Syndicate content

Nghề báo

Trao giải cuộc thi viết về Thuế với thương mại điện tử

Tóm tắt: 

Ban tổ chức đã trao tặng 3 giải A; 5 giải B; 10 giải C; 20 giải khuyến khích (không có giải đặc biệt).

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết về Thuế với thương mại điện tử.

Theo đó, ban tổ chức đã trao tặng 3 giải A; 5 giải B; 10 giải C; 20 giải khuyến khích (không có giải đặc biệt). Hội đồng Giám khảo cũng quyết định trao giải Tập thể cho 5 đơn vị tham gia tích cực và có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt.

Các tác phẩm dự thi đạt giải ngoài giải thưởng bằng tiền, người đạt giải còn được tặng giấy chứng nhận của Ban Tổ chức. Đối với giải tập thể, còn được Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tặng giấy khen.   
Thông tấn xã Việt Nam đã được trao tặng giải Tập thể và giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vì có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt, cùng giải C cho cá nhân. 

Đại diện Thông tấn xã Việt Nam nhận giải thưởng Tập thể và giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Ảnh: Thuỳ Dương/BNEWS/TTXVN

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, ngay sau khi phát động, cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, với sự tham gia đông đảo từ các phóng viên, nhà báo, các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và người dân... trên cả nước, cho dù đây là chủ đề mới và khó tiếp cận. 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao: năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử vẫn đạt mức 16% với quy mô đạt trên 13,7 tỷ USD; năm 2020, tốc độ tăng trưởng là 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD. 

Thực tiễn này đòi hỏi  cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử; đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. 

Đại diện 5 cơ quan nhận giải Tập thể. Ảnh: Thuỳ Dương/BNEWS/TTXVN

Theo bà Đặng Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Tổ chức, Tổng Biên tập Tạp chí Thuế, sau một năm phát động và triển khai cuộc thi, tính đến hết thời gian tiếp nhận bài dự thi (ngày 30/6/2022), Ban tổ chức đã nhận được 1.313 tác phẩm từ đông đảo các tác giả ở khắp mọi miền đất nước gửi về. Trong đó, số lượng tác phẩm dự thi từ các cơ quan báo chí chiếm tỷ lệ lớn nhất, 73%. Các cơ quan báo chí có nhiều bài dự thi gồm:

Thông tấn xã Việt Nam Thời báo Tài chính Việt Nam, VOV,  báo Nhân Dân, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo Công Thương... Nhiều cục thuế cũng tham gia dự thi với số lượng lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Yên Bái, Nam Định…. 

Ngoài ra, trong khối các trường/viện có Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế TP HCM là các đơn vị có nhiều bài dự thi. Con số này không chỉ minh chứng cho tính cấp thiết, thời sự của chủ đề cuộc thi mà còn cho thấy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, rốt ráo với các vấn đề mới, quan trọng của công tác quản lý thuế nói riêng và quản lý kinh tế nói chung.  

Nguồn: Thuỳ Dương/BNEWS/TTXVN 

https://bnews.vn/trao-giai-cuoc-thi-viet-ve-thue-voi-thuong-mai-dien-tu/258050.html
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm làm Thứ trưởng Bộ TT&TT

Tóm tắt: 

Sáng 12/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Sáng 12/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao quyết định bổ nhiệm cho Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm

Để kiện toàn lãnh đạo của Bộ TT&TT, ngày 10/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1066/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trọng trách thay đổi lĩnh vực báo chí

Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng ông Nguyễn Thanh Lâm được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao trọng trách Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Sau một năm nữa là căn bản làm xong CĐS báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT trong bốn năm nay rất ít khi có đủ 5 Thứ trưởng. Hôm nay có đủ 5 Thứ trưởng nhưng ngay ngày mai là còn 4 Thứ trưởng vì Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã được Trung ương điều động đi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm trưởng thành từ phóng viên, đã kinh qua nhiều vị trí công tác, đã đi qua nhiều thăng trầm, là người trải nghiệm nhiều về đời và nghề. "Không có gì có thể thay thế cho những trải nghiệm". 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, sinh năm 1972, tại Hà Nội, là người có nhiều trải nghiệm, vất vả  và trưởng thành.

Bộ trưởng cho biết cùng với sự phát triển, quản lý nhà nước về truyền thông có nhiều thay đổi. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm có một cơ hội lớn để hiểu sâu sắc hơn chính lĩnh vực này thông qua việc sẽ thay đổi lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng, trưởng thành lên trong một lĩnh vực thường sẽ không hiểu sâu sắc bằng cách bắt tay vào thay đổi nó. 

Nhiệm vụ trên vai của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm là rất lớn, vừa là thay đổi hạ tầng làm báo ("báo" ở đây bao gồm cả báo chí, phát thanh truyền hình, truyền thông, xuất bản), công nghệ làm báo, thay đổi cách làm báo, vừa là thay đổi mô hình kinh tế báo chí để đầu tư cho báo chí và đặc biệt là báo chí sẽ phải tham gia mạnh mẽ hơn, khơi dậy khát vọng Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng,

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Một lĩnh vực muốn đi xa, muốn làm mạnh mẽ thì phải có lý luận dẫn dắt. Quản lý nhà nước thì ít khi nói đến lý luận nhưng thực ra làm gì cũng phải có lý luận. Lý luận thì hình thành con đường. Rõ con đường thì mọi ứng xử tình huống mới tạo ra sự phát triển. Nếu không thì sẽ tạo ra sự luẩn quẩn. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm sẽ phải nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí cách mạng, hình thành lý luận quản lý báo chí nước nhà. Báo chí mà lành mạnh sẽ góp phần quan trọng để xã hội lành mạnh".

Cũng theo Bộ trưởng, chuyển đổi số (CĐS) báo chí thì đầu tiên là chuyển đổi hoạt động quản lý báo chí. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm sẽ phải dành nhiều thời gian cho công tác này. Sau một năm nữa là căn bản làm xong CĐS báo chí. Quản lý cũng phải chú ý mục tiêu của quản lý báo chí và phát triển bền vững.

Bộ trưởng chúc Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhiều niềm vui và thành công trong trọng trách mới của mình để đóng góp cho sự phát triển của ngành TT&TT nước nhà.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (giữa) và các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Huy Dũng (từ trái sang)

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chúc mừng Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và cho biết, giai đoạn trước báo chí thực hiện sắp xếp lại, giai đoạn tới là phát triển, nên cần triển khai tốt định hướng phát triển, CĐS báo chí, xuất bản để báo chí - xuất bản đóng góp mạnh mẽ đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng ông Nguyễn Thanh Lâm và cho biết Lãnh đạo Bộ TT&TT dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng rất quan tâm đến việc phối hợp với các Bộ ban ngành trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương. 

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT trong nhiều lĩnh vực công tác trong đó có lĩnh vực báo chí và xuất bản, hướng tới xây dựng nền báo chí cách mạng, công tác xuất bản Việt Nam nhân văn, hiện đại và hiệu quả.

Toàn cảnh Lễ công bố quyết định bổ nhiệm

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã phát biểu đánh giá cao ông Nguyễn Thanh Lâm là người năng động, quyết liệt, quyết đoán, chu đáo, có bề dày kinh nghiệm báo chí, trải qua nhiều vị trí công tác và tạo dấu ấn trong công tác, đặc biệt trong công tác chống tin xấu độc, tạo được khởi sắc về xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực liên quan.

CĐS để tăng năng suất, hiệu quả lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông

Trên cương vị mới, tân Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao nhiệm vụ là Thứ trưởng Bộ TT&TT. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Cam kết sẽ mang hết sức mình để thực hiện các nhiệm vụ được giao

Với trọng trách mới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sẽ cùng tập thể Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ đoàn kết, nhất trí, sát cánh dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ và ngành TT&TT.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cam kết sẽ mang hết sức mình để thực hiện bằng được quyết tâm và tầm nhìn của Bộ trưởng trong công tác quản lý ngành, đặc biệt là việc mở rộng không gian lĩnh vực được giao quản lý, thực hiện CĐS để tăng năng suất, hiệu quả lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương làm tốt công tác định hướng thông tin, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần sửa đổi cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật để tháo gỡ khó khăn và tạo thêm nguồn lực để bứt phá cho các đối tượng quản lý, thiết lập sự công bằng trong đối xử giữa các dịch vụ trong nước và dịch vụ xuyên biên giới.

Tân Thứ trưởng cũng cho biết sẽ tuân thủ tuyệt đối sự chỉ đạo lãnh đạo của tổ chức Đảng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình tham mưu, hoạch định và thực thi chính sách, thực hiện tốt các quy định về nêu gương trong công tác và trong sinh hoạt, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao đạo đức công vụ, kịp thời cảnh báo và chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp công tác.

Thứ trưởng sẽ tiếp tục học hỏi các đồng chí lãnh đạo cấp trên, đồng cấp và các anh chị em đồng nghiệp trong Bộ, trong ngành để góp phần giữ vững truyền thống của Ngành đó là Tiên phong - Đi đầu - Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Báo Người Lao Động khai mạc triển lãm 3 năm một triệu lá cờ Tổ quốc

Tóm tắt: 

Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao Động phát động, sau hơn 3 năm thực hiện đã trao và ký kết trao hơn 1,2 triệu lá cờ Tổ quốc, sớm hơn dự kiến gần 2 năm.

Ngày 8/9, Báo Người Lao Động tổ chức Chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” - Kỷ niệm Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ Quốc cùng ngư dân bám biển”, khai mạc triển lãm 3 năm một triệu lá cờ Tổ quốc. Tham dự buổi lễ có nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao Động phát động, sau hơn 3 năm thực hiện đã trao và ký kết trao hơn 1,2 triệu lá cờ Tổ quốc, sớm hơn dự kiến gần 2 năm.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động.

Tại chương trình, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cũng phát động giai đoạn 2 chương trình với tên gọi “Tự hào cờ Tổ quốc” gồm 3 hợp phần. Đó là triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển, cờ Tổ quốc biên cương và đường cờ Tổ quốc. Mục tiêu đặt ra đến năm 2024, chương trình sẽ đạt 2 triệu lá cờ Tổ quốc (bằng 200% kế hoạch ban đầu).

Tại chương trình, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá, chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” với ý tưởng sáng tạo, có quy mô và ý nghĩa lớn, gây được tiếng vang lớn trên toàn quốc. Việc chương trình chính thức vượt mốc chỉ tiêu giai đoạn đầu đề ra là một kết quả, một nỗ lực lớn, rất đáng tự hào cũng như thể hiện sự ủng hộ, trân trọng của người dân TPHCM, của toàn xã hội dành cho chương trình.

Báo Người Lao Động tổ chức lễ ký kết đồng hành với Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ Quốc cùng ngư dân bám biển" năm 2022 cùng với các đơn vị đồng hành.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê tin tưởng, chương trình sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo thêm nguồn động lực, thêm niềm tự hào để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, cũng như tạo ra sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại chương trình, Báo Người Lao Động cùng các đơn vị đã ký kết đồng hành với chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” năm 2022.

Nhà báo Trần Trọng Dũng và các khách mời tham quan triển lãm ảnh "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".

Dịp này, tập thể Báo Người Lao Động, chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” và các cá nhân được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng.

Cùng ngày, Báo Người Lao Động cũng khai mạc triển lãm 3 năm một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển.

Nguồn: Lê Tâm/congluan.vn

https://www.congluan.vn/bao-nguoi-lao-dong-khai-mac-trien-lam-3-nam-mot-trieu-la-co-to-quoc-post212406.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Những hình ảnh trường tồn và phát triển của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Tóm tắt: 

Hòa chung không khí sôi nổi của Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp với Thông tấn xã Pathet Lào (KPL) tổ chức Triển lãm ảnh mang tên: "Quan hệ Việt Nam - Lào: Trường tồn và Phát triển" và khai mạc sáng ngày 6/9.

Hòa chung không khí sôi nổi của Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp với Thông tấn xã Pathet Lào (KPL) tổ chức Triển lãm ảnh mang tên: "Quan hệ Việt Nam - Lào: Trường tồn và Phát triển" và khai mạc sáng ngày 6/9.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, đánh dấu 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022). Triển lãm gồm 63 tấm ảnh cỡ lớn, với 109 bức ảnh tiêu biểu của phóng viên TTXVN và KPL, được chọn lọc từ hàng vạn tấm ảnh, phản ánh trung thực, sinh động về mối quan hệ đặc biệt "có một không hai" trên thế giới giữa hai nước, hai dân tộc anh em Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam ngay sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (2/9/1945) và Chính phủ lâm thời Lào - Ítxala tuyên bố nền độc lập của Lào (12/10/1945).

Những bức ảnh được giới thiệu tại cuộc triển lãm thể hiện sống động, chân thực mối quan hệ, tình đồng chí gắn bó keo sơn, bền chặt giữa Đảng và nhân dân hai nước luôn kề vai, sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.

Tham dự Lễ khai mạc Triển lãm ảnh "Quan hệ Việt Nam - Lào: Trường tồn và Phát triển" có đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và đại diện là đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Nhà báo Việt Nam...

Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang: những hình ảnh đẹp và thắm tình hữu nghị giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục được các thế hệ phóng viên của TTXVN và TTX Pathet Lào ghi lại

Khai mạc Triển lãm, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc TTXVN cho biết hoà trong dòng chảy các sự kiện quan trọng diễn ra trong Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, TTXVN và KPL, người bạn truyền thống, gắn bó của TTXVN phối hợp tổ chức Triển lãm ảnh với chủ đề: "Quan hệ Việt Nam - Lào: Trường tồn và Phát triển".

Triển lãm nhằm khắc hoạ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Chủ tịch Xuphanuvông dày công xây dựng và vun đắp. Mối quan hệ ấy được các thế hệ lãnh đạo, các nhà cách mạng và nhân dân hai nước không ngừng gìn giữ, phát huy thành "di sản quý, yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước".

Triển lãm ảnh phản ánh toàn diện những dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, những thành tựu nổi bật mà hai nước đã đạt được và cả tình cảm sắc son mà nhân dân hai nước dành cho nhau trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc: Đó là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Chủ tịch Xuphanuvông ở chiến khu Việt Bắc năm 1948; cuộc trò chuyện thân mật giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam năm 1966 cùng nhiều cuộc gặp gỡ trở thành những dấu mốc trong quan hệ Việt - Lào.

Triển lãm còn mang tới những hình ảnh thân thiết của các chiến sỹ liên quân Lào - Việt; sự hỗ trợ mà nhân dân Lào dành cho Việt Nam trong quá trình xây tuyến đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn, và nhiều hình ảnh nhân dân hai nước cùng góp sức dựng xây đất nước trong hoà bình và gần đây nhất là những hình ảnh về cuộc triển lãm "Vẻ đẹp Việt Nam" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với TTXVN tổ chức tại Viêng Chăn tháng 7 vừa qua.

Tổng giám đốc TTXVN tin tưởng sâu sắc rằng cuộc Triển lãm ngày hôm nay sẽ mang đến cho người xem những tình cảm sâu đậm, những khoảnh khắc lịch sử mà nhân dân hai nước mãi khắc ghi, minh chứng cho lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt Nam – Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" và câu nói của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông".

Cũng theo Tổng giám đốc TTXVN, những hình ảnh đẹp và thắm tình hữu nghị giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục được các thế hệ phóng viên của TTXVN và TTX Pathet Lào ghi lại, góp phần vun đắp cho sự trường tồn và phát triển của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Trong phát biểu được ghi hình gửi tới Triển lãm ảnh, Tổng giám đốc KPL Khampheuy Philapha cũng khẳng định, Triển lãm do cơ quan thông tấn của hai nước phối hợp tổ chức đã nêu bật mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào - mối quan hệ được hình thành từ lâu đời và trường tồn với thời gian. Cuộc triển lãm này cũng phản ánh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả từ nhiều thập kỷ qua giữa Thông tấn xã Pathet Lào và TTXVN, góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, hai đất nước Lào và Việt Nam.

Triển lãm diễn ra từ ngày 06-09/9/2022 tại Trung tâm Thông tấn quốc gia - số 5, phố Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Ra mắt tòa soạn chung của Các hãng thông tấn châu Âu tại Brussels

Tóm tắt: 

Liên minh 16 hãng thông tấn châu Âu hy vọng với việc hoạt động thành mạng lưới, nguồn tài nguyên của các hãng thông tấn sẽ giúp độc giả các nước hiểu biết sâu sắc hơn về thời sự, tin tức châu Âu.

Liên minh 16 hãng thông tấn châu Âu hy vọng với việc hoạt động thành mạng lưới, nguồn tài nguyên của các hãng thông tấn sẽ giúp độc giả các nước hiểu biết sâu sắc hơn về thời sự, tin tức châu Âu.

Biểu tượng của hãng thông tấn FENA, Bosnia-Herzegovina. (Nguồn: fena.news)

Được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu (EC), ngày 6/9, liên minh các hãng thông tấn châu Âu đã khai trương một tòa soạn chung mới tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Liên minh trên gồm 16 hãng thông tấn là DPA (Đức), AFP (Pháp), AGERPRES (Romania), ANSA (Italy), APA (Áo), Belga (Bỉ), BTA (Bulgaria), EFE, Europa Press (Tây Ban Nha), FENA (Bosnia-Herzegovina), HINA (Croatia), MIA (Macedonia), STA, TASR (Slovenia) và Tanjug (Serbia).

Thông qua việc kết nối và chia sẻ không gian tác nghiệp, các hãng thông tấn sẽ có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng kiến thức, qua đó nâng cao khả năng bao quát tin tức ở châu Âu.

Liên minh hy vọng với việc hoạt động thành mạng lưới, nguồn tài nguyên của các hãng thông tấn sẽ giúp độc giả các nước hiểu biết sâu sắc hơn về tình hình thời sự, tin tức châu Âu.

Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch EC Vera Jourova, nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, chúng ta cần các tin tức châu Âu, chúng ta cần tổng hợp các quan điểm khác biệt, bởi những thách thức mà chúng ta phải đối mặt vượt ra ngoài một quốc gia đơn lẻ."

Phó Chủ tịch Jourova đã lấy một số vấn đề làm minh họa cho nhận định trên, như việc giá năng lượng tăng hay biến đổi khí hậu....

Dự án tòa soạn chung được EC tài trợ 1,76 triệu euro (1,75 triệu USD) và phối hợp với hãng DPA. Theo kế hoạch, EC sẽ phụ trách tất cả chi phí vận hành tòa soạn ít nhất là tới cuối năm 2023./.

Nguồn: Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=814938

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Hội nghị Phát thanh châu Á năm 2022: Chia sẻ cách thức ứng dụng công nghệ kỹ thuật số

Tóm tắt: 

Hội nghị Phát thanh châu Á (Radio Asia) năm 2022 chính thức khai mạc tối 05/09/2022 tại Kuala Lumpur (Malaysia), với gần 100 đại biểu quốc tế tham dự.

Hội nghị Phát thanh châu Á (Radio Asia) năm 2022 chính thức khai mạc tối 05/09/2022 tại Kuala Lumpur (Malaysia), với gần 100 đại biểu quốc tế tham dự.

Hội nghị Phát thanh châu Á 2022 là sự kiện truyền thông đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến sau 2 năm hoãn tổ chức do dịch Covid-19.

Đại diện VOV Giao thông trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hải

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký ABU Javad Mottaghi nhấn mạnh: “Chúng ta đã nhìn thấy vai trò quan trọng của phát thanh trong thời kỳ dịch bệnh Covid -19 thông qua các dịch vụ thông tin, giải trí, giáo dục, giúp công chúng chống chọi với khủng hoảng. Các đài phát thanh công chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân và là kênh thông tin tin cậy nhất trong thời kỳ khủng hoảng. Thế giới đã và đang trải qua những thách thức của thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh.., nhưng tôi tin rằng các tổ chức phát thanh trên toàn cầu đã nỗ lực không ngừng phục vụ công chúng tốt nhất bất chấp những khó khăn thực tại. Hội nghị lần này sẽ là cơ hội để đại biểu chia sẻ và lắng nghe những kinh nghiệm thực tế của các đài phát thanh đã biến thách thức thành cơ hội trong thời kỳ covid và khủng hoảng như thế nào”.

Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị tiếp nối với phiên họp chuyên đề “Thông minh, Gần gũi và Dễ tiếp cận” với các nội dung đáng chú ý như: chia sẻ cách thức ứng dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến để tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động và phục vụ thính giả tốt hơn, các công cụ thông minh trong sản xuất chương trình, cách thức sử dụng các nền tảng và mạng xã hội để tối đa hóa hiệu quả kênh phân phối, các đài phát thanh kiếm tiền từ mạng xã hội như thế nào, cách thức kết nối và tương tác hiệu quả với thính giả… Các phiên hội thảo được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau như tranh luận, thảo luận bàn tròn, thuyết trình, thảo luận nhóm đã thu hút các đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến.

Đại diện VOV tham dự Hội nghị, ông Đỗ Minh Hồng (Kênh VOV Giao thông) đã trình bày tham luận trong phiên họp toàn thể “Tiến xa hơn trong một thế giới kết nối: Làm sao để các đài phát thanh công tiếp cận với thính giả tốt hơn và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của họ”. Nội dung tham luận tập trung chia sẻ kinh nghiệm về các sáng kiến của Kênh VOV Giao thông trong việc xây dựng chương trình phát thanh tương tác với thính giả trên đa nền tảng. Tham luận của VOV được các đại biểu đánh giá cao và tạo không khí sôi nổi trong Hội thảo...

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

https://www.congluan.vn/hoi-nghi-phat-thanh-chau-a-nam-2022-chia-se-cach-thuc-ung-dung-cong-nghe-ky-thuat-so-post212057.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Báo chí Lào đưa tin đậm nét về kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam

Tóm tắt: 

Ngày 5/9, trên trang nhất nhiều báo lớn của Lào đăng bài viết liên quan kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022).

Ngày 5/9, trên trang nhất nhiều báo lớn của Lào đăng bài viết liên quan kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022).

Các báo lớn của Lào số ra ngày 5/9 đưa tin đậm nét về mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam. (Ảnh: Lê Duy Toàn)

Trang nhất Báo Pasaxon, Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đăng xã luận “Chúc mừng 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam”.

Xã luận viết: Năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Lào-Việt Nam. Lào thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 140 nước trên thế giới, nhưng mối quan hệ Lào-Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt, hiếm có. Hằng năm đều có các hoạt động kỷ niệm để tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, người dân về ý nghĩa quan trọng của quan hệ Lào-Việt Nam.

Năm 2022 được xác định là Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam nhân dịp kỷ niệm hai sự kiện lịch sử, đó là 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam. Hai sự kiện lịch sử này là cơ sở cho mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước cũng như giữa nhân dân hai nước anh em.

Việc tổ chức các hoạt động liên quan hợp tác giữa hai nước nhằm phổ biến cho người dân trên toàn thế giới biết, đặc biệt cho những thế hệ trẻ là tương lai của hai nước hiểu về mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam anh em. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo cấp cao hai nước Lào và Việt Nam luôn nhấn mạnh, quan hệ đoàn kết Lào-Việt Nam mang tính đặc biệt, như quan hệ anh em ruột thịt.

Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí truyền thông nhân dịp Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng lịch sử trong quan hệ giữa hai nước Lào-Việt Nam. Hai nước cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để người dân hai nước và quốc tế hiểu được về sự đặc biệt của quan hệ hợp tác Lào-Việt Nam, cho các thế hệ tiếp nối, là tương lai của hai nước tiếp tục truyền thống của các thế hệ lãnh đạo cách mạng xây dựng nên bằng mồ hôi, xương máu.

Từ khi hai nước Lào và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962 đến nay, quan hệ giữa hai nước đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhất là trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, hai nước Lào và Việt Nam đã cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau đấu tranh chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ở mỗi nước.

 

Về lĩnh vực an ninh, hai nước đã hợp tác bảo đảm an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho hai nước phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở mục tiêu, tầm nhìn của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước. Hiện nay, quan hệ hợp tác Lào-Việt Nam phát triển, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.

Về đầu tư, hiện Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư vào Lào. Về nguồn nhân lực, Việt Nam cấp nhiều suất học bổng cho cán bộ, sinh viên Lào sang học tập tại Việt Nam. Các học viên sau khi tốt nghiệp đã trở về Lào và có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Hiện có khoảng 14.000 học sinh, sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam.

Về lĩnh vực ngoại giao, hai Bộ Ngoại giao hai nước thời gian qua có mối quan hệ, hợp tác chặt chẽ, do đây là hai đầu mối quan hệ của hai nước, có cơ chế hợp tác chặt chẽ, không chỉ ở cấp độ song phương, giữa hai bộ hay ở cấp diễn đàn khu vực, quốc tế, các Đại sứ quán, cơ quan đại diện của Lào cũng có quan hệ trực tiếp với các Đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Nhấn mạnh năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Lào-Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đề nghị cán bộ, đảng viên, quân đội, công an, người dân trên cả nước Lào cùng tham gia các hoạt động mà Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tổ chức, nhằm kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam 2022 có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực, đạt được các mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra.

https://nhandan.vn/bao-chi-lao-dua-tin-dam-net-ve-ky-niem-60-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-lao-viet-nam-post713799.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

[Ảnh] Ấn tượng Việt Nam tại Hội báo Avante 2022

Tóm tắt: 

Trong suốt ba ngày từ ngày 2 đến 4/9, gian trưng bày về Việt Nam do Báo Nhân Dân tổ chức tại Hội báo Avante lần thứ 46 của Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha (PCP) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và bạn bè quốc tế.

Trong suốt ba ngày từ ngày 2 đến 4/9, gian trưng bày về Việt Nam do Báo Nhân Dân tổ chức tại Hội báo Avante lần thứ 46 của Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha (PCP) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và bạn bè quốc tế.

Gian trưng bày do Báo Nhân Dân tổ chức nổi bật trong Khu Quốc tế ở Hội báo Avante 2022.
Ông Antonia từng tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Nam từ những năm 1960. Ông rất quan tâm đến Việt Nam, biết rõ Báo Nhân Dân là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và thấy các ấn phẩm của Báo Nhân Dân rất hấp dẫn về trình bày.
Ông Antonia giải thích cho các bạn trẻ về Việt Nam anh dũng, kiên cường, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông cũng như nhiều người ở Bồ Đào Nha rất ngưỡng mộ.
Hai đảng viên trẻ của PCP, Jose Constante và Carla Cerqueira, rất vui khi được tặng cuốn sách "Hồ Chí Minh, những bài viết và sự nghiệp đấu tranh cách mạng" của nhà sử học Alain Ruscio (Pháp), để tìm hiểu thêm về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
Tiến sĩ Carolus Wimmer, Chủ tịch Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam, rất ấn tượng với các hình ảnh, tư liệu, sách báo giới thiệu về Việt Nam. Là người luôn theo dõi và ủng hộ Việt Nam, ông rất vui khi thấy Việt Nam ngày càng đổi mới và có vai trò, vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Ông nói: Tôi luôn tin chắc rằng Việt Nam sẽ thực hiện trọn vẹn ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là xây dựng đất nước ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn."
Sách, ảnh, tư liệu và các ấn phẩm báo chí trưng bày tại Hội báo Avante giúp người dân Bồ Đào Nha và bạn bè quốc tế có thêm thông tin về Đảng Cộng sản Việt Nam, về đất nước và con người Việt Nam.
Mariana Melo (trái) cùng bạn đã tới Việt Nam năm 2019, rất vui khi thấy những hình ảnh gợi nhớ chuyến du lịch có nhiều trải nghiệm thật ấn tượng. Hai bạn cho rằng đất nước Việt Nam rất hấp dẫn, con người thân thiện, thiên nhiên tươi đẹp, do vậy nhất định sẽ trở lại thăm vào năm tới.
Hội báo Avante là ngày hội văn hóa, giải trí và cũng là dịp để người dân ở đây bày tỏ sự ủng hộ đối với Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha.
Trao tặng quà lưu niệm của Báo Nhân Dân cho đồng chí Pedro Guerreiro, Trưởng Ban Đối ngoại PCP. Đồng chí Pedro Guerreiro đánh giá cao sự tham dự của Việt Nam với một gian trưng bày, là điểm nhấn quan trọng rất được mong đợi ở mỗi kỳ Hội báo Avante.
Tổng Bí thư PCP Jerónimo de Sousa khẳng định, đoàn kết quốc tế góp phần làm lan tỏa tinh thần của hội báo Avante và thúc đẩy nỗ lực đấu tranh vì hòa bình và hữu nghị.
Hàng chục nghìn người tham gia cuộc mít-tinh ủng hộ Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha.

Nguồn: KHẢI HOÀN/Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

https://nhandan.vn/anh-an-tuong-viet-nam-tai-hoi-bao-avante-2022-post713824.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Văn hóa báo chí nhìn từ góc độ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

Tóm tắt: 

Một nhà nghiên cứu định nghĩa rằng văn hóa báo chí là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động báo chí. Nó biểu hiện trong nhận thức, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí và kết quả mà họ tạo ra trong hoạt động đó.

Một nhà nghiên cứu định nghĩa rằng văn hóa báo chí là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động báo chí. Nó biểu hiện trong nhận thức, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí và kết quả mà họ tạo ra trong hoạt động đó.

Bài viết dưới đây chỉ lạm bàn về văn hóa báo chí nhìn từ góc độ “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” trong hoạt động báo chí.

Trong phần cuối bài nói chuyện tại lễ ra trường của sinh viên Khoa Báo chí khóa 11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tháng 6/1996, nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nhắn nhủ những đồng nghiệp tương lai: “Làm cái nghề này (nghề báo - nv) phải Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc thì mới nên nghề. Mấy lời tâm sự xin bộc bạch với các bạn mới vào nghề để cùng nhau suy nghĩ mà “giữ đạo nhà””.

Tôi hiểu lời tâm sự này là đúc kết gan ruột, rút ra từ những chiêm nghiệm sâu sắc, tinh tế của một nhà báo giàu kinh nghiệm, của người đã từng nhiều năm lăn lộn với hoạt động báo chí ở Báo Nhân Dân với tư cách nhà báo, sau đó trở thành Tổng Biên tập, của người đã từng làm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, chăm lo công việc quản lý và chỉ đạo những lĩnh vực quan trọng của Đảng là tư tưởng, văn hóa và báo chí. Đây là kiến thức kinh nghiệm của ông truyền lại cho thế hệ sau.

Thực hiện ba ý của ông gói gọn trong 6 chữ, theo đó: Mắt sáng để nhìn cho rõ, cho đúng, Lòng trong để cảm nhận được đúng - sai, ủng hộ cái đúng, phê phán cái sai và Bút sắc để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc, thực sự có ích cho xã hội, là con đường ngắn dẫn đến “nên nghề” và giữ được “đạo nhà”, là nguyên tắc nghề nghiệp của một nền Báo chí Cách mạng vì nước, vì dân. Đây cũng có thể hiểu là nền tảng tạo nên văn hóa Báo chí Cách mạng của chúng ta.

Nhà báo Hà Minh Huệ.

Thông thường thì bất kỳ nhà báo nào, ở chế độ nào cũng vậy thôi, phải có con mắt tinh tường để phát hiện ra những vấn đề cần thông tin, nhìn cho thấu bản chất của sự việc để phản ánh và dùng thủ pháp nghề nghiệp của mình để tạo ra những sản phẩm báo chí (tin, bài, phim, ảnh) phục vụ công chúng.

Với Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bác Hồ - người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam đã căn dặn các nhà báo: Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Với Người, viết báo và làm báo là công tác cách mạng để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa báo chí chính là cái hay, cái đẹp, và là các giá trị bền vững của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người và xây dựng xã hội mới.

Báo chí ở các nước phương Tây tự cho mình là tự do và khách quan, nhưng trong thực tế tác nghiệp họ không thể không phục vụ quan điểm chính trị, mục đích của chủ bút tờ báo, chủ kênh truyền hình, chủ đài phát thanh mà họ phục vụ, và trên hết họ không thể vượt qua tham vọng cố hữu của những thế lực muốn lãnh đạo thế giới.

Thí dụ về nhận định này rất nhiều. Xung quanh cuộc xung đột Ukraine - Nga hiện nay là một minh chứng đặc trưng. Báo chí phương Tây lợi dụng “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine thể hiện thái độ chống Nga, bài Nga một cách điên cuồng, không phân định căn nguyên của cuộc chiến nhằm chống lại trật tự thế giới một cực, lập lại trật tự thế giới công bằng, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi người cũng như ngăn chặn những tác nhân gây ra tình trạng áp bức.

Một câu chuyện cũ khác, nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Khi đưa tin về Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chính trị, báo chí phương Tây thường nhìn nhận và đánh giá theo cách riêng của họ, nhắm vào các vụ việc tiêu cực để phê phán theo ý đồ.

Hồi năm 2005, trong dịp chúng tôi sang công tác tại Mỹ, trong cuộc gặp gỡ, trao đổi với chủ bút tờ Bưu điện Oasinhton (Washington Post), lãnh đạo cơ quan Thông tấn mà tôi tháp tùng có “chất vấn” một câu, đại thể là tại sao quan hệ Việt Nam - Mỹ đang tiến triển tốt đẹp như thế mà không thấy tờ báo uy tín của ông ta đưa tin nhiều về Việt Nam. Ông ta nhanh nhẩu trả lời: Là may cho các ông đấy, nếu có đưa tin, chúng tôi chỉ đưa những tin xấu thôi! Đó là quan điểm, là văn hóa báo chí của phương Tây: Bad news is good news - Tin xấu là tin tốt.

Rõ ràng văn hóa báo chí ở đây thực sự khác nhau, khác về cách nhìn, cách tiếp cận, khác hẳn về quan điểm.

Để có một văn hóa báo chí lành mạnh, trong tác nghiệp báo chí, nhà báo phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm trong nhìn nhận và đánh giá để thông tin cho chính xác. Có một câu chuyện khá hài hước về cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc cho thấy cái “nhập nhằng” của sự đánh giá.

Cùng nhìn thấy một cậu học trò, con trai nhà nọ tay cầm một cuốn sách đang ngủ ngon lành, thì người thân thiện với gia đình nhận xét: “Nó là đứa ham học, ngủ mà tay vẫn cầm cuốn sách”, trong khi một người khác không thân thiện thì đánh giá: “Thằng ấy lười học quá, cứ cầm tới cuốn sách là ngủ!”. Đây là một thí dụ điển hình về cách nhìn nhận và đánh giá sự việc theo cảm tính cá nhân.

Trên các trang báo, trang mạng bây giờ không thiếu thí dụ về những dòng tin, bài báo “vô thưởng, vô phạt”, thậm chí không đáng đưa lên mặt báo, những thứ mà lướt qua đã thấy “ngứa cái tại”, “gai con mắt”. Nghi án yêu đương, nghi án mang bầu của một nghệ sĩ này nọ, liệu có cần đăng tải nhan nhản? Có những nhà báo đứng ra bênh vực một nhân vật lạm dụng tự do ngôn luận, gây rối xã hội, liệu có nên? Đưa tin nhấn mạnh vào tiêu cực, không chú ý nhiều tới các nhân tố tích cực, gương người tốt, việc tốt… là không đúng với thực tế khách quan của cuộc sống, tác động xấu tới tâm lý xã hội.

Về việc này, gần đây Báo Nhà báo & Công luận cho biết, báo điện tử Vietnamnet từ lâu đã quy định tỷ lệ tin, bài tích cực mang tính xây dựng, giải pháp của báo phải đạt ít nhất 30% trên tổng số tin, bài. Quy định được là tốt, nhưng trong trường hợp này, môt câu hỏi logic đặt ra là 70% tin, bài còn lại được đăng thuộc loại gì?

Trở lại vấn đề “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” đề cập ở bài viết này. Đây là vấn đề cốt yếu của nền Báo chí Cách mạng vì dân, vì nước, trong đó cần ủng hộ cái mới, cái tích cực, chống những xu thế tiêu cực, vì mục tiêu phát triển xã hội. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, một vài người làm báo vẫn vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, có thể vì đồng tiền xấu xí đã và đang dùng ngòi bút của mình để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí không giống ai, bênh vực những thứ không cần bênh vực, gây hại cho đời sống xã hội.

Lý thuyết báo chí đã từng dạy về việc lựa chọn đưa hay không đưa một vụ việc, đưa thông tin dài hay ngắn, tóm gọn lại là đưa tin như thế nào. Kỹ năng này của người làm báo rất quan trọng, vì với sản phẩm báo chí của mình, nhà báo là người có thể tạo dự luận, hướng dẫn dư luận. Những điều này quyết định văn hóa của người làm báo. Chính vì vậy, nhà báo cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội, thực hiện đúng nghĩa vụ của một công dân khi tác nghiệp để giữ vững “đạo nhà” của nghề báo.

Hiện nay các tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ở Trung ương và địa phương đang vào cuộc để triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa, thực hiện 12 tiêu chí đã công bố. Tôi nhất trí với đề xuất của Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên về việc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để các cấp Hội bám sát vào xây dựng thang điểm chấm để việc thực thi hiệu quả hơn.

Như đã nói ở trên, văn hóa, văn hóa báo chí mang tính bao trùm, có nhiều biểu hiện khác nhau trong thực tiễn, cho nên việc xác định thêm các yếu tố cụ thể để xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong đó có người làm báo văn hóa, là thiết thực và hết sức quan trọng. Bài viết này chỉ đề cấp đến yêu cầu “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” đối với người làm báo để tạo nên những tác phẩm báo chí thực sự có ích cho xã hội, qua đó tạo nên một văn hóa báo chí tươi sáng của chúng ta.

Nhà báo Hà Minh Huệ

Nguồn: https://www.congluan.vn/van-hoa-bao-chi-nhin-tu-goc-do-mat-sang-long-tro...

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Truyền thông đối ngoại cần bám sát xu hướng công nghệ

Tóm tắt: 

Việc định hướng và quản lý công tác thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế.

Việc định hướng và quản lý công tác thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế.

Diễn đàn nhằm tìm giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thông tin đối ngoại. (Ảnh: BTC)

Ngày 27/8, diễn đàn trực tuyến “Quản lý thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên số” được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá tình hình cũng như đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thông tin đối ngoại hiện nay.

Sự kiện do Tạp chí Người làm báo, Cổng thông tin điện tử, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho hay đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2022).

“Việc định hướng và quản lý công tác thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế,” ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số, truyền thông đối ngoại cần bám sát các xu hướng công nghệ số, đặc biệt là trên mạng xã hội và các công cụ truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

“Có như vậy, hoạt động thông tin đối ngoại mới góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho đối ngoại đa phương, làm cầu nối quan trọng đưa Việt Nam ra thế giới,” ông Dũng nêu rõ.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra yêu cầu các cơ quan báo chí cần thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác giúp dư luận nước ngoài hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam đồng thời phải chủ động, tích cực thông tin kịp thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc hình ảnh Việt Nam của các thế lực thù địch.

Nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Công tác thông tin nói chung, thông tin đối ngoại nói riêng hiện nay có rất nhiều thuận lợi nhưng lại đan xen với khó khăn, đòi hỏi những người quản lý, cũng như những người trực tiếp làm công tác thông tin hết sức quan tâm quản lý, xử lý một cách hiệu quả nhất.

Thứ nhất, lực lượng tham gia làm công tác thông tin đối ngoại ngày càng đông đảo hơn, đa dạng hơn, bằng nhiều ngôn ngữ hơn, đưa tới lượng độc giả rộng lớn hơn. Do vậy, quản lý làm sao để những thông tin chính thống, chuẩn xác phải được đưa nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng; quản lý luồng thông tin đồng bộ, không để thông tin đối ngoại mang tính một chiều, xung đột với thông tin đối nội trên các phương tiện thông tin đại chúng rất phát triển của chúng ta hiện nay.

Thứ hai, trong bối cảnh thế giới bước sang kỷ nguyên số, với lợi thế về tiện ích không giới hạn của các phương tiện thông tin đa phương tiện; vậy nên hệ thống báo chí điện tử, các chương trình truyền hình, phát thanh chính thống đưa trên mạng phải có những chương trình, chuyên mục, chuyên đề chất lượng, hấp dẫn, đi trúng vào nhu cầu của độc giả, khán, thính giả người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài. Thông tin chính thống nhanh hơn những thông tin của mạng xã hội nhưng cần đẩy mạnh tính chuẩn xác.

Thứ ba, để làm được những điều đó, thì cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa nội dung thông tin, phương thức thông tin, không để thông tin đối ngoại khô cứng, một chiều. Do đó, cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giỏi nghiệp vụ, sành ngoại ngữ, khả năng nắm bắt và ứng dụng nền tảng công nghệ báo chí truyền thông mới, đáp ứng yêu cầu mới của kỷ nguyên số hiện nay.

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cho rằng bên cạnh các thành tựu đạt được thì công tác thông tin đối ngoại còn một số hạn chế như: Nội dung thông tin đôi lúc còn thiếu chiều sâu. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện mảng thông tin đối ngoại thiếu. Vẫn còn tình trạng bị động, lúng túng trong đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc và luận điệu sai trái.

Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Duẩn đề xuất cơ quan quản lý cần tiếp tục tổ chức các hội thảo, diễn đàn nghiệp vụ về kinh nghiệm trong xử lý thông tin đối ngoại bằng các ngôn ngữ nước ngoài, tăng cường đào tạo các nhà báo, nhà khoa học trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, các sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan phụ trách thông tin đối ngoại, các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam… để tăng cường, định hướng thông tin kịp thời, chính xác và phối hợp hành động để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

Về phần các cơ quan báo chí, ông Duẩn cho rằng cần nâng cao hơn nữa tính thuyết phục của thông tin, các bài viết mang tính đấu tranh dư luận; tăng cường định hướng dư luận về những vấn đề quan trọng; chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc, cố vấn cao cấp Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Công tác thông tin đối ngoại đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và đối ngoại, từ đó, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về sự phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại đã làm tốt công tác phản bác những thông tin sai trái của các thế lực thù địch.

Để làm được điều đó, công tác thông tin đối ngoại đã được đa dạng hóa phương thức truyền tải, phương tiện thông tin, tận dụng tối đa sự phát triển của các nền tảng truyền thông số để tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài.

Trong bối cảnh truyền thông số, thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại cần tiếp tục thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tựu phát triển đất nước trên các lĩnh vực.

Cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh các chương trình, đề án nghiên cứu khảo sát về nhu cầu, xu hướng về những vấn đề trong nước, quốc tế mà kiều bào quan tâm, trăn trở. Từ đó, giúp các cơ quan báo chí xây dựng được nội dung tuyên truyền phù hợp, đúng và trúng, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật./.

Nguồn: Minh Thu (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=813347

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo