Báo chí nhập cuộc để vượt qua thách thức

Đại hội toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam (2010 – 2015) vừa được tổ chức vào ngày 12/8/2010 tại Hà Nội. Tham dự phiên họp toàn thể còn có sự tham gia của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và 406 đại biểu trên cả nước. Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chị và hoạt động Hội trong 5 năm qua và xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí trong nhiệm kỳ tới.

5 năm - nhiều thay đổi

Hoạt động báo chí 5 năm qua là giai đoạn có nhiều thay đổi do tình hình trong nước và quốc tế nhưng nền báo chí đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. Tính đến tháng 12/2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, gồm: 178 báo in (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 76 báo; các tỉnh, thành phố có 102 báo); 528 tạp chí (trung ương, các bộ, ngành, đoàn thể có 414 tạp chí, địa phương có 114 tạp chí); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 600 đài cấp huyện, hàng ngàn trạm truyền thanh cấp xã; 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử… Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng 97,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều nước trên thế giới. Đài Truyền hình Việt Nam phủ sóng toàn bộ lãnh thổ trong nước và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều khu vực ở ngoài nước. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển bao gồm một số loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình).

Cả nước có hơn 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn: viết bài, sản xuất chương trình, cung cấp thông tin, in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành và các dịch vụ báo chí khác. Nhiều nhà báo được đào tạo cơ bản, nâng cao về trình độ chính trị, lý luận, nghiệp vụ, được giao lưu tiếp thu kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp trong nước và quốc tế, tiếp cận các phương tiện làm báo hiện đại.

So với năm 1986 – thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng 1,3 đến 1,5 lần. Năm 1997, mạng thông tin toàn cầu – Internet mới có mặt ở Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, số người sử dụng Internet của Việt Nam gần bằng 30% số dân, một mức khá cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Sự ra đời và phát triển vượt bậc của báo mạng điện tử cùng với khả năng tích hợp nhiều loại hình báo chí trên một thiết bị truyền thông hiện đại tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của các cơ quan báo chí và công chúng của nhà nước.

Nhiều khó khăn và thách thức…

Trong xu thế hội nhập và phát triển, sự toàn cầu hóa về thông tin, nhất là xu hướng hòa tan công nghệ đặt trước nền báo chí nước ta nhiều cơ hội phát triển, đồng thời không ít thách thức. Về loại hình, báo chí không chỉ đơn nhất một loại hình mà đã trở thành báo chí đa phương tiện. Nhiều cơ quan báo chí có từ 2 đến 3 loại hình báo chí. Báo điện tử có lợi thế đưa tin nhanh, kịp thời và sức lan truyền rộng nhưng đồng thời cũng tạo tình trạng sao chép lẫn nhau, khiến cho thông tin trở nên nhàm chán. Báo viết mất dần bạn đọc, suy giảm số lượng phát hành. Do tác động của việc tăng giá giấy và các vật tư in khác cộng với sự sụt giảm số lượng phát hành, khó khăn thu hút quảng cáo dẫn tới nguồn thu của các cơ quan báo chí viết giảm mạnh. Các cơ quan báo nói, báo hình cũng đứng trước tình hình cạnh tranh gay gắt cả về thông tin, nguồn nhân lực và nguồn thu.

Một thách thức khác đã trở thành vấn đề “bức xúc” trong thời gian gần đây, theo ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ IX, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, là tình trạng nhà báo bị cản trở khi hành nghề, thậm chí nhiều đồng nghiệp bị hành hung, bị xúc phạm về danh dự và thân thể. Hội Nhà báo kiến nghị: Pháp luật thừa nhận quá trình tác nghiệp của nhà báo là quá trình thi hành công vụ. Cản trở nhà báo hành nghề hợp pháp là hành vi cản trở người thi hành công vụ.

Tham luận tại Đại hội về một số thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Nhà báo Đầu tư cho biết những tiến bộ về công nghệ thông tin đang kéo theo sự hòa nhập công nghệ, làm thay đổi quy trình sản xuất và hình thức chuyển tải thông tin, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ truyền thông đa phương tiện và tính tương tác giữa xã hội với báo chí, đang đòi hỏi hầu hết các cơ quan báo chí, nhất là báo in phải có một cách nhìn mới, tư duy và chiến lược phát triển mới cũng như hành động thiết thực để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển.

Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực được cả TS Nguyễn Anh Tuấn và Chị Ngô Thị Hồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cùng chia sẻ: công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng và mang tính chất sống còn của một cơ quan báo chí. Không thể có tác phẩm báo chí tốt, nếu không có phóng viên giỏi về kiến thức và nghiệp vụ; không thể đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền, đảm bảo lợi ích quốc gia, nếu người viết thiếu kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội; không thể có tác phẩm báo chí phục vụ tuyên truyền đối ngoại tốt nếu phóng viên không có trình độ ngoại ngữ để có thể theo sát được thị hiếu, nhu cầu, đặc tính văn hóa của người nước ngoài…

Thêm một khó khăn nữa không kém phần quan trọng mà TS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày tại Đại hội là chính sách thuế đối với các cơ quan báo chí hiện nay còn nhiều bất cập. Báo chí được xác định “là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân” (Luật Báo chí), với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận xã hội. Như vậy, Báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù, là một ngành nghề đặc biệt. Xét về cả tính chất, chức năng và nội dung hoạt động, cơ quan báo chí không thể được xem là một doanh nghiệp (DN) thuần túy, sản phẩm báo chí không phải là một thứ hàng hóa bình thường, mà là một thứ sản phẩm có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của xã hội. Xét về mặt công nghệ, sản phẩm báo chí là sản phẩm có hạm lượng chất xám và công nghệ cao.

Cho đến nay báo chí không những phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như những DN kinh doanh thuần túy, mà trên thực tế còn phải đóng thuế TNDN cao hơn nhiều so với tất cả các loại hình DN. Điều này xuất phát từ chỗ báo chí bị áp thuế TNDN với thuế suất cao nhất (trước đây là 28%, nay là 25%). TS. Tuấn kiến nghị báo chí được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% như các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa và ngành thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo…

Và những giải pháp

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước.

Trước những thay đổi và thách thức mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề xuất một số điểm các nhà báo và Hội Nhà báo cần cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Đó là báo chí cẫn nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời tích cực bồi dưỡng, từng bước hoàn thành, bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: muốn thế, nội dung thông tin báo chí cần trung thực, khách quan, phong phú, nhiều chiều. Cách diễn đạt và chuyển tải thông tin cần chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn, giữ gìn bản sắc và sự trong sáng của tiếng Việt; trước những vấn đề mới, phức tạp, hoặc những sự kiện lớn, quan trọng trong nước và quốc tế, cần có phân tích, bình luận sắc sảo, thuyết phục… Tránh cách đưa thông tin phiến diện hoặc suy diễn, vũ đoán; loại bỏ những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội của đất nước. Tích cực biểu dương, cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, lên án những thói hư tật xấu, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về đạo đức lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng cơ hội, thực dụng… Người làm báo được đòi hỏi phải có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp.

Đáp ứng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm báo, trong nhiệm kỳ khóa IX, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ thực hiện giải pháp tìm mọi nguồn nhân lực trong nước và quyết tâm nhằm mở rộng quy mô, đối tượng đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo - hội viên, đặc biệt là đối với các nhà báo trẻ, tạo điều kiện cho các nhà báo, nhất là các nhà báo ở các địa phương có chương trình, phương pháp giảng dạy. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa công trình Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội vào hoạt động. Xây dựng đề án nghiên cứu lý luận, nghiệp vụ báo chí nhằm mục tiêu tổng kết lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng giáo trình đào tạo, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các trường đào tạo người làm báo và các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Là hãng thông tấn nhà nước, TTXVN có quy mô lớn với 7 khối công tác, gồm 32 đơn vị đầu mối, gần 150 phòng với xấp xỉ 1.000 phóng viên, biên tập viên, trong đó trên 70% là hội viên Hội nhà báo Việt Nam, TTXVN đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp cho hội viên - nhà báo. Trong đó đáng kể là Qui chế về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức của ngành đã được ban hành từ năm 2005. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ cũng được ngành xây dựng trong từng giai đoạn cụ thể để từ đó chủ động trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, chính trị và quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ trước mắt cũng như lâu dài.

Trước nhiều thách thức về cạnh tranh gay gắt cả về thông tin, nguồn nhân lực và nguồn thu, trong bài phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khóa IX Đinh Thế Huynh đã tổng kết giải pháp cho những thách thức này là con người, mô hình tổ chức cơ quan báo chí, đổi mới, hiện đại hóa phương tiện làm báo và cơ chế, chính sách hợp lý của Đảng và Nhà nước. Về phía người làm báo Việt Nam, thái độ là chấp nhận và nhập cuộc để vượt qua thách thức!

Lan Phương

Tin nổi bật