Nghề báo
Báo Singapore cải chính thông tin sai về vụ Bình Dương như thế nào?
Submitted by nlphuong on Thu, 22/05/2014 - 15:00Câu chuyện về báo The Straits Times (ST), tờ báo lớn nhất của Singapore, sử dụng một bức ảnh hoàn toàn sai với sự thực ở Việt Nam khiến dư luận ồn ào. Nhờ sự nỗ lực làm rõ sự thật của những độc giả VN, ST đã cải chính.
Kết quả là ST đã rút bức ảnh sai trên các website của mình, cải chính và xin lỗi nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực bảo vệ hình ảnh Tổ quốc của những người dân Việt Nam trong đó có những nhà báo tại Việt Nam và Singapore. Để hiểu hơn về quá trình yêu cầu ST cải chính như thế nào, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với chị Thục Minh, Phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Singapore, người góp phần lớn vào việc yêu cầu ST cải chính, xin lỗi Việt Nam.
Bức ảnh bị chú thích sai và lời cải chính xin lỗi của Straits Times (ảnh Thục Minh) |
Người Việt Nam đó là chị Phạm Kiều Oanh, đã chụp bài báo với bức ảnh bị chú thích sai, đăng lên Facebook cá nhân và chia sẻ với một số bạn ở Việt Nam, trong số đó có nhà báo Mai Phan Lợi của báo Pháp Luật TP.HCM. Anh Mai Phan Lợi lập tức báo cho chị Thục Minh biết về sai sót này. Và chị đã gọi ngay cho một biên tập viên của ST. Sự việc sai sót lập tức được báo cáo lên các lãnh đạo tòa soạn ST và bức ảnh đã bị rút ngay khỏi các trang web chính lẫn trang phụ của ST. Sự việc được chị Thục Minh kể lại, dù ở Singapore và có tờ báo trong tay từ sáng sớm nhưng do bận rộn chị đã không đọc kỹ chú thích bức ảnh. Việc phát hiện ra sai sót của ST do một người từ Việt Nam đến Singapore đúng ngày 16/5. Tờ ST đã dùng ảnh những công nhân Việt Nam bị ngộ độc ở Thanh Hóa và chú thích thành: “công nhân Trung Quốc bị người biểu tình khống chế trong một nhà máy ở Bình Dương”. Đây là một sai sót vô cùng có hại cho hình ảnh Việt Nam. Ngay lập tức người Việt Nam đó đã tìm cách phản ánh lại thông tin với báo chí.
Đồng thời chị Thục Minh cũng gửi email đến Tổng biên tập, Trưởng ban Quốc tế, và một số người khác của báo ST, cung cấp thông tin cụ thể về bức ảnh, và yêu cầu đính chính trên báo in.
Trong vòng chưa đầy một giờ, Trưởng ban ảnh của ST đã đại diện tờ báo này gửi email đến chị Thục Minh, trong đó thừa nhận sai sót, xin lỗi và hứa sẽ đính chính ngay trong số báo hôm sau. Và ST đã đăng tin đính chính kèm lời xin lỗi trong số báo ngày 17/5.
Email ST gửi chị Thục Minh có đoạn: “Sáng nay, chúng tôi đã nhận ra chúng tôi đã sai khi nhầm lẫn bức ảnh của người bị thương trong cuộc đụng độ phản đối Trung Quốc. Chúng rôi rất tiếc vì sai lầm đã xảy ra và đã xóa bức ảnh trên website cũng như các sản phẩm trực tuyến khác, ngay khi nhận ra nhầm lẫn này. Chúng tôi sẽ công bố nhầm lẫn này trong tin cải chính xuất bản vào sáng mai”.
Chị Thục Minh, Phóng viên thường trú tại Singapore của báo Thanh Niên (ảnh Giản Thanh Sơn) |
Sự việc giải quyết tốt đẹp bảo vệ được hình ảnh Việt Nam trước thông tin sai sót, nhầm lẫn. Tuy nhiên, một số người vẫn nghi ngờ nguyên nhân đằng sau việc nhầm lẫn này. Để giải tỏa khúc mắc này, chị Thục Minh đã quyết tâm tìm hiểu đến cùng. Dưới đây là chia sẻ của chị trên Facebook cá nhân chiều 19.5 về việc tìm ra tác giả bức ảnh. Được sự cho phép của tác giả, Infonet xin được chia sẻ cùng bạn đọc:
ZHANG HUSHENG - Tác giả bức ảnh báo Straits Times chú thích nhầm là ai?
Thưa các bạn, mấy ngày qua, chuyện bức ảnh trên báo Straits Times (ST) ngày 16.5 chụp công nhân Việt Nam bị ngộ độc nước uống ở Thanh Hóa được chú thích là công nhân Trung Quốc bị người biểu tình khống chế trong một nhà máy ở Bình Dương khiến dân mình đặt ra nhiều nghi vấn.
Cũng rất nhiều bạn đặt câu hỏi Zhang Husheng - người được ghi trên báo ST là tác giả bức ảnh - là ai?
Ngay từ những phút đầu tiên, với kinh nghiệm của người làm báo và kinh nghiệm của người theo dõi ST gần 7 năm qua, mình tin là bức ảnh do một công nhân của Trung Quốc (cái tên được phiên âm như thế thì chỉ là người TQ thôi, chứ không giống tên người gốc Hoa ở các nước khác) đang làm việc tại Việt Nam cung cấp cho ST, vì báo này hiện không có người thường trú ở nước ta. Việc chú thích nhầm có thể là do người cung cấp ảnh cố tình nhầm với động cơ xấu.
Đêm 16.5, một nhà báo ở Việt Nam nói với mình rằng người của ST cho hay bức ảnh được mua của hãng tin Reuters, hãng tin ngày hôm trước đã đưa thông tin được cho là thất thiệt rằng có 21 người chết trong vụ ẩu đả ở Hà Tĩnh.
Mình không tin. Vì thông thường, khi đăng hình mua của các hàng thông tấn, ST ghi "PHOTO: TÊN HÃNG TIN" chứ không ghi tên phóng viên chụp ảnh. Càng không có chuyện ghi "PHOTO: COURTESY OF TÊN AI ĐÓ" như họ ghi cho bức ảnh này.
Đêm 18.5, một người Việt ở Singapore báo cho mình biết rằng khi search cái tên Zhang Husheng trên mạng thì ra một ông là Phó tổng biên tập của một tạp chí Trung Quốc. Và từ chỗ này, một thuyết âm mưu ghê gớm được đặt ra: Phải chăng ST câu kết với phía TQ để đăng bức ảnh bất lợi choViệt Nam?
Tuy nhiên, khi mình xem đường link người này gửi, thấy ông nội Zhang Husheng đã rất già, và cũng không còn là phó Tổng biên tập gì nữa. Mình tin chẳng qua là trùng tên họ thôi.
Straits Times đã sơ xuất?
Sáng nay, một em người Việt cần mẫn ở Singapore cũng search trên mạng và tìm ra: Cũng trên số báo ngày 16.5, ST có đăng một bài khác về chuyện công nhân Việt Nam biểu tình, và có nói rõ: Zhang Husheng là công nhân Trung Quốc 34 tuổi, quê Trùng Khánh, làm việc trong nhà máy giày Baoyuan ở Bình Dương (vì gần nhau về địa lý, người Singapore hay gọi Bình Dương là Thành phố Hồ Chí Minh).
Anh này kể qua điện thoại với phóng viên của ST thường trú ở Bắc Kinh chuyện 500 công nhân của nhà máy mình phải trốn bên trong khi "những người Việt Nam thân thiện" thường ngày bỗng dưng trở nên hung hăng, đập phá. (kèm ảnh chụp bài báo)
Không rõ việc trao đổi thông tin, hình ảnh và bài vở như thế nào giữa Đồng Nai, Thanh Hóa, Bắc Kinh, Bangkok (là nơi Văn phòng Đông Dương của ST tọa lạc, và người viết bản tin có kèm bức ảnh sai là trưởng Văn phòng này) và Singapore, rồi khâu xử lý tại tòa soạn ở đảo sư tử diễn ra làm sao mà cuối cùng ST lại gắn chuyện ở Bình Dương với ảnh ở Thanh Hóa.
Để bữa nào sóng yên biển lặng, mình hỏi các biên tập viên của ST xem sai sót xảy ra ở chỗ nào.
Túm lại, mình tin là có thể loại bỏ nghi vấn có bàn tay Trung Quốc "chọt" vào vụ sai sót này, hay ST cố tình "chơi" Việt Nam.
Trong thời buổi mạng internet phổ biến đến khắp hang cùng ngỏ hẻm của thế giới, chuyện thâm sơn cùng cốc nào cũng thể bị phanh phui sau vài cái nhấp chuột, ST chẳng ngu gì mà cố tình biến chuyện này thành chuyện khác như vậy. Họ chỉ SƠ Ý thôi.
Báo chí Hongkong: Trung Quốc đang sai lầm nghiêm trọng
Submitted by nlphuong on Wed, 21/05/2014 - 20:15Ngày 19.5, liên quan đến việc Trung Quốc có hành động gây hấn trên Biển Đông, báo chí nước ngoài tiếp tục nhận định, đây là bước đi sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc.
Báo chí Hongkong bình luận, với những diễn biến hiện nay tại Việt Nam và những hành động ngang ngược của Trung Quốc đã cho thấy, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã có những chính sách sai lầm với Việt Nam.
Mạng tin “Đa chiều” của Hongkong nhận định, so với một vài lần Trung Quốc manh động trước đây, lần này là “nằm ngoài ý muốn”, điều đó thể hiện sự thiếu hụt các biện pháp giải quyết một cách hiệu quả. Tờ báo cũng bình luận, tình hình lúc này và tình hình chiến tranh Trung – Việt trước đây là hoàn toàn không giống nhau, nên những nhận định hung hăng khi cho rằng Trung Quốc cần “dạy cho Việt Nam một bài học” là phi thực tế.
Bài báo nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc cần phải thay đổi quan niệm, chấp nhận tầm quan trọng của việc cố gắng duy trì hiện trạng, đồng thời học hỏi tinh thần bên trong của luật pháp quốc tế, nhận thức lại chính xác các vấn đề do lịch sử để lại. Chỉ bằng cách giữ bình tĩnh, ra sức vận dụng trí tuệ, sự khôn ngoan, tìm kiếm phương thức văn minh hơn để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, mới là lối thoát duy nhất hiện nay.
Theo nhật báo Le Figaro của Pháp, Trung Quốc đã bỏ ngoài tai những cảnh báo của Washington về vụ hạ đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Mỹ cho đây là một hành động khiêu khích.
Theo nhận định của Le Figaro, Trung Quốc có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh hơn nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, khi Trung Quốc có ý đồ dùng vũ lực với Việt Nam thì cũng cần nhớ lại kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, khi đó Bắc Kinh muốn cho Việt Nam một bài học nhưng cuối cùng lại thất bại. Trong lịch sử cả Pháp, Mỹ cũng đã không lay chuyển được ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Tờ Bưu điện Hoa buổi sáng cũng có bài viết bình luận ngày 18.5 cho rằng, những hành động gần đây của Trung Quốc đối với những nước láng giềng là rất hiếu chiến, ngạo mạn và mang đậm chủ nghĩa Sôvanh kiểu Hán và chủ nghĩa dân tộc. Những hành động này vượt quá việc thể hiện niềm tự tôn dân tộc và khiến chủ nghĩa ái quốc của Trung Quốc mang một ý nghĩa xấu.
Mai Tiến Dũng (tổng hợp)
Nguồn: Báo Dân Việt
Reuters: ‘Đốm lửa nhỏ ở Biển Đông có thể cháy lan đến Bắc Kinh’
Submitted by nlphuong on Tue, 20/05/2014 - 20:05Hãng tin Reuters bình luận, các nhà máy bị đốt ở Việt Nam khi phong trào chống Trung Quốc bùng phát đã củng cố thêm vào thông điệp của Bắc Kinh tới các nước đang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tổn thất khi phong trào chống Trung Quốc bùng phát ở Việt Nam là không nhỏ. Theo Reuters, thông điệp mà Bắc Kinh gửi tới các quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sau sự kiện này rất rõ ràng: "Kháng cự Trung Quốc là tốn kém và kết quả là vô ích".
Tuy nhiên, "phong trào chống Trung Quốc" đang ngày càng phát triển tại nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và các tranh chấp chủ quyền đang bóp méo tăng trưởng thương mại và kinh tế sẽ dìm Bắc Kinh vào biển lửa.
Reuters bình luận, về lâu dài, cam kết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những nhượng bộ nhất định trong các tuyên bố lịch sử sẽ có lợi hơn nhiều cho Trung Quốc hơn con đường mà quốc gia này đang bước đi.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp Lực lượng kiểm ngư Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam. |
Trung Quốc đã có động thái khiêu khích mới nhất bằng cách triển khai một giàn khoan dầu khổng lồ đến Biển Đông. Rõ ràng, họ (Trung Quốc) biết chắc là Việt Nam sẽ phải phản ứng, và Trung Quốc đã chuẩn bị bằng cách gửi theo hơn 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến hải quân để bảo vệ giàn khoan. Hai bên đang vướng vào một bế tắc nguy hiểm khi liên tục va chạm trên biển, sử dụng vòi rồng và các hành vi thách thức khác từ phía Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan dầu là để cố gắng chứng minh rằng Việt Nam đang tham gia một cuộc chơi “tất cả cùng thua” (lose - lose) khi chống lại những "mong muốn và áp đặt" của Trung Quốc.
Nếu Hà Nội bỏ qua các động thái của Bắc Kinh, giàn khoan này sẽ lập tức trở thành “một bằng chứng chủ quyền mới trên biển” để củng cố cho tuyên bố pháp lý của Trung Quốc thành hiện thực. Nếu chống lại, lực lượng kiểm ngư và hải quân Việt nam sẽ bị kéo vào một cuộc đấu tranh kéo dài và tốn kém trước sức mạnh của Trung Quốc. Và nếu cuộc đấu tranh ngoài biển khởi của Việt Nam tiếp tục châm ngòi cho các cuộc biểu tình biến tướng thành bạo lực bởi chủ nghĩa dân tộc giận dữ của người dân thì niềm tin, sự đầu tư của quốc tế ở Việt Nam – chứ không phải ở Trung Quốc - sẽ mất. Theo tính toán của Bắc Kinh, dù sự việc diễn ra theo cách nào thì Việt Nam cũng là phía thua cuộc.
Trung Quốc không muốn xung đột với các nước láng giềng, nhưng khi nói đến tranh chấp lãnh thổ, chính phủ Trung Quốc quyết định sẽ chơi ván cờ hết sức cứng rắn nhưng lại muốn ít rủi ro xảy ra. Bắc Kinh sẽ làm mọi thứ để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình, nhưng thận trọng tránh xung đột nghiêm trọng hoặc chiến tranh có thể xảy ra bằng cách xuống thang trước khi mất kiểm soát đối với sự việc.
Ngoài sự kiện giàn khoan, các hành động mà Trung Quốc còn tiến hành song song bao gồm việc xây dựng các công trình trên các rạn san hô và bãi cạn trong vùng tranh chấp và hiện bị Trung Quốc chiếm đóng; Tuần tra và tiến hành các nghi lễ trên các đảo/quần đảo đang được các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền như Malaysia; Ra lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương đối với các quốc gia khác trên vùng biển tranh chấp nhưng lại “thả rông” cho ngư dân của mình; và nhiều hơn nữa.
Song song với những hành động đó, Trung Quốc một mặt vẫn tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán quy tắc ứng xử cùng với các quốc gia bị nước này bắt nạt. Mục đích là để ngăn chặn xung đột và ngăn cấm chính xác các loại hành vi mà Trung Quốc đang thực hiện ở trên.
Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc cam kết bảo vệ những gì mà họ xem là lãnh thổ của mình cực kỳ có ý nghĩa vì hai lý do. Trước hết, quốc gia này muốn “dạy” cho các quốc gia hàng hải nhỏ hơn ở Đông Nam Á rằng họ đang tốn sức trước việc chống lại các tuyên bố của Trung Quốc. Về bản chất, Trung Quốc muốn nói rằng: “Chúng tôi sẽ làm điều đó bằng mọi cách, bất chấp dễ dàng hay khó khăn”.
Lực lượng Cảnh sát biển đang thi hành nhiệm vụ chấp pháp, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. |
Thêm vào đó, Trung Quốc thừa biết tuyên bố “đường chín đoạn” của mình bao trùm hầu hết Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Bằng cách tích cực tiến hành các hành động như hiện tại, Bắc Kinh có thể thiết lập một hồ sơ theo dõi sự hiện diện và các hoạt động. Hồ sơ này sẽ giúp Trung Quốc xác định quan điểm, lập trường của mình tốt hơn bao giờ hết khi cần làm rõ tuyên bố của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đúng lời kêu gọi của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Nhưng chiến lược này là quá táo bạo và không khôn ngoan. Hành động của Bắc Kinh mang rủi ro đáng kể, luôn phải cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Sự căng thẳng đó của lực lực không quân và hải quân trong các cuộc đối đầu ở Biển Đông có thể phá vỡ kế hoạch và châm ngòi cho một sự cố dẫn đến leo thang quân sự. Các quốc gia như Việt Nam cũng có thể sẽ tìm một chỗ đứng ngả về một đồng minh khác và chọn cách chiến đấu đến cùng chứ không phải chùn bước trước áp lực của Trung Quốc để mất chủ quyền của mình.
Quyết định như vậy sẽ rất tai hại cho Trung Quốc. Trong Chiến tranh Biên giới với Việt Nam hồi năm 1979, khoảng 60.000 người thiệt mạng. Trung Quốc không có được bất cứ điều gì từ cuộc xung đột đó, thậm chí chính phủ nước này sẽ bị đổ lỗi cho việc làm "trật ray con đường hướng tới hòa bình lâu dài và sự tiến bộ của châu Á".
Thậm chí ngay cả khi tránh né chiến tranh, Bắc Kinh có thể cường điệu hóa sự việc lên mức độ mà các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ bỏ qua “sự lịch sự” và cùng nhau liên kết để chống lại sự thống trị của một Trung Quốc đang trỗi dậy. Mười thành viên của ASEAN vẫn chưa có được sự gắn kết nhất định, nhưng ASEAN đang phát triển mạnh mẽ và đang chào đón vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực, một phần là do sự cứng rắn của Trung Quốc.
Giờ đây, thông điệp mà Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại có thể hiểu rằng: “Đừng đùa với chúng tôi, vì như thế, các bạn đang đùa với lửa”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng ngọn lửa chỉ cháy đối thủ của mình. Họ sai, "đốm lửa nhỏ" ở Biển Đông hoàn toàn có thể sẽ cháy lan về Bắc Kinh.
Tâm sự của phóng viên Nhật muốn ra Hoàng Sa ủng hộ Việt Nam
Submitted by nlphuong on Mon, 19/05/2014 - 19:55Hơn một năm trước khi Trung Quốc tiến hành đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, phóng viên ảnh người Nhật đã nuôi ước muốn đặt chân lên Trường Sa, dù chỉ một lần.
Murayama trò chuyện với phóng viên Vietnam+ trong một dịp đến Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ngay lúc này, khi tình hình trên biển Đông trở nên căng thẳng hơn, phóng viên Murayama Yasufumi đã đến Việt Nam để chụp ảnh về những nạn nhân của chiến tranh vẫn không từ bỏ ước muốn được đến Trường Sa.
Để thực hiện được ước muốn, Murayama Yasufumi đã liên hệ Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài và làm đơn xin lên chính phủ Việt Nam.
“Nhật Bản cũng có tranh chấp biển đảo rất gay gắt với Trung Quốc, nên tôi cảm thấy đồng cảm và muốn làm gì đó để thể hiện sự ủng hộ của tôi đối với Việt Nam. Tôi có ý định đến Trường Sa cách đây hơn một năm rồi,” anh cho biết.
Trước câu hỏi vì sao anh lại muốn thăm Trường Sa chụp ảnh và làm triển lãm mà không đến Senkaku ở Nhật, anh trả lời rằng rất nhiều cơ quan truyền thông ở Nhật đã đưa tin Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nhưng thông tin về Trường Sa thì hầu như ở Nhật ít người biết, còn về tình hình biển Đông của Việt Nam thì không phải người Nhật nào cũng biết.
Thêm vào đó, anh cho rằng với thái độ khách quan của bên thứ ba, thông tin và hình ảnh anh ghi nhận được chắc chắn sẽ mang tính khách quan và được tin tưởng hơn.
“Việc đầu tiên khi đến Trường Sa, tôi sẽ chụp hình vùng đất ấy. Tôi không phải là nhà nghiên cứu, cũng không có dự định điều tra về tài nguyên hay địa lý ở đó. Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu lịch sử, tôi nghĩ Trường Sa thuộc về Việt Nam", Murayam nói.
Murayama, 46 tuổi, đã chụp rất nhiều hình ảnh về đất nước và con người trên khắp đất nước Việt Nam.
Chỉ riêng Trường Sa, anh chưa có dịp nào đến thăm. Anh nghĩ nếu đến được Trường Sa thì anh mới chính thức trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên về Việt Nam thực thụ. Anh cho biết thêm anh cũng có ý định đến quần đảo Hoàng Sa để chụp ảnh
“Tôi nghĩ tôi là một người Việt Nam thật sự. Tôi nghĩ Việt Nam và Nhật Bản phải chung sức với nhau.”
Anh biết rằng để được đến Trường Sa là một việc vô cùng khó khăn nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu.
Khi biết thông tin về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trên vùng biển của Việt Nam, anh cho rằng Trung Quốc đã có những hành vi khó chấp nhận được. Việc ngang nhiên lấy đồ của người khác làm của mình là "hành vi của kẻ cắp."
“Người Nhật Bản hiện nay thật tiếc là không có mấy quan tâm đến vấn đề này. Liên quan đến vấn đề Senkaku cũng vậy, lẽ ra cần phải quan tâm hơn nữa. Người Nhật dù có kiên định trong chủ trương đối với Trung Quốc, nhưng họ vẫn hầu như không lên tiếng nhiều. Tôi thấy điều này thật đáng tiếc.”
Hiện tại, anh rất muốn được lên tàu cảnh sát biển Việt Nam ra vùng biển Hoàng Sa để cùng với phóng viên Việt Nam và các phóng viên quốc tế khác để chụp ảnh và đưa tin cho người Nhật và cộng đồng quốc tế biết hành động sai trái của Trung Quốc.
Anh Murayama tự nhận mình không phải là một người giàu có. Sau những chuyến đi đến Việt Nam, anh trở về Nhật làm việc cật lực dành dụm tiền cho những chuyến đi tiếp theo đến đất nước mình yêu mến.
Mỗi năm, anh thực hiện hai hoặc ba chuyến đi đến Việt Nam để gặp lại những người Việt mà anh đã quen được trong mười mấy năm qua.
Sau một chuyến công tác đến Việt Nam với nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Nhật Bunyo Ishikawa năm 1998, anh ấn tượng sâu sắc bởi những hình ảnh về con người Việt Nam, những nạn nhân của chiến tranh. Kể từ đó đến nay, anh đã đến Việt Nam để chụp ảnh được 36 lần.
Lúc đó, anh chàng Murayama (khi đó mới 30 tuổi) có một sự đồng cảm sâu sắc với người Việt Nam, và nguyện sẽ chụp ảnh về đất nước và con người Việt Nam cho đến khi nào anh còn sống.
Anh được sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha của anh nghiện ngập và bỏ gia đình đi. Sau đó cha anh tự vẫn.
Trải qua thời thơ ấu buồn khổ, nên khi trực tiếp tiếp xúc và cảm nhận từ trên nét mặt của những con người Việt Nam đã vượt qua chiến tranh, vượt qua số phận, không biết lùi bước như thế nào, khiến anh vừa yêu vừa cảm phục đất nước và con người Việt Nam.
Lưu Đạt
Nguồn: Vietnamplus.vn
Tác nghiệp giữa Hoàng sa
Submitted by nlphuong on Sat, 17/05/2014 - 20:20Gần một tuần có mặt trên các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam tiếp cận khu vực giàn khoan 981 trái phép của Trung Quốc giữa Hoàng Sa, phóng viên Tiền Phong cùng nhiều đại diện cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước trực tiếp chứng kiến, ghi nhận hành động tấn công, uy hiếp hung hăng, quyết liệt của các tàu Trung Quốc cũng như những phản ứng bình tĩnh kiềm chế của lực lượng chấp pháp Việt Nam.
Các nhà báo trong nước và quốc tế tác nghiệp tại thực địa Hoàng Sa (ảnh 1). PV Tiền Phong Nguyễn Huy tác nghiệp tại khu vực giàn khoan 981 (ảnh 2). PV tác nghiệp trên tàu CSB8003 (ảnh 3). Nữ nhà báo Akiko của truyền hình NHK, Nhật Bản tác nghiệp (ảnh 4). |
Bị hất văng xuống sàn tàu
Sáng 13/5, tàu kiểm ngư Việt Nam HP 926 liên tục bị ba tàu lớn Trung Quốc theo kèm, quyết liệt chặn mũi, trong đó tàu Trung Quốc 2411 kèm sát, uy hiếp. Các hệ thống vòi rồng trên những tàu này đều có 2 nhân viên trực sẵn. Tất cả hành vi này được nhà báo Lê Công Hạnh (Báo Công an Đà Nẵng) ghi lại trong hơn 1.000 bức ảnh cận cảnh cùng những đoạn clip chân thực quay giữa hiện trường. Hôm ấy, Trung Quốc dùng cả ba tàu xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư HP 926. Trong đó, vòi rồng trên tàu Trung Quốc 2411 trực chỉ mũi cabin lái, nhằm thẳng các cửa kính chịu lực, thiết bị trên tàu.
Cả tàu HP926 chao đảo. Đang tác nghiệp khoang dưới, nhà báo Đình Thiệu (VOV văn phòng tại Đà Nẵng) bị hất văng xuống dưới sàn. “Tình hình căng thẳng suốt tiếng đồng hồ, Trung Quốc liên tục gia tăng sức ngăn cản, xịt vòi rồng. Nhiều thiết bị trên tàu kiểm ngư HP 926 bị hư hại, hệ thống lan can sắt dày, to bị áp lực vòi rồng bẻ cong”, anh Hạnh nói.
58 tuổi, nhà báo Văn Sơn (Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Đà Nẵng) tác nghiệp không mệt mỏi. Mặc con tàu HP 926 chao nghiêng khi Trung Quốc phun xịt vòi rồng, anh Sơn vẫn trụ vững trong cabin tàu, để chứng kiến, ghi lại từng chi tiết qua hàng loạt khung hình. “Đây chính là những bằng chứng cụ thể, khách quan, chân thực nhất để chống lại những luận điệu vu khống của phía Trung Quốc cho rằng chúng ta đâm va, uy hiếp họ”, nhà báo Sơn nói, khi xem lại những bức ảnh hiện trường. Thuyền trưởng tàu HP926 Nguyên Cao Duy tập trung, liên tục đánh lái, tránh các hướng phun vòi rồng trực diện của tàu Trung Quốc.
Theo ghi nhận của nhà báo Văn Sơn, các tàu Trung Quốc luôn tìm cách phun trực diện với góc phun 90 độ vào các hệ thống kính ở cabin chỉ huy nhằm làm tê liệt các tàu chấp pháp Việt Nam. “Nếu không bản lĩnh, linh hoạt cơ động vòng tránh, thiệt hại các tàu kiểm ngư Việt Nam là khó tránh khỏi”, nhà báo Sơn nói. Liên tục các ngày sau đó, tàu kiểm ngư HP 926 bị các tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, cùng các hoạt động khiêu khích quyết liệt.
Phóng viên Nguyễn Huy của Tiền Phong tác nghiệp tại thực địa khu vực giàn khoan 981. Ảnh: P.V |
8 giờ ngày 12/5, mũi tàu kiểm ngư Việt Nam 763 cơ động tiếp cận vị trí cách giàn khoan chừng 5 hải lý, bị ba tàu Trung Quốc số hiệu 1123, 3401 và 6105 ngăn cản, uy hiếp. Khoảng cách tới giàn khoan càng rút ngắn, các tàu Trung Quốc càng quyết liệt, chặn mũi. Đội tàu Trung Quốc liên tục đảo hướng, kèm chặt hai mạn thuyền. Bất ngờ, tàu Trung Quốc số hiệu 3401 nhả cột khói đen xì, tăng tốc vượt lên, xịt vòi rồng, đâm mạn phải tàu kiểm ngư 763.
Có mặt trên tàu kiểm ngư này, nhà báo Hoàng Văn Minh (báo Lao Động văn phòng Đà Nẵng) kể: Tàu Trung Quốc 3401 xịt vòi rồng liên tục trong gần 20 phút, rồi đâm mạnh, làm rách vệt dài lan can mạn phải của tàu kiểm ngư, sau đó quay hướng bỏ đi. Bên ngoài, đôi tàu Trung Quốc cùng hỗ trợ, uy hiếp. Kho tư liệu anh Minh nhiều thêm mỗi ngày. Hàng loạt tấm hình cận cảnh hoạt động uy hiếp, ngăn cản, xịt vòi rồng đe dọa và trực tiếp gây hại lên tàu chấp pháp Việt Nam. Trưa trong phòng nghỉ trên tàu CSB Việt Nam 4032, anh Minh cùng đồng nghiệp xem lại tư liệu hiện trường những ngày công tác trên tàu kiểm ngư 763, ai nấy giật mình trước sự uy hiếp trắng trợn của các tàu Trung Quốc.
Tiếng nói khách quan từ các phóng viên nước ngoài
36 tuổi, dáng người nhỏ bé, nhưng nữ nhà báo Akiko Ichihara (Đài truyền hình NHK - Nhật Bản) xông xáo tác nghiệp trên cabin tàu. Ngày đầu cập tàu từ tàu CSB VN 4033 sang tàu CSB VN 8003, những đợt sóng xô dồn, lắc mạnh 2 tàu khiến chị Akiko xanh mặt vì say sóng. Bỏ ăn gần chục tiếng đồng hồ, sáng hôm sau, cả tàu ngạc nhiên khi thấy Akiko đã cầm máy quay, chạy thẳng ra lan can tàu để ghi lại từng hoạt động của tàu Trung Quốc quyết liệt ngăn cản, theo kèm, uy hiếp tàu CSB 8003 và các biên đội tàu CSB Việt Nam. Biển động mạnh, tàu Trung Quốc 3411 liên tục ép sát, hụ còi uy hiếp. Có lúc tàu này chỉ cách tàu CSB 8003 gần 90m. Nữ nhà báo Akiko không nao núng, chọn vị trí tác nghiệp ngay cuối cabin tàu, trực diện phía tàu Trung Quốc.
“Tôi không chứng kiến bất kỳ hành vi tàu Việt Nam cố ý đâm va tàu Trung Quốc. Trong khi đó, tôi có trong tay rất nhiều tư liệu, bằng chứng tàu Trung Quốc đâm va, xịt vòi rồng các tàu chấp pháp Việt Nam”.
Toshihiro Yatagal
(Kyodo News)
Ba năm đóng chân tại Văn phòng NHK Nhật Bản tại Hà Nội, Akiko khá tường tận diễn biến tình hình xung đột biển Đông. Vụ Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 02, nữ nhà báo này có nhiều tin bài phản ánh. “Mình vừa có chuyến tác nghiệp về các bạn cảnh sát biển Việt Nam và đi biển nửa ngày. Giờ trực tiếp được ra Hoàng Sa, tận mắt chứng kiến lực lượng CSB Việt Nam triển khai nhiệm vụ, càng thấu hiểu nhiệm vụ của các bạn hơn”, chị Akiko nói.
Trên boong tàu, Akiko dùng điện thoại kết nối Vinasat, truyền trực tiếp thông tin thời sự, số lượng tàu Trung Quốc cùng các hành vi ngăn cản, uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam. Theo chị Akiko, các bài viết ghi nhận chân thực, khách quan các hành vi ngăn cản của Trung Quốc, sử dụng nhiều tàu chấp pháp, tàu cá và cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, máy bay trực thăng. Trong khi đó, phía Việt Nam chỉ có các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư. Biện pháp của lực lượng Việt Nam luôn kiềm chế, không hề có các hành vi gây hấn, mắc mưu khiêu khích của phía Trung Quốc…
Chiều 16/5, tại cuộc họp đoàn phóng viên trở về từ Hoàng Sa, Chuẩn đô đốc Ngô Sĩ Quyết, Tư lệnh Hải quân vùng 3, đánh giá cao nỗ lực và sự cố gắng của các phóng viên tác nghiệp tại thực địa, thông tin đến nhân dân cả nước và thế giới về diễn biến khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Có thể gọi đó là các nhà báo “chiến sĩ”, đang góp phần lớn vào việc cùng các lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Trên tàu CSB Việt Nam 4033, nhà báo Toshihiro Yatagal, 50 tuổi, Trưởng văn phòng đại diện hãng tin Nhật Bản Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan) năng động tác nghiệp giữa hiện trường điểm nóng giàn khoan 981. Hết ra ngoài hành lang, Toshihiro lại lên cabin, sử dụng tối đa các trang thiết bị tác nghiệp máy ảnh, máy quay, thiết bị truyền tin hiện đại. Mặc dù Thái Lan đang có nhiều thông tin thời sự nóng, nhưng với tư cách là Trưởng văn phòng đại diện, anh vẫn đăng ký và trực tiếp theo tàu ra thực tế Hoàng Sa tác nghiệp.
“Với những gì thực tế tại hiện trường giàn khoan, rõ ràng tuyên bố của Trung Quốc về việc tàu Việt Nam “đâm va” tàu Trung Quốc là thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Liên tục những ngày qua, mỗi lần tiếp cận gần khu vực giàn khoan, tôi chỉ thấy các tàu CSB Việt Nam dùng loa tuyên truyền, buộc Trung Quốc chấm dứt việc hạ đặt giàn khoan trái phép và rời khỏi vùng biển Việt Nam”.
Hoàng Đình Nam (AFP)
Bốn ngày trên biển, quan sát khách quan nhiều biên đội tàu CSB Việt Nam cơ động, tiếp cận mục tiêu giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút lại việc làm sai trái, nhà báo Toshihiro nói: “Tình hình căng thẳng, Trung Quốc huy động nhiều loại tàu khác nhau, gây áp lực lên các tàu Việt Nam. Những ngày qua, tôi được chứng kiến mọi diễn biến hành xử của Trung Quốc và đối sách của Việt Nam. Trong khi Việt Nam không có bất kỳ tàu quân sự nào, thì Trung Quốc huy động rất nhiều tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa”.
Phóng viên Hoàng Đình Nam (Phân xã AFP tại Hà Nội) khẳng định: Với những gì thực tế tại hiện trường giàn khoan, rõ ràng tuyên bố của Trung Quốc về việc tàu Việt Nam “đâm va” tàu Trung Quốc là thông tin bịa đặt, xuyên tạc.
“Tôi cho rằng, các giải pháp mà Việt Nam đang sử dụng rất tốt, lấy nhu thắng cương, yếu thắng mạnh và thể hiện tinh thần hòa bình, mong muốn ổn định biển Đông, khác hẳn với cách Trung Quốc đang làm gia tăng xung đột khu vực này”, ông Nam nói.
Trung Quốc dùng tàu cá vỏ sắt đâm va tàu cá Việt Nam
Chiều 16/5, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc đã dùng tàu cá vỏ sắt để chủ động đâm va vào tàu cá của ngư dân Việt Nam, khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống, nơi Trung Quốc đang đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Đến hôm qua, Trung Quốc tiếp tục tăng số tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 lên 126 tàu, tăng 27 tàu so với hôm trước đó. Trung Quốc vẫn duy trì 2 máy bay tuần thám. Tàu Trung Quốc thường xuyên áp sát, vây ép và phun nước vào tàu chấp pháp của Việt Nam. Đáng lo ngại là các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đã chủ động đâm va, khiến 3 tàu cá Việt Nam bị hư hỏng. Phạm Anh
Nguyễn Huy từ Hoàng Sa
Nguồn: tienphong.vn
Biên tập viên đạo văn, CNN lập tức sa thải
Submitted by nlphuong on Fri, 16/05/2014 - 22:15(ICTPress) - CNN vừa thông báo hôm nay 16/5 là đã sa thải một trong những biên tập viên tin tức của mình, Marie-Louise Gumuchian, vì đạo văn.
Trung tâm Time Warner của CNN. Ảnh: Sothebys |
Các biên tập viên CNN đã phát hiện khoảng 50 câu đạo văn trong các bài viết của Gumuchian.
Gumuchian thường trú ở văn phòng London của CNN và chuyên về tin tức quốc tế về châu Phi, châu Âu và Trung Đông.
Trong một thông báo, các biên tập viên cho biết họ đã phải cắt bỏ nhiều phần đã được đạo văn khỏi các bài viết của Gumuchian. Họ cũng đã phải xóa bỏ hoàn toàn các bài báo đạo văn khác.
Dưới đây là thông báo sa thải của CNN:
CNN đã phát hiện nhiều câu đạo văn của Marie-Louise Gumuchian, một cựu biên tập viên tin tức CNN. Gumuchian chuyên viết về tin tức quốc tế, viết và đưa tin về châu Phi, châu Âu và Trung Đông thuộc văn phòng London của chúng tôi.
Một bài viết chưa được xuất bản đã bị nghi ngờ trong tuần trước trong quá trình biên tập của chúng tôi dẫn tới một điều tra nội bộ bao gồm cả những ví dụ khác trong khoảng 50 bài viết đã xuất bản, và việc điều tra của chúng tôi vẫn tiếp tục.
Chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng của Gumuchian với CNN và đã xóa bỏ những câu đạo văn được tìm thấy trong những bài viết của Gumuchian. Trong một số trường hợp, chúng tôi đã lựa chọn để xóa bỏ toàn bộ bài viết.
Trách nhiệm, liêm chính và đơn giản là mang đến sự tin cậy là một số trong số những nguyên tắc báo chí mà chúng ta đã quen thuộc và chúng tôi lấy làm tiếc là đã xuất bản những bài viết đã không tuân thủ các chuẩn mực cần thiết này.
Chúng tôi tin việc cho bạn đọc biết khi chúng tôi đã sửa chữa những tình huống gây ảnh hưởng đến trách nhiệm, sự tin cậy.
Mai Anh
Tờ báo hàng đầu Nga nói rõ Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam
Submitted by nlphuong on Fri, 16/05/2014 - 20:30Sáng 16.5, tờ Kommersant (Nga) đã có một bài báo mang tên "Trung Quốc tự chuốc bão", nhận định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động xâm phạm.
Sau khi điểm qua tình hình các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở khắp Việt Nam, đặc biệt ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), nhắc lại các sự kiện 1979 và 1988, bài báo viết:
"Mối xung đột từ lâu lại nổ bùng lên với sức mạnh mới, sau sự kiện ngày 2.5 ở biển Đông, tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, phía tây quần đảo Hoàng Sa, khi Bắc Kinh cho hạ đặt giàn khoan nước sâu để thăm dò dầu khí. Các tàu vận tải Trung Quốc chở các thiết bị xây dựng, được sự hộ tống của các tàu bảo vệ bờ biển của Hải quân Trung Quốc đã tiếp cận nơi này. Sau đó, các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã "hải chiến" bằng vòi rồng, nhưng vẫn chưa đến mức phải sử dụng vũ khí.
Dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc |
Những ngày sau đó, tình hình tại đây lại tiếp tục nóng lên. Theo Phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu, máy bay của không quân Trung Quốc đã 2 lần xâm phạm vùng trời Việt Nam. Phía Trung Quốc lại tiếp tục gây áp lực chính trị khi tuyên bố dàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiếp tục ở lại vùng biển này đến tháng Tám.
Xin nhắc lại, vùng lãnh thổ 200 hải lý đặc quyền kinh tế là thuộc về Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tuy nhiên Bắc Kinh đã xâm phạm quyền tài phán của Việt Nam và gọi quần đảo Hoàng Sa và vùng nước liền kề là "lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc". Chính sự giải thích này là động cơ dẫn đến sự gia tăng đột biến của phong trào phản đối Trung Quốc gần đây".
Sự leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc tuần tới của tổng thống Liên bang Nga V.Putin. Các sự kiện trong khu vực đang đặt Moskva vào một tình thế không đơn giản: cân bằng quan hệ giữa đối tác địa chính trị quan trọng là Trung Quốc với Việt Nam - một đồng minh truyền thống ở Đông Nam Á.
Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm khoa học Nga Dmitry Mosyakov bình luận:
Theo thống kê rating báo chí truyền thông Nga của công ty nghiên cứu Меdialogia tháng 3.2014, tờ Kommersant hiện đang đứng số 1, tiếp theo là tờ Izvestia, Vedomosti. Xếp thứ tư là tờ Rossiskaya Gazeta, cơ quan của chính phủ Nga.
Phan Việt Hùng
Nguồn: danviet.vn
Tạp chí Italy: "Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm"
Submitted by nlphuong on Fri, 16/05/2014 - 13:10Trong một bài viết được đăng tải hôm 14/5, trang mạng của Limes, tạp chí địa-chính trị có uy tín bậc nhất của Italy, đã đăng một bài dài với nhiều thông tin và đồ họa để giải thích cho các độc giả người Italy hiểu về tình hình căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông, với những hành động của Trung Quốc đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như phân tích những "lựa chọn" của Việt Nam.
Trung Quốc huy động rất nhiều tàu lớn với chiến thuật dàn hàng ngang để bảo vệ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển của Việt Nam. (Nguồn: Canhsatbien.vn) |
Sau khi đăng một bản đồ lớn với những chỉ dẫn rõ ràng về các khu vực đang có tranh chấp trên Biển Đông cũng như các nơi đang có đối đầu với Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó, tường thuật lại những diễn biến vừa qua và phản ứng của Việt Nam, tác giả Giorgio Cuscito khẳng định rằng "Trung Quốc đã thiết lập một dàn khoan ở gần quần đảo Hoàng Sa, trong khu vực đặc khu kinh tế của Việt Nam."
Hành động này xảy ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến viếng thăm tới nhiều nước châu Á, chuyến đi mà Limes đánh giá là "nằm trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc về kinh tế và quân sự ở vùng Viễn Đông của Mỹ." Khẳng định rằng Bắc Kinh ngày càng leo thang trong những yêu sách và sử dụng chính sách ngoại giao đầy tính hăm dọa và việc Hội nghị ASEAN mới nhất ở Myanmar mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi các bên "có liên quan" giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình mà không hề nhắc đến Trung Quốc, Limes cho rằng Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm bằng những hành động của mình. Theo Limes, Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm các nguồn năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mạng tin này trích dẫn các nguồn nói rằng, trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông là khá lớn, từ 23 đến 30 tỉ mét khối dầu và 16 nghìn tỉ m3 khí đốt thiên nhiên. Ngoài ra, biển này nằm trên con đường giao thông hàng hải quốc tế dẫn thẳng đến Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, việc mở rộng càng nhiều càng tốt lãnh hải của họ đồng nghĩa với việc bảo vệ đường giao thông của họ. Lắp đặt dàn khoan gần với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cũng muốn thử mức độ chịu đựng của các quốc gia châu Á đối với những hành động của họ. Nếu như hành động của chính phủ Trung Quốc không bị Việt Nam phản ứng dữ dội, điều đó sẽ tạo thành một tiền lệ xấu gây lo ngại đối với nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đang tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc đối với nhiều hòn đảo.
Limes nhận xét: "Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã lập ra cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên khu vực biển Hoa Đông. ADIZ bao phủ một phần Nhật Bản và khu vực quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Tokyo. Sau vài ngày, máy bay của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc bay qua khu vực này mà không đếm xỉa đến thái độ của Trung Quốc và không gặp trục trặc gì. Nếu ADIZ vẫn có hiệu lực, thì việc tạo ra nó cho thấy những giới hạn trong các đòi hỏi của Trung Quốc trong quan hệ liên minh giữa Washington và Tokyo ở biển Hoa Đông."
Theo Limes, chiến lược của Bắc Kinh khá đơn giản: củng cố sự hiện diện ở một khu vực mà họ đã kiểm soát, như ở Hoàng Sa, sau đó mở rộng kiểm soát trên thực tế (de facto) ở những hòn đảo mà sức mạnh của họ yếu hơn, như ở Trường Sa, dù rằng biện pháp đó có lúc phản tác dụng.
Tuy nhiên, những đòi hỏi của Trung Quốc cũng đã gây ra căng thẳng trong các nước châu Á-Thái Bình Dương và góp phần củng cố sự hiện diện trong chiến lược "Xoay trục về Châu Á" của Washington, như hiệp định về quốc phòng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng thống Philippines Benigno Aquino mấy tuần trước. Philippines là một trong những quốc gia lo ngại nhất trước sự hung hăng trên biển của Trung Quốc.
Vậy, trong hoàn cảnh này, Việt Nam sẽ phải làm gì?
Theo Limes, Trung Quốc, ngoài sức mạnh quân sự vượt trội Việt Nam, còn là đối tác thương mại lớn nhất. Trong năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 50 tỷ USD và có khả năng vượt con số 60 tỷ USD vào năm 2015. Vì lý do đó, việc đối thoại có vai trò quan trọng đối với cả hai nước. Nếu như hai bên không tìm ra được một giải pháp song phương, Việt Nam có thể theo tấm gương của Philippines, nước mới đây đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Liên hiệp quốc nhằm tìm kiếm một trọng tài quốc tế để giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tuyên bố không tham gia phiên tòa, như họ đã từng làm với Manila.
Limes nhận xét rằng trong trường hợp ấy, Hà Nội có thể có hai khả năng: hoặc chấp thuận đòi hỏi của Trung Quốc, hoặc cho thấy họ sẽ thể hiện sự mạnh mẽ hơn nữa. "Xét trên lịch sử của Việt Nam, không thể loại trừ khả năng thứ hai"./.
Họp báo về diễn biến vụ bạo động tại KKT Vũng Áng
Submitted by nlphuong on Fri, 16/05/2014 - 05:45Chiều ngày 15/5 Ban Tuyên giáo và Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo về sự việc xảy ra tại Khu kinh tế Vũng Áng ngày 14/5/2014. Đồng chí Lê Thành Long- Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các ngành hữu quan của tỉnh Hà Tĩnh đã dự họp. Thay mặt chủ trì cuộc họp, đồng chí Nguyễn Viết Trường- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông báo trước các nhà báo.
Họp báo về tình hình khu kinh tế Vũng Áng |
Vào lúc 6h30’ ngày 14/5/2014 có khoảng 40 người đi trên 20 chiếc xe máy mặc áo công nhân và đội mũ bảo hộ lao động màu xanh đi từ hướng xã Kỳ Long tiến đến cổng chính Formosa (xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh). Đoàn người sử dụng 02 băng rôn có in ảnh Bác Hồ với các nội dung: Tôi yêu Việt Nam” “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và cầm cờ Tổ quốc. Khi đến cổng Formosa thì mọi người dừng lại và hô các khẩu hiệu: “Việt Nam muôn năm”, “Trung Quốc phải rút dàn khoan khỏi thềm lục địa Việt Nam”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh đã kịp thời có mặt tuyên truyền, vận động đoàn người kiềm chế, giữ bình tĩnh, có thái độ đúng mực, tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động. Sau khoảng 20 phút, mọi người lên xe máy đi dọc Quốc lộ 1A. Trên đường đi, có một số người hiếu kỳ cùng tham gia.
Lúc 10h30, nhóm người trên quay trở lại khu vực cổng chính, tiến thẳng vào khu hành chính của Formosa và hô vang các khẩu hiệu. Các lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở, vận động họ giữ bình tĩnh. Qua tìm hiểu, những người tham gia tuần hành cho biết mục đích đến đây để thể hiện lòng yêu nước, phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các lực lượng chức năng đã nhắc nhở, giải thích và giải tán đám đông. Lãnh đạo tỉnh và huyện Kỳ Anh đã chủ động nắm bắt tình hình và dự báo các khả năng diễn ra từ trước nên kịp thời chỉ đạo huy động các lực lượng vũ trang của tỉnh và huyện túc trực, xây dựng phương án xử lý các tình huống có thể xảy ra; đồng thời báo cáo các cơ quan cấp trên xin ý kiến chỉ đạo. UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các sở, ban, ngành liên quan, phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp chỉ đạo.
Đến 13h30 cùng ngày, có khoảng 200 người cầm theo các băng rôn, cờ Tổ quốc, tập trung trước cổng Formosa và hô vang khẩu hiệu phản đối Trung Quốc trước những hành động sai trái nói trên. Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòngđã có mặt kịp thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, yêu cầu mọi người giải tán. Tuy nhiên, đoàn người vẫn tiếp tục tiến vào công trường, mặc cho các lực lượng chức năng đã ra sức ngăn lại. Tại cổng kiểm soát của khu vực Dự án Formosa, một số đối tượng đã có hành vi quá khích, hô hào các lao động có mặt tại công trường cùng tham gia.
Đến 24h đêm, lực lượng chức năng đã giải tán được các điểm tụ tập, dập tắt các điểm bị cháy và ổn định tình hình cả trong và ngoài khu vực dự án.
Trong quá trình xảy ra vụ việc, có 149 người bị thương nhẹ, 01 người tử vong trên đường đi cấp cứu, đến nay chưa rõ danh tính.
Trước hết, tỉnh cho chuyển những người bị thương vào điều trị khẩn cấp tại hai bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh và TP Hà Tĩnh; tiến hành di chuyển và có biện pháp bảo vệ người lao động nước ngoài một cách an toàn. Một mặt tổ chức tuyên truyền, vận động mọi người dân và người lao động hết sức kiềm chế, giữ bình tĩnh, không để kẻ xấu kích động, lợi dụng làm phương hại đến an ninh trật tự xã hội và luật pháp của Việt Nam; mặt khác, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với ban lãnh đạo Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh để ôn định tình hình, bảo đảm an toàn, sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường, không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và tiến độ dự án.
Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: Căn cứ sự việc xẩy ra và những tư liệu, chứng cứ thu được, cơ quan công an đã khởi tố vụ án với ba tội danh gây rối trật tự công cộng; hủy hoại tài sản; trộm cắp tài sản đối với những phần tử quá khích đã gây ra KKT Vũng Áng.
Nhóm PV Bắc miền Trung
Nguồn: congluan.vn
Hàng loạt Phóng viên báo chí đã tác nghiệp trên biển Đông
Submitted by nlphuong on Wed, 14/05/2014 - 22:55Trong lúc ở đất liền hừng hực không khí phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép tại vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam, thì trên biển đông, hàng loạt phóng viên các báo theo chân các tàu Kiểm ngư Việt Nam cũng đã có mặt tại khu vực “nóng” này và đang tường thuật những diễn biến căng thẳng mới nhất truyền về đất liền.
Theo đó, từ sáng ngày 10/5, Báo Lao Động đã nhanh chóng cử phóng viên Hoàng Văn Minh theo tàu của Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam có mặt tại vùng biển nóng Hoàng Sa. Sau đó, tiếp tục cử phóng viên Phan Thanh Hải tiếp ứng cùng đồng nghiệp.
Phóng viên Phan Thanh Hải, báo Lao Động đang tường thuật tại hiện trường. |
Hai phóng viên của báo Tuổi Trẻ là Viễn Sự và Tấn Vũ, Thuận Thắng cũng đang có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, và đang tường thuật trực tiếp từ trên một tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Hai phóng viên Viễn Sự và Tấn Vũ, báo Tuổi Trẻ đang ở điểm nóng biển Đông |
Các phóng viên đã liên tục di chuyển từ tàu kiểm ngư sang tàu Cảnh sát biển để có điều kiện tác nghiệp thuận lợi cả về ghi nhận, phỏng vấn và quan sát nhiều góc độ.
Ngày 14/5, phóng viên Hoàng Dũng báo Người Lao động có mặt trên tàu Cảnh sát biển (CSB) 8003 tường thuật lại rằng đã chứng kiến những diễn biến hết sức gây cấn khi khoản hơn 8h sáng, tàu CSB 8003 của ta đã bị 5 tàu Trung Quốc kèm sát. Trong đó có một tàu mang ký hiệu 3411 hung hăng áp sát tàu CSB 8003 cách chừng khoảng 100m. Cả 5 tàu này đều lăm le hăm dọa, chạy cắt mũi, hòng ngăn chặn tàu 8003 của Việt Nam tiến sâu vào khu vực đặt giàn khoan trái phép.
Tiếp đó, 2 tàu của Trung Quốc chạy song song hai bên tàu 8003 rồi dùng loa phát về những câu bịa đặt sai sự thật như: Vùng biển là của Trung Quốc, yêu cầu tàu Việt Nam rút lui.
Đáp lại lời bịa đặt, chỉ huy tàu 8003 đã phát loa tuyên truyền và khẳng định rằng: “chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán là của Việt Nam trên vùng biển này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc đặt giàn khoan trái phép và rút khỏi vùng biển Việt Nam.
Cũng vào thời điểm trên khoảng 8h50 đến 8h55, phóng viên Nguyễn Huy báo tiền Phong cũng tường thuật rằng đã phát hiện máy bay cánh bằng mang số hiệu 8321 bay ở độ cao 300 – 500m, liên tục quần lượn trên tàu CSB 8003 và các biên đội tàu khác của Việt Nam. Máy bay này quần lượn hai vòng rồi ra khỏi vùng quan sát.
Phóng viên Nguyễn Huy, báo Tiền Phong trên tàu chấp pháp của Việt Nam |
Theo quan sát của phóng viên Nguyễn Huy, trong ngày 14/5, tàu Trung Quốc liên tục thay đổi địa hình, vẫn cơ động kèm sát, theo dõi mọi hoạt động của các tàu Việt Nam.
Tính đến 14 giờ 50 phút chiều nay 14/5, phóng viên Hoàng Sơn, báo Thanh Niên cho biết Trung Quốc đã điều thêm nhiều tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa đến để bảo vệ giàn khoan HD 981 và nhằm mục đích ngăn cản các tàu Việt Nam.
Phóng viên Hoàng Sơn, báo Thanh Niên cùng những hình ảnh từ hiện trường. |
Tuy nhiên từ hiện trường, phóng viên Thuận Thắng của báo Tuổi Trẻ cũng cho biết rằng, bất chấp phía Trung Quốc có những hành động đe dọa, sáng 14/5 các ngư dân VN vẫn đánh bắt cá bình thường tại khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 10 đến 14 hải lý.
Hiện tại, theo ghi nhận của Cục Kiểm ngư Việt Nam đã có hơn 50 phóng viên báo chí trong và nước ngoài trực tiếp ra ngoài thực địa để đưa tin. Điều đáng nói là nhiều phóng viên báo chí nước ngoài đã giúp đưa thông tin cho toàn thế giới biết những hành vi hung hăng, trái phép, bạo lực từ phía Trung Quốc đối với các lực lượng chấp pháp của ta.
Chính nhờ đội ngũ các phóng viên quả cảm này của các báo mà tất cả những diễn biến nóng nhất nơi biển đông đều được tường thuật một cách chi tiết nhất, nhanh chóng nhất về cho đất liền.
Hơn ai hết, phóng viên các báo ai cũng muốn sớm hiện diện ngay tại hiện trường biển đông nhằm thông tin kịp thời những hình ảnh, thước phim nóng nhất về sự kiên cường, quả cảm của lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng như hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên biển đảo quê hương, đáp ứng triệu triệu con tim của người dân Việt đang hướng về chủ quyền biển đảo.
Chính Kỳ
Nguồn: congluan.vn