Sửa đổi bổ sung Hiến pháp là để đưa đất nước tiến lên

(ICTPress) - Ngày 18/8 vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp phiên toàn thể lần thứ 4 để cho ý kiến về Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi). Dự thảo sơ bộ Hiến pháp (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 tới.

Nhân dịp này, ICTPress giới thiệu bài viết “Sửa đổi bổ sung Hiếp pháp là để đưa đất nước tiến lên” của nhà báo Trần Bình Tám đến bạn đọc để hiểu hơn việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992.


Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Qua các thời kỳ kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi lần bổ sung sửa đổi Hiến pháp đều nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Trên tinh thần kế thừa và phát huy những nội dung cơ bản của các Hiến pháp trước đó, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất khóa XIII và các kỳ tiếp theo, Quốc hội đã thảo luận việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 không ngoài mục đích đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phù hợp với ý nguyện của toàn dân nhằm đưa đất nước tiến lên.

Điểm lại hoàn cảnh ra đời của các Hiến pháp trước đây chúng ta nhận thấy Hiến pháp năm 1946 đã ra đời sau cuộc cách mạng tháng 8/1945 thành công. Cùng với việc bảo vệ nền độc lập của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân ta phải tiến hành xây dựng chính quyền và ban hành các văn bản pháp luật. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, nhà nước ta đã xác định việc xây dựng một bản Hiến pháp là 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ. Cũng tại phiên họp này Hồ Chủ Tịch đã khẳng định: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân phong kiến không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ”*. Mặc dù do hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu nghị viện nhân dân không có điều kiện thực hiện. Vì vậy, Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố, nhưng Chính phủ cùng Ban Thường vụ Quốc hội luôn dựa vào tinh thần và nội dung của Hiến pháp để chỉ đạo mọi hoạt động của Nhà nước, lãnh đạo toàn dân làm cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Tổng hợp toàn bộ nội dung Hiến pháp năm 1946 chúng ta thấy mang nhiều dấu ấn của Hiến pháp các nhà nước Tư sản. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ được Đảng và nhân dân ta đặt ra lúc bấy giờ, chứ chưa phải là mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa như các giai đoạn sau này của Hiến pháp năm 1959, 1980. Đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp này cũng thu hẹp hơn, chỉ tập trung vào quy định những vấn đề cơ bản liên quan đến việc tổ chức quyền lực Nhà nước mà không mở rộng đối tượng điều chỉnh trong các lĩnh vực khác như văn hóa, kinh tế, xã hội như các Hiến pháp sau này…

Theo đó việc bổ sung điều chỉnh các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 đều dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp của từng thời kỳ, phải căn cứ vào nội dung cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và một số các văn kiện khác của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp để dửa đổi bổ sung những nội dung cần thiết đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này là khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong cương lĩnh (bổ sung phát triển năm 2011) đó là, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vai trò và trách nhiệm đó được lịch sử giao phó và nhân dân thừa nhận việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được thực hiện theo một trình tự đặc biệt được quy định tại Hiến pháp. Cả quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp đều được sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng. Thông thường, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp công việc xây dựng, sửa đổi và bổ sung Hiến pháp và trước khi trình Quốc hội chính thức thông qua bản dự thảo thường được một hội nghị Trung ương xem xét cho ý kiến dựa trên cơ sở tham gia đóng góp xây dựng của mọi tầng lớp nhân dân.

Như vậy việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một việc làm bình thường, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Thực tiễn cho thấy, nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp góp phần đưa đất nước tiến lên theo đúng mục tiêu đặt ra là nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trên thực tế, Đảng và nhà nước ta đang ra sức phấn đấu cho một đất nước vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Mục tiêu đó không phải là xa vời mà nó đã và đang trở thành hiện thực.

Trước bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khủng hoảng kinh tế ở khắp toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh và các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở khắp mọi nơi, Đảng và nhà nước Việt Nam vẫn bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đứng vững trước những thử thách và khó khăn vô cùng ác liệt. Chủ động kiềm chế lạm phát, kiên định phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước đưa nền đất nước tiến lên. Hơn nữa việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp là công việc nội bộ của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và biên giới quốc gia của các nước, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, đồng thời góp phân xây dựng và bảo vệ nền hòa bình của khu vực và thế giới.

Nhân dân Việt Nam hiểu và tôn trọng những thành quả mà Đảng, Bác Hồ và toàn thể nhân dân đã giành được từ trong khổ đau lầm than và nô lệ. Chúng ta quyết không chấp nhận những kẻ cố tình quay lưng lại với con đường cách mạng Việt Nam, cố tình xuyên tạc, nói xấu và chống lại đường lối quan điểm của Đảng, chống lại nhân dân Việt Nam trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ đoạn và âm mưu của những kẻ phản nghịch không làm cho nhân dân Việt Nam dao động, hoài nghi mà ngược lại còn coi hành động đó là quá tầm thường, hoàn toàn không xuất phát từ lòng tự trọng và tự tôn dân tộc. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tin tưởng vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, tin tưởng và ủng hộ, góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 của toàn Đảng, toàn dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước tiến lên.

Trần Bình Tám

* HCM toàn tập - trang 356

Tin nổi bật