Từ vụ PV Hoàng Khương bị bắt: "Nhập vai" đến đâu là an toàn?

LTS: Chiều 2/1, Công an TP. HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, PV Báo Tuổi Trẻ) để điều tra, làm rõ hành vi "đưa hối lộ". Từ vụ việc này, chúng tôi xin dẫn lại bài viết dưới đây từ Báo Pháp luật & Xã hội để bạn đọc và các nhà báo có suy nghĩ thêm về thẩm quyền tác nghiệp của nhà báo.

Chống tiêu cực là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Trong sự nghiệp chung đó, các phóng viên (PV) điều tra đã đóng góp một phần không nhỏ, đáng được ghi nhận. Hóa thân để điều tra là công việc thường xuyên của PV. Vụ việc nhà báo Hoàng Khương nhập vai chủ xe, đưa tiền cho một CSGT để chứng minh cán bộ này nhận hối lộ đang khiến dư luận rất quan tâm bởi sau hành vi này, PV Hoàng Khương đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam; trước đó đã bị đình chỉ công tác...

PV Hoàng Khương (ngoài cùng bên phải) chuẩn bị về cơ quan điều tra vào chiều 2/1. Nguồn: Báo ANTĐ.

Nội dung vụ việc

Ngày 5-7-2011, báo Tuổi trẻ TP HCM đã đăng bài "Đồng tiền xóa sạch hồ sơ" của tác giả Hoàng Khương. Nội dung bài báo phản ánh: Vào 23g15 ngày 23-6, xe ô tô đầu kéo do ông Võ Văn Thắng, lái xe thuê, cầm lái chạy trên đường Phan Đăng Lưu, đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng thuộc địa bàn quận Bình Thạnh thì vượt sai quy định, gây tai nạn. Sau khi thương lượng đền bù với người bị va chạm xong, sáng 25-6, ông Trần Anh Tuấn, chủ xe đầu kéo cùng một người bạn là Tôn Thất Hòa đến gặp ông Huỳnh Minh Đức, nguyên cán bộ Đội CSGT trật tự - phản ứng nhanh, CA quận Bình Thạnh ở một quán cà phê gần khu vực vòng xuyến cầu Điện Biên Phủ để xin ông Đức không tạm giữ bằng lái của tài xế và cho lấy xe ra trong ngày. Hai bên bàn bạc và nhất trí giá của vụ "giải tỏa" là 3 "chai" (3 triệu đồng). Sau khi đưa tiền cho ông Đức, ông Tuấn đã được trả lại phương tiện...

Vào ngày 10-7-2011, báo Tuổi trẻ tiếp tục đăng bài "Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép". Bài viết này cũng của tác giả Hoàng Khương. Nội dung bài báo phản ánh: Ngày 23-4, Đội CSGT quận Bình Thạnh lập biên bản vi phạm đối với Trần Minh Hòa do điều khiển xe gắn máy BKS 51F6-2435 chạy lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự... Hòa đã "cầu cứu" người quen tên là Tôn Thất Hòa, nhờ Hòa gặp cảnh sát Đức để xin xe. Tại buổi gặp gỡ, Đức đồng ý trả xe cho Trần Minh Hòa với giá 15 triệu đồng.

Nhận được thông tin từ báo Tuổi trẻ, Cơ quan CSĐT CA TP HCM đã vào cuộc. Ngày 18-11-2011, cơ quan này tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Huỳnh Minh Đức (trước đó Đức đã bị tước danh hiệu CAND) về tội "nhận hối lộ"; Tôn Thất Hòa, Giám đốc DNTN Duy Nguyên về tội "Môi giới hối lộ" và Trần Anh Tuấn về tội "Đưa hối lộ". Trong quyết định khởi tố bị can đối với Tôn Thất Hòa, nêu rõ: "Hòa có hành vi móc nối nhận tiền của Trần Anh Tuấn và Nguyễn Văn Khương (tức PV Hoàng Khương) để đưa cho Huỳnh Minh Đức giải quyết trái quy định đối với xe vi phạm giao thông và xe đua trái phép.

Ngày 28-11, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ nhận được công văn của Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của PV Hoàng Khương. Sau đó, Ban biên tập báo Tuổi trẻ đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với PV Hoàng Khương vì có sai sót nghiệp vụ. Liên quan đến vụ việc, mới đây, Cơ quan CSĐT CA TP HCM đã có văn bản gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị thu hồi thẻ nhà báo của PV Hoàng Khương.

Một số ý kiến cho rằng, PV Hoàng Khương đã phạm tội Đưa hối lộ, nhưng một số người lại có ý kiến khác...

Cần làm rõ mục đích phạm tội!

Một nhà báo xin giấu tên nêu quan điểm: "Tôi cũng nhận thấy trong quá trình điều tra vụ việc, PV Hoàng Khương đã cố ý hợp tác với những người bị giữ xe để hối lộ cảnh sát Đức. Nhưng xét cho cùng, nếu không làm vậy thì sẽ rất khó để có bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ ai là người đưa tiền cho ông Đức, ông Khương đưa tiền hay chỉ là người có mặt tại đó. Nếu ông Khương trực tiếp đưa tiền cho ông Đức thì đó là hành vi không thể chấp nhận. Cá nhân tôi cho rằng, sử dụng biện pháp mật phục để ghi hình, ghi âm sẽ tốt hơn. Cần phải phân biệt rõ việc PV Hoàng Khương có động cơ gì khi phối hợp với ông Hòa để đưa hối lộ cho ông Đức hay không? Theo tôi, PV Hoàng Khương không phải là người có phương tiện bị tạm giữ nên anh ta chỉ có động cơ là cố gắng lấy bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Nếu PV Hoàng Khương không vờ hợp tác với ông Hòa thì không thể tiếp cận với ông Đức. Có người cho rằng, khi phát hiện vụ việc, PV Khương phải tố cáo vụ việc tới CQCA. Cần nói lại rằng, Hoàng Khương là PV nên việc "tố cáo" của Hoàng Khương là viết bài phản ánh vụ việc một cách công khai".

Luật sư: Không có dấu hiệu phạm tội!

Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Cty Luật Hòa - Lợi cho rằng: "PV Hoàng Khương không có động cơ phạm tội. Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực. Tôi xin lấy ví dụ, một PV khi đi điều tra để viết bài về một tụ điểm đánh bạc chẳng hạn. Để bài viết có hồn, để nhận diện được các mánh khóe của chủ sới, để ghi hình các con bạc để làm bằng chứng, PV phải nhập vai một con bạc. Nếu việc đó đã được báo cáo Ban biên tập thì không thể nói rằng PV đó vào sới để đánh bạc. Nếu Hoàng Khương không báo cáo Ban biên tập thì cũng chỉ là sai sót về qui trình...".

Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng VPLS Trịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng "về lý luận pháp lý, chỉ có thể coi một người phạm vào tội đưa hối lộ khi hành vi đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn của người đó xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức đó bị thoái hóa, biến chất. Trong vụ việc này, việc PV Hoàng Khương cùng Trần Anh Tuấn đưa tiền cho Hòa để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ công an), lấy đó làm tư liệu để viết và đăng các bài báo chống tiêu cực có thể xem là hành động dũng cảm, có tác dụng giúp Công an TP HCM hoạt động đúng đắn hơn, phẩm chất cán bộ được nâng cao, khiến nhân dân thêm tin vào cơ quan quản lý". Do đó, luật sư Dũng cho rằng "việc làm này của PV Hoàng Khương không có dấu hiệu phạm tội Đưa hối hộ, mà còn cần phải biểu dương như là tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng".

"Nhập vai" đến đâu là an toàn?

Để tìm hiểu viết tin, bài về một vụ việc hoặc hiện tượng, PV được quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có một văn bản pháp luật nào qui định cụ thể PV được sử dụng nghiệp vụ điều tra đến đâu, mà tùy vào tình hình cụ thể, người PV đó hoặc tòa soạn sẽ đưa ra cách thức khai thác thông tin. Với những vụ việc nhạy cảm, phức tạp như việc chứng minh CSGT nhận hối lộ nêu trên, việc lấy thông tin "công khai" là rất hiếm, vậy câu hỏi đặt ra với các cơ quan quản lý là PV được "nhập vai" như thế nào thì không phạm luật? Vì trên thực tế, để phản ánh việc khai thác vàng trái phép, đã có PV vào vai "phu" vàng, để phản ánh việc đánh bạc, đã nhập vai con bạc...

Trong vụ việc này, để xác định việc làm của PV Hoàng Khương có dấu hiệu trách nhiệm hình sự hay không cần phải làm rõ nguồn tiền Hoàng Khương đưa cho Tôn Thất Hòa để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức ở đâu ra. Tiền của Trần Minh Hòa (người điều khiển xe máy vi phạm) đưa cho Hoàng Khương hay tự Hoàng Khương bỏ ra, vì nếu chỉ để có bài viết, một PV chắc không bỏ ra một khoản tiền lớn (15 triệu đồng) để thực hiện việc "gài bẫy"? Ngoài ra, cần làm rõ mối quan hệ giữa PV Hoàng Khương và Trần Minh Hòa. Vì theo luật thì người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ quyền hạn (lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện), để xác minh xem PV Hoàng Khương có lợi ích liên quan trong vụ việc này không?

Kết luận của CQĐT sẽ làm sáng tỏ vụ việc, nhưng từ vụ việc này cũng nảy sinh vấn đề mà các nhà làm luật cần lưu tâm đó là: Nhà báo được sử dụng nghiệp vụ điều tra đến đâu?

Theo PL&XH

Tin nổi bật