Báo chí và trách nhiệm trước xã hội
Sẽ không có gì là quá nếu cho rằng, nhờ có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, dũng cảm của báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng mà trong thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện và xử lý.
Qua báo chí, những ý kiến tham vấn xác đáng về những "lỗ hổng” của cơ chế, chính sách đã phần nào giúp cho các nhà quản lý kịp thời khắc phục, hoàn thiện chúng nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành đất nước.
Báo chí là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng (Ảnh: T.L) |
Có thể kể ra đây hàng loạt vụ tham nhũng tiêu cực được báo chí phanh phui trong những năm qua như vụ việc ở Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm, vụ việc ở PMU 18... Cũng nhờ báo chí mà nhiều mảnh đời chìm nổi, oan sai đã thoát khỏi vòng lao lý như câu chuyện của bà Ba Sương ở Nông trường Sông Hậu. Mới đây nhất đó là sự vào cuộc của báo chí trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Sau kết luận hôm 10-2 của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc nêu trên, đã có một thống kê "bỏ túi” được nhiều tờ báo thực hiện: Chỉ tính riêng vụ việc này đã có tới hơn 1000 bài báo thuộc đủ các loại hình được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt 35 ngày từ khi xảy ra "sự kiện Tiên Lãng”.
Để có một kết luận vừa thấu tình, đạt lý vừa chứng tỏ được sự thượng tôn của pháp luật đối với các cá nhân, tập thể và kể cả quan chức, trước hết cần phải khẳng định đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đặc biệt là vai trò của MTTQ Việt Nam... Và, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của báo chí. Nói cách khác, nếu không có sự tham gia tích cực của báo chí thì những sai phạm trong quản lý đất đai ở Tiên Lãng sẽ còn rất lâu mới bị "lật tẩy”. Ghi nhận những đóng góp của báo chí, khi kết luận về vụ việc Tiên Lãng, Thủ tướng đã hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này. Sự ghi nhận của người đứng đầu Chính phủ là "phần thưởng” cho những tờ báo, nhà báo biết đứng về phía chính nghĩa. Đây cũng chính là nguồn động viên to lớn đối với những người làm báo; giúp họ có thêm niềm tin để đi đến tận cùng trong cuộc chiến chống tiêu cực. Cũng trong kết luận nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân”. Nói như thế, tức là, người đứng đầu Chính phủ đã đặt niềm tin nơi báo chí, nơi mỗi "chiến sĩ đặc biệt” trên mặt trận tư tưởng. Thật vậy, viết về chống tham nhũng, tiêu cực cần nhằm mục đích chính là để vừa "chống” lại vừa "xây”. "Sự kiện Tiên Lãng” khiến người ta nhớ lại "phong trào” đấu tranh chống tiêu cực trên báo chí khoảng 25 năm trước. Một trong những người mở đầu cho cuộc đấu tranh lúc đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh N.V.L và chuyên mục "Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân từ ngày 25-5-1987. Kể từ "đổi mới” đến nay, đã có rất nhiều nhà báo thành danh nhờ những phóng sự, điều tra, góp phần phanh phui những vụ việc tiêu cực tại các cấp các ngành; đã có nhiều tờ báo được bạn đọc "biết mặt, đọc tên”, cổ vũ, động viên vì dám "nhìn thẳng vào sự thật” để chỉ ra những sai phạm của các quan tham. Đó cũng là một sự khích lệ đối với báo chí. Mới đây, Hội nghị BCH TƯ lần thứ 4 khoá XI đã đề cập tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Báo chí cách mạng Việt Nam cũng không thể nằm ngoài hệ thống ấy. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất được Bộ Chính trị, BCH TƯ đề ra tại Hội nghị kể trên là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống những thói hư, tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Đây là một đề tài lớn, là nhiệm vụ cao cả của báo chí; với mục đích cuối cùng là để xây dựng con người và xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Có thể nói, Hội nghị TƯ 4 đã thêm một lần thổi luồng gió mát, khích lệ dũng khí của giới báo chí nói chung và những nhà báo chân chính nói riêng. Mà đây, ví dụ rõ ràng nhất chính là sự thẳng thắn, có trách nhiệm của những nhà báo "tâm sáng” với những bài báo phản ánh sự kiện ở Tiên Lãng dưới nhiều góc độ khác nhau; từ chuyện đưa tin trung thực cho đến chuyện góp phần tham vấn, phản biện để lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo quá trình giải quyết vụ việc.
Từ câu chuyện ở Tiên Lãng một lần nữa cho thấy, trách nhiệm của báo chí trước xã hội lớn đến đâu. Nếu chỉ đơn thuần vin vào câu chuyện chống tham nhũng, tiêu cực lấy đó để làm tin "hot” thì chẳng thể tránh khỏi kiểu đưa tin giật gân, thổi phồng, làm nhiễu thông tin mà Thủ tướng cũng đã thẳng thắn nhắc nhở là cần "Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.” Đó có thể chỉ là một sự lạc điệu nhất thời. Lạc điệu là bởi; rất có thể họ có được lợi ích kinh tế trước mắt nhờ việc tăng số lượng phát hành, tăng số lượng người "click” vào trang mạng của mình mà quên mất lợi ích lâu dài đó là thương hiệu của tờ báo ở trong lòng độc giả. Đáng mừng trong câu chuyện ở Tiên Lãng, những tờ báo như thế đã trở nên lạc điệu và không có nhiều. Điều đáng mừng nữa, từ sự việc ở Tiên Lãng, chắc chắn, nhiều nhà báo sẽ thêm yêu cái nghề nguy hiểm này, sẽ tự đòi hỏi phải luôn nâng cao năng lực nghiệp vụ, trau dồi về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh khi "trót” mang lấy nghiệp vào thân. Và, tràn đầy hy vọng các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, quản lý, sẽ tăng thêm lòng tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.