Syndicate content

Nghề báo

"Đấu" với báo chí, Tổng thống Đức phải từ chức

Tóm tắt: 

Tổng thống Đức không thể đủ khả năng đối mặt với áp lực xung quanh lùm xùm vụ vay tiền mua nhà, lạm quyền và cố gắng không cho báo chí phanh phui sự việc.

Tổng thống Đức không thể đủ khả năng đối mặt với áp lực xung quanh lùm xùm vụ vay tiền mua nhà, lạm quyền và cố gắng không cho báo chí phanh phui sự việc.

Tổng thống Đức Christian Wulff hôm nay (17/2) đã tuyên bố từ chức sau vụ bê bối làm chấn động đất nước. Ông Wulf - người mới chỉ nắm cương vị đứng đầu nhà nước kể từ năm 2010 buộc phải ra đi vì quá nhiều áp lực.

Quyết định từ chức được đưa ra sau khi các công tố viên đề nghị tước bỏ quyền miễn trừ của ông Christian Wulff để phục vụ cho công tác điều tra về tội lạm quyền. Họ cho rằng đã có những "dấu hiệu thực tế" của việc ông Wulff có những mối quan hệ không phù hợp đáng nghi vấn với các nhà điều hành doanh nghiệp.

Tổng thống Đức Christian Wulff buộc phải ra đi sau vụ bê bối. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải huỷ chuyến thăm người đồng cấp Italia Mario Monti vì rắc rối này. Ông Wulff, một thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel đã được đích thân bà chọn lựa vào ghế tổng thống. Sự ra đi của ông khiến bà phải xao nhãng trong khi nỗ lực tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ lan khắp châu Âu.

Tổng thống của Đức có ít thực quyền, vai trò mang tính chất nghi thức là chủ yếu, nhưng được xem là hình mẫu của uy tín và đạo đức. Và có lẽ đó là lý do vì sao ông Wulff phải ra đi. Trong bài phát biểu từ chức tại dinh thự của ông ở Berlin, Tổng thống Đức nhấn mạnh rằng, ông đã "luôn hành động đúng với quy định của luật pháp" nhưng thừa nhận đã "mắc sai lầm".

Ông đã đánh mất lòng tin của người dân Đức, Wulff nói, và làm xao nhãng các vấn đề hiện tại. "Đất nước chúng ta cần một tổng thống có thể hiến mình cho những thách thức quốc gia và quốc tế", ông Wulff nhấn mạnh.

Vị tổng thống 52 tuổi đã can dự vào một vụ bê bối xảy ra từ giữa tháng 12 năm ngoái, khi có những thông tin cho rằng, ông đã nhận khoản vay cá nhân lớn từ vợ một người bạn giàu có trong thời kỳ ông là thống đốc bang Hạ Saxony.

Vụ việc càng bị đẩy lên cao trong tháng 1 với những chỉ trích gay gắt xung quanh cuộc gọi đầy tức giận của ông tới tổng biên tập báo Bild bán chạy nhất nước Đức trước khi họ đăng tin về khoản vay trên. Tờ Bild cho rằng, ông Wulff đã cố gắng liên lạc với tổng biên tập Diekmann nhưng không thành công vì ông này đang đi công tác. Tổng thống Đức sau đó đã để lại tin nhắn trong hộp thư trên điện thoại di động của tổng biên tập tờ Bild. Tin nhắn khá tức giận và ông Wulff đe dọa sẽ có "hậu quả" nếu tờ báo tung ra bài viết về khoản vay của ông. Ông Wulff còn liên lạc với Chủ tịch hãng xuất bản tờ Bild Matthias Doepfner để thúc giục ông gây sức ép khiến Bild rút lại bài báo. Nhưng Doepfner từ chối.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra được tiến hành với ông lại xảy ra theo hướng khác. Các công tố viên tại Hannover, thủ phủ Hạ Saxony hôm thứ năm cho hay, họ có những "nghi ngờ ban đầu" rằng, ông Wulff đã tiếp nhận không phù hợp hoặc tương tự như vậy một số lợi ích trong mối quan hệ của ông với David Groenewold – nhà sản xuất phim. Công tố viên yêu cầu tước bỏ quyền miễn trừ với ông để họ có thể tiến hành điều tra - động thái chưa từng có chống lại một tổng thống Đức.

Trong một tuyên bố, họ nói Groenewold cũng bị nghi ngờ.

Ông Wulff phải đối mặt với những cáo buộc rằngGroenewold - người có phim được cấp bảo lãnh vay vốn bởi chính quyền Hạ Saxony – đã trả tiền để ông Wulff và vợ ông ở trong một khách sạn sang trọng tại hòn đảo nghỉ dưỡng Sylt của Đức năm 2007.

Quyết định từ chức của ông Wulff đã gây khó khăn cho bà Merkel - người vẫn lên tiếng bảo vệ ông - khi bà đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Liên minh trung hữu của bà dễ xảy ra tranh giành nội bộ, nghĩa là bà phải tìm một ứng viên đồng thuận với phía đối lập. Một cuộc họp đặc biệt của quốc hội sẽ phải chọn ra người thay thế trong vòng 30 ngày.

Trong khi nghi ngờ ban đầu về việc làm sai trái thường không dẫn tới cáo buộc ở Đức, thì quyết định của công tố viên lại là cú đánh lớn với Wulff - người mà danh tiếng và quyền lực đã bị xói mòn trong suốt hai tháng qua.

Ở một tin tức khác, người phát ngôn lâu năm của ông Wulff - Olaf Glaeseker - người bị ông sa thải hồi tháng 12 mà không hề có lời giải thích - đang bị điều tra vì những cáo buộc tham nhũng do dính líu với việc tổ chức các hội nghị doanh nghiệp.

Trước đó, Andrea Nahles, tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội đối lập nói rằng, đảng của bà sẽ bỏ phiếu để tước quyền miễn trừ của ông Wulff và rằng ông này nên ra đi. "Chưa bao giờ xảy ra trước đây việc công tố viên Đức xem xét khả năng cần thiết điều tra một người đứng đầu nhà nước", Nahles nói.

Thái An

(Theo Vietnamnet/Guardian)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

“Làm báo là lí tưởng chứ không đơn giản là nghề kiếm sống”

Tóm tắt: 

“Tôi rất thích một câu trong cuốn sách “40 năm nói láo” của Vũ Bằng:… Mẹ ơi con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”

“Tôi rất thích một câu trong cuốn sách “40 năm nói láo” của Vũ Bằng:… Mẹ ơi con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” - Nhà báo Đà Trang (Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) đã bắt đầu cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận bằng lời trích dẫn đó để sẻ chia cảm xúc yêu nghề.

Nhà báo Đà Trang, phóng viên báo Tuổi trẻ TP. HCM

Cuộc trò chuyện đủ để tôi hình dung về một tình yêu mãnh liệt, sâu lắng với những phút trải lòng về nghề, về thể loại mà anh đam mê: phỏng vấn!

Tôi là “con người Tuổi Trẻ”

Anh học báo, làm báo rồi “chung tình” với Tuổi Trẻ hơn chục năm nay. Tôi cho sự thủy chung ấy thật hiếm có. Anh không thích thay đổi hay có điều gì giữ chân anh?

- Tôi không nghĩ tôi là trường hợp hiếm có bởi nhiều anh chị gắn bó còn hơn thế, cả ba chục năm nay. Tôi “chung thân” với Tuổi Trẻ suốt chặng đường làm báo chưa dài của mình và tôi nghĩ đó là do duyên số. Có một sức hút nào đó mà không định nghĩa thành tên nhưng nó như định mệnh. Tôi tâm đắc cách nói của chị Kim Hạnh - nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - rằng “trung thành với người đọc, gắn bó với lợi ích người đọc, người lao động đã là định mệnh của mình rồi. Tuổi Trẻ đã sinh ra và lớn lên như vậy, với định mệnh như vậy. ADN của Tuổi Trẻ là như vậy”. Tôi tự cho mình là “con người Tuổi Trẻ” sống chết vì ADN của tờ báo này. Bạn có tin không, nếu bây giờ tôi nộp đơn xin ra khỏi Tuổi Trẻ sẽ có những đồng nghiệp đồng đội nói tôi là kẻ đào ngũ.

Nghề báo đôi lúc thật khắc nghiệt! Anh cũng từng gặp những khó khăn, những tai nạn trong tác nghiệp. Đã khi nào anh muốn dừng lại?

- Kể cả những lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi tâm niệm thế này: Không có con đường nào rải toàn hoa hồng, cũng chẳng có con đường nào chỉ mỗi chông gai. Vì thế tôi vững tin và hạnh phúc trên con đường mình đã chọn. Với tôi, làm báo trở thành lí tưởng chứ không giản đơn là nghề kiếm sống. Nếu rời nghề này ra, nếu không được làm báo nữa, tôi là con số 0.

Tôi tự tin với các cuộc phỏng vấn

Có người nói với tôi rằng, hình như Đà Trang “say” thể loại phỏng vấn như “say” một cô gái đẹp. Tôi thì đoán có vẻ như phỏng vấn vừa là sở thích vừa là cái nợ của anh với nghề vậy?

- Là sở trường, có say mê và tôi tự tin với các cuộc phỏng vấn. Làm phỏng vấn đòi hỏi người làm báo phải có hiểu biết vững vàng về nội dung vấn đề, có người nói, thậm chí nhà báo dường như là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình trao đổi. Và đặc biệt, chúng ta phải chuẩn bị rất kĩ, từ ý tưởng, đến đề cương câu hỏi, dự liệu kịch bản… Dù có những lĩnh vực tôi rất tự tin nhưng không bao giờ tôi quên việc làm đề cương và thành hay bại cũng từ sự cẩn trọng đó.

Tôi đang hình dung về sự chuẩn bị cẩn trọng của anh. Một list câu hỏi rất bài bản được “lập trình” sẵn, một đề cương hoàn hảo ư? Tôi có nghe ai đó “dọa” rằng: Phụ thuộc đề cương - bài phỏng vấn khó mà sinh động được?

- Tôi tự tin trong “món” này và tôi tôn trọng ý kiến của bạn vừa đặt ra. Tôi cho rằng mỗi người có những quan niệm khác nhau, cách làm việc khác nhau. Tôi thì nghĩ ngược lại. Bất cứ cuộc phỏng vấn nào thì đều phải chuẩn bị kĩ càng. Càng kỹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn Thủ tướng Hun Sen, tôi mất cả tháng, từ đọc lại sách, tư liệu đến lên đề cương với hơn 30 câu hỏi.

Nhưng nghề báo rất sáng tạo nên tùy cơ ứng biến, không phải cứ chuẩn bị trước là phải bê nguyên xi câu hỏi đó vào bài được. Chuẩn bị đề cương và luôn trong tâm thế sẵn sàng chính là cách thể hiện sự tôn trọng tới người trả lời phỏng vấn. Tôi sẽ rất vui nếu như bạn đến với tôi khi có hiểu đôi chút về con người, công việc của tôi và những vấn đề chúng ta đang trao đổi.

Làm phỏng vấn - đưa đẩy vấn đề mà, tại sao không?

Anh nhắc đến sự tự tin. Theo anh, trong cuộc phỏng vấn, sự tự tin chiếm bao nhiêu phần trăm thành công?

- Tôi chưa bao giờ có ý niệm về phép tính đó. Tự tin vấn đề mình nắm là một nhẽ; quan trọng là tự tin cả vấn đề mình chưa hiểu, tức nếu trong cuộc phỏng vấn nếu chỗ nào chưa rõ chưa hiểu thì tự tin mà hỏi lại. Bởi nếu không, khi về nghe lại băng ghi âm, bạn có thể hiểu sai ý của người trả lời. Đó là điều tối kỵ và bi kịch.

Tôi chia ra phỏng vấn ở nhiều dạng: hỏi để biết, biết mới hỏi, chất vấn - phản biện, truy vấn. Truy vấn là đỉnh cao của phỏng vấn và tôi thích dạng đó. Có đồng nghiệp không đồng ý với tôi vì nghĩ rằng như thế là dồn người khác vào chân tường. Tôi thì nghĩ khác, tôi không dồn họ vào chân tường, tôi dồn vấn đề vào chân tường, truy tới cùng bản chất sự kiện…

Gần đây tôi đọc những bài phỏng vấn của anh như cuộc phỏng vấn Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh… Nói thật, tôi thấy bài sắc sảo nhưng gai góc, động chạm cả những vấn đề nhạy cảm, thậm chí nhiều lúc sự phản biện đến… nảy lửa. Một cách truy vấn…dồn vấn đề đến chân tường phải không, thưa nhà báo?

- Đó là bạn nói đấy nhé (cười). Tôi rất vui khi mỗi sáng báo ra, thậm chí mình còn chưa kịp đọc lại bài phỏng vấn đó, thì đã có những đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc nhắn tin chúc mừng động viên khích lệ. Tôi thường phỏng vấn chính khách, thường “bám” các vấn đề gai góc, nóng bỏng trong xã hội. Có được những bài như thế, một phần là từ bản thân muốn tham gia, một phần từ phía ban biên tập, tòa soạn cũng yêu cầu tôi trực tiếp vào cuộc.

Tôi cũng thích phỏng vấn. Nhưng có một điều tôi lo ngại đó là sự khô khan và đôi khi cứng nhắc của thể loại này. Sự hấp dẫn người đọc, không dễ! Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện “mềm hóa” các bài phỏng vấn?

- Tất  nhiên, tôi luôn luôn nghĩ đến việc làm “mềm hóa” các bài phỏng vấn. Ngoài giá trị thông tin, bạn đọc còn đòi hỏi bài phỏng vấn bộc lộ được cá tính của người trả lời. Làm phỏng vấn, đưa đẩy vấn đề mà – tại sao không? Dù nhân vật là ai thì cốt lõi cuộc phỏng vấn phải là những câu chuyện cụ thể góp mặt làm sinh động vấn đề. Một bài phỏng vấn không có câu chuyện thì sẽ chưa hoàn chỉnh. Có những vấn đề rất cao siêu, những lí luận rất khó hiểu nhưng chỉ bằng những câu chuyện rất cụ thể đã đủ nói thay những lí luận đó. Hoặc trong các bài phỏng vấn không bao giờ tôi thiếu những câu hỏi trực diện và trực tiếp liên quan đến người trả lời phỏng vấn vào vấn đề đang trao đổi…Chẳng hạn nhân vật đang say sưa chủ đề kê khai và công khai tài sản, chắc chắn tôi sẽ hỏi nhân vật xem ông kê khai tài sản thế nào, như trường hợp tôi đã hỏi ông Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội khi ông vừa được phê chuẩn làm Phó thủ tướng? Hoặc trong bài phỏng vấn Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gần đây: nhân bàn về Hội nghị Trung ương 4 về chỉnh đốn xây dựng Đảng, nghe ông đề cập việc tự kiểm trong Bộ chính trị, trong Trung ương Đảng, tôi đã hỏi: “Thưa nguyên Tổng bí thư, ông tự kiểm thế nào?”. Tôi nghĩ như thế sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú cũng như tăng tính linh hoạt, sinh động cho một bài trò chuyện. Đó chỉ là một số cách làm “mềm hóa” một bài phỏng vấn.

Vâng xin cảm ơn anh!

Hà Vân

Nhà báo và Công luận

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Hai phóng viên bị hành hung tại công ty Vinaxan

Tóm tắt: 

Trong quá trình tác nghiệp, hai phóng viên Quốc Tiến của báo Vietnamnet và phóng viên Hoàng Phan của báo Pháp luật Việt Nam và đã bị người của công ty CP Vạn Xuân Hà Tĩnh (Vivaxan) hành hung.

Trong quá trình tác nghiệp, hai phóng viên Quốc Tiến của báo Vietnamnet và phóng viên Hoàng Phan của báo Pháp luật Việt Nam và đã bị người của công ty CP Vạn Xuân Hà Tĩnh (Vivaxan) hành hung.

Công ty Vivaxan chi nhánh Hà Nội

Sự việc xảy ra vào chiều 14/2, khi phóng viên Quốc Tiến và phóng viên Hoàng Phan cùng bà Hoàng Thị Bính (quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), mẹ của lao động Nguyễn Thị Toại, người bị cho rằng đã mất tích do 24 tháng qua không liên lạc với gia đình tới công ty Vivaxan Chi nhánh Hà Nội (địa chỉ ở 9/176 Phố Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) theo lời hẹn của công ty này.

Tại đây, bà Trần Khánh Ninh, Giám đốc chi nhánh cho biết bà đã hẹn được với người của công ty môi giới tại Ả rập- Xê út để nối máy cho bà Bính nói chuyện với con gái. Tuy nhiên, khi nghe điện thoại, bà Bính khẳng định người phụ nữ ở đầu dây bên kia không phải là chị Toại, con gái của bà. Bà Bính đã khóc lóc thảm thiết và yêu cầu bà Ninh có trách nhiệm trả lời về việc mất tích của con mình.

Lúc đó, bà Ninh đã chối bỏ trách nhiệm và một mực khẳng định công ty ký hợp đồng đưa lao động Toại đi Ả rập- Xê út là công ty CP Thương mại tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu- chi nhánh Hà Nội chứ không phải công ty Vivaxan.

Khi bà Ninh có ý định rời văn phòng, người nhà lao động chị Nguyễn Thị Toại đã cố gắng giữ chân bà Ninh. Lúc này, nhóm phóng viên có mặt tại hiện trường đã tiến hành quay lại cảnh giằng co của hai bên thì có một nhóm nhân viên của công ty ùa ra cản trở.

Người đàn ông đeo kính là người trực tiếp hành hung và có những lời lẽ không hay với phóng viên.

Trong nhóm nhân viên gồm có cả người tự xưng là phó giám đốc công ty đây và đã có những lời lẽ bất nhã đối với phóng viên cũng như hung hăng đẩy phóng viên ra ngoài.

Hơn nữa, nhóm nhân viên trên còn giằng co để lấy máy quay của phóng viên và còn có hành động đánh hội đồng phóng viên và đấm vào bụng, cổ, vai, gáy hòng giật được túi xách và dụng cụ tác nghiệp. Khi giật được túi máy quay, phó giám đốc công ty Vinaxan đã mở ra nhưng trước đó, phóng viên đã kịp giấu máy quay. Ông phó giám đốc công ty đã xé nát túi máy ảnh của phóng viên rồi ném ra ngoài.

Một số nhân viên còn tỏ ra hung hăng, đòi gọi đầu gấu đến “xử” nhóm phóng viên đang tác nghiệp cũng như tuyên bố hùng hồn “Ở đất này bọn tao không sợ thằng nào cả”.

Nhóm PV thông tin vụ việc đến lãnh đạo CA quận Cầu Giấy, ngay sau đó CA phường Mai Dịch đã tới can thiệp. Ban đầu cơ quan CA đã xác định được những người tham gia hành hung PV là người của Cty Vivaxan chi nhánh Hà Nội.

Liên quan tới sự việc chị Toại được xem là mất tích 24 tháng nay, cơ quan chức năng đã đề nghị công an vào cuộc điều tra công ty đưa lao động Nguyễn Thị Toại đi nước ngoài.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ sự việc.

TH

Nhà báo và Công luận

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Báo chí và trách nhiệm trước xã hội

Tóm tắt: 

Sẽ không có gì là quá nếu cho rằng, nhờ có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, dũng cảm của báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng mà trong thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện và xử lý.

Sẽ không có gì là quá nếu cho rằng, nhờ có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, dũng cảm của báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng mà trong thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện và xử lý.

Qua báo chí, những ý kiến tham vấn xác đáng về những "lỗ hổng” của cơ chế, chính sách đã phần nào giúp cho các nhà quản lý kịp thời khắc phục, hoàn thiện chúng nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành đất nước.

Báo chí là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng (Ảnh: T.L)

Có thể kể ra đây hàng loạt vụ tham nhũng tiêu cực được báo chí phanh phui trong những năm qua như vụ việc ở Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm, vụ việc ở PMU 18... Cũng nhờ báo chí mà nhiều mảnh đời chìm nổi, oan sai đã thoát khỏi vòng lao lý như câu chuyện của bà Ba Sương ở Nông trường Sông Hậu. Mới đây nhất đó là sự vào cuộc của báo chí trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Sau kết luận hôm 10-2 của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc nêu trên, đã có một thống kê "bỏ túi” được nhiều tờ báo thực hiện: Chỉ tính riêng vụ việc này đã có tới hơn 1000 bài báo thuộc đủ các loại hình được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt 35 ngày từ khi xảy ra "sự kiện Tiên Lãng”.

Để có một kết luận vừa thấu tình, đạt lý vừa chứng tỏ được sự thượng tôn của pháp luật đối với các cá nhân, tập thể và kể cả quan chức, trước hết cần phải khẳng định đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đặc biệt là vai trò của MTTQ Việt Nam... Và, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của báo chí. Nói cách khác, nếu không có sự tham gia tích cực của báo chí thì những sai phạm trong quản lý đất đai ở Tiên Lãng sẽ còn rất lâu mới bị "lật tẩy”. Ghi nhận những đóng góp của báo chí, khi kết luận về vụ việc Tiên Lãng, Thủ tướng đã hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này. Sự ghi nhận của người đứng đầu Chính phủ là "phần thưởng” cho những tờ báo, nhà báo biết đứng về phía chính nghĩa. Đây cũng chính là nguồn động viên to lớn đối với những người làm báo; giúp họ có thêm niềm tin để đi đến tận cùng trong cuộc chiến chống tiêu cực. Cũng trong kết luận nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân”. Nói như thế, tức là, người đứng đầu Chính phủ đã đặt niềm tin nơi báo chí, nơi mỗi "chiến sĩ đặc biệt” trên mặt trận tư tưởng. Thật vậy, viết về chống tham nhũng, tiêu cực cần nhằm mục đích chính là để vừa "chống” lại vừa "xây”. "Sự kiện Tiên Lãng” khiến người ta nhớ lại "phong trào” đấu tranh chống tiêu cực trên báo chí khoảng 25 năm trước. Một trong những người mở đầu cho cuộc đấu tranh lúc đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh N.V.L và chuyên mục "Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân từ ngày 25-5-1987. Kể từ "đổi mới” đến nay, đã có rất nhiều nhà báo thành danh nhờ những phóng sự, điều tra, góp phần phanh phui những vụ việc tiêu cực tại các cấp các ngành; đã có nhiều tờ báo được bạn đọc "biết mặt, đọc tên”, cổ vũ, động viên vì dám "nhìn thẳng vào sự thật” để chỉ ra những sai phạm của các quan tham. Đó cũng là một sự khích lệ đối với báo chí. Mới đây, Hội nghị BCH TƯ lần thứ 4 khoá XI đã đề cập tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Báo chí cách mạng Việt Nam cũng không thể nằm ngoài hệ thống ấy. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất được Bộ Chính trị, BCH TƯ đề ra tại Hội nghị kể trên là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống những thói hư, tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Đây là một đề tài lớn, là nhiệm vụ cao cả của báo chí; với mục đích cuối cùng là để xây dựng con người và xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Có thể nói, Hội nghị TƯ 4 đã thêm một lần thổi luồng gió mát, khích lệ dũng khí của giới báo chí nói chung và những nhà báo chân chính nói riêng. Mà đây, ví dụ rõ ràng nhất chính là sự thẳng thắn, có trách nhiệm của những nhà báo "tâm sáng” với những bài báo phản ánh sự kiện ở Tiên Lãng dưới nhiều góc độ khác nhau; từ chuyện đưa tin trung thực cho đến chuyện góp phần tham vấn, phản biện để lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo quá trình giải quyết vụ việc.

Từ câu chuyện ở Tiên Lãng một lần nữa cho thấy, trách nhiệm của báo chí trước xã hội lớn đến đâu. Nếu chỉ đơn thuần vin vào câu chuyện chống tham nhũng, tiêu cực lấy đó để làm tin "hot” thì chẳng thể tránh khỏi kiểu đưa tin giật gân, thổi phồng, làm nhiễu thông tin mà Thủ tướng cũng đã thẳng thắn nhắc nhở là cần "Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.” Đó có thể chỉ là một sự lạc điệu nhất thời. Lạc điệu là bởi; rất có thể họ có được lợi ích kinh tế trước mắt nhờ việc tăng số lượng phát hành, tăng số lượng người "click” vào trang mạng của mình mà quên mất lợi ích lâu dài đó là thương hiệu của tờ báo ở trong lòng độc giả. Đáng mừng trong câu chuyện ở Tiên Lãng, những tờ báo như thế đã trở nên lạc điệu và không có nhiều. Điều đáng mừng nữa, từ sự việc ở Tiên Lãng, chắc chắn, nhiều nhà báo sẽ thêm yêu cái nghề nguy hiểm này, sẽ tự đòi hỏi phải luôn nâng cao năng lực nghiệp vụ, trau dồi về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh khi "trót” mang lấy nghiệp vào thân. Và, tràn đầy hy vọng các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, quản lý, sẽ tăng thêm lòng tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ngọc Ước
Đại Đoàn Kết
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Vai trò nào của báo chí khi mạng xã hội đưa tin trước

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Tin tức về cái chết đột tử của Whitney Houston vào cuối tuần vừa rồi không được truyền hình hay báo chí đăng tải đầu tiên. Do đó, vai trò nào cho báo chí khi các tin tức nhiều khi được công chúng loan báo trước?

(ICTPress) - Tin tức về cái chết đột tử của Whitney Houston vào cuối tuần vừa rồi không được truyền hình hay báo chí đăng tải đầu tiên. Thay vào đó, tin này được đăng tải trên Twitter 25 phút trước khi hãng tin AP loan báo.

Vai trò của báo chí hiện nay đang thay đổi cùng với các trang xã hội để đưa tin sốt dẻo

Nguồn tin: Cháu gái của người tạo mẫu tóc cho Houston, cũng biết những tình hình về những giờ nữ danh ca này mất trước khi tin tức được loan báo. Một người sử dụng Twitter thứ hai ở @chilemasgrande  đã thông báo tin tức này gần 30 phút trước AP.

Để cạnh tranh với Twitter về tin sốt dẻo, thách thức với báo chí đang ngày càng lớn. Do đó, vai trò nào cho báo chí khi các tin tức nhiều khi được công chúng loan báo trước?

Có điều phải lưu ý là không phải tin trên Twitter đã nhận được nhiều sự chú ý trước khi AP đưa tin. Ví dụ, người sử dụng Twitter thứ hai kể câu chuyện này, chỉ nhận một retweet (những bình luận (comments) được người khác lặp lại). Một sự khác biệt giữa một tweet (đưa tin ngắn) với AP và @chilemasgrande: Tin cậy (trust). Nó chỉ là từ “tin cậy”, cách khác hẳn mà các công ty truyền thông hàng đầu tiến hành.

Lấy ví dụ, một cái chết gần đây của Joe Paterno, huấn luyện viên bóng đá ở một trường đại học. Ngày 21/1, trang web sinh viên bang Pennsylvania Onward State chạy một tin cho biết Paterno đã qua đời. Thông tin đã được một blog trên CBS Sports lấy lại và lan truyền nhanh chóng trên Twitter. Ngoài việc bài báo đó không chính xác - Paterno đã rơi vào một hoàn cảnh nghiêm trọng nhưng trên thực tế không phải là đã qua đời cho đến một ngày sau khi tin đó được đăng lên.

Các phương tiện truyền thông khác, như Huffington Post đã đăng tải thông tin. Sau đó, Huffington Post đã đính chính rằng tin đó không chính xác - sự chính xác phải đợi đến khi AP đưa tin.

Điều này để nói rằng AP không thể sai được, nhưng hiếm khi các báo đang phải vật lộn với các vấn đề thẩm định tin tức trong kỷ nguyên các mạng xã hội như bây giờ. Trong một kỷ nguyên khi mà người đọc cũng là người đưa tin, các báo đang phải đối mặt với những áp lực gia tăng để đưa tin nhanh nhất - hay gặp phải rủi ro tin “nóng” mà bạn đọc đã biết trước nhiều giờ.

Một số báo vẫn duy trì cách thức truyền thống về việc thẩm định, bởi vì uy tín, thương hiệu của báo có giá trị hơn tin sốt dẻo có thể gây ra lỗi. Một số báo chọn lựa cách “xuất bản trước, cập nhật sau”, thu hút người đọc nhưng độ tin cậy của người đọc sẽ mất nếu tin đưa không chính xác.

Và từ khi chia sẻ tin tức trên các mạng xã hội đang dần trở thành một nguồn tin cho nhiều trang tin, có thể việc tin cậy bị tổn thất sẽ dẫn tới việc người đọc chia sẻ những câu chuyện kém nhiệt tình hơn?

Có lý do để tin rằng những người sử dụng Twitter và Facebook - trong các vai trò mới của mình là những nguồn tin tức trên web - đang trở nên thận trọng về việc chia sẻ tin tức với bạn bè mà không đích thân thẩm định. Khi người sử dụng Facebook Nuno Valente cho biết tin: “Twitter đã nhanh hơn báo chí “truyền thống” trong việc đưa tin về đột tử của Whitney Houston nhưng thường là để trêu cho vui”.

Trong một luồng (thread) Facebook, Mary Luz đưa: “Khi tôi lần đầu nghe tin về Withney Houston, suy nghĩ đầu tiên của tôi về Bon Jovi và cái chết được thông báo, tôi chắc như đinh đóng cột đó chỉ là trò đùa. Không may lại không phải vậy”.

Những trò đùa như vậy khá phổ biến trên Twitter nơi những điều không chính xác có thể lan tỏa nhanh chóng mặt như tin chính xác. Ví dụ về Bon Jovi được Luz trích dẫn tháng 12/2011, nhưng cuối tuần rồi một tin đồn đã xuất hiện trên một trang tin là diễn viên Keanu Reeves đã qua đời. Trong khi tin này nhận được đeo bám trên Twitter, nhưng không có cơ quan tin tức nào đăng lại thông tin sai sự thật này.

Ở đây là vai trò của các cơ quan báo chí trong thời đại mạng xã hội - để thiết lập sự tin cậy, để thẩm định và để bảo đảm sự phán đoán trong cơn lũ thông tin hỗn độn mà chúng ta nhận từ các mạng xã hội. Đôi khi điều đó có nghĩa là tìm kiếm sự khẳng định, nhưng nhiều khi nó đơn giản là phải chữa chạy những thông tin của Twitter và Facebook - để biến chúng thành tin có nghĩa.

Hai khái niệm đó là: “Thẩm định” (Verification) và “Chữa chạy” (Curation) là chìa khóa cho tương lai của tin tức.

Mai Anh

Theo CNN

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Ấn tượng bức ảnh từ Yemen đoạt giải ảnh báo chí thế giới 2012

Tóm tắt: 

(ICTPress) - “Tôi quay trở lại chỗ của tôi và tôi xem bức ảnh của mình trên màn hình và tôi như thế nào. Người phụ nữ không chỉ đang khóc mà còn nhiều hơn thế. Bạn có thể cảm thấy người phụ nữ cực kỳ mạnh mẽ”, Aranda nhớ lại cảm xúc.

(ICTPress) - Những người chiến thắng tại giải ảnh Báo chí thế giới 2012 lần thứ 55 vừa được công bố ngày 10/3 tại Amsterdam. Người đoạt giải ảnh báo chí của năm là Samuel Aranda từ Tây Ban Nha, của Corbis Images, làm việc cho New York Times đã dành giải bức ảnh của năm về một phụ nữ ôm một người họ hàng sau những phản đối chống chính phủ ở Sana, Yemen.

Bức ảnh báo chí của năm: một phụ nữ ôm một người họ hàng bên trong một nhà thờ Hồi giáo được sử dụng là một bệnh viện trong những cuộc xung đột ở Sana, Yemen ngày 15/10/2011

Một người đàn ông gầy gò tựa đầu mình vào vai một phụ nữ trong chiếc áo choàng đen chùm kín mít, cả hai tựa vào nhau. Biểu hiện trên gương mặt của người phụ nữ không thể nhìn thấy. Nhưng ngôn ngữ cơ thể của cô - cánh tay phải của cô vòng chặt ôm cổ, cánh tay trái cầm chặt tay người đàn ông - đã lột tả mọi thứ mà biểu hiện của gương mặt đã bị che giấu.

Đây là bức ảnh đạt giải ảnh báo chí thế giới của năm 2011 của Samuel Aranda chụp ở Yemen trong chuyến công tác do New York Times phân công vào mùa thu năm 2011.

Bức ảnh có tâm trạng của một bức tranh thời Phục Hưng, là một trong những ảnh đầu tiên Aranda chụp từ Yemen, nơi anh đã dành hai tháng để chụp ảnh cho tờ báo. Anh phát hiện ra hai con người này tại cửa vào một nhà thờ Hồi giáo được chuyển thành một bệnh viện.

Tôi quay trở lại chỗ của tôi và tôi xem bức ảnh của mình trên màn hình và tôi như thế nào. Người phụ nữ không chỉ đang khóc mà còn nhiều hơn thế. Bạn có thể cảm thấy người phụ nữ cực kỳ mạnh mẽ”, Aranda nhớ lại cảm xúc.

Trong một thông báo do Nina Berman, một trong những thành viên Ban giám khảo Báo chí thế giới, đã bình luận về sự tự nhiên của khoảnh khắc biểu lộ: “Ở truyền thông phương Tây, chúng tôi hiếm khi thấy một phụ nữ che mạng theo cách này, ở một khoảnh khắc thật gần gũi đến vậy. Nó đã lột tả vì nếu tất cả của các sự kiện cách mạng mùa xuân A rập đã được nói lên thì nó đã được thể hiện tất cả trong riêng khoảnh khắc này - ở những khoảnh khắc như vậy”.

Ngay sau khi Times bắt đầu đăng tải tác giả đoạt giải, Samuel Aranda đã trò chuyện với Lens (ống kính) của New York Times về những thách thức trong nhiệm vụ của mình tại Yemen.

Aranda, 32 tuổi, sinh ra ở Tây Ban Nha và thường trú tại Tunisia. Khi anh đến Yemen đầu tháng 10/2011, không ai biết anh ở đó. Anh đã phải mất hơn 1 tháng để trốn tránh an toàn ở đất nước này.

Anh đã yêu đất nước này.

Phải mất một vài tuần, anh mới cảm thấy thoải mái đi bộ cùng với chiếc máy ảnh. Trong khi đi đến các cuộc chống đối ở Taiz, anh và một phóng viên tự do cho Times đã phải đi dưới làn đạn của quân đội chính phủ. Vì là phóng viên ảnh duy nhất của phương Tây ở Yemen tại một điểm, Aranda được những phóng viên địa phương tại chỗ rất thân thiện đã giúp đỡ - như Mohamed al-Sayaghi của Reuters.

Lúc đó, ngay trước kỳ Giáng sinh, cực kỳ khó khăn để rời đi. “Tôi nhớ đã nói tạm biệt với Mohamed và anh ta đã cực kỳ ngạc nhiên, nhìn tôi", và như thể “Chúng ta có một vấn đề lớn. Anh không thể rời đất nước này vào lúc này”, Aranda cho biết.

Yoko Kouoh, một thành viên khác của Ban giám khảo, cho biết bức ảnh của Aranda đã nói lên được các sự kiện quét qua khu vực này năm 2011: “Bức ảnh nói cả về Yemen, Ai Cập, Tuniasia, Li bi, Siri, tất cả những gì xảy ra ở “Mùa Xuân A rập”.

Cũng không ngạc nhiên khi các bức ảnh khác từ cuộc nổi loạn này nằm trong danh sách những người đoạt giải cao Giải ảnh báo chí năm 2011. Alex Majoli dành giải Nhất ở tiêu chí góc chụp tin tổng hợp cho bức ảnh chụp cựu tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 2/2011. Rémi Ochlik dành giải ảnh cho thể loại chụp minh họa câu chuyện tin tức tổng hợp cho bài “Trận chiến cho Li bi” (Battle for Lybia). Và bức ảnh của Yuri Kozyrev về những người nổi dậy người Li bi ở Ras Lanuf (rebels in Ras Lanuf) đã dành giải Nhất về thể loại góc chụp tin tức nơi chốn.

Ban giám khảo đã bình luận đặc biệt về một bức ảnh chụp từ một video ở Sirte, Li bi. Bức ảnh đã thể hiện một chiến sỹ của Ủy ban chuyển tiếp quốc gia Li bi đẩy đại tá Muammar el Qaddafi lên một chiếc xe quân sự hồi tháng 10/2011.

Đây là một tài liệu quan trọng cho hậu thế, tính trong sáng, và để hiểu thời Qaddafi đã chấm dứt như thế nào”, Renata, Ferri, một biên tập viên ảnh người Ý và thành viên của ban giám khảo trong thông báo Giải báo chí thế giới cho biết.

Ban giám khảo đứng đầu là chủ tịch Aidan Sullivan, của Getty Images và còn có Monica Allende, W. M. Hunt, Nina Berman, Ami Vitale, Joel Sartore và Patrick Baz, những người đưa những bình luận của ban giám khảo lên Twitter.

Những bức ảnh đoạt giải còn bao gồm một số bức ảnh ấn tượng từ thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật hồi tháng 3/2011. Koichiro Tezuka dành giải Nhất trong loạt bài viết những câu chuyện tin tức về nơi chốn “Cơn thịnh nộ của sóng thần” (The Fury of Tsunami) và Yasuyoshi Chiba đoạt giải về thể loại con người trong tin tức, câu chuyện, về sóng thần. Ở tiêu chí tin tổng hợp, Lars Lindqvist giành giải Nhì và Toshiyuki Tsunenari dành giải Ba cho hai hình ảnh về sự chia tách trong sự tàn phá. Trong thể loại câu chuyện cho tin tức tổng hợp, Paolo Pellegrin và David Guttenfelder đều được công nhận cho những hình ảnh từ Nhật Bản.

Sau khi được thông báo về đoạt giải thưởng Anh, Aranda đã gọi cho mẹ ở Tây Ban Nha, vừa nói vừa khóc trong 45 phút. Anh cho biết anh hy vọng giải thưởng này sẽ giấy lên sự bàn luận về chính vấn đề thời sự này: “Tôi hy vọng bức ảnh sẽ giúp được, trong khi các cuộc trao đổi xoanh quanh sự sáng tác và hình thức, trọng tâm là nên về làm thế nào để giúp đỡ người dân Yemen. Điều đó sẽ rất tuyệt vời”.

Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 21/4 tới tại Amsterdam.

Dưới đây là những bức ảnh ấn tượng đoạt các giải ở các thể loại ảnh báo chí khác:

Nhiếp ảnh gia người Pháp Vincent Boisot đã dành giải Nhì thể loại nghệ thuật và giải trí về một người mẫu trước một cửa hàng may ở trung tâm Dakar, Senegal ngày 9/6/2011. Cô người mẫu đang mặc một sáng tạo của nhà thiết kế Yolande Mancini, để tham gia tuần lễ Thời trang Dakar lần thứ 9.
Yasuyoshi Chiba của Agence France-Presse dành giải Nhất tiêu chí người dân trong những câu chuyện tin tức. Chieko Matsukawa giơ tấm bằng tốt nghiệp của con gái cô trên những đổ nát ở Higashimatsushima, ở Miyagi tháng 3/2011.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Reuters ở Thái Lan Damir Sagolj, người Bosnia - Herzegovina, dành giải Nhất thể loại cuộc sống thường ngày, chụp một hình ảnh của người sáng lập Bắc Triều Tiên, Kim Il-sung, trang trí một ngôi nhà ở thủ đô, Pyongyang, ngày 5/10/2011.
Bức ảnh chụp nghệ sỹ Đan Mạch sinh ra ở Iran Mellica Mehraban ở Copenhagen ngày 4/5/2011 của Laerke Posselt, Đan Mạch dành giải Nhất thể loại chân dung. Nữ diễn viên 27 tuổi này bắt đầu diễn ở Iran năm 2011 với vai diễn chính là một nô lệ trong vở kịch Săn cáo (Fox Hunting).
Tahani (mặc áo hồng) đã kết hôn với chồng Majed khi cô mới 6 tuổi và chú rể 25 tuổi cùng với bạn cùng lớp trước đây là Ghada, cũng là một cô dâu trẻ con bên ngoài ngôi nhà ở núi Hajjah, Yemen, ngày 10/6/2010. Gần một nửa phụ nữ Yemen kết hôn khi còn là trẻ con. Bức ảnh của Sephanie Sincliair, người Mỹ cho Tạp chí Địa lý quốc gia dành giải Nhất, về tiêu chí những câu chuyện đương thời.
Ray McManus, nhiếp ảnh gia làm việc cho Sportsfile, đã dành giải Nhì thể loại ảnh thể thao với tấm ảnh chụp một trận bóng bầu dục giữa Old Belvedere và Blackrock, trong trận mưa nặng hạt ở Dublin, Ireland, ngày 5/2/2011.
Nhà nhiếp Ảnh người Nga Yuri Kozyrev đã dành giải Nhất tiêu chí góc chụp tin tức tại chỗ với bức ảnh những người nổi dậy ở Ras Lanuf, Li bi ngày 11/3/2011. Trong vài tuần, quân nổi dậy đã bắt giữ Muammar Gaddafi với hy vọng thế giới đến viện trợ cho họ.
Nhiếp ảnh gia người Australia Adam Pretty dành giải Nhì thể loại ảnh báo chí thể thao. Bức ảnh thể hiện những vận động viên nhảy cầu tập luyện trong giải vô địch thế giới Fina lần thứ 14 tại Trung tâm Thể thao Oriental tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 17/6/2011.
Niclas Hammerstrom, từ Thụy Điển làm việc cho báo Aftonbladet, ở Utoya, Na Uy tháng 6/2011 đã dành giải Nhì ảnh tiêu chí tin tại chỗ. Anders Behring Breivik đã giết chết 69 người ngày 20/6/2011 trên một đảo nhỏ của Utoya, ngoài Oslo.

Mai Anh

Theo NY Times, World Press Photo

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

"PV Hoàng Khương đưa hối lộ vì mục đích cá nhân"

Tóm tắt: 

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc công an TP.HCM khẳng định việc khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “đưa hôi lộ” đối với PV Hoàng Khương là đúng người, đúng tội.

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc công an TP. HCM khẳng định việc khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "đưa hôi lộ" đối với PV Hoàng Khương là đúng người, đúng tội.

Trong cuộc họp định kỳ tổng kết tình hình an ninh trật tự tháng 2/2012 diễn ra sáng nay (ngày 9/2) công an TP. HCM đã có thông tin chi tiết về các vụ liên quan đến nhà báo, điển hình là vụ phóng viên Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ) và mới đây là phóng viên Phạm Phước Vinh (báo Nhà báo &Công luận)

Tháng 3/2012 sẽ có kết luận điều tra vụ Hoàng Khương

Vụ án liên quan đến phóng viên Hoàng Khương (người ngoài cùng, bên phải) sẽ có kết luận điều tra chính thức vào tháng 3/2012 tới.

Theo thiếu tướng Minh, cho đến nay quan điểm của công an TP. HCM thì việc áp dụng các biện pháp tố tụng, cụ thể là khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng về hành vi "đưa hối lộ" là đúng người, đúng tội

Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định, Hoàng Khương chính là người chủ mưu, dàn dựng và tạo ra tiêu cực để viết báo. Thông tin chính thức từ cơ quan CSĐT công an TP. HCM thì ông Hoàng Khương đã khai nhận có đưa hối lộ để nhằm mục đích cá nhân.

Kết quả điều tra sơ bộ xác định, thông qua Tôn Thất Hòa (giám đốc DNTN Duy Nguyên, đã bị khởi tố bắt tạm giam), ông Hoàng Khương đã tiếp cận đưa hối lộ 15 triệu đồng cho ông Huỳnh Minh Đứng (nguyên thượng úy của đội CSGT – Trật tự Phản ứng nhanh, công an Q. Bình Thạnh, cũng đã bị khởi tố bắt giam) để giải cứu xe vi phạm cho Trần Văn Hòa. Trong đó Trần Văn Hòa là bạn của Nguyễn Đức Đông Anh (em vợ của Hoàng Khương – cũng bị khởi tố, bắt tạm giam).

Liên quan đến Hoàng Khương, ban giám đốc công an TP. HCM cho biết thêm đã có thu giữ 1 số băng ghi âm có liên quan và đang cho giám định để làm rõ các nội dung. Ngoài ra Trần Văn Hòa có khai nhận thêm, trong năm 2010 Hoàng Khương cũng đã 1 lần khác giải cứu xe vi phạm cho Hòa, hiện vụ việc này đang được công an TP. HCM mở rộng điều tra và phối hợp với các địa bàn khác, để làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật khác của ông Hoàng Khương, nếu có.

Thiếu tướng Phan Anh Minh thông tin, vụ việc liên quan đến Hoàng Khương đang được cơ quan công an củng cố hồ sơ và có thể có kết luận điều tra vào tháng 3 tới.

Đang làm rõ về vụ công an xã đánh hội đồng nhà báo

Cũng trong buổi họp sáng 9/2, công an TP. HCM cũng thông tin về vụ việc có liên quan đến ông Phạm Phước Vinh (công tác tại văn phòng đại diện phía Nam của báo Nhà báo & Công luận) tố cáo đã bị công an xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP. HCM hành hung hội đồng đến mức nhập viện.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, theo báo cáo của công an huyện Nhà Bè gửi ban giám đốc công an TP. HCM thì vụ việc xảy ra vào đêm 5/2 tại tuyến đường Lê Văn Lương, gần trụ sở ban nhân dân ấp 5, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè là do ông Vinh có vi phạm luật giao thông đường bộ.

Khi bị đưa vào xử lý ông Vinh không xuất trình được các giấy tờ xe mà chỉ đưa ra 1 thẻ nhà báo. Sau đó ông Vinh có dùng ĐTDĐ ghi hình các công an viên không đeo bảng tên (CA TP. HCM lý giải, theo quy định công an viên không hề có bảng tên, mà chỉ có phù hiệu đeo ở bả vai). Các công an xã Phước Kiểng không chấp nhận việc ông Vinh ghi hình nên đã đuổi theo ông Vinh để chụp ĐTDĐ và áp giải ông này về trụ sở làm việc.

Công an TP. HCM khẳng định rằng, lúc này ông Vinh bị vi phạm giao thông, bị cơ quan công an xử lý chứ không phải là một nhà báo đang tác nghiệp. Còn việc có hay không lực lượng công an xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè hành hung ông Vinh thì hiện nay công an TP. HCM giao cho công an huyện Nhà Bè để điều tra, làm rõ và sớm có báo cáo để có hướng xử lý.

Trong ngày 9/2 khi trao đổi với PV, ông Phạm Phước Vinh cho rằng báo cáo của công an huyện Nhà Bè gửi các cơ quan chức năng là báo cáo... không đúng sự thật. Ông này khẳng định, khi điều khiển xe gắn máy đêm 5/2 ông chở 2 con (14 và 16 tuổi) đều có đội nón bảo hiểm và ông đã bị 5 – 6 công an, trong đó có công an viên và công an chính quy hành hung hội đồng đến mức gây thương tích, đến mức phải nhập viện điều trị.

Đ.Đ

(Theo VietNamNet)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Vụ một nhà báo tố bị công an xã đánh: Công an TP.HCM yêu cầu báo cáo, xử lý

Tóm tắt: 

Liên quan đến vụ “Một nhà báo tố bị công an đánh phải nhập viện” như Pháp Luật TP. HCM đã thông tin, ngày 7-2, Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM đã có văn bản báo cáo vụ việc đến Công an TP.HCM.

Liên quan đến vụ “Một nhà báo tố bị công an đánh phải nhập viện” như Pháp Luật TP. HCM đã thông tin, ngày 7-2, Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM đã có văn bản báo cáo vụ việc đến Công an TP.HCM.

Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM, cho biết sau khi báo phản ánh vụ nhà báo Phạm Phước Vinh (công tác tại văn phòng đại diện phía Nam của báo Nhà Báo và Công Luận) bị Công an xã Phước Kiểng đánh đến mức nhập viện, lãnh đạo Công an TP.HCM đã yêu cầu Công an huyện Nhà Bè báo cáo gấp để có hướng xử lý.

Theo báo cáo của Công an huyện Nhà Bè ký gửi Công an TP.HCM, đêm 5-2 tổ tuần tra địa bàn, kiểm soát giao thông do Thượng sĩ Lê Phương Tinh là tổ trưởng cùng năm công an viên làm nhiệm vụ. Phát hiện ông Vinh đi xe máy chở hai người ngồi sau (hai con ông Vinh ) không đội mũ bảo hiểm nên tổ tuần tra ra hiệu dừng xe. Tuy nhiên, theo báo cáo, ông Vinh không xuất trình giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe mà chỉ đưa ra thẻ nhà báo nên lực lượng đưa vào văn phòng ban nhân dân ấp 5 xử lý vi phạm. Trong lúc đó, ông Vinh có dùng điện thoại chụp ảnh, tổ tuần tra yêu cầu ông Vinh xóa ảnh nhưng ông Vinh không chấp hành. Bất ngờ, ông Vinh chạy ra ngoài tri hô làm cho nhiều người dân hiếu kỳ, theo dõi. Công an xã đã đuổi theo, dùng còng số 8 khóa tay, áp giải đưa ông Vinh về lại trụ sở. Tại đây ông Vinh đã đồng ý ký vào biên bản “gây ra hành vi gây rối trật tự công cộng, cam kết không tái phạm”.

Ông Phạm Phước Vinh khẳng định bị công an xã Phước Kiểng đánh phải nhập viện. Ảnh: HT

Chiều 7-2, Trung tá Lâm Ngọc Thích, Trưởng Công an xã Phước Kiểng, cho biết ông nghe các thành viên tổ tuần tra báo cáo có còng tay ông Vinh. Trung tá Thích thừa nhận việc ông Vinh dùng ĐTDĐ ghi hình không có gì sai nhưng ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến việc công an xã đang xử lý vi phạm giao thông đối với người khác. Tổ tuần tra hành xử nóng vội, yêu cầu ông Vinh xóa ảnh trong điện thoại và còng tay ông Vinh là không cần thiết. Trong khi đó, ông Vinh vẫn khẳng định bị công an xã Phước Kiểng rút súng, lên đạn gí vào người và đánh hội đồng phải nhập viện.

Cùng ngày, nhà báo Nguyễn Hữu Phú, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của báo Nhà Báo và Công Luận cho biết đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công an (Cơ quan thường trực phía Nam), Công an TP.HCM và Công an huyện Nhà Bè yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cán bộ công an sai phạm.

Tuyết Khuê

Theo Pháp Luật TP. HCM

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Nhà báo điều tra cũng không thể phạm luật

Tóm tắt: 

Khi nhập vai để điều tra, PV không được tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất.

Khi nhập vai để điều tra, PV không được tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất.

Sáng 7-2, hội thảo về “báo chí điều tra và lợi ích công” được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham dự của Diễn đàn Nhà báo trẻ, nhiều PV, nhà báo điều tra kỳ cựu và đại diện của một số đơn vị quản lý báo chí.

Tại phát biểu đề dẫn, tổ chức RED Communication đã nêu vấn đề: Ở Việt Nam, quyền được thông tin được xem là một trong những quyền cơ bản của công dân và báo chí được tạo điều kiện hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không bị hạn chế, cản trở.

“Cơ quan Nhà nước có chiếc khiên “bí mật Nhà nước” thì doanh nghiệp lại có công cụ là “bí mật nội bộ”” - ông Trần Nhật Minh Giám đốc RED Communication, nói. Đồng tình với ông Minh, nhà báo Nguyễn Bá Kiên (báo Tiền Phong) bày tỏ: “Theo Pháp lệnh về bảo vệ bí mật Nhà nước thì Bộ Công an nắm quyền ban hành văn bản các tài liệu mật. Vấn đề là hiện nay, ngay cả danh mục tài liệu mật, các ông cũng đánh dấu mật thì nhà báo biết cái nào là mật, cái nào không? Đi sâu vào thì có đến một rừng tài liệu mật”.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Viết Thịnh)

Một nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động “nhập vai” để điều tra, ông Nguyễn Đức Hiển (báo Pháp Luật TP.HCM), chia sẻ một số nguyên tắc: “PV chỉ nên nhập vai khi đó là cách tốt nhất để thu thập thông tin. PV không được tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất, không thúc đẩy sự kiện hoặc khiến nó diễn ra sớm hơn bình thường. (…) Nếu PV nhập vai buộc phải thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tòa soạn phải liên hệ với cơ quan công an và trình bày rõ ngọn nguồn trước khi hành vi ấy diễn ra (…)”.

Nguyên tắc “không được tác động” làm sự vật, hiện tượng thay đổi bản chất được nhiều đại biểu chú ý, vì liên hệ với vụ việc của nhà báo Hoàng Khương, nó là một chi tiết để xác định ranh giới: Nên chăng ông Hoàng Khương dừng lại ở mức ghi nhận sự kiện chứ không tham gia vào việc đưa tiền cho CSGT?

Cách đây vài ngày, trong một bài viết phân tích vụ việc này, nhà báo Trần Lệ Thùy đã trích lời Stephen Whittle, nguyên Giám đốc biên tập của BBC: “Nhà báo nên luôn luôn tránh vi phạm luật pháp. Trong trường hợp này, nếu công an nói rõ rằng anh ta sẽ trả lại xe nếu nhận được một khoản hối lộ thì nhà báo nên dừng lại. Nhà báo đã có đủ chứng cứ. Báo chí Anh không thường tham gia vào hành động tội phạm bằng cách trả tiền hay đưa ra những hành động ủng hộ thực tế”.

Hội thảo dừng lại ở việc xác định rằng luật pháp liên quan đến báo chí ở Việt Nam hiện nay còn thiếu những quy định rõ ràng về lợi ích công, an ninh quốc gia, quyền miễn trừ dành cho báo chí… để làm cơ sở cho hoạt động của hơn 2,2 vạn người làm báo nước ta.

Đăng báo cũng là một hình thức tố giác?

Một đại diện của Bộ Công an - ông Trần Thanh, điều tra viên cao cấp, cho biết: “Theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. “Giá mà anh Hoàng Khương thực hiện như vậy thì sự việc đã hoàn toàn khác” - ông Thanh nói.

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Việt Chiến không hoàn toàn tán đồng ý kiến này. Với kinh nghiệm gần 20 năm làm báo điều tra, ông cho rằng hoạt động điều tra của lực lượng công an nhiều khi khá chậm chạp; thêm nữa, nhà báo Hoàng Khương đã đăng tải các bài báo về vụ việc này, nên chăng phải được coi là hành vi tố giác tội phạm thông qua con đường công luận?

Đoan Trang

Theo Pháp luật TP. HCM

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Cứ đi rồi sẽ gặp

Tóm tắt: 

"Nếu cứ ở mãi một chỗ có lẽ sẽ không bao giờ tôi biết được trên đất nước mình có những nơi, có những số phận con người bất hạnh thế".

“Phóng viên nông nghiệp hình như ai cũng cầm tinh con ngựa, lúc nào cũng dặm trường chinh chiến. Thế nên, cứ ngồi nhà làm công việc tổ chức sản xuất cho các bạn, biên tập bài vở với những ngày đút chân gầm bàn, lâu quá là hóa chồn chân, như một con ngựa còn sung mà chân bị buộc…”

Miền Nam là mảnh đất của sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo định hướng thị trường. Những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp hàng tỉ USD/năm cho GDP như cà phê, hồ tiêu, gạo, cá tra, tôm… đều là từ những vùng chuyên canh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, là ở miền Nam.

Phát triển kinh tế nông nghiệp sôi động đặt ra nhiều vấn đề thời sự, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi xung phong vào Nam, không gì khác là muốn đằm mình trong hơi thở thời sự của những vấn đề lớn, ở quy mô quốc gia, để hiểu hơn về nhiều lĩnh vực mà trước nay chưa được cọ xát, tìm hiểu. Tôi đi cũng là để trải nghiệm nhiều hơn, để biết rõ hơn bằng cách nào mà những nông dân miệt đồng, miệt vườn vươn lên trở thành những ông chủ lớn, những tỷ phú chân chất làm giàu.

Bước chân tới những góc khuất, ở những nơi “vùng trũng” ĐBSCL cũng hiểu được, vì sao mà người nông dân vẫn cứ chân lấm tay bùn, năm nối năm cơ cực; để hiểu về sự hụt hẫng của những con người chân chất, thật thà trong bối cảnh đô thị hóa “nóng”  hay là những đôi vai nặng trĩu những nỗi lo cơm áo đằng sau núi đỏ, rừng xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ… Nói một cách khác, thì đi cũng là để học, không sai như lời dạy của các cụ nhà ta đã truyền đời “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mà cái sàng khôn còn biết bao nhiêu là thứ, không xác định trước được từ khi còn ở “ngoải”, nhưng mà cứ đi, đi rồi sẽ gặp…

Phóng viên Giang Hải

Tôi đã đi nhiều, đi rất khỏe, kể cả đi công tác, kể cả đi phượt. Nhưng chuyến đi này rất khác. Lần này Nam tiến, tôi có nhiệm vụ thiết lập cơ quan thường trú của kênh VTC16. Đến một vùng đất lạ, hiển nhiên là chúng tôi vấp váp phải một vài khó khăn. Tỉ dụ như nguồn tin, ở ngoài đó còn có đồng nghiệp, có các nguồn tin thân cận của mình, đôi khi anh em ới nhau một cốc trà đá là đã nảy đề tài, biết được thông tin cần thiết để liên hệ.

Nói là vất vả thì nghề nào, chỗ nào cũng vất rồi. Nhưng với Kênh Nông nghiệp thì có tính đặc thù thế này. Anh em hay phải di chuyển xa. Từ đại bản doanh ở TP.HCM, các bạn kênh 16 vươn mình ra 8 hướng, khi thì lặn lội xuống tận đất mũi Cà Mau, lúc lại ngược nguồn lên với đại ngàn Tây Nguyên, có khi xắn gối, lội bùn giữa mùa nước nổi mênh mông, khi ngất ngư say sóng tiến ra xa ngoài đảo… 2 ô tô, mỗi tháng đường trường không dưới 6.000 cây số, với 6 phóng viên. Phóng viên nông nghiệp hình như ai cũng cầm tinh con ngựa, lúc nào cũng dặm trường chinh chiến. Thế nên, cứ ngồi nhà làm công việc tổ chức sản xuất cho các bạn, biên tập bài vở với những ngày đút chân gầm bàn, lâu quá là hóa chồn chân, như một con ngựa còn sung mà chân bị buộc…

Chuyện đời thường không khó khăn gì, vì Kênh Nông nghiệp rất là chú ý tới đời sống anh em “đi sứ” nên đã thuê nguyên một “tiểu villa” cho ở, gần ngay quận 1, đi lại dễ dàng. Tất nhiên, mới Nam tiến, xung trận đôi khi khó khăn vì “chỗ này, chỗ kia” chưa có mối, đôi khi cũng mất thời gian hơn, kể cả từ khâu liên hệ. Nhưng các mối quan hệ cũng dần được thiết lập, nhất là được sự giúp đỡ tận tình của các thế hệ nhà báo lão làng, đàn anh, đàn chị, ví như NB Hằng Nga, NB Lưu Phan, NB Hoàng Xuân… Nhưng mà cũng phải nhìn ngược lại, sự lạ lẫm đôi khi có cái hay của nó. Bởi với mảnh đất của mình, nhiều thứ đã thành quen thuộc quá, có khi triển khai thành đề tài lại nhàm. Nhưng chân ướt chân ráo tới, cũ người mới ta, khai thác xông xáo, lại thành ra thổi hơi thở mới cho một vấn đề mà nhiều người cho là cũ. Việc luân chuyển phóng viên, cho phóng viên thường trú thay phiên hay là ở chỗ đó.

Và hơn thế nữa, nếu cứ ở mãi một chỗ có lẽ sẽ không bao giờ tôi biết được trên đất nước mình có những nơi, có những số phận con người bất hạnh thế. Hay nói theo cách khác, cái sự đi đã mở ra trong tôi những cánh cửa đồng cảm và bao dung với những kiếp người. Tôi vẫn còn ám ảnh mãi những câu chuyện trên dọc đường “đi sứ” của mình. Đó là những nỗi đau mang tên cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc. Câu chuyện của cô dâu H.T.N ở Bình Thuận khiến dư luận trong nước hoang mang khi mà cô bị người chồng Hàn Quốc đâm 32 nhát dao.

Giật mình với nỗi đau của cô dâu N, với sự đau khổ tột cùng của những người thân trong gia đình cô được cập nhật liên tục trên báo chí, tôi đã quyết định tìm hiểu số phận của hơn 300.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng ngoại quốc. Thế là về Bình Thuận. Câu chuyện với bà ngoại N không được nhiều, vì bà đã ngoài 80 tuổi nhưng nó cho tôi thấy những khoảng lặng trong số phận con người, trong giấc mơ đổi đời và sự vụt tắt của niềm vui một cách nghiệt ngã.

Không thể quên những giọt nước mắt khóc nấc, khóc nghẹn của người mẹ gầy guộc, già hơn nhiều so với cái tuổi 60 của bà, khi nhận tro cốt đứa con đứt ruột đẻ ra. Tiếp tục về Cần Thơ, nơi đông cô dâu xuất ngoại nhất Việt Nam, về Cù Lao Tân Lập, thấy thực cảnh nhiều chàng trai không lấy được vợ, vì các cô gái đã vượt biển lấy chồng hết cả, chạnh lòng tự hỏi tại sao. Một cô dâu lấy chồng Đài Loan trả lời rằng: “muốn đổi đời, trả ơn cha mẹ”, và đó không phải là giấc mơ riêng của mình ai. Không ai có quyền phê phán giấc mơ  ấy của những người con gái miệt đồng cả. Nhưng giật mình thấy rằng, các cô lấy những ông chồng hơn mình cả chục tuổi, cưới sau khi gặp 1 - 2 lần, và sang một môi trường sống mới trong khi không có một chút kiến thức nào lận lưng.

Cách biệt văn hóa là nguyên nhân của hàng loạt những đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân của cô dâu Việt với rể nước ngoài. Đau xót khi thấy thông tin về những buổi chọn vợ như “chọn cá” -  lời một nhân vật trong phim. Càng đau xót hơn khi trong chuyến công tác Hàn Quốc vừa rồi, tôi được trực tiếp trò chuyện với những “nhân vật chính” ở tận xứ sở kim chi.

Rồi nỗi đau mang tên mùa nước nổi. Lần đầu tiên hiểu được thế nào là mùa nước nổi và thực tế đã khác xa rất nhiều so với trước đây. Lũ dữ, vỡ đê bao, đứng ở trên mực nước cao hơn trong ruộng tới 4 mét mới hiểu được sự chông chênh và hung dữ của tự nhiên. Mùa màng của bà con nông dân có nguy cơ mất trắng. Nhưng cũng hiểu được tại sao lại có sự biến mất đầy tiếc nuối trong ký ức của những người dân miệt đồng này liên quan tới việc xây dựng hệ thống đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Vấn đề vẫn luôn thời sự và tôi ở đây, vẫn đang theo dõi diễn biến của nó.

Có người hỏi tôi, VTC16 là một kênh truyền hình non trẻ, có rất nhiều khó khăn và thách thức. Còn trẻ, có năng lực điều gì giữ chân tôi lại gắn bó với kênh này thay vì “bay” đến một nơi nào khác có thể mang đến cho mình một nơi làm việc nhàn hạ hơn, lương cao hơn?... Nhưng nghĩ và tính là hai việc khác nhau. Chúng ta cần phải tiến những bước ngắn trước khi đi một bước dài. Cũng giống như một đứa trẻ trước khi biết chạy cần phải biết lẫy, biết bò. Nên tin vào điều hiển nhiên đó, vì chúng ta đều biết, đứa trẻ này không bị khuyết tật…

Giang Hải tốt nghiệp K23 Khoa Báo In, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Hải là một cây viết trẻ, một phóng viên năng động. Từ năm thứ II, Hải đã cộng tác với nhiều tờ báo lớn bé khác nhau nhưng lâu nhất là tờ Lao Động. Hải đi nhiều, đi khỏe. Sau mỗi chuyến đi lại cho ra đời những bài phóng sự, ký sự là những ghi chép, những khám phá và những cảm nhận chân thực của hắn về con người và thế giới xung quanh.

Giờ đây, Hải đã tạm chia tay với báo viết để đến với truyền hình. Công việc của Hải là BTV chương trình Nông thôn mới trên kênh VTC16 của Đài Truyền hình KTS VTC. Đây là chương trình đề cập đến vấn đề chính sách Tam nông. Năm 2011, Hải xung phong vào Sài Gòn là phóng viên thường trú khu vực phía Nam. Tại đây, với bản tính ham đi, ham trải nghiệm, Hải và các đồng nghiệp thường trú phía Nam đã đi nhiều, đóng góp nhiều cho kênh Tam nông những phóng sự truyền hình nóng hổi, góp phần đưa kênh 16 đến với bà con nông dân trên cả nước.

 Hà Trang

Tạp chí Truyền hình Số VTC

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo