Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phải luôn đổi mới để phù hợp yêu cầu thực tiễn

Trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Chiều 17/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”.

Cần đa dạng các khóa đào tạo cho người làm báo

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng, nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong gần 3 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc tổ chức lớp học, nhưng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã cố gắng khắc phục khó khăn, đổi mới các phương thức tổ chức lớp học nên về cơ bản vẫn đáp ứng được các nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo trên toàn quốc.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

“Giai đoạn 2020-2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được 333 lớp học dành cho hơn 10.000 lượt học viên trên cả nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng và là động lực quan trọng tạo đà cho trung tâm tiếp tục bứt phá trong những năm tiếp theo”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho hay.

Thông tin thêm về các chương trình đào tạo, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến ở các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt. Đồng thời, Trung tâm cũng tổ chức lớp học trực tiếp tại các tỉnh, thành phố ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo.

Các khóa học do Trung tâm tổ chức vẫn chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: kỹ năng cho các loại hình báo chí (228 lớp học); chuyên đề, chuyên sâu (101 lớp học) và 4 hội thảo, tọa đàm (cả trực tuyến và trực tiếp).

Có một số điểm mới về công tác bồi dưỡng của Trung tâm trong các năm vừa qua như: tổ chức các lớp học mới để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả…

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam thông tin về chương trình đào tạo tại tọa đàm.

Mặc dù vậy, thực tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Báo chí tác nghiệp tại Hội Báo toàn quốc 2023.

Đặc biệt, trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, các tòa soạn đã dần chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số thông qua những ứng dụng, nền tảng số. Để thay đổi những thói quen cũ, cần phải đào tạo được đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số, tạo phát triển sáng tạo. Do vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khóa học cần phải đa dạng hơn, với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau.

Tác nghiệp tại Hội Báo toàn quốc 2023.

Do đó, tọa đàm là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các hội viên, nhà báo trong thời đại chuyển đổi số.

Đổi mới nội dung, tăng cường đào tạo về phương thức làm báo hiện đại

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe chia sẻ về những vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ mà các cơ quan báo chí và cấp hội ở địa phương đang gặp phải, và những đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm giúp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thiết thực liên quan các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện nay.

Điển hình, nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng đề nghị, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) tăng cường các khóa đào tạo về các phương pháp làm báo hiện đại, đưa công nghệ số vào trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ báo chí. Bên cạnh đó, ông Tòa kiến nghị cần mở rộng đối tượng tham gia các lớp đào tạo đối với các đơn vị không phải hội viên nhà báo nhưng có nhu cầu hoạt động trên lĩnh vực báo chí.

Nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thời gian tới đây, Hội Nhà báo cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo về phương thức làm báo hiện đại.

Trong khi đó, nhà báo Hoàng Lâm, Ủy viên Ban Biên tập, kiêm Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Lao động cũng đề xuất Trung tâm nới điều kiện tham dự các khóa đào tạo đối với các nhà báo trẻ, cũng như tạo điều kiện để các nhà báo tiếp cận các tài liệu đào tạo.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên nhấn mạnh, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần được cập nhật để đáp ứng được yêu cầu mới.

Các trường đại học và các tổ chức đào tạo cần thiết lập các chương trình đào tạo phù hợp với các xu hướng và công nghệ mới, giúp sinh viên có thể nắm bắt được các kiến thức cơ bản cũng như có khả năng sử dụng công nghệ mới nhất để truyền tải thông tin một cách hiệu quả.

“Hơn nữa, các chương trình đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến khía cạnh đạo đức và độ tin cậy, giúp sinh viên hiểu rõ về tầm quan trọng của vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thời kỳ 4.0 trong quá trình hành nghề sau này”, ông Lâm nhấn mạnh.

Các đại biểu cho rằng, nhu cầu được đào tạo nghiệp vụ tại cơ sở hiện nay rất lớn, đặc biệt trong thời kỳ báo chí 4.0 hiện nay.

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus đề nghị, Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho phóng viên đa năng nghĩa là một phóng viên có thể thực hiện nhiều loại hình báo chí như tin text, ảnh, video, đồ họa, báo chí dữ liệu… nhằm tăng hiệu quả khi tác nghiệp và tiết kiệm nhân lực.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng cho rằng, Hội Nhà báo Việt Nam có thể mời các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi về vấn đề chuyển đổi số báo chí, mô hình và cách thức hoạt động của các tòa soạn báo trên thế giới, các hình thức kinh doanh báo chí hiệu quả có thể áp dụng vào Việt Nam.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn nêu ý kiến tại tọa đàm.

“Song song với việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện đại, cách quản trị tòa soạn trong thời đại mới, nhiều cơ quan báo chí tại các địa phương cũng rất cần được phổ biến cách thức, kỹ năng xây dựng giao diện báo điện tử hiện đại, thân thiện, nhiều tính năng, tiết kiệm chi phí, thực hiện các sản phẩm báo chí chất lượng, chuyên sâu, riêng biệt”, nhà báo Trần Tiến Duẩn chia sẻ.

Ngoài ra, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam trang bị kỹ năng cho các phóng viên kỹ năng tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm như thiên tai, dịch bệnh… sao cho an toàn mà vẫn hiệu quả.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng, để đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng báo chí theo nhu cầu hiện nay cũng như đáp ứng với xu hướng báo chí quốc tế, các đơn vị báo chí cần đào tạo nội dung làm tin, bài cho các nhà báo tại các tỉnh, thành phố sao cho phong phú, sinh động, tạo được sức hút mạnh mẽ.

Đồng thời, các khóa học cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất, qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả.

Về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong thời gian tới đây, đại diện Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực.

Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà báo cũng như cán bộ quản lý cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo và các cán bộ quản lý của các cơ quan báo chí.

Cùng với việc tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng làm báo hiện đại cho các loại hình báo chí, Trung tâm sẽ đặc biệt chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Việt Nam bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ tiếp tục tranh thủ xây dựng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài giúp các nhà báo Việt Nam có thêm những kiến thức cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú trong tác nghiệp.

Tin nổi bật