Viết báo ở Điện Biên Phủ
LTS-Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các phóng viên chiến trường đã vượt lên rất nhiều khó khăn gian khổ, thiếu thốn và đạn bom của quân thù để có những trang viết chân thực, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi xin trích đăng bài viết này từ tư liệu của gia đình nhà văn Hữu Mai.
Phút thư giãn của bộ đội ta trong chiến hào trước giờ xung trận tại chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu) |
Năm 1946, tôi là tự vệ thành tham gia chiến đấu ở Hà Nội, rồi vào bộ đội. Từ lúc đó, đã có ý nghĩ nếu mình sống sót qua cuộc chiến tranh, sẽ cố viết lại những gì mình đã sống và đã biết.
Năm 1948, mới ngoài hai mươi tuổi, tôi được điều về làm “chủ bút” tờ báo Quân tiên phong của Đại đoàn 308 đang chuẩn bị thành lập. Khi còn ở đơn vị, tôi bị gắn chặt với trung đội, đại đội của mình. Bây giờ thì có thể đi nhiều nơi, những đơn vị của đại đoàn thường ở rất rộng, tham gia những chiến dịch ở khắp miền bắc. Lại còn được dự cả những hội nghị mà ở cấp của chúng tôi đáng lẽ không được tham dự. Đơn vị nào có chuyện gì hay là chúng tôi có mặt. Chúng tôi viết mọi chuyện về bộ đội. Viết càng nhiều càng tốt. Và cuộc sống chiến đấu của bộ đội có biết bao điều đáng viết.
Trong một số chiến dịch mở ở xa hậu phương, như chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ, vì vấn đề tiếp tế cực kỳ khó khăn, nên số người không trực tiếp chiến đấu ra mặt trận được quy định rất chặt. Riêng tôi không vắng mặt một chiến dịch nào. Ở hậu phương, tờ báo có thời kỳ ra nhiều trang, in máy. Nhưng ở mặt trận, chúng tôi làm báo in đá.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, tòa soạn chỉ có mình tôi và bộ phận ấn loát. Tất cả phóng viên lúc này, người xuống đơn vị chiến đấu, người đi với hậu cần, dân công, người ở lại phía sau. Tôi vừa là biên tập, vừa là phóng viên. Bộ phận ấn loát gồm một người viết chữ ngược và trình bày, mấy chiến sĩ chuyên mài đá và in. Vật liệu là một phiến đá li-tô, giấy in, mực in và con lăn.
Đi gần tới mặt trận thì gặp một sự cố. Đồng chí mang phiến đá li-tô, chúng tôi đã chọn người cẩn thận nhất, bị ngã ở suối, miếng đá vỡ làm đôi. Cố vớt vát được một mảng lớn nhất, chỉ to hơn trang giấy học trò. Khi báo in ra, chính ủy đại đoàn mới gọi tôi tới. Chiến dịch này, chính ủy đại đoàn bị ốm, người thay thế là đồng chí Lê Quang Đạo.
Anh Đạo đã có nhiều năm làm báo Cứu quốc. Anh để trước mặt tờ báo của đại đoàn 312 và tờ báo của đại đoàn tôi, rồi hỏi tại sao hai tờ báo lại khác nhau thế này? Tôi trình bày nỗi khổ tâm của mình. Và bây giờ, cử người về phía sau đưa một phiến đá lên, nếu đi thoát chặng đường máy bay địch đánh phá, thì khi trở lại có lẽ chiến dịch đã kết thúc. Anh Đạo không nói gì. Nhưng một tuần sau đó, bỗng nhiên một phiến đá li-tô được đưa tới hầm chúng tôi.
Sau này tôi mới biết, anh Đạo vốn là Cục trưởng Tuyên huấn, có quan hệ với tất cả các đơn vị, nên đã xin được ở đại đoàn nào đó một phiến đá dự bị. Tòa soạn lại phơi phới. Chúng tôi có “vũ khí” chiến đấu. Tờ báo trở lại như xưa, với nội dung phong phú hơn, vì chiến dịch này không thiếu chuyện để viết. Báo thời đó được làm để phát tới trung đội, và trao đổi với các đại đoàn bạn.
Tất cả các đại đoàn ở mặt trận Điện Biên Phủ, kể cả nhiều trung đoàn ngày đó đều có báo in đá. Nó truyền đạt kịp thời những chỉ thị của cấp trên, làm công tác tư tưởng, động viên bộ đội. Có những bài tường thuật trận đánh, những gương chiến đấu, những bút ký, thơ, tranh biếm họa. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với chiến sĩ.
Các đơn vị chỉ được đọc tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận. Nhưng sát với họ nhất vẫn là tờ báo của đại đoàn, trung đoàn. Trong đó tất cả những điều viết ra đều gần gũi, thiết thực đối với họ, từ chuyện đồng đội đã làm được trong các trận đánh, những khó khăn của địch ở Điện Biên Phủ, đến cách đào hầm sao cho có năng suất, cách làm giá sống thay rau như thế nào...
Trong chiến dịch, những gì thu thập được mà có thể viết ngay, tôi đều viết nhanh trên báo, từ trận đồi Độc Lập, trận phòng ngự trên Đồi 75 (của Đại đoàn 312), trận A1, trận sân bay... đều được viết thành tường thuật, mẩu chuyện hoặc gương chiến đấu. Gần như số báo nào cũng phải có đôi bài thơ hoặc những câu ca dao.
Đã viết bao nhiêu bài, tôi không còn nhớ. Những bài báo này không đâu sưu tầm, và thực tế cũng khó chọn ra một số bài có thể đưa vào những tuyển tập. Nhưng cũng cần phải nói, nhiều khi nó đã có tác dụng thực sự, không ít lần đã đi vào tâm hồn các chiến sĩ trong chiến đấu.
Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo kiêm nhà văn Lê Kim đã giới thiệu trên báo Cựu chiến binh một bài thơ tôi viết tại mặt trận Điện Biên Phủ, kể lại cảm xúc một chiến sĩ trước giờ ra trận nhận được thư mẹ từ hậu phương gửi tới. Đây chỉ là một bài “thơ công tác”, nhưng nó đã mang cảm xúc của tôi, và chắc cũng gây xúc động cho người đọc, nên đã được một đồng nghiệp ghi lại trong sổ tay.
Tòa soạn tuy chật hẹp, nhưng vẫn là nơi đón tiếp khách văn nghệ. Tôi còn nhớ họa sĩ Nguyễn Sáng đã tới tòa soạn buổi trưa sát ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi tận dụng ngay khả năng của anh, nhờ anh vẽ một bức tranh cổ động để kịp phát cho bộ đội trước giờ nổ súng (trước khi ta quyết định kéo pháo ra củng cố lại trận địa).
Anh đã vẽ ngay bằng mực in trên đá bức tranh một chiến sĩ bộ đội cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trên nóc sở chỉ huy Trần Đình(1) (khi đó ta chưa biết bên trên nóc hầm có những vòm sắt uốn cong). Nguyễn Sáng vẽ rất say sưa. Bức tranh khá đẹp. Khi tranh vừa in xong, thì pháo địch bắn ngay vào khe suối Hồng Lếch, nơi chúng tôi ở, chưa kịp đào công sự. Chỉ còn cách nấp giữa những hòn đá. May sao không ai việc gì. Ngay sau đó, đại đoàn được lệnh lên đường sang Thượng Lào đánh địch dọc phòng tuyến sông Nậm Hu.
Niềm vui của những người làm báo ở mặt trận là thấy mình gắn bó với cuộc chiến đấu, gắn bó với cái vui, cái buồn của cán bộ, chiến sĩ. Lúc đó chưa ai nghĩ, chính là nhờ công tác này mà khi chiến dịch kết thúc, Thủ đô giải phóng, nhiều người đã được đưa về Tạp chí Văn nghệ quân đội, một số trở thành hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam, không ít người sau này trở thành những nhà văn. Hai mươi năm sau đó, những nhà văn trong quân đội vẫn tiếp tục làm báo.
(1) Bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ lúc đó.
Hữu Mai
Nguồn: https://nhandan.vn/viet-bao-o-dien-bien-phu-post801000.html