Truyền thông đối ngoại cần bám sát xu hướng công nghệ
Việc định hướng và quản lý công tác thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế.
Diễn đàn nhằm tìm giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thông tin đối ngoại. (Ảnh: BTC) |
Ngày 27/8, diễn đàn trực tuyến “Quản lý thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên số” được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá tình hình cũng như đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thông tin đối ngoại hiện nay.
Sự kiện do Tạp chí Người làm báo, Cổng thông tin điện tử, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho hay đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2022).
“Việc định hướng và quản lý công tác thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế,” ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số, truyền thông đối ngoại cần bám sát các xu hướng công nghệ số, đặc biệt là trên mạng xã hội và các công cụ truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
“Có như vậy, hoạt động thông tin đối ngoại mới góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho đối ngoại đa phương, làm cầu nối quan trọng đưa Việt Nam ra thế giới,” ông Dũng nêu rõ.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra yêu cầu các cơ quan báo chí cần thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác giúp dư luận nước ngoài hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam đồng thời phải chủ động, tích cực thông tin kịp thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc hình ảnh Việt Nam của các thế lực thù địch.
Nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Công tác thông tin nói chung, thông tin đối ngoại nói riêng hiện nay có rất nhiều thuận lợi nhưng lại đan xen với khó khăn, đòi hỏi những người quản lý, cũng như những người trực tiếp làm công tác thông tin hết sức quan tâm quản lý, xử lý một cách hiệu quả nhất.
Thứ nhất, lực lượng tham gia làm công tác thông tin đối ngoại ngày càng đông đảo hơn, đa dạng hơn, bằng nhiều ngôn ngữ hơn, đưa tới lượng độc giả rộng lớn hơn. Do vậy, quản lý làm sao để những thông tin chính thống, chuẩn xác phải được đưa nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng; quản lý luồng thông tin đồng bộ, không để thông tin đối ngoại mang tính một chiều, xung đột với thông tin đối nội trên các phương tiện thông tin đại chúng rất phát triển của chúng ta hiện nay.
Thứ hai, trong bối cảnh thế giới bước sang kỷ nguyên số, với lợi thế về tiện ích không giới hạn của các phương tiện thông tin đa phương tiện; vậy nên hệ thống báo chí điện tử, các chương trình truyền hình, phát thanh chính thống đưa trên mạng phải có những chương trình, chuyên mục, chuyên đề chất lượng, hấp dẫn, đi trúng vào nhu cầu của độc giả, khán, thính giả người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài. Thông tin chính thống nhanh hơn những thông tin của mạng xã hội nhưng cần đẩy mạnh tính chuẩn xác.
Thứ ba, để làm được những điều đó, thì cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa nội dung thông tin, phương thức thông tin, không để thông tin đối ngoại khô cứng, một chiều. Do đó, cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giỏi nghiệp vụ, sành ngoại ngữ, khả năng nắm bắt và ứng dụng nền tảng công nghệ báo chí truyền thông mới, đáp ứng yêu cầu mới của kỷ nguyên số hiện nay.
Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cho rằng bên cạnh các thành tựu đạt được thì công tác thông tin đối ngoại còn một số hạn chế như: Nội dung thông tin đôi lúc còn thiếu chiều sâu. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện mảng thông tin đối ngoại thiếu. Vẫn còn tình trạng bị động, lúng túng trong đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc và luận điệu sai trái.
Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn. (Ảnh chụp màn hình) |
Ông Duẩn đề xuất cơ quan quản lý cần tiếp tục tổ chức các hội thảo, diễn đàn nghiệp vụ về kinh nghiệm trong xử lý thông tin đối ngoại bằng các ngôn ngữ nước ngoài, tăng cường đào tạo các nhà báo, nhà khoa học trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, các sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan phụ trách thông tin đối ngoại, các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam… để tăng cường, định hướng thông tin kịp thời, chính xác và phối hợp hành động để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Về phần các cơ quan báo chí, ông Duẩn cho rằng cần nâng cao hơn nữa tính thuyết phục của thông tin, các bài viết mang tính đấu tranh dư luận; tăng cường định hướng dư luận về những vấn đề quan trọng; chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc, cố vấn cao cấp Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Công tác thông tin đối ngoại đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và đối ngoại, từ đó, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về sự phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại đã làm tốt công tác phản bác những thông tin sai trái của các thế lực thù địch.
Để làm được điều đó, công tác thông tin đối ngoại đã được đa dạng hóa phương thức truyền tải, phương tiện thông tin, tận dụng tối đa sự phát triển của các nền tảng truyền thông số để tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài.
Trong bối cảnh truyền thông số, thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại cần tiếp tục thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tựu phát triển đất nước trên các lĩnh vực.
Cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh các chương trình, đề án nghiên cứu khảo sát về nhu cầu, xu hướng về những vấn đề trong nước, quốc tế mà kiều bào quan tâm, trăn trở. Từ đó, giúp các cơ quan báo chí xây dựng được nội dung tuyên truyền phù hợp, đúng và trúng, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=813347