“Làm báo là lí tưởng chứ không đơn giản là nghề kiếm sống”
“Tôi rất thích một câu trong cuốn sách “40 năm nói láo” của Vũ Bằng:… Mẹ ơi con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” - Nhà báo Đà Trang (Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) đã bắt đầu cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận bằng lời trích dẫn đó để sẻ chia cảm xúc yêu nghề.
Nhà báo Đà Trang, phóng viên báo Tuổi trẻ TP. HCM |
Cuộc trò chuyện đủ để tôi hình dung về một tình yêu mãnh liệt, sâu lắng với những phút trải lòng về nghề, về thể loại mà anh đam mê: phỏng vấn!
Tôi là “con người Tuổi Trẻ”
Anh học báo, làm báo rồi “chung tình” với Tuổi Trẻ hơn chục năm nay. Tôi cho sự thủy chung ấy thật hiếm có. Anh không thích thay đổi hay có điều gì giữ chân anh?
- Tôi không nghĩ tôi là trường hợp hiếm có bởi nhiều anh chị gắn bó còn hơn thế, cả ba chục năm nay. Tôi “chung thân” với Tuổi Trẻ suốt chặng đường làm báo chưa dài của mình và tôi nghĩ đó là do duyên số. Có một sức hút nào đó mà không định nghĩa thành tên nhưng nó như định mệnh. Tôi tâm đắc cách nói của chị Kim Hạnh - nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - rằng “trung thành với người đọc, gắn bó với lợi ích người đọc, người lao động đã là định mệnh của mình rồi. Tuổi Trẻ đã sinh ra và lớn lên như vậy, với định mệnh như vậy. ADN của Tuổi Trẻ là như vậy”. Tôi tự cho mình là “con người Tuổi Trẻ” sống chết vì ADN của tờ báo này. Bạn có tin không, nếu bây giờ tôi nộp đơn xin ra khỏi Tuổi Trẻ sẽ có những đồng nghiệp đồng đội nói tôi là kẻ đào ngũ.
Nghề báo đôi lúc thật khắc nghiệt! Anh cũng từng gặp những khó khăn, những tai nạn trong tác nghiệp. Đã khi nào anh muốn dừng lại?
- Kể cả những lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi tâm niệm thế này: Không có con đường nào rải toàn hoa hồng, cũng chẳng có con đường nào chỉ mỗi chông gai. Vì thế tôi vững tin và hạnh phúc trên con đường mình đã chọn. Với tôi, làm báo trở thành lí tưởng chứ không giản đơn là nghề kiếm sống. Nếu rời nghề này ra, nếu không được làm báo nữa, tôi là con số 0.
Tôi tự tin với các cuộc phỏng vấn
Có người nói với tôi rằng, hình như Đà Trang “say” thể loại phỏng vấn như “say” một cô gái đẹp. Tôi thì đoán có vẻ như phỏng vấn vừa là sở thích vừa là cái nợ của anh với nghề vậy?
- Là sở trường, có say mê và tôi tự tin với các cuộc phỏng vấn. Làm phỏng vấn đòi hỏi người làm báo phải có hiểu biết vững vàng về nội dung vấn đề, có người nói, thậm chí nhà báo dường như là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình trao đổi. Và đặc biệt, chúng ta phải chuẩn bị rất kĩ, từ ý tưởng, đến đề cương câu hỏi, dự liệu kịch bản… Dù có những lĩnh vực tôi rất tự tin nhưng không bao giờ tôi quên việc làm đề cương và thành hay bại cũng từ sự cẩn trọng đó.
Tôi đang hình dung về sự chuẩn bị cẩn trọng của anh. Một list câu hỏi rất bài bản được “lập trình” sẵn, một đề cương hoàn hảo ư? Tôi có nghe ai đó “dọa” rằng: Phụ thuộc đề cương - bài phỏng vấn khó mà sinh động được?
- Tôi tự tin trong “món” này và tôi tôn trọng ý kiến của bạn vừa đặt ra. Tôi cho rằng mỗi người có những quan niệm khác nhau, cách làm việc khác nhau. Tôi thì nghĩ ngược lại. Bất cứ cuộc phỏng vấn nào thì đều phải chuẩn bị kĩ càng. Càng kỹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn Thủ tướng Hun Sen, tôi mất cả tháng, từ đọc lại sách, tư liệu đến lên đề cương với hơn 30 câu hỏi.
Nhưng nghề báo rất sáng tạo nên tùy cơ ứng biến, không phải cứ chuẩn bị trước là phải bê nguyên xi câu hỏi đó vào bài được. Chuẩn bị đề cương và luôn trong tâm thế sẵn sàng chính là cách thể hiện sự tôn trọng tới người trả lời phỏng vấn. Tôi sẽ rất vui nếu như bạn đến với tôi khi có hiểu đôi chút về con người, công việc của tôi và những vấn đề chúng ta đang trao đổi.
Làm phỏng vấn - đưa đẩy vấn đề mà, tại sao không?
Anh nhắc đến sự tự tin. Theo anh, trong cuộc phỏng vấn, sự tự tin chiếm bao nhiêu phần trăm thành công?
- Tôi chưa bao giờ có ý niệm về phép tính đó. Tự tin vấn đề mình nắm là một nhẽ; quan trọng là tự tin cả vấn đề mình chưa hiểu, tức nếu trong cuộc phỏng vấn nếu chỗ nào chưa rõ chưa hiểu thì tự tin mà hỏi lại. Bởi nếu không, khi về nghe lại băng ghi âm, bạn có thể hiểu sai ý của người trả lời. Đó là điều tối kỵ và bi kịch.
Tôi chia ra phỏng vấn ở nhiều dạng: hỏi để biết, biết mới hỏi, chất vấn - phản biện, truy vấn. Truy vấn là đỉnh cao của phỏng vấn và tôi thích dạng đó. Có đồng nghiệp không đồng ý với tôi vì nghĩ rằng như thế là dồn người khác vào chân tường. Tôi thì nghĩ khác, tôi không dồn họ vào chân tường, tôi dồn vấn đề vào chân tường, truy tới cùng bản chất sự kiện…
Gần đây tôi đọc những bài phỏng vấn của anh như cuộc phỏng vấn Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh… Nói thật, tôi thấy bài sắc sảo nhưng gai góc, động chạm cả những vấn đề nhạy cảm, thậm chí nhiều lúc sự phản biện đến… nảy lửa. Một cách truy vấn…dồn vấn đề đến chân tường phải không, thưa nhà báo?
- Đó là bạn nói đấy nhé (cười). Tôi rất vui khi mỗi sáng báo ra, thậm chí mình còn chưa kịp đọc lại bài phỏng vấn đó, thì đã có những đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc nhắn tin chúc mừng động viên khích lệ. Tôi thường phỏng vấn chính khách, thường “bám” các vấn đề gai góc, nóng bỏng trong xã hội. Có được những bài như thế, một phần là từ bản thân muốn tham gia, một phần từ phía ban biên tập, tòa soạn cũng yêu cầu tôi trực tiếp vào cuộc.
Tôi cũng thích phỏng vấn. Nhưng có một điều tôi lo ngại đó là sự khô khan và đôi khi cứng nhắc của thể loại này. Sự hấp dẫn người đọc, không dễ! Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện “mềm hóa” các bài phỏng vấn?
- Tất nhiên, tôi luôn luôn nghĩ đến việc làm “mềm hóa” các bài phỏng vấn. Ngoài giá trị thông tin, bạn đọc còn đòi hỏi bài phỏng vấn bộc lộ được cá tính của người trả lời. Làm phỏng vấn, đưa đẩy vấn đề mà – tại sao không? Dù nhân vật là ai thì cốt lõi cuộc phỏng vấn phải là những câu chuyện cụ thể góp mặt làm sinh động vấn đề. Một bài phỏng vấn không có câu chuyện thì sẽ chưa hoàn chỉnh. Có những vấn đề rất cao siêu, những lí luận rất khó hiểu nhưng chỉ bằng những câu chuyện rất cụ thể đã đủ nói thay những lí luận đó. Hoặc trong các bài phỏng vấn không bao giờ tôi thiếu những câu hỏi trực diện và trực tiếp liên quan đến người trả lời phỏng vấn vào vấn đề đang trao đổi…Chẳng hạn nhân vật đang say sưa chủ đề kê khai và công khai tài sản, chắc chắn tôi sẽ hỏi nhân vật xem ông kê khai tài sản thế nào, như trường hợp tôi đã hỏi ông Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội khi ông vừa được phê chuẩn làm Phó thủ tướng? Hoặc trong bài phỏng vấn Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gần đây: nhân bàn về Hội nghị Trung ương 4 về chỉnh đốn xây dựng Đảng, nghe ông đề cập việc tự kiểm trong Bộ chính trị, trong Trung ương Đảng, tôi đã hỏi: “Thưa nguyên Tổng bí thư, ông tự kiểm thế nào?”. Tôi nghĩ như thế sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú cũng như tăng tính linh hoạt, sinh động cho một bài trò chuyện. Đó chỉ là một số cách làm “mềm hóa” một bài phỏng vấn.
Vâng xin cảm ơn anh!
Hà Vân
Nhà báo và Công luận