Cứ đi rồi sẽ gặp
“Phóng viên nông nghiệp hình như ai cũng cầm tinh con ngựa, lúc nào cũng dặm trường chinh chiến. Thế nên, cứ ngồi nhà làm công việc tổ chức sản xuất cho các bạn, biên tập bài vở với những ngày đút chân gầm bàn, lâu quá là hóa chồn chân, như một con ngựa còn sung mà chân bị buộc…”
Miền Nam là mảnh đất của sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo định hướng thị trường. Những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp hàng tỉ USD/năm cho GDP như cà phê, hồ tiêu, gạo, cá tra, tôm… đều là từ những vùng chuyên canh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, là ở miền Nam.
Phát triển kinh tế nông nghiệp sôi động đặt ra nhiều vấn đề thời sự, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi xung phong vào Nam, không gì khác là muốn đằm mình trong hơi thở thời sự của những vấn đề lớn, ở quy mô quốc gia, để hiểu hơn về nhiều lĩnh vực mà trước nay chưa được cọ xát, tìm hiểu. Tôi đi cũng là để trải nghiệm nhiều hơn, để biết rõ hơn bằng cách nào mà những nông dân miệt đồng, miệt vườn vươn lên trở thành những ông chủ lớn, những tỷ phú chân chất làm giàu.
Bước chân tới những góc khuất, ở những nơi “vùng trũng” ĐBSCL cũng hiểu được, vì sao mà người nông dân vẫn cứ chân lấm tay bùn, năm nối năm cơ cực; để hiểu về sự hụt hẫng của những con người chân chất, thật thà trong bối cảnh đô thị hóa “nóng” hay là những đôi vai nặng trĩu những nỗi lo cơm áo đằng sau núi đỏ, rừng xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ… Nói một cách khác, thì đi cũng là để học, không sai như lời dạy của các cụ nhà ta đã truyền đời “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mà cái sàng khôn còn biết bao nhiêu là thứ, không xác định trước được từ khi còn ở “ngoải”, nhưng mà cứ đi, đi rồi sẽ gặp…
Phóng viên Giang Hải |
Tôi đã đi nhiều, đi rất khỏe, kể cả đi công tác, kể cả đi phượt. Nhưng chuyến đi này rất khác. Lần này Nam tiến, tôi có nhiệm vụ thiết lập cơ quan thường trú của kênh VTC16. Đến một vùng đất lạ, hiển nhiên là chúng tôi vấp váp phải một vài khó khăn. Tỉ dụ như nguồn tin, ở ngoài đó còn có đồng nghiệp, có các nguồn tin thân cận của mình, đôi khi anh em ới nhau một cốc trà đá là đã nảy đề tài, biết được thông tin cần thiết để liên hệ.
Nói là vất vả thì nghề nào, chỗ nào cũng vất rồi. Nhưng với Kênh Nông nghiệp thì có tính đặc thù thế này. Anh em hay phải di chuyển xa. Từ đại bản doanh ở TP.HCM, các bạn kênh 16 vươn mình ra 8 hướng, khi thì lặn lội xuống tận đất mũi Cà Mau, lúc lại ngược nguồn lên với đại ngàn Tây Nguyên, có khi xắn gối, lội bùn giữa mùa nước nổi mênh mông, khi ngất ngư say sóng tiến ra xa ngoài đảo… 2 ô tô, mỗi tháng đường trường không dưới 6.000 cây số, với 6 phóng viên. Phóng viên nông nghiệp hình như ai cũng cầm tinh con ngựa, lúc nào cũng dặm trường chinh chiến. Thế nên, cứ ngồi nhà làm công việc tổ chức sản xuất cho các bạn, biên tập bài vở với những ngày đút chân gầm bàn, lâu quá là hóa chồn chân, như một con ngựa còn sung mà chân bị buộc…
Chuyện đời thường không khó khăn gì, vì Kênh Nông nghiệp rất là chú ý tới đời sống anh em “đi sứ” nên đã thuê nguyên một “tiểu villa” cho ở, gần ngay quận 1, đi lại dễ dàng. Tất nhiên, mới Nam tiến, xung trận đôi khi khó khăn vì “chỗ này, chỗ kia” chưa có mối, đôi khi cũng mất thời gian hơn, kể cả từ khâu liên hệ. Nhưng các mối quan hệ cũng dần được thiết lập, nhất là được sự giúp đỡ tận tình của các thế hệ nhà báo lão làng, đàn anh, đàn chị, ví như NB Hằng Nga, NB Lưu Phan, NB Hoàng Xuân… Nhưng mà cũng phải nhìn ngược lại, sự lạ lẫm đôi khi có cái hay của nó. Bởi với mảnh đất của mình, nhiều thứ đã thành quen thuộc quá, có khi triển khai thành đề tài lại nhàm. Nhưng chân ướt chân ráo tới, cũ người mới ta, khai thác xông xáo, lại thành ra thổi hơi thở mới cho một vấn đề mà nhiều người cho là cũ. Việc luân chuyển phóng viên, cho phóng viên thường trú thay phiên hay là ở chỗ đó.
Và hơn thế nữa, nếu cứ ở mãi một chỗ có lẽ sẽ không bao giờ tôi biết được trên đất nước mình có những nơi, có những số phận con người bất hạnh thế. Hay nói theo cách khác, cái sự đi đã mở ra trong tôi những cánh cửa đồng cảm và bao dung với những kiếp người. Tôi vẫn còn ám ảnh mãi những câu chuyện trên dọc đường “đi sứ” của mình. Đó là những nỗi đau mang tên cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc. Câu chuyện của cô dâu H.T.N ở Bình Thuận khiến dư luận trong nước hoang mang khi mà cô bị người chồng Hàn Quốc đâm 32 nhát dao.
Giật mình với nỗi đau của cô dâu N, với sự đau khổ tột cùng của những người thân trong gia đình cô được cập nhật liên tục trên báo chí, tôi đã quyết định tìm hiểu số phận của hơn 300.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng ngoại quốc. Thế là về Bình Thuận. Câu chuyện với bà ngoại N không được nhiều, vì bà đã ngoài 80 tuổi nhưng nó cho tôi thấy những khoảng lặng trong số phận con người, trong giấc mơ đổi đời và sự vụt tắt của niềm vui một cách nghiệt ngã.
Không thể quên những giọt nước mắt khóc nấc, khóc nghẹn của người mẹ gầy guộc, già hơn nhiều so với cái tuổi 60 của bà, khi nhận tro cốt đứa con đứt ruột đẻ ra. Tiếp tục về Cần Thơ, nơi đông cô dâu xuất ngoại nhất Việt Nam, về Cù Lao Tân Lập, thấy thực cảnh nhiều chàng trai không lấy được vợ, vì các cô gái đã vượt biển lấy chồng hết cả, chạnh lòng tự hỏi tại sao. Một cô dâu lấy chồng Đài Loan trả lời rằng: “muốn đổi đời, trả ơn cha mẹ”, và đó không phải là giấc mơ riêng của mình ai. Không ai có quyền phê phán giấc mơ ấy của những người con gái miệt đồng cả. Nhưng giật mình thấy rằng, các cô lấy những ông chồng hơn mình cả chục tuổi, cưới sau khi gặp 1 - 2 lần, và sang một môi trường sống mới trong khi không có một chút kiến thức nào lận lưng.
Cách biệt văn hóa là nguyên nhân của hàng loạt những đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân của cô dâu Việt với rể nước ngoài. Đau xót khi thấy thông tin về những buổi chọn vợ như “chọn cá” - lời một nhân vật trong phim. Càng đau xót hơn khi trong chuyến công tác Hàn Quốc vừa rồi, tôi được trực tiếp trò chuyện với những “nhân vật chính” ở tận xứ sở kim chi.
Rồi nỗi đau mang tên mùa nước nổi. Lần đầu tiên hiểu được thế nào là mùa nước nổi và thực tế đã khác xa rất nhiều so với trước đây. Lũ dữ, vỡ đê bao, đứng ở trên mực nước cao hơn trong ruộng tới 4 mét mới hiểu được sự chông chênh và hung dữ của tự nhiên. Mùa màng của bà con nông dân có nguy cơ mất trắng. Nhưng cũng hiểu được tại sao lại có sự biến mất đầy tiếc nuối trong ký ức của những người dân miệt đồng này liên quan tới việc xây dựng hệ thống đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Vấn đề vẫn luôn thời sự và tôi ở đây, vẫn đang theo dõi diễn biến của nó.
Có người hỏi tôi, VTC16 là một kênh truyền hình non trẻ, có rất nhiều khó khăn và thách thức. Còn trẻ, có năng lực điều gì giữ chân tôi lại gắn bó với kênh này thay vì “bay” đến một nơi nào khác có thể mang đến cho mình một nơi làm việc nhàn hạ hơn, lương cao hơn?... Nhưng nghĩ và tính là hai việc khác nhau. Chúng ta cần phải tiến những bước ngắn trước khi đi một bước dài. Cũng giống như một đứa trẻ trước khi biết chạy cần phải biết lẫy, biết bò. Nên tin vào điều hiển nhiên đó, vì chúng ta đều biết, đứa trẻ này không bị khuyết tật…
Giang Hải tốt nghiệp K23 Khoa Báo In, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Hải là một cây viết trẻ, một phóng viên năng động. Từ năm thứ II, Hải đã cộng tác với nhiều tờ báo lớn bé khác nhau nhưng lâu nhất là tờ Lao Động. Hải đi nhiều, đi khỏe. Sau mỗi chuyến đi lại cho ra đời những bài phóng sự, ký sự là những ghi chép, những khám phá và những cảm nhận chân thực của hắn về con người và thế giới xung quanh. Giờ đây, Hải đã tạm chia tay với báo viết để đến với truyền hình. Công việc của Hải là BTV chương trình Nông thôn mới trên kênh VTC16 của Đài Truyền hình KTS VTC. Đây là chương trình đề cập đến vấn đề chính sách Tam nông. Năm 2011, Hải xung phong vào Sài Gòn là phóng viên thường trú khu vực phía Nam. Tại đây, với bản tính ham đi, ham trải nghiệm, Hải và các đồng nghiệp thường trú phía Nam đã đi nhiều, đóng góp nhiều cho kênh Tam nông những phóng sự truyền hình nóng hổi, góp phần đưa kênh 16 đến với bà con nông dân trên cả nước. |
Hà Trang
Tạp chí Truyền hình Số VTC