40 năm thống nhất đất nước: Bài học đại đoàn kết còn nguyên giá trị

(ICTPress) - Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát đang dần vơi đi cùng năm tháng, những con gười của một thời lửa đạn đã và đang hoà vào nhịp sống hối hả trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.

Nói như vậy không phải chúng ta đã quên đi quá khứ, quên đi những năm tháng chiến tranh ác liệt, quên đi đồng chí, đồng đội, đồng bào đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau vào sinh ra tử… Vẫn còn nguyên đó vết đau chiến tranh, còn nguyên những nghĩ suy trăn trở và bài học dựng nước, giữ nước mà đỉnh cao là tinh thần đại đoàn kết dân tộc- một thứ vũ khí làm nên mọi chiến thắng của Cách mạng Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia gồm 54 dân tộc được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước đã tạo nên một dân tộc thống nhất. Các dân tộc ở nước ta luôn sống gắn bó cùng nhau từ lâu đời, sớm có ý thức đoàn kết, giúp đỡ nhau trong việc chinh phục thiên nhiên, trong chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng đất nước. Sự đoàn kết giữa các cộng động dân tộc đã tạo nên một quốc gia đa dân tộc bền vững, thống nhất.

Trong suốt quá trình Cách mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng và nhà nước Việt Nam về chính sách dân tộc là nhất quán theo nguyên tắc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển.

Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng của chính sách dân tộc về quyền của các dân tộc thiểu số. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội được đảm bảo bằng Hiến pháp và Pháp luật. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc trước hết là quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu hiện chia rẽ, kì thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti dân tộc…

Nhờ vào chính sách đúng đắn đó mà nhân dân 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã cùng chung sống lâu đời bên nhau, gắn bó máu thịt với nhau, no đói có nhau, vinh nhục cùng nhau, đồng cam cộng khổ, sống chết một lòng sát cánh cùng nhau dựng nước và giữ nước. Ví dụ ở Đắk Lắk ngày trước chỉ có vài dân tộc, nay đã có 36 dân tộc, ở Bà Rịa - Vũng Tàu có 27 dân tộc cùng chung sống hoà thuận; Trước đây người Tày, người H’Mông sống trên núi cao phía Bắc, nay đã tới sống ở Tây Nguyên, Vũng Tàu… Điều đó cho thấy một chân lý: “Dân tộc Việt Nam là một, Tổ quốc Việt Nam là một.” Chân lý đó đang được toàn Đảng, toàn dân chăm lo, xây đắp. Truyền thống đoàn kết luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát triển trong suốt tiến trình hàng nghìn năm lịch sử, gắn kết các dân tộc chung sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Ảnh: ttbd.gov.vn

Trước năm 1975 hàng triệu người Việt Nam đã tham gia bộ máy chính quyền, quân đội, cảnh sát của chế độ Sài Gòn. Sau khi miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, họ đã trở lại trong lòng dân tộc, cuộc sống gia đình, bản thân và vợ con họ được bảo đảm. Nhiều người được sử dụng đúng với khả năng, sở trường, trở thành Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, viên chức trong cơ quan nhà nước… Ông Nguyễn Hữu Có, nguyên Trung tướng trong Quân lực Sài Gòn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã có bài tham luận tại hội thảo khoa học thực tiễn nhân kỷ niệm 71 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, trong đó có đoạn viết: “Từ sau ngày đất nước thật sự độc lập và thống nhất đã có rất nhiều chuyển biến, không phải chỉ là một mặt mà ở nhiều mặt, không phải chỉ ở một phía mà nhiều phía. Tôi ra đường bây giờ ai cũng gọi tôi là anh, là bác, tôi đã chọn ở lại với quê hương, với dân tộc tôi và tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc…”

Mùa xuân năm 2004, Nguyên cố Phó Tổng thống của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 Nguyễn Cao Kỳ  về thăm đất nước đã nói: “Trước đây, do có sự áp đặt của ngoại bang, Tổ quốc ta như một cơ thể bị chia cắt ra từng khúc, nay quý vị làm được sự thống nhất trở lại. Tôi thấy từ trong đường gân thớ thịt mạch máu lưu thông, sức sống cho một cơ thể thống nhất đang phát triển từng ngày không gì cản trở được…” Không cần phải bình luận gì thêm về những phát biểu trên của ông Nguyễn Hữu Có và ông Nguyễn Cao Kỳ, những người từng có chức vụ rất cao trong bộ máy chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Nó chính là sự phê phán mạnh mẽ và bác bỏ luận điệu xuyên tạc đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng và nhà nước ta.

Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ và thực hiện chính sách dân tộc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 5 Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992). Các nghị quyết Đại hội Đảng từ lần thứ IX-X-XI đều khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp Cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Nghị quyết Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X). Tuy nhiên, so với vùng đồng bằng và các vùng đã phát triển tương đối thì vùng núi và vùng dân tộc thiểu số còn là vùng khó khăn nhất. Tỷ lệ nghèo ở các vùng này còn cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào ở một số vùng còn thấp. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Vẫn còn nhiều các thế lực thù địch dễ lợi dụng vấn đề dân tộc để “Diễn biến hoà bình - Bạo loạn lật đổ”, chống phá Cách mạng Việt Nam.

Chủ nghĩa để quốc và các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thông qua chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, tăng cường lợi dụng vấn đề dân tộc để tạo cớ can thiệp nhằm thực hiện “Diễn biến hoà bình- Bạo loạn lật đổ” đối với Việt Nam. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta, sự thoái hoá biến chất, tình trạng tham nhũng trong một số cán bố, Đảng viên để tuyên truyền kích động, phá hoại tư tưởng, gây hoang mang dao động, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng  CNXH, tạo xu hướng chống đối từ bên trong.

Chúng tìm cách xây dựng khu “tự trị” của người dân tộc thiểu số, hình thành lực lượng đối lập, đối trọng với chính quyền nhằm tạo ra một cơ sở xã hội không ổn định, suy yếu từ bên trong để khi có điều kiện sẽ thực hiện “Diễn biến hoà bình - Bạo loạn lật đổ” đối với chế độ XHCN ở Việt Nam. Các thế lực thù địch sẽ tăng cường hỗ trợ, kích động, chỉ đạo lực lượng phản động trong và ngoài nước tổ chức móc nối, tập hợp lực lượng nhằm tạo thế và lực cả bên trong và bên ngoài, đặc biệt là lực lượng chống đối từ bên trong, từng bước đẩy một số người trong đồng bào thiểu số công khai đối đầu với chính quyền theo hướng “hợp pháp hoᔓquốc tế hoá”, sau đó phối hợp với lực lượng phàn động khác để thực hiện “Diễn biến hoà bình- Bạo loạn lật đổ”, xoá bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam…

Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thông qua nhiều hình thức, nhiều lực lượng để tăng cường “điều tra”, nắm bắt tình hình dân tộc để hỗ trợ, kích động các lực lượng phản động trong người dân tộc thiểu số tổ chức hoạt động chống đối, tạo ra những “vùng nóng dân tộc” lấy cớ can thiệp để hướng, lái Việt Nam đi lệch hướng khỏi quỹ đạo XHCN.

Nhìn lại chặng đường 40 năm nước nhà hoàn toàn thống nhất, bài học đại đoàn kết dân tộc vẫn nguyên giá trị cà chắc chắn sẽ mãi mãi trường tồn. Trong không khí phấn khởi của cả nước kỉ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách phấn đấu đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang.

Trần Bình Tám

Tin nổi bật