Nghề báo
Mạng xã hội: Nguồn thông tin phong phú cho báo chí
Submitted by nadung on Mon, 31/10/2011 - 10:48Lần đầu tiên một hội thảo cấp bộ đã đặt vấn đề, phân tích sự tác động giữa thông tin của báo chí truyền thống và thông tin trên các mạng xã hội.
Lần đầu tiên một hội thảo cấp bộ đã đặt vấn đề, phân tích sự tác động giữa thông tin của báo chí truyền thống và thông tin trên các mạng xã hội (hội thảo tại Huế ngày 28-10).
Ảnh minh họa. |
Bà Annelie Ewers, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí FOJO, Thụy Điển, chia sẻ ngay đầu cuộc hội thảo: "Mạng xã hội đang là chủ đề nóng trên thế giới, đang từng ngày thách thức đối với cách truyền thông truyền thống. Vai trò nhà báo cũng đang thay đổi và chúng ta đã đến ngã tư đường: Ai sẽ nắm quyền tác động và vai trò nhà báo trong tương lai sẽ như thế nào?".
Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng Internet sử dụng rộng rãi nhất. Trong đó, 100% sử dụng tìm kiếm, 80% sử dụng mạng xã hội. Trong số những người sử dụng dưới 18 tuổi thì 43% có một tài khoản, 25% có hai tài khoản và 13% có bốn tài khoản trở lên.
Ông Hải cũng xác nhận thông tin trên các mạng xã hội này là một nguồn đầu vào cực kỳ phong phú cho báo chí, tham gia quảng bá cho các thông tin báo chí lan tỏa, tiếp cận bạn đọc. Trong nhiều vụ việc cụ thể, mạng xã hội còn tác động, tương tác với báo chí, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống, giúp báo chí có sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình tiếp nhận ý kiến.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý về sự thiếu chính thống, thiếu kiểm chứng của các thông tin trên mạng xã hội. "Nhiều thông tin không có động cơ, mục đích rõ ràng, có một số thông tin có động cơ xấu. Nếu thông tin đầu vào thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng thì trên báo chí có thể xuất hiện thông tin sai sự thật và điều này sẽ khiến cho tờ báo trở nên tầm thường, lá cải".
Ông Lê Hồng Minh, chủ trang mạng Zingme, nói rằng sử dụng mạng xã hội là xu thế không thể cưỡng lại của những người trẻ. Điều này tạo ra những thách thức thực sự với báo chí truyền thống. Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM nhìn vấn đề ở góc độ "phủ sóng" thông tin. Bạn đọc luôn có nhu cầu được biết, nếu báo chí chính thống né tránh thì sẽ mất người đọc và người dân sẽ tìm đến các mạng xã hội.
Theo bà Annielie Ewers, nhà báo phải đi đầu sử dụng mạng xã hội chứ không phải cản trở sự phát triển của nó. Đó là cách báo chí cùng tồn tại, kiểm chứng, cũng là bảo vệ sự thật và bảo đảm cân bằng cho người thụ hưởng thông tin.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải e ngại thông tin từ mạng xã hội. Các tòa soạn báo, các nhà báo phải tự xây dựng cho mình phương thức xác định sự thật từ những thông tin trên mạng. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển.
Phan Mai
Theo Pháp luật TPHCM
Trung Quốc thắt chặt thông tin truyền bá trên Internet
Submitted by nadung on Mon, 31/10/2011 - 10:40Những nhà quản lý Trung Quốc cho hay các nỗ lực kiểm duyệt Internet sẽ được tăng cường trong thời gian tới nhằm ngăn chặn việc lây lan tin đồn và trừng phạt bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tung tin đồn.
Theo tin đưa từ Tân Hoa Xã, những nhà quản lý Trung Quốc cho hay các nỗ lực kiểm duyệt Internet sẽ được tăng cường trong thời gian tới nhằm ngăn chặn việc lây lan tin đồn và trừng phạt bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tung tin đồn.
Ảnh minh họa. |
Tân Hoa Xã cho hay: Một sinh viên đại học đã bị bắt giữ sau khi bị cáo buộc đã đăng lên mạng trực tuyến một tin tức giả mạo về một người đàn ông giết chết tám vị trưởng thôn ở tỉnh Vân Nam. Một biên tập viên website Trung Quốc cũng mới bị cảnh báo sau khi cho xuất bản câu chuyện về một tai nạn máy bay quân sự mà không hề xác thực sự kiện. Ngoài ra, một cư dân Thượng Hải đã bị cảnh sát giam giữ 15 ngày sau khi anh này bị buộc tội đã đăng một tài liệu thuế thu nhập giả mạo lên mạng trực tuyến.
Tuy nhiên, trước những phản ứng mạnh mẽ từ phía các nước phương Tây, Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia Trung Quốc (SIIO) mới đây đã cho hay cơ quan này chưa hề tìm ra tung tích các tác giả của ba câu chuyện tin tức "sai sự thật".
Mới thành lập vào tháng 5/2011, SIIO chuyên đề giám sát các nội dung trực tuyến, bao gồm cả các website tin tức.
Đầu tháng này, Tổng giám đốc của SIIO được báo cáo đã nói với các blogger rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu lan truyền những tin tức dối trá, tin đồn xấu hoặc nội dung khiêu dâm.
Hiện Trung Quốc có 485 triệu người dùng Internet được thống kê. Đến tháng 8/2011, riêng mạng tiểu blog Weibo của Sina - bản sao Twitter của Trung Quốc - đã có hơn 250 triệu tài khoản đăng ký với 90 triệu thông điệp xuất hiện mỗi ngày. Tốc độ cập nhập của các bài bình luận diễn ra quá nhanh, rất khó khăn cho các nhà quản lý để theo kịp.
Hoài Thanh
(Theo CL/BBC)
ABCNews đánh giá top 10 kỳ quan tự nhiên thế giới mới
Submitted by nlphuong on Mon, 31/10/2011 - 07:47(ICTPress) - Trong một chuyến đi (tour) toàn cầu, hãng tin ABCNews đã đưa ra top 10 trong số 28 kỳ quan tự nhiên hấp dẫn nhất. Vịnh Hạ Long của Việt Nam là 1 trong top 10.
(ICTPress) - Trong một chuyến đi (tour) toàn cầu, hãng tin ABCNews đã đưa ra top 10 trong số 28 kỳ quan tự nhiên hấp dẫn nhất. Vịnh Hạ Long của Việt Nam là 1 trong top 10.
Địa hình hiểm trở ở Austrlia, những vách đá mở rộng ở Ireland và nhiều hang đảo rộng ở Việt Nam là những kỳ quan trong số 28 kỳ quan quốc tế trong chiến dịch tìm kiếm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Chiến dịch 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (New7Wonders of Nature) là một cuộc cạnh tranh toàn cầu để tìm ra 7 phong cảnh tự nhiên như là 7 kỳ quan mới của thế giới. Cuộc tranh cử là một nỗ lực để “đưa di sản thiên nhiên của chúng ta lên một mốc đánh giá mới do chính chúng ta thực hiện”, theo trang web của cuộc thi.
Trong một chuyến đi (tour) toàn cầu, hãng tin ABCNews đã đưa ra top 10 trong số 28 kỳ quan tự nhiên hấp dẫn nhất cạnh tranh “kỳ quan của thế giới” mới. Bạn hãy nhanh chóng bầu chọn cho vịnh Hạ Long quan trang web www.new7wonders.com hoặc nhắn tin với cú pháp Halong, HL tới cổng 147 để vịnh Hạ Long lọt vào top 7 kỳ quan tự nhiên thế giới mới.
Thác Angel, Venezuela
Thác nước cao nhất thế giới, thác Angel nằm trong công viên quốc gia Canaima ở Venezuela. Thác này cao hơn 19 lần thác Niagara ở New York, có đoạn nước đổ thẳng dài 807 m.
Những núi lửa bùn, Azerbaijan
Những núi lửa bùn được hình thành từ chất lỏng và khia ga. Trong số 700 núi lửa bùn, thì Azerbaijan có 300 núi lửa bùn được biết đến là thỉnh thoảng phun ra những ngọn lửa cao tới 80 km.
Rừng đen, Đức
Rừng đen có nguồn gốc truyền thuyết từ nhiều thế kỷ là những cánh rừng mở rộng có đường biên giới với thung lũng Rhine ở Tây Nam nước Đức. Khu rừng Feldberg là đỉnh cao nhất với 1.493 m.
Hang Jeita Grotto, Lebanon
Một quần thể các hang thạch nhũ và sông, hang Jeita Grotto ở Lebanon là một kỳ diệu địa lý với thạch nhũ, măng đá và khối đá. Những hang trong quần thể này dài hơn 8,8 km và là một trong những nơi có thạch nhũ lớn nhất thế giới.
Hẻm núi Canyon, Mỹ
Bị bào mòn bởi các dòng nước của cong sông Colorado qua 6 triệu năm, hẻm núi dài 446 km, rộng 28,8 km và sâu hơn 1,6km.
Vịnh Hạ Long, Việt Nam
Nằm ở tỉnh Quảng Ninh, phía Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là nơi quy tụ hơn 2000 đảo và các lạch nhỏ dọc đường bờ biển 120 km. Trong những vịnh nhỏ, hang động và các bãi biển là những làng chài nổi và những ngư dân đánh bắt 200 loài cá và 450 loài động vật có vỏ. UNESCO đã công nhận di sản vịnh Hạ Long là di sản thế giới vào năm 1994 vì giá trị văn hóa, lịch sử địa lý khí hậu và phong cảnh.
Những ấn tượng của vịnh Hạ Long là hàng ngàn vùng đá vôi và các hòn đảo nhỏ với nhiều kích cỡ và hình dạng (Chú thích duy nhất của ABCNews trong top 10 kỳ quan tự nhiên thế giới mới) |
El Yunque, Puerto Rico
El Yunque là tên một khu rừng Quốc gia tại Puerto Rico và cũng là tên của đỉnh núi cao thứ hai hòn đảo này. Được biết, đây là khu rừng nhiệt đới ẩm duy nhất trong hệ thống rừng quốc gia của Mỹ.
Uluru, Australia
Ngọn núi này cao 348 m với chu vi 9,4 km, có thể thay đổi màu cùng với ánh sáng mặt trời trong suốt cả ngày. Uluru là một trong những phong cảnh tự nhiên được công nhận đẹp nhất ở Australia.
Núi Kilimanjaro, Tanzania
Núi Kilimanjano là một trong những chỏm núi cao nhất thế giới, cao gần 13 km trên mực nước biển. Nằm trong công viên quốc gia Kilimanjaro của Tanzania, ngọn núi được bao quanh 5 khu vực trồng râu riêng rẽ độc đáo và ba núi lửa im lìm.
Quần đảo Maldives
Quần đảo Maldives, một quốc gia đảo có hơn 1000 đảo nằm ở Ấn Độ Dương, có những dải san hô mênh mông, kho báu sinh thái quốc gia và là nơi sinh sống của hàng ngàn loài cá khác nhau.
Bảo Ngọc
Nhà báo với những tấm ảnh iPhone lộng lẫy
Submitted by nlphuong on Thu, 20/10/2011 - 06:49(ICTPress) - Triển lãm những bức ảnh Hồng Kong mới của nhà báo Liam Fitzpatrick đã nói lên nhiều điều chỉ từ một máy ảnh iPhone.
(ICTPress) - Triển lãm những bức ảnh Hồng Kong mới của nhà báo Liam Fitzpatrick đã nói lên nhiều điều chỉ từ một máy ảnh iPhone.
Chân dung Liam Fitzpatrick, tất nhiên là chụp bằng iPhone rồi |
Nhà báo Hong Kong Liam Fitzpatrick đã chụp rất nhiều bức ảnh bằng chiếc máy iPhone của mình và xử lý những bức ảnh nhờ những ứng dụng ảnh.
Kết quả thật đáng kinh ngạc. Toàn cảnh sống động của Hong Kong từ cảng Victoria, đến bầu trời ấn tượng của Hong Kong đã được trưng bày tại triển lãm ảnh iPhone đầu tiên của Fitzpatrick mang tên “Hoang dã”.
Những hình ảnh đã hơn cả mong đợi của chiếc máy ảnh nhỏ của iPhone - trong trường hợp của Fitzpatrick, máy ảnh iPhone 3GS 3 megapixel - thường chỉ phù hợp để chụp người ở cự ly ngắn hoặc là những đồ vật, thực phẩm.
Biên tập viên của Tạp chí TIME đã hỏi Fitzpatrick về những thủ thuật và tại sao cầu cảng Victoria lại nổi bật hơn trong những tấm hình của ông so với chính những người Hong Kong.
Fitzpatrick cho biết nếu ai muốn chụp những tấm ảnh bằng iPhone đẹp hơn, tôi có thể nói rằng không phụ thuộc vào các ứng dụng nhưng tập trung vào các cơ bản của ảnh, như thành phần, ánh sáng, bề mặt và hình thức. Tất cả mọi thứ khác đều đi sau những thành phần này.
Bài thơ ca ngợi bầu trời Hong Kong được làm bằng iPhone |
Fitzpatrick sử dụng kết hợp cả máy ảnh và các ứng dụng biên tập ảnh để có được những bức ảnh lộng lẫy |
"Trên những đường tàu," (Liam Fitzpatrick) |
"Nhìn từ bờ phía Đông" (Liam Fitzpatrick) |
Thùy Dương
Theo CNNGo
Nguồn gốc bức chân dung nổi tiếng nhất về Steve Jobs
Submitted by nadung on Wed, 19/10/2011 - 01:49Từ lâu, nhà sáng lập Apple được giới nhiếp ảnh coi là "chủ đề ác mộng" đối với họ mỗi khi tác nghiệp.
Từ lâu, nhà sáng lập Apple được giới nhiếp ảnh coi là "chủ đề ác mộng" đối với họ mỗi khi tác nghiệp.
Hình ảnh Steve Jobs vẫn đang nằm trên trang chủ Apple suốt từ ngày 5/10 sau khi ông qua đời. Chân dung đó như thể hiện được mọi tính cách mà người ta biết về ông: sự mãnh liệt, quyết đoán, thông minh... Đây cũng là ảnh trang bìa cuốn tiểu sử "Steve Jobs" (ra mắt ngày 24/10) và là một trong những tấm hình được sử dụng nhiều nhất trong các bài viết về ông.
Bức chân dung nổi tiếng và được Steve Jobs rất yêu thích. |
Theo PDN Pulse, Albert Watson chụp ảnh này từ năm 2006 cho tạp chí Fortune (Mỹ). Jobs là người luôn đòi hỏi khắt khe, kể cả trong việc chụp ảnh. Ngay khi bước vào phòng chụp, cựu CEO Apple không nhìn Watson mà quan sát căn phòng rồi dừng lại ở chiếc máy ảnh 4x5 trông như "thời tiền sử". Jobs không khỏi sửng sốt khi thấy Watson định chụp bằng máy phim, nhưng cũng đồng ý khi Watson nói không cảm thấy "không khí kỹ thuật số" ở nơi đó.
Để chụp chân dung, Watson đề nghị Jobs nhìn thẳng gần như 100% vào ống kính và "nghĩ về dự án tiếp theo mà ông đang có trên bàn làm việc". Watson cũng yêu cầu Jobs nhớ lại những khoảng thời gian các đối thủ thách thức ông. Năm 2006 là năm tràn ngập tin đồn Apple sắp tham gia thị trường di động với một chiếc điện thoại mà hầu hết giới phân tích tin sẽ là một thất bại lớn. Do đó, có thể đoán Jobs đang nghĩ đến iPhone 2G vào thời điểm Watson bấm máy. Vẻ mặt tự tin và cái mỉm cười nhẹ đầy thách thức cho thấy Jobs biết ông chuẩn bị thay đổi cả thế giới (iPhone chính thức xuất hiện năm 2007). Nhà sáng lập Apple nói ông rất hài lòng với bức ảnh.
Bức ảnh này xuất hiện tràn ngập tại những nơi tưởng nhớ Steve Jobs. Ảnh: AFP. |
Jobs vẫn nổi tiếng là "chủ đề thách thức nhất" dành cho các nhiếp ảnh gia, chủ yếu do ông kiểm soát và đòi hỏi quá nhiều. Ed Kashi, người chụp Jobs khoảng 10 lần vào thập niên 80 của thế kỷ trước, nhớ lại: "Ông ấy là một trong những nhân vật khó khăn nhất tôi từng gặp ở thung lũng Sillicon nhưng tôi đánh giá cao những hiểu biết của ông ấy về khả năng lột tả cá tính, các chế độ thiết lập và thông điệp cần truyền tải qua mỗi tấm hình".
McLeod, trợ lý của Kashi, cũng kể về lần đầu gặp Jobs: "Ông ấy bước vào phòng chụp, bắt đầu di chuyển vị trí các đèn chiếu sáng rồi nhấc máy gọi cho một nhà chỉ đạo nghệ thuật ở New York, nói rằng ông muốn làm điều gì đó khác". McLeod và Kashi đứng sững ở đó, nhìn Jobs với thái độ không thể tin nổi. "Đó là người duy nhất tôi từng biết đã hành động như thế. Chụp Jobs giống như đang khiêu vũ vậy. Ông ấy muốn nói. Ông ấy muốn kiểm soát. Ông ấy muốn tham gia mọi quá trình", McLeod nhận xét.
Doug Menuez là người chụp hình Jobs nhiều nhất trong số các nhiếp ảnh gia. Ông có cơ hội tiếp cận Jobs trong suốt 3 năm để viết về quá trình phát triển của dòng máy tính NeXT. "Trong những năm đó, Jobs đã hét lên với tôi một lần. Đó là năm 1988 khi Fortune cần chân dung Jobs cho trang bìa tạp chí. Tôi định chụp ông ấy ở cầu thang trong văn phòng NeXT. Jobs đến, nhìn mọi thứ xung quanh và hét lên 'Đây là ý tưởng ngớ ngẩn nhất tôi từng thấy. Ông chỉ muốn bán tạp chí mà thôi'. Tôi cảm thấy mình bỗng như một đứa trẻ lên 10 và trả lời 'Còn ông thì muốn bán máy tính'. Khi đó Jobs bảo 'OK' và ngồi xuống. Tôi cứ như đang sống trong vùng chiến sự vậy nhưng tôi đã học được cách đứng trên mặt đất với Jobs", Menuez viết trong thư gửi cho trang PDN Pulse.
Câu chuyện chiếc áo cổ rùa
Trang phục quần jeans áo thun cao cổ của Steve Jobs gắn liền với ông trong nhiều năm. Nhà viết tiểu sử Walter Isaacson kể lại cuộc phỏng vấn với Jobs trong cuốn sách sắp được bán:
Tủ quần áo của Jobs có hơn trăm mẫu áo cổ rùa. Ảnh: The Guardian. |
"Trong một chuyến đi tới Nhật đầu thập niên 80, Jobs hỏi Akio Morita, Chủ tịch hãng Sony, vì sao mọi người trong công ty đều mặc đồng phục. Ông ấy giải thích rằng sau chiến tranh, quần áo lương thực thiếu thốn nên những hãng như Sony phải cung cấp trang phục mặc hàng ngày cho công nhân. Theo năm tháng, đồng phục đã làm nên phong cách riêng của công ty và trở thành cầu nối gắn kết con người. Job cũng muốn Apple có sự gắn kết như vậy nên đã mời chuyên gia thiết kế đồng phục của Sony là Issey Miyake phác thảo bộ vest cho Apple. Tôi đưa bản vẽ và nói với mọi người rằng sẽ thật tuyệt nếu tất cả chúng ta cùng mặc vest. Nhưng tất cả đều ghét ý tưởng đó.
Trong quá trình trao đổi, Jobs trở nên thân thiết với Miyake và thường xuyên ghé thăm ông. Jobs cũng nảy ý tưởng có một bộ "đồng phục" của bản thân - một kiểu trang phục mà ông sẽ luôn mặc mỗi khi xuất hiện, phải vừa thoải mái trong giao tiếp hàng ngày vừa thể hiện phong cách riêng. "Do đó tôi đề nghị Miyake làm cho tôi vài chiếc trong số những mẫu áo cổ rùa (turtleneck) của ông ấy, và Miyake đã tạo cho tôi tầm 100 mẫu", Jobs kể lại và mở tủ" "Đây là những gì tôi mặc. Tôi có đủ áo cổ rùa cho đến cuối đời".
Châu An
Theo VNExpress
Câu chuyện sau tấm bìa TIME về Steve Jobs
Submitted by nlphuong on Mon, 17/10/2011 - 06:01(ICTPress) - Nhiếp ảnh gia Norman Seeff của đã chụp chân dung Steve trong phòng khách của Steve vào năm 1984. Norman đã chia sẻ câu chuyện đằng sau hình ảnh Steve được lấy làm bìa Tạp chí TIME số 17/10/2011.
(ICTPress) - Tạp chí TIME đã phát hành số ngày 17/10/2011 chuyên đề tưởng niệm Steve Jobs với hình bìa của ông. Nhiếp ảnh gia Norman Seeff đã chụp chân dung Steve trong phòng khách của Steve vào năm 1984. Norman đã chia sẻ câu chuyện đằng sau hình ảnh Steve được lấy làm bìa.
Tôi được giao một nhiệm vụ là thực hiện một câu chuyện về đội ngũ rất trẻ của Apple, và đồng thời có buổi chụp hình với Steve Jobs. Tôi đã thực sự ấn tượng khi đến thăm các văn phòng của Apples. Tôi hoàn toàn có thể nói rằng không gian ở Apples không hoàn toàn là một công ty. Có thể gọi đội ngũ sáng tạo này là một gia đình lớn thực sự - cực kỳ nhiều năng lượng và đam mê. Mọi người làm việc với nhau thân tình, cởi mở đáng ngạc nhiên. Steve đi vào và tôi nhìn thấy ông trong khung cảnh như là người cha có khiếu - điều đầu tiên tôi nhận thấy từ ông là ông không tham gia chút nào vào khung cảnh. Ông xem xét rất chủ định để xem những gì đang diễn ra nhưng không kiểm soát.
Ở nhà Steve, chúng tôi chỉ ngồi xuống, nói về sự sáng tạo và công việc hàng ngày trong phòng khách. Tôi bắt đầu xây dựng sự thân mật với Steve, và sau đó Steve chạy ra ngoài, và quay trở lại và ngồi xuống với tư thế như bức ảnh này. Ông tự nhiên ngồi xuống với chiếc Macintosh trong lòng. Tôi chụp kiểu đầu tiên. Sau đó chúng tôi còn chụp vài kiểu nữa, và thậm chí ông đã thực hiện một vài động tác yoga - ông nhấc chân và gác qua vai - và tôi chỉ nghĩ chúng tôi là hai người nói chuyện vơ vẩn, chuyện phiếm và hưởng thụ mối quan hệ. Buổi gặp gỡ này không giống như khái niệm nói chuyện và chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng hình ảnh Steve tại cuộc nói chuyện này sau này trở thành một hình bìa của Tạp chí.
Steve có khướu hài hước, nghiêm túc và đánh giá đúng khả năng sáng tạo của người khác. Tôi nhận thấy ông hoàn toàn cởi mở và với chính ông. Tôi không hề thấy bất cứ sự kiêu ngạo hay sự cường điệu nào - ông là chính ông, có một thời gian tuyệt vời. Cuộc nói chuyện đúng như vậy khi chúng tôi trao đổi trong phòng khách đó, chúng tôi như là những người bạn thân lâu năm, không có bất kỳ cấp bậc nào. Là một người chụp ảnh, tôi làm theo định hướng nhưng Steve chẳng làm gì. Chúng tôi kết thúc bằng việc nằm trên sàn, uống bia và những hình ảnh tự nhiên đến.
Mai Vân
Theo Time
"Báo in vẫn có độ phủ rộng lớn hơn báo điện tử"
Submitted by nadung on Sun, 16/10/2011 - 00:14Báo in đã giảm mạnh về lượng phát hành trong năm qua, nhưng vẫn có độ phủ rộng hơn so với mạng di động, theo thông báo của Hiệp hội thế giới các tờ báo và hãng tin (WAN-IFRA).
Báo in đã giảm mạnh về lượng phát hành trong năm qua, nhưng vẫn có độ phủ rộng hơn so với mạng di động, theo thông báo của Hiệp hội thế giới các tờ báo và hãng tin (WAN-IFRA).
Ảnh minh họa (Nguồn: americanobserver.net) |
"Lượng phát hành báo giấy giống như mặt trời, tăng lên ở phương Đông và giảm đi ở phương Tây," Christoph Riess, Giám đốc điều hành WAN-IFRA nói trong hội nghị thường niên Diễn đàn báo chí thế giới diễn ra hôm 13/10 tại Vienna, Áo. Các điểm chính trong báo cáo điều tra của WAN-IFRA bao gồm:
- Báo in tiếp tục tăng được lượng phát hành ở châu Á, nhưng giảm ở những thị trường lâu đời như phương Tây.
- Lượng các tựa báo có quy mô toàn cầu vẫn ổn định.
- Giảm số lượng nhiều nhất là các nhật báo phát hành miễn phí.
- Với các nhà quảng cáo, báo giấy hiệu quả và tiết kiệm hơn so với các loại truyền thông khác.
- Báo giấy có độ phủ rộng hơn so với internet. Trong một ngày điển hình, báo giấy có lượng độc giả nhiều hơn 20% so với internet trên toàn cầu.
- Doanh thu từ quảng cáo trên mạng không đủ bù đắp cho doanh thu quảng cáo mất đi trên báo giấy.
- Mạng xã hội thay đổi khái niệm về truyền thông hiện đại, nhưng những mô hình các công ty truyền thông dựa vào mạng xã hội vẫn chưa tìm thấy lối ra trong việc tăng doanh thu.
- Tin tức ngày nay là đăng tải ngay lập tức.
Bài thuyết trình của Riess tập trung vào sáu lĩnh vực chính: chuyển đổi trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông từ phía người đọc, các thay đổi về mặt kinh tế, lượng phát hành báo giấy và các tựa báo, chi phí quảng cáo, doanh số của báo giấy, và internet so sánh với điện thoại di động.
Báo cáo của WAN-IFRA được thực hiện thường niên từ năm 1988, bao gồm thông tin từ hơn 200 nước. Báo cáo năm 2011 tập trung vào 69 nước chiếm 90% doanh số phát hành và quảng cáo báo chí trên toàn cầu. "Chúng tôi tập trung vào giá trị thay vì số lượng, vào những chỉ số chính ở những thị trường chính," Riess nói.
Người đọc tiếp cận truyền thông theo nhiều cách khác nhau, tùy từng khu vực. Chẳng hạn ở Mỹ truyền hình chiếm ưu thế tuyệt đối. Ở Áo, internet chiếm tới một phần ba thời gian người đọc dành cho truyền thông, còn ở Nga lại là phần không đáng kể.
Thời gian dành cho báo in không nhiều, nhất là ở các nước phát triển. Tổng cộng người đọc chỉ giành 8% cho báo giấy. Tuy nhiên, báo giấy lại thu hút được 20% tổng doanh thu quảng cáo chi cho truyền thông trên toàn cầu.
Những dữ kiện đáng chú ý khác là sự gia tăng của internet và sụt giảm của các đài phát thanh. Người sử dụng truyền thông đã giảm thời gian nghe đài 23% so với năm 2006.
Lượng phát hành báo in hàng ngày đã giảm từ 528 triệu bản vào năm 2009 xuống còn 519 triệu bản trong năm 2010, khoảng 2%, thay vào đó độc giả đổ sang các phương tiện kỹ thuật số. Tuy nhiên, xét về độ bao phủ, báo giấy đến được với 2,3 tỉ lượt người đọc mỗi ngày, nhiều hơn 20% so với 1,9 tỉ lượt của internet, xét trên toàn cầu.
Lượng phát hành cũng thay đổi tùy theo khu vực. Ở châu Á-Thái Bình Dương, phát hành báo in tăng 7% trong năm 2010 so với 2009 và 16% so với năm năm trước. Báo in ở Mỹ Latin cũng tăng được lượng phát hành, 2% so với 2009 và 4,5% so với năm năm trước. Nhưng lượng phát hành giảm ở châu Âu, lần lượt với tỉ lệ 2,5% và 11,8% ở Tây Âu và 12% và 10% ở Đông và Trung Âu. Báo giấy giảm thê thảm nhất ở Bắc Mỹ, nơi lượng bán ra giảm tới 11% trong năm ngoái và 17% trong năm năm qua.
Trong đó, báo miễn phí sụt giảm nhiều nhất trong năm 2010, với lượng phát hành tổng giảm còn 24 triệu bản so với mức 34 triệu bản vào năm 2008. "Cơn bột phát báo miễn phí đã qua," Riess bình luận. "Ở nhiều thành phố, quá nhiều tựa báo mới ra đời. Đã diễn ra cả những cuộc chiến tranh báo chí. Giờ thì thị trường đã trưởng thành hơn và khi các tựa báo giảm xuống, những cơ hội mới mở ra."
Với từng quốc gia, đọc báo in nhiều nhất là Iceland, nơi 96% dân số đọc một tờ nhật báo, tiếp theo là Nhật (92%), Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ (82%) và Phần Lan, Hong Kong (80%). Nhật Bản đứng đầu thế giới nói về lượng phát hành, trung bình một tờ báo có lượng phát hành 461.000 bảng, con số mơ ước với hầu hết các tờ báo in trên thế giới. Áo, nước đứng thứ hai, bị bỏ lại rất xa với trung bình chỉ là 162.000 bản.
Về doanh số quảng cáo, truyền hình tiếp tục là phương tiện thống trị với 180 tỉ USD đã được chi ra cho phương tiện quảng cáo này năm 2010. Báo in đứng thứ hai với 97 tỉ USD, tiếp theo là internet (62 tỉ USD), tạp chí (43 tỉ USD) và đài phát thanh (32 tỉ USD). Tuy nhiên, báo giấy bị bỏ lại khá xa so với truyền hình và internet xét trên tỉ lệ tăng trưởng. Doanh thu quảng cáo internet tăng 22% trong năm 2010 so với 2009 ở châu Á, so với 11% của truyền hình và chỉ 3% của báo in. Tại châu Âu, tỉ lệ này lần lượt là 14%, 9% và -1%. Ở Nam Mỹ là 31%, 19% và 6%, còn Bắc Mỹ là 13%, 8% và -9%./.
Trần Trọng
(Theo Vietnamplus)
Báo điện tử đã hết thời miễn phí?
Submitted by nadung on Mon, 10/10/2011 - 10:20Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo, đã đổ vỡ không gì cứu nổi buộc một loạt các báo điện tử tìm đến giải pháp yêu cầu độc giả phải trả tiền đọc tin tức.
Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo, đã đổ vỡ không gì cứu nổi buộc một loạt các báo điện tử tìm đến giải pháp yêu cầu độc giả phải trả tiền đọc tin tức.
Không thể tránh khỏi
Ngày 10/10 tới đây, Baltimore Sun, tờ báo 175 tuổi đời ở bang Maryland (Mỹ) sẽ chính thức trở thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ những tờ báo bắt buộc độc giả phải trả tiền cho việc đọc phiên bản báo điện tử của họ. Bằng một công cụ đơn giản, Baltimore Sun sẽ theo dõi số lần người dùng bấm vào những bài báo của họ và khi đã đủ 15 lần trong một tháng, họ sẽ yêu cầu độc giả đó phải trả tiền để được đọc tiếp.
Có lẽ, đã đến lúc độc giả và cả các tòa soạn hiểu rằng việc thu phí báo điện tử là bước đi không thể tránh khỏi của ngành công nghiệp báo chí thế giới.
Hồi tháng 4/2010, PaidContent, một ấn bản điện tử chuyên theo dõi mảng truyền thông, báo chí cho biết, nước Mỹ đã có khoảng 26 tờ báo (cả báo địa phương và báo liên bang) đã tiến hành thu phí độc giả trực tuyến. Sang năm 2011, hơn 100 tờ báo trên khắp thế giới đã bắng đầu sử dụng Press+, hệ thống thanh toán trực tuyến do một cựu lãnh đạo của tờ Wall Street Journal phát triển để theo dõi và yêu cầu độc giả trả tiền đọc báo điện tử. MediaNews, một tập đoàn báo chí lớn đã đưa tổng số tờ báo có thu phí của mình từ 2 tờ trong năm 2040 lên tới 23 tờ trong năm 2011 này.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là các tờ báo có thu phí chủ yếu là những tờ mang tính địa phương chuyện biệt còn với những tờ báo lớn có độ phủ rộng, "thu phí độc giả trực tuyến" vẫn là một cụm từ tương đối xa lạ ngoại trừ một số tên tuổi lớn như New York Times, Times of London hay Wall Street Journal.
"Các tờ báo địa phương là một phần khó có thể thiếu đối với cộng đồng của họ và thường không bị cạnh tranh nên việc dựng tường thu phí (paywall) là việc khá đơn giản", Ken Doctor, tác giả của công trình nghiên cứu "Nền kinh tế tin tức" (Newsonomics) lý giải về sự khác biệt này.
Trong "câu lạc bộ những báo điện tử có thu phí", châu Âu là khu vực có nhiều thành viên nhất. Kể từ hồi tháng 5/2011, Slovakia đã thiết lập "bức tường thu phí" ảo trên toàn quốc áp dụng chung cho 9 tờ báo có lượng xuất bản (truy cập) lớn nhất nước này. Kể từ đó, người dân Slovakia phải trả tối thiểu 2,9 euro mỗi tháng để đọc 1 trang báo điện tử. Mức phí này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí nơi người dùng đăng ký hay tần suất đọc tin tức của họ. Piano Media, công ty xây dựng hệ thống thanh toán này đang ấp ủ một kế hoạch thiết lập hệ thống tương tự áp dụng cho toàn châu Âu kể từ đầu năm 2012.
Sự sụp đổ của mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo, 20% từ bán báo đã buộc các tòa soạn phải quyết liệt hơn trong việc thu phí đọc báo điện tử. Ảnh minh họa. |
Vội vã tìm "bầu sữa" mới
Nhưng vì sao các tờ báo điện tử lại bỗng nhiên vội vã đến vậy trong việc áp dụng cơ chế tính phí đọc báo trong khi những nguy cơ "tự sát" vẫn tiềm ẩn?
Một trong những lý do là sự tiến bộ của công cụ Press+ và One Pass (do Google phát triển) đã có khả năng tiếp nhận độc giả đăng ký đọc báo trực tuyến. Sự phổ biến ngày càng lớn của dòng thiết bị máy tính bảng iPad của Apple là một lời giải thích khác. Rất nhiều tờ báo điện tử trên thế giới đã có ứng dụng chạy trên môi trường hệ điều hành iOS (dành cho iPhone, iPad) và có thể bắt buộc độc giả đi qua "cổng thanh toán". Tất nhiên, độc giả dùng máy tính bảng hay smartphone vẫn có thể đọc tin miễn phí thông qua trình duyệt nhưng ở đó họ sẽ phải "tiêu hóa" một lượng quảng cáo khá lớn cũng như nhiều sự bất tiện khác.
Jim Moroney, ông chủ của tờ Dallas Morning News (Mỹ), lý giải rằng ngành công nghiệp báo chí đã từng sống khỏe nhờ mô hình "80-20" (80% doanh thu đến từ quảng cáo và 20% doanh thu đến từ nguồn bán báo) nhưng mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn mà không gì cứu vãn nổi.
Tính riêng trong lĩnh vực báo chí Mỹ, doanh thu từ quảng cáo cả từ báo in lẫn báo điện tử đã giảm từ mức 9,6 tỷ USD trong quý II năm 2008 xuống còn khoảng 6 tỷ trong quý II năm 2011 này. Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cho biết, có rất ít tòa soạn dám tin rằng họ sẽ phục hồi nên giải pháp duy nhất mà họ có thể làm (một cách vội vã) hiện nay là tăng giá bán báo và áp dụng cơ chế thu phí độc giả trực tuyến.
Tín hiệu lạc quan
Thực tế áp dụng của nhiều tờ báo cho thấy, khi bức tường thu phí được dựng lên, lượng truy cập vào website của tờ báo điện tử đó sẽ giảm nhưng thường là không lao dốc một cách đột ngột và cũng thường không kéo dài. Tờ báo địa phương Tulsa World của bang Oklahoma (Mỹ) cho biết, họ đã áp dụng cơ chế thu phí đọc báo điện tử kể từ hồi tháng 4/2011 và trong những tháng tiếp theo lượng truy cập của họ đã giảm mạnh nhưng đến tháng 8, lượng truy cập đã tăng trở lại và thậm chí còn cao hơn con số của tháng 8 năm ngoái – thời điểm mà tờ báo này vẫn đang miễn phí.
"Chúng tôi có một lượng độc giả đọc báo in nhưng không bao giờ đọc báo điện tử", Robert Lorton, ông chủ của tờ Tulsa World cho biết, "Hiện chỉ có chưa đến một nửa số độc giả đăng ký mua báo in dài hạn của chúng tôi đăng ký đọc báo điện tử dù họ được đọc miễn phí".
Rất nhiều tờ báo khác cũng đưa ra những báo cáo tương tự.
Trần Du Phong
Theo ICTNews/Economist
BBC công bố những cắt giảm gây sốc
Submitted by nadung on Sun, 09/10/2011 - 12:53Cơ quan thông tấn xã Anh sẽ cắt giảm 2.000 việc làm để tiết kiệm khoản chi phí 670 triệu bảng Anh một năm, và dọn ra khỏi trụ sở chính lâu năm của nó ở khu vực Tây London.
Theo đó, cơ quan thông tấn xã Anh sẽ cắt giảm 2.000 việc làm để tiết kiệm khoản chi phí 670 triệu bảng Anh (tương đương gần 1 triệu USD) một năm, và dọn ra khỏi trụ sở chính lâu năm của nó ở khu vực Tây London.
Một nhân viên BBC tham gia cuộc đình công bên ngoài trung tâm truyền hình của tập đoàn này ở phía Tây London. |
Kế hoạch này sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm tiếp theo.
Các kênh của đài BBC dự kiến sẽ có những thay đổi đáng kể. Không kênh nào bị loại bỏ, nhưng BBC2 sẽ phát sóng tin tức thay vì các chương trình ban đầu. BBC3 sẽ phát sóng các chương trình về thanh niên và hài kịch, BBC4 (vốn chuyên về phim ảnh và nghệ thuật) sẽ giảm vai trò để hỗ trợ hai kênh khác. BBC sẽ có ít các chương trình vui chơi giải trí và mua lại từ nước ngoài hơn, chi ít tiền hơn cho các chương trình thể thao, chương trình dành cho trẻ em, phim truyền hình và hài kịch.
Những cắt giảm được đưa ra sau khi có quyết định giảm kinh phí hỗ trợ hoạt động của BBC hồi năm ngoái và đòi hỏi tập đoàn này đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ đặc biệt như BBC World Service.
Kế hoạch thực hiện cụ thể mới được Tổng giám đốc BBC Mark Thompson đưa ra hôm thứ Năm, 6/10, sau một cuộc cân nhắc kéo dài 9 tháng có khẩu hiệu "Cung cấp chất lượng hàng đầu".
BBC đã trải qua những cuộc cắt giảm quy mô lớn trong những năm gần đây, và đội ngũ nhân viên đang đình công để phản đối. Trong thông báo đưa ra hôm thứ Năm, công đoàn truyền thông Anh (BECTU) cáo buộc Mark Thompson đã "thủ tiêu việc làm và phá hủy BBC".
Trong bài diễn văn của mình, Tổng giám đốc BBC cũng chỉ ra tình hình kinh tế khó khăn đang tấn công hầu hết các hãng tin lớn khác: "BBC đang hoạt động trong một thế giới truyền thông đang thay đổi. Mọi người trong lĩnh vực kinh doanh này phải chấp nhận rằng sự nghiệp của mình sẽ bị ảnh hưởng bởi giai đoạn thay đổi hỗn loạn".
Hoài Thanh
(Theo CL/Huffington Post)
Hình ảnh: Trang nhất các báo lớn tưởng niệm Steve Jobs
Submitted by nadung on Fri, 07/10/2011 - 16:11(ICTPress) - Các báo in lập tức phải tổ chức sắp xếp lại tin bài, nhiều báo đã kịp thời đăng tải về nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn xa trộng rộng này nổi bật trên trang nhất.
(ICTPress) - Nhiều báo đã kịp thời đăng tải về nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn xa trộng rộng này nổi bật trên trang nhất.
>> Huyền thoại Steve Jobs của Apple đã vĩnh viễn ra đi
>> Steve Jobs và Thiền: "Cái Chết là tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống"
Nhà sáng lập vĩ đại của Apple - Steve Jobs đã vĩnh viễn ra đi vào ngày hôm qua. Thông tin chỉ được biết đến trước 8 giờ tối (theo giờ Mỹ). Các báo in lập tức phải tổ chức sắp xếp lại tin bài, nhiều báo đã kịp thời đăng tải về nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn xa trộng rộng này nổi bật trên trang nhất.
Không có gì ngạc nhiên khi các báo tại California - nơi đặt "đại bản doanh" của Apple ở Cupertino - đã đưa những hình ảnh thương tiếc và tưởng nhớ Jobs vào vị trí trang trọng nhất: phần nửa trên của trang nhất. Tờ San Francisco Examiner đăng tấm hình đen trắng cỡ lớn của ông với dòng tít "Nghĩ khác".
"Thế giới mất đi nhà công nghệ có tầm nhìn" là dòng tít trên Santa Cruz Sentinel. Tương tự, tờ The Press Democrat nói Jobs là "người có tầm nhìn xa đã thay đổi cách chúng ta sống, và làm việc". Tờ San Jose Mecury News ngắn gọn: "Huyền thoại. Tầm nhìn".
Dưới đây là những hình ảnh tưởng niệm "huyền thoại" công nghệ Steve Jobs trên trang nhất một số báo lớn tại Mỹ:
AM New York |
Los Angeles Times |
The Desert Sun |
Contra Costa Times |
The Daily Journal
|
Las Vegas Review-Journal
|
New York Post |
The Bakersfield Californian |
Metro |
The Record |
The Press Democrat |
Santa Cruz Sentinel |
The Denver Post |
The Daily News |
San Francisco Examiner |
The San Diego Union-Tribune
|
San Jose Mercury News |
Bảo Lê
Theo PCMag
Xem thêm:
>> Huyền thoại Steve Jobs của Apple đã vĩnh viễn ra đi
>> Steve Jobs và Thiền: "Cái Chết là tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống"