Ai đủ tư cách cung cấp thông tin cho người dân?
Có chăng chuyện các cơ quan công quyền hạn chế cung cấp thông tin cho báo chí? Phải đặt ra vấn đề này bởi dễ có sự liên kết các sự kiện nóng ở Tiên Lãng, Văn Giang... với thông tin mới nhất cho biết ở kỳ họp Quốc hội vừa khai mạc, quy định mới về địa điểm phỏng vấn đại biểu Quốc hội đã gây không ít khó khăn cho giới phóng viên.
Nhiều thông tin thường được hé mở trong những cuộc “phỏng vấn bên lề”. Trong ảnh, bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời phỏng báo chí bên lề một hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành. (Ảnh: TTXVN) |
Nhìn lại những sự kiện bùng nổ dư luận vừa qua, rõ ràng đã có phóng viên tác nghiệp phải gánh chịu sự hành hung phạm luật để xã hội thông tin Việt Nam tiến thêm một bước trên đường mở rộng dư luận minh chính. Như vậy, nếu báo chí đã làm tốt trách nhiệm trước những điểm nóng thông tin, nhạy cảm thông tin thì sao cơ quan công quyền sợ báo chí?
Cung cấp thông tin cho báo chí trước tiên phải được các cơ quan công quyền nhận thức là quyền được chế định bởi luật pháp. Nếu người phát ngôn nhận thức đầy đủ về quyền thông tin của chủ thể công quyền mà mình đại diện thì hẳn nhiên với sự chuẩn bị nội dung thông tin đầy đủ và chính xác, cơ quan công quyền đứng ở vị thế tự tin thực thi quyền luật định.
Mối quan hệ giữa quyền cung cấp thông tin của các cơ quan công quyền và quyền đưa tin của báo chí là mối quan hệ bình đẳng. Trong một xã hội thông tin lành mạnh, nếu báo chí đưa tin sai, áp đặt, suy diễn... thì chính báo chí phải chịu trách nhiệm; tương tự như vậy, nếu cơ quan công quyền đưa tin sai, bưng bít... thì hẳn nhiên phải gánh hậu quả.
Đáng ra, nếu vụ Tiên Lãng được cung cấp thông tin đúng và kịp thời thì những sai phạm, khuất tất trong tiến trình thu hồi giải toả đất sẽ được phát hiện kịp thời, không bất ngờ gây sốc công luận. Còn trong vụ Văn Giang, có dư luận cho rằng vì sợ báo chí mà dẫn đến chuyện hành hung nhà báo. Ngay cả chuyện tham nhũng, sai phạm trong Vinashin, Vinalines, nếu các cơ quan thanh tra và các tổng công ty vốn nhà nước này làm tốt quyền cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí thì hẳn mức độ sai phạm sẽ được kịp thời soi thấy mà khắc phục, không để dẫn tới hậu quả lớn.
Hiện nay, đời sống thông tin Việt Nam vẫn quá ít những buổi tường thuật toàn cảnh họp báo ở cấp bộ, tỉnh, các tổng công ty nhà nước... Vai trò của người phát ngôn báo chí ở cấp công quyền cơ sở hầu như không đáp ứng được nhu cầu của một xã hội đang bùng nổ thông tin. Thế nên ở Việt Nam hiện nay, đói thông tin là có thật và tình trạng đói này càng trầm trọng dù số lượng phương tiện thông tin ngày càng nhiều và hiện đại.
Để quản lý, thực thi quyền lực công quyền thì không thể không phát sinh các sự kiện nóng. Một trong những nguyên nhân khiến sự kiện nóng làm bức xúc nhiều người, gây hậu quả dư luận chính là do các cơ quan công quyền không thực thi đầy đủ hoặc trốn tránh quyền cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho báo chí.
Giao Cảm
Xong tổng kết, hết vướng mắc? Vào tháng 6 tới, hội nghị tổng kết năm năm thực hiện quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và sơ kết bốn năm thực hiện quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa bộ Thông tin và truyền thông, bộ Tài chính, bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ Công thương, bộ Ngoại giao và ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ diễn ra ở Đà Nẵng. Tại đây, liệu những vướng mắc về quyền được cung cấp thông tin của người dân thông qua kênh báo chí có được đặt ra? Có ý kiến cho rằng việc soạn thảo các quy chế trên rất hợp với tình hình thực tế nhưng sau năm năm triển khai, các vụ việc vừa diễn ra cho thấy không ít cơ quan công quyền vẫn tỏ ra “bất hợp tác” với báo chí. Trong một xã hội minh bạch thông tin, người dân phải được tiếp cận các chính sách, đề án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính mình. Thông tin minh bạch cũng mang lại một nền báo chí sạch, bởi chính sự giấu giếm, lấp lửng, đóng cửa dẫn đến việc các nhà báo phải tiếp cận nhiều nguồn tin không chính thống, dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin. Thiếu minh bạch thông tin cũng tạo ra “bãi đất trống” để các blogger chiếm lĩnh. |
Theo Sài Gòn Tiếp thị