu cũng rợp bóng cờ bay. Không khí vui mừng khôn tả. Lòng mọi người sống lại những phút giây lịch sử hào hùng của dân tộc 40 năm về trước. Trái tim nghẹn ngào - ôi yêu lắm Việt Nam ơi. Những thành tựu mà dân tộc ta đã bỏ bao nhiêu mồ hôi công sức và cả máu xương để đổi lấy thật đáng tự hào.

Nhưng để văn hoá Việt thăng hoa hơn nữa, xứng tầm với một quốc gia có bề dày truyền thống, có tài nguyên thiên nhiên dồi dào thì cũng cần có nhiều suy nghĩ và cách làm mới.

Tự hào Việt Nam

Anh bạn tôi sống ở Australia (Úc) có kể cho tôi nghe về chuyện người Úc mỗi khi trong nhà có thực phẩm tốt nhưng không có nhu cầu sử dụng thì họ thường bao bọc cẩn thận đảm bảo vệ sinh rồi đặt lên trước một cái bàn rất lịch sự để trước cổng nhà để khách đi đường nếu ai cần thì lấy dùng mà không phải trả tiền.

Một anh bạn khác sống ở Nhật Bản thì kể câu chuyện người nông dân Nhật khi thu hoạch nông sản họ có một cái kho để cất giữ. Muốn bán lẻ, mỗi buổi sáng họ chỉ cần cân sẵn từng bọc bao nhiêu kilôgam để ghi giá tiền rồi để trên một cái sạp cạnh đường đi mà không có ai ngồi trông giữ cả. Khách đi đường thấy cần thì mua bằng cách lấy bao sản phẩm và bỏ số tiền bằng giá ghi trên bao vào thùng đựng tiền. Chiều về, người nông dân đến bê thùng tiền về là xem như xong việc bán lẻ.

Nhưng gần đây nhất có lẽ là câu chuyện cậu em họ tôi học ở Thái Lan về chơi lễ 30/4 kể. Cậu ta kể ban đêm ở bên đó cứ việc để xe bên lề đường đi ngủ bình thường mà sáng dậy thấy xe để chỗ nào vẫn còn yên chỗ ấy.

Một gian hàng đồ cũ tại Chợ xưa Đà Nẵng 27/4/2015

Ba câu chuyện trên làm tôi “thèm thuồng” và mơ ước một ngày nào đó Việt Nam chúng ta cũng sẽ được như vậy.

Thực ra, trên trái đất này ở nơi đâu cũng có kẻ tốt người xấu, kẻ ươn người giỏi chứ không dân tộc nào tốt hơn dân tộc nào. Điều quan trọng là nền giáo dục đạt đến trình độ nào. Nói như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thì việc phòng chống tham nhũng ở nước này đi từ không cho tham nhũng đến không thể tham nhũng và cuối cùng là không muốn tham nhũng. Khi đạt đến một trình độ quản lý xã hội và nhận thức nào đấy thì người ta sẽ không cần thiết phải làm việc xấu để mang về lợi quyền cá nhân cho mình. Chẳng hạn như ví dụ về Nhật Bản, nếu người đi đường lấy nông sản mà không bỏ tiền vào thùng thì chắc chủ bán cũng không biết đâu mà đòi. Nhưng họ không làm điều đó bởi họ có lòng tự trọng, không muốn ăn không của ai cái gì, không muốn người khác gọi mình là đồ hèn hạ.

Về thành tựu kinh tế, Việt Nam chúng ta từ chỗ chỉ có vài nước công nhận nền độc lập, bản đồ trên thế giới chưa có, đến nay đã xây dựng và phát triển nên kinh tế thị trường vững mạnh; từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Việt Nam đã là thành viên của khối ASEAN từ 1995, gia nhập WTO từ 2006 và chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). GDP của Việt Nam hiện đạt hơn 175 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản: hồ tiêu, gạo, cà-phê, chè, cao su, thủy sản và đồ gỗ... Đó là những tín hiệu đáng mừng trong quá trình phát triển của một đất nước. Nhưng nếu nhìn về góc độ văn hoá thì chúng ta còn nhiều điều phải làm nữa.

Hướng đến đô thị xanh

Cái gốc sâu xa của đạo đức xã hội phải xuất phát từ nền giáo dục. Một nền giáo dục trọng nhân, trọng nghĩa sẽ đào tạo ra những con người ưu tú, biết đề cao lẽ phải, biết sống chuẩn mực. Khi giáo dục còn có điểm “đen” thì còn ghập ghềnh về hệ tư tưởng xã hội trong sáng. Cốt lõi phát triển của mọi quốc gia phải xuất phát là từ nền giáo dục. Nền giáo dục tốt sẽ đào tạo ra những thế hệ người có kiến thức giỏi, chuyên môn sâu, kỹ năng vững vàng để tham gia xây dựng đất nước.

Bằng cấp của Việt Nam nói chung vẫn chưa được thế giới chấp nhận; kiến thức và kỹ năng làm việc của những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng không đạt chuẩn đào tạo của khu vực. Vai trò quyết định của giáo dục từ lâu trở thành nhận thức chung, chúng ta nhiều lần cải cách song đến nay vẫn cần phải “đổi mới căn bản, toàn diện”.

Thiết nghĩ để một nền văn hoá phát triển thì trước hết những người mà xã hội tôn vinh là thầy phải là những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Những người thầy phải thật sự chân chính, là cái nôi để nuôi dưỡng các hạt giống tâm hồn thành những cây đời xanh tươi. Một khi nền giáo dục đã đạt chuẩn, thầy ra thầy, trò ra trò, tất cả hệ thống giáo dục là một tấm gương sáng phản chiếu lên toàn xã hội thì xã hội ấy chắc chắn sẽ đẹp lên rất nhiều.

Gần đây đã xuất hiện nhiều tín hiệu vui. TP. Hồ Chí Minh có thùng trà đá từ thiện. Đài truyền hình VTV có nguyên chuyên mục Việc tử tế. Đặc biệt, Đà Nẵng phát động một năm Văn minh văn hoá đô thị. Và nhiều nhiều nhiều tín hiệu khác nữa… Hy vọng những hạt nhân này sẽ lan toả mạnh để lấn át đi cái xấu, làm cho xã hội ngày một đẹp lên, để kỷ niệm 50 năm, 60 năm ngày thống nhất, Việt Nam sẽ là điểm đến của văn hoá, văn minh nhân loại.

Trịnh Quang

40 năm thống nhất đất nước: Bài học đại đoàn kết còn nguyên giá trị

(ICTPress) - Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát đang dần vơi đi cùng năm tháng, những con gười của một thời lửa đạn đã và đang hoà vào nhịp sống hối hả trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.

Nói như vậy không phải chúng ta đã quên đi quá khứ, quên đi những năm tháng chiến tranh ác liệt, quên đi đồng chí, đồng đội, đồng bào đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau vào sinh ra tử… Vẫn còn nguyên đó vết đau chiến tranh, còn nguyên những nghĩ suy trăn trở và bài học dựng nước, giữ nước mà đỉnh cao là tinh thần đại đoàn kết dân tộc- một thứ vũ khí làm nên mọi chiến thắng của Cách mạng Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia gồm 54 dân tộc được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước đã tạo nên một dân tộc thống nhất. Các dân tộc ở nước ta luôn sống gắn bó cùng nhau từ lâu đời, sớm có ý thức đoàn kết, giúp đỡ nhau trong việc chinh phục thiên nhiên, trong chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng đất nước. Sự đoàn kết giữa các cộng động dân tộc đã tạo nên một quốc gia đa dân tộc bền vững, thống nhất.

Trong suốt quá trình Cách mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng và nhà nước Việt Nam về chính sách dân tộc là nhất quán theo nguyên tắc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển.

Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng của chính sách dân tộc về quyền của các dân tộc thiểu số. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội được đảm bảo bằng Hiến pháp và Pháp luật. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc trước hết là quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu hiện chia rẽ, kì thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti dân tộc…

Nhờ vào chính sách đúng đắn đó mà nhân dân 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã cùng chung sống lâu đời bên nhau, gắn bó máu thịt với nhau, no đói có nhau, vinh nhục cùng nhau, đồng cam cộng khổ, sống chết một lòng sát cánh cùng nhau dựng nước và giữ nước. Ví dụ ở Đắk Lắk ngày trước chỉ có vài dân tộc, nay đã có 36 dân tộc, ở Bà Rịa - Vũng Tàu có 27 dân tộc cùng chung sống hoà thuận; Trước đây người Tày, người H’Mông sống trên núi cao phía Bắc, nay đã tới sống ở Tây Nguyên, Vũng Tàu… Điều đó cho thấy một chân lý: “Dân tộc Việt Nam là một, Tổ quốc Việt Nam là một.” Chân lý đó đang được toàn Đảng, toàn dân chăm lo, xây đắp. Truyền thống đoàn kết luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát triển trong suốt tiến trình hàng nghìn năm lịch sử, gắn kết các dân tộc chung sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Ảnh: ttbd.gov.vn

Trước năm 1975 hàng triệu người Việt Nam đã tham gia bộ máy chính quyền, quân đội, cảnh sát của chế độ Sài Gòn. Sau khi miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, họ đã trở lại trong lòng dân tộc, cuộc sống gia đình, bản thân và vợ con họ được bảo đảm. Nhiều người được sử dụng đúng với khả năng, sở trường, trở thành Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, viên chức trong cơ quan nhà nước… Ông Nguyễn Hữu Có, nguyên Trung tướng trong Quân lực Sài Gòn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã có bài tham luận tại hội thảo khoa học thực tiễn nhân kỷ niệm 71 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, trong đó có đoạn viết: “Từ sau ngày đất nước thật sự độc lập và thống nhất đã có rất nhiều chuyển biến, không phải chỉ là một mặt mà ở nhiều mặt, không phải chỉ ở một phía mà nhiều phía. Tôi ra đường bây giờ ai cũng gọi tôi là anh, là bác, tôi đã chọn ở lại với quê hương, với dân tộc tôi và tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc…”

Mùa xuân năm 2004, Nguyên cố Phó Tổng thống của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 Nguyễn Cao Kỳ  về thăm đất nước đã nói: “Trước đây, do có sự áp đặt của ngoại bang, Tổ quốc ta như một cơ thể bị chia cắt ra từng khúc, nay quý vị làm được sự thống nhất trở lại. Tôi thấy từ trong đường gân thớ thịt mạch máu lưu thông, sức sống cho một cơ thể thống nhất đang phát triển từng ngày không gì cản trở được…” Không cần phải bình luận gì thêm về những phát biểu trên của ông Nguyễn Hữu Có và ông Nguyễn Cao Kỳ, những người từng có chức vụ rất cao trong bộ máy chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Nó chính là sự phê phán mạnh mẽ và bác bỏ luận điệu xuyên tạc đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng và nhà nước ta.

Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ và thực hiện chính sách dân tộc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 5 Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992). Các nghị quyết Đại hội Đảng từ lần thứ IX-X-XI đều khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp Cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Nghị quyết Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X). Tuy nhiên, so với vùng đồng bằng và các vùng đã phát triển tương đối thì vùng núi và vùng dân tộc thiểu số còn là vùng khó khăn nhất. Tỷ lệ nghèo ở các vùng này còn cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào ở một số vùng còn thấp. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Vẫn còn nhiều các thế lực thù địch dễ lợi dụng vấn đề dân tộc để “Diễn biến hoà bình - Bạo loạn lật đổ”, chống phá Cách mạng Việt Nam.

Chủ nghĩa để quốc và các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thông qua chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, tăng cường lợi dụng vấn đề dân tộc để tạo cớ can thiệp nhằm thực hiện “Diễn biến hoà bình- Bạo loạn lật đổ” đối với Việt Nam. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta, sự thoái hoá biến chất, tình trạng tham nhũng trong một số cán bố, Đảng viên để tuyên truyền kích động, phá hoại tư tưởng, gây hoang mang dao động, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng  CNXH, tạo xu hướng chống đối từ bên trong.

Chúng tìm cách xây dựng khu “tự trị” của người dân tộc thiểu số, hình thành lực lượng đối lập, đối trọng với chính quyền nhằm tạo ra một cơ sở xã hội không ổn định, suy yếu từ bên trong để khi có điều kiện sẽ thực hiện “Diễn biến hoà bình - Bạo loạn lật đổ” đối với chế độ XHCN ở Việt Nam. Các thế lực thù địch sẽ tăng cường hỗ trợ, kích động, chỉ đạo lực lượng phản động trong và ngoài nước tổ chức móc nối, tập hợp lực lượng nhằm tạo thế và lực cả bên trong và bên ngoài, đặc biệt là lực lượng chống đối từ bên trong, từng bước đẩy một số người trong đồng bào thiểu số công khai đối đầu với chính quyền theo hướng “hợp pháp hoᔓquốc tế hoá”, sau đó phối hợp với lực lượng phàn động khác để thực hiện “Diễn biến hoà bình- Bạo loạn lật đổ”, xoá bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam…

Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thông qua nhiều hình thức, nhiều lực lượng để tăng cường “điều tra”, nắm bắt tình hình dân tộc để hỗ trợ, kích động các lực lượng phản động trong người dân tộc thiểu số tổ chức hoạt động chống đối, tạo ra những “vùng nóng dân tộc” lấy cớ can thiệp để hướng, lái Việt Nam đi lệch hướng khỏi quỹ đạo XHCN.

Nhìn lại chặng đường 40 năm nước nhà hoàn toàn thống nhất, bài học đại đoàn kết dân tộc vẫn nguyên giá trị cà chắc chắn sẽ mãi mãi trường tồn. Trong không khí phấn khởi của cả nước kỉ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách phấn đấu đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang.

Trần Bình Tám

Người dùng phản ứng vì Viettel giới hạn thời gian khuyến mãi

Đề xuất mới đây của Viettel về việc tài khoản khuyến mãi của các thuê bao di động sẽ hết hạn sử dụng sau một thời gian nhất định (thường là 20 ngày) đã lập tức vấp phải sự phản ứng từ phía người dùng.

Ảnh minh họa

Như VietNamNet đã đưa tin, hôm 3/4, phát biểu tại Hội nghị giao ban QLNN quý I/2015 của Bộ TT&TT, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã đưa ra đề xuất nói trên, với lập luận rằng nếu người dùng cứ đợi dịp khuyến mại để nạp tiền, cộng dồn tài khoản khuyến mại sẽ khiến cho nhà mạng khó phát triển, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông.

Tuy nhiên, ngay sau khi bài báo được đăng tải, nhiều người dùng đã cho biết, tài khoản khuyến mại của họ thực ra đã bị giới hạn thời gian ngay từ tháng 1/2015. Chị Thúy Hạnh, chủ số thuê bao 0988222xxx cho biết, cuối tháng 1, chị nạp 1 triệu đồng vào tài khoản nhân dịp Viettel đang có khuyến mãi 50%. Tuy nhiên, chỉ sau 20 ngày, tài khoản khuyến mại trị giá 500.000 đồng đã hết hiệu lực sử dụng, và toàn bộ số tiền khuyến mãi này cũng không được bảo lưu. "Tôi không hề được nhà mạng thông báo trước về việc áp dụng thời hạn này nên rất bất ngờ. Gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng thì được giải thích đó là "Chính sách mới". Nếu biết trước thì tôi đã không bao giờ nạp nhiều tiền như vậy. Thực chất việc sử dụng hết 500.000 đồng trong 20 ngày là không thể", chị Hạnh cho biết.

Tương tự, chị Lan Anh, chủ số thuê bao 0983447xxx cho biết, chị cũng bắt gặp tình trạng bị giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi mà không nhận được bất cứ thông báo nào trước đó từ phía nhà mạng. "Một số bạn bè tôi dùng Viettel cũng bị như vậy, nhưng điều khó hiểu nhất là khi nhắn tin hay gọi điện, thì nhà mạng lại trừ tài khoản chính của chúng tôi trước, còn tài khoản khuyến mại lại không trừ. Thành ra đến khi hết thời hạn khuyến mại, số tiền không được bảo lưu còn rất nhiều, trong khi tài khoản chính lại chỉ còn ít tiền".

Ngay trên một số diễn đàn và mạng xã hội như Facebook, tinhte, người dùng cũng đã có những phản ánh tương tự. Cụ thể, khi khách hàng nạp dưới 50.000 đồng sẽ chỉ có hiệu lực 7 ngày sử dụng, nạp từ 50.000 đồng đến dưới 100.000 đồng có 10 ngày sử dụng, từ 100.000 đồng đến dưới 200.000 đồng có 15 ngày sử dụng và trên 200.000 đồng có 20 ngày sử dụng…. Quá thời hạn sử dụng, số tiền trong tài khoản khuyến mại (nếu còn) sẽ không được bảo lưu. Khá nhiều người dùng lập luận rằng, khi Viettel đã tặng thêm số tiền khuyến mại cho người dùng thì số tiền đó về bản chất thuộc sở hữu của thuê bao, và việc họ sẽ sử dụng "tài sản" đó như thế nào, trong bao lâu là quyền của mình, không thể do Nhà mạng quyết định được.

Theo ghi nhận của VietNamNet, tại thời điểm này, mới chỉ có các thuê bao Viettel bị ảnh hưởng. Đại diện của cả MobiFone và VinaPhone đều khẳng định, họ chưa áp dụng chính sách này trên hệ thống của mình.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet trưa 4/4, lãnh đạo Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết, Viettel đã áp dụng quy định này được một thời gian và "thấy có hiệu quả" nên quyết định đề xuất với cơ quan quản lý ban hành quy định chung, áp dụng cho các nhà mạng khác để cùng thực hiện thống nhất. "Việc giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại giúp Viettel có điều kiện để tăng tần suất chương trình khuyến mại để những khách hàng có nhu cầu thực sự sẽ dễ tiếp cận khuyến mại và được khuyến mại nhiều hơn". Vị này cũng tiết lộ tới đây, Viettel sẽ tăng tần suất khuyến mại từ 2 lần/tháng lên 3 lần/tháng.

Lãnh đạo Viettel Telecom cũng đưa ra những cơ sở của đề xuất, như việc Tài khoản khuyến mại không giới hạn thời gian sử dụng sẽ dẫn tới tồn tiền khuyến mại lâu năm và không thực hiện đúng quy định về thời gian khuyến mại (theo khoản 4 điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP và khoản 8 điều 8 thông tư 11/2010/TT-BTTTT: chỉ được khuyến mại tối đa 90 ngày trong một năm). Theo Viettel, trên thực tế có khách hàng tồn tài khoản kéo dài tới 3 năm, 5 năm và nhóm khách hàng này cũng không có nhu cầu sử dụng, không quan tâm đến tài khoản khuyến mại gây lãng phí.

"Trước khi áp dụng thời gian sử dụng cho tài khoản khuyến mại, Viettel đã tính toán để đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng. Thống kê thực tế cũng cho thấy, quy định này chỉ tác động đến 2% khách hàng không có nhu cầu sử dụng khuyến mại, 98% khách hàng còn lại không bị ảnh hưởng vì đã sử dụng hết phần tiền khuyến mại nhưng thời hạn sử dụng vẫn còn", vị này khẳng định.

Trọng Cầm

Vietnamnet

Một vài câu hỏi đặt ra từ vụ lộ 50.000 tài khoản khách hàng của VNPT

(ICTPress) - Ngày 14/3/2015, theo thông tin của SecurityDaily.NET thì có khoảng hàng chục nghìn tài khoản khách hàng (nhóm hacker DIE group nói chỉ khoảng 10.000, nhưng có thông tin là 50.000) của tập đoàn VNPT bị lộ (bị hack).

Trước vụ việc trên, người viết xin đặt ra một số vấn đề liên quan tới khủng hoảng truyền thông và vấn đề kỹ thuật chưa rõ:

1. Tính dễ tổn thương (Vulnerability): VNPT là một tập đoàn viễn thông lớn của VN, với hàng triệu thuê bao trên mạng cố định và di động. Như vậy, việc rò rỉ hay bị tấn công làm lộtài khoản người sử dụng là một vấn đề quan trọng, nhiều người quan tâm. Nó cho thấy mức độ dễ bị tổn thương  ngay ở một tập đoàn lớn và gây ra sự lo ngại ở người sử dụng, lo ngại mức độ an ninh trên không gian điều khiển (cyberspace).

2. Viễn thông là một ngành cạnh tranh khốc liệt. Các đối thủ sẽ không bỏ lỡ cơ hội để “bỏ đá xuống giếng”. Chỉ hai ngày qua hàng chục các báo lớn như Tuổi trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnMedia, Vietnamnet,… đã đưa tin và cho thấy tốc độ lan truyền này cao. Khả năng “Go Viral” là rất lớn.

3. Các vấn đề về an ninh mạng đang xảy ra khá thường xuyên và hiện nay chưa có vụ điển hình chú ý dư luận vì vậy vụ này sẽ được coi như một case cần quan tâm.

4. Hiện nay, thị trường an ninh mạng chưa phát triển lắm nhiều khả năng những công ty mạng này sẽ tham gia đẩy mạnh nhận thức về an ninh (raise awareness) cho mọi người.BKAV là một ví dụ, công ty này khá tích cực trong việc đưa ra nhận định tình hình.

Một số các vấn đề kỹ thuật chưa rõ:

1. SecurityDaily liên quan thế nào đến vụ hack kia? Cụ thể, khi quan sát kỹ bức ảnh chụp màn hình chia sẻ liên kết tải danh sách người dùng VNPT tại Sóc Trăng, có thể thấy nhóm danh sách DIE Group được đặt ở chế độ kín, tức là chỉ những thành viên của nhóm mới xem được các thông tin. Ảnh chụp cũng ghi rõ nhóm này có tổng cộng 14 thành viên. Vì vậy, việc SecurityDaily có được bức ảnh chụp màn hình chia sẻ thông tin của nhóm tin tặc, xuất hiện nghi vấn SecurityDaily có mối liên hệ trực tiếp với nhóm tin tặc này.

2. Thực chất của vụ tấn công này chưa rõ. Theo thông tin của ban IT-VAS thì do một module phần mềm tra cứu thông tin khách hàng tại một chi nhánh của VNPT Sóc Trăng. Lỗi được nghi vấn là SQL Injection, tuy nhiên có thực thế không còn phải điều tra.

3. Ngoài module này liệu VNPT còn có những lỗ hổng nào khác đã bị khai thác và chưa công bố không?

4. Năng lực của lập trình viên, cán bộ CNTT của VNPT trước tình hình này? Thông tin bị lộ bao gồm mã số khách hàng, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản đăng nhập và mật khẩu? Mật khẩu này dạng mã hóa hay plaintext (không hề mã hóa?). Theo thông tin thì hình như không mã hóa nên có thể thấy được rõ ràng. Nếu như vậy đây là một lỗi lập trình sơ đẳng và cẩu thả khi thiết kế chương trình.

Trung Thành