Syndicate content

Chuyện dọc đường

Sống xanh từ những cuốn sách cũ

Những cuốn sách cũ có thể không cần thiết nữa với người này, nhưng lại hữu ích với người khác. Có điều, việc trao tặng sách đến rất nhiều nơi, rất nhiều người trên mọi miền đất nước Việt Nam không chỉ đơn giản là việc trao yêu thương, lan tỏa văn hóa đọc như tất cả thường thấy mà dự án Căn phòng đầy sách còn hy vọng thông qua hoạt động này, mọi người sẽ hiểu rõ hơn triết lý kinh doanh, sống xanh từ những cuốn sách cũ của các bạn trẻ thế hệ 9x.

Trần Đăng Thịnh bên lô sách chuẩn bị tặng một cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nói như nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ Vương Hồng Sển (1902-1996) trong cuốn Thú chơi sách thì "Vũng nước ngọt giữa bãi sa mạc, đối với kẻ lỡ độ đường, quý hơn vàng xoàn. Thư viện, đối với người biết chữ, là một bồng lai tiên đảo để cho họ sống một đời lạc thú, an nhàn, vô tư lự, cạnh những thức ăn tinh thần vừa dạy luyện bắp thịt, vừa dạy luyện trí óc". Với dự án Căn phòng đầy sách, bên cạnh thú chơi sách, nó còn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng.

Triết lý sống xanh

Hẹn gặp nhiều lần nhưng vì dịch Covid-19 nên mãi tôi mới gặp được Trần Đăng Thịnh, trưởng nhóm dự án Căn phòng đầy sách tại Tiệm sách truyện cũ Casanova của anh. Không khó để tìm được ngôi nhà nằm trên đường Trương Hán Siêu, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường tập trung nhiều hộ kinh doanh và người xe qua lại liên tục, với đủ thứ âm thanh hỗn tạp, tôi vẫn cảm nhận được sự tĩnh lặng, thoáng đãng của một căn phòng đầy sách là sách. Sách được bầy kín hai bên lối đi, được chồng trên những kệ gỗ thay vì xếp trên các tủ gỗ hay giá sắt như thường thấy ở nhiều hiệu sách và được Thịnh sắp xếp theo từng chủ đề vào mỗi khu vực riêng.

Bỏ qua sự choáng ngợp ban đầu khi đứng giữa căn phòng đầy sách của Thịnh và các cộng sự trong nhóm, ý nghĩ về sự mênh mông của lượng tri thức trong đó và nhớ lại một ai đó đã ước chừng lượng sách nhỏ bé mà chúng ta có thể đọc được trong đời người, tôi thấy bất ngờ hơn về ý nghĩa của dự án Căn phòng đầy sách mà Thịnh và các bạn thực hiện trong hơn bốn năm qua từ những cuốn sách cũ.

Trong quá trình hoạt động của mình, dự án đã trao tặng sách đến rất nhiều nơi như trường đại học, trường mẫu giáo, cơ sở tôn giáo, các lớp học tình thương, kết nối với những dự án giáo dục khác... Thịnh nhẩm tính, đến hiện tại đã có khoảng hơn 10.000 đầu sách các thể loại được anh và nhóm trao tặng bằng hình thức trực tiếp hoặc trung gian. Đáng chú ý, bên cạnh việc kêu gọi ủng hộ những đầu sách văn học, truyện tranh..., dự án còn kêu gọi ủng hộ sách giáo khoa để trao tặng các bạn học sinh miền trung, nơi đã trải qua những cơn bão lịch sử trong năm 2021 và 2022.

Nếu chỉ là việc tặng sách, xây dựng thư viện thì nhiều nơi, nhiều cá nhân và tổ chức cũng đã làm trước đó, thậm chí còn lớn hơn, quy mô hơn. Điểm đặc biệt ở Căn phòng đầy sách là nhóm không chỉ hướng đến mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc mà còn nhằm bảo vệ môi trường thông qua hoạt động tặng sách, tặng đồ cũ. Nghĩa là nhóm còn hơn một tổ chức thiện nguyện. Theo Thịnh, Tiệm sách truyện cũ Casanova sẽ thu mua sách cũ phục vụ cho việc kinh doanh của mình, như sử dụng, bán lại cho người có nhu cầu. Những loại sách không phù hợp mục đích, bên tiệm không thu mua nhưng để tránh việc người bán bỏ ve chai, đồng nát, tiệm sẽ thuyết phục để họ bán rẻ hoặc tặng lại cho các nhóm sách từ thiện hoạt động cộng đồng bên tiệm. Khi đó, thông qua các hình thức lan tỏa và mục đích hướng đến, nhóm nhận sách sẽ cam kết cho mượn sách đọc hoặc trao tặng sách đến những nơi, những người thật sự cần thiết. Nhờ đó, Căn phòng đầy sách vừa trực tiếp, vừa như cầu nối giúp lan tỏa văn hóa đọc, cũng như biến việc trao sách trở thành vòng tuần hoàn, tận dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn sách đã qua sử dụng. Đồng thời, nhóm sẽ tạo ra một cộng đồng mà mọi người có thể huy động hoặc tìm đến để trao tặng sách cũ, thay vì bán đồng nát, vứt bỏ hay cất một góc tủ và trên hết là xây dựng cách "sống xanh" giữa người tặng và các nhóm nhận.

Ngoài ra, trong quá trình Tiệm sách truyện cũ Casanova tiếp cận người dọn dẹp nhà cửa, thanh lý sách thì nếu có quần áo, đồ dùng học tập, sổ tay, vở trắng, thú bông, cặp, ba-lô, giày dép... và nhiều đồ dụng sinh hoạt khác đã cũ nhưng còn sử dụng được, tiệm sẽ chuyển giao cho các nhóm công tác xã hội có nhu cầu. Như Thịnh cho biết, hoạt động này sẽ phần nào hạn chế rác thải rắn ra ngoài môi trường. Anh nói thêm: "Tiệm sách truyện cũ Casanova có liên kết với nhiều nhóm công tác xã hội, nhóm sách từ thiện, thư viện cộng đồng và nhóm tái chế đồ cũ cho nên chúng tôi sẽ phân loại phù hợp, tặng đúng nơi, chứ không chỉ là mục đích tặng từ thiện. Thí dụ sách kỹ thuật, nghiên cứu tặng cho các trường đại học, trường dạy nghề, đồ dùng cũ còn sử dụng được tặng cho các nhóm công tác xã hội phục vụ cộng đồng vùng xa, biên giới, trung tâm khiếm thính, nuôi dưỡng chăm lo bà mẹ đơn thân và trẻ em...

Chàng trai thích làm thiện nguyện

Bố mẹ làm nghề giáo và cũng dành thời gian để kinh doanh sách cũ trước đây nhưng với Thịnh, con đường đưa anh đến với dự án Căn phòng đầy sách hoàn toàn ngẫu nhiên. Chàng trai sinh năm 1994 từng học ngành quản trị kinh doanh, Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp (CTIM) cho biết, anh tham gia nhiều hoạt động từ thiện, trong đó có nhóm giải cứu chó mèo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ mô hình này, như việc nhận chó mèo, thông báo tìm người sở hữu hoặc người nhận nuôi trên mạng xã hội, Thịnh nảy ra ý tưởng thành lập một dự án giáo dục phi lợi nhuận được bảo trợ bởi Tiệm sách truyện cũ Casanova. Và dự án Căn phòng đầy sách ra đời vào tháng 11/2018 với các hoạt động chính là tặng quần áo, những đồ vật cần thiết với cuộc sống hằng ngày đã qua sử dụng và nhất là sách cũ.

Thú vị là không biết có phải vì yêu chó mèo hay không mà Thịnh cũng đặt tên tiệm sách truyện cũ của mình là Casanova. Anh cho biết, Casanova là kỷ niệm giữa anh và người anh khi xem phim hoạt hình Tom và Jerry, với một phần có tên Casanova Cat (Mèo Casanova). Theo Thịnh tiết lộ thêm, Casanova cũng là một nhân vật lịch sử nhưng thay vì nói đến Casanova như một người đàn ông hào hoa, quyến rũ, anh muốn nhắc tới ông như một tài năng trong nhiều lĩnh vực và ưa thích xê dịch.

Dù hoạt động của dự án Căn phòng đầy sách rộng khắp, họ vận hành mà không cần nhiều nhân lực và kinh phí, chủ yếu mang tính kết nối. Như Thịnh giải thích, trừ những sách mua vào, nhận tại Tiệm sách truyện cũ Casanova, họ có thể phân loại sách ngay tại nhà người muốn bán hoặc tặng, gửi tạm tại đó trong ít nhất một tuần và sau đó thông báo cho những nhóm công tác xã hội có nhu cầu nhận sách đến lấy. Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển của nhóm và cũng giúp các nhóm xã hội nắm bắt nhanh thông tin về người tặng sách, số lượng sách hay sách loại gì thay vì mất thời gian kêu gọi trên mạng xã hội.

Trong quá trình đó, vai trò của Thịnh như một người kết nối cộng đồng, làm truyền thông, quản lý nhóm, lan tỏa văn hóa đọc và tư duy sống xanh. Anh cho biết thêm, với các nhóm công tác xã hội có thể trao tặng sách cho tổ chức hay cá nhân nhưng với dự án Căn phòng đầy sách nếu trực tiếp trao tặng sẽ chỉ dành cho các tổ chức, tập thể. Giải thích về điều này, Thịnh nói, họ muốn việc tặng sách mang tính cộng đồng, muốn hoạt động này mang tính tuần hoàn, chẳng hạn như sách tặng cho thư viện sẽ do thư viện quản lý, người này đọc xong sẽ có người khác đọc, trong khi sách tặng cho cá nhân sẽ không thể có tính cộng đồng và lan tỏa lớn. Thế mới nói, đành rằng "của cho không bằng cách cho" hay "tặng sách là một nghệ thuật", những cuốn sách mà Căn phòng đầy sách gửi đi khắp nơi chứa đựng trong đó tình yêu thương, trách nhiệm của các thành viên.

Ngoài ra, họ cũng đề nghị những nhóm được tặng sách khi lấy sách sử dụng thùng giấy, túi vải, bao tải nhằm hạn chế dùng túi ni-lông. Điều đó cho thấy dự án Căn phòng đầy sách rất coi trọng việc bảo vệ môi trường và họ muốn lan tỏa nhiều hơn cách sống xanh.

Theo Thịnh tiết lộ, trong tương lai, nhóm hy vọng dự án Căn phòng đầy sách ngoài hai cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội còn có thể mở rộng ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, họ có thể tham gia các chương trình, cuộc thi để lan tỏa văn hóa đọc. Đúng là họ đang tận dụng sự lãng phí để tạo ra lợi nhuận và đóng góp cho xã hội nhưng họ cũng cần xây dựng một quỹ hoạt động cho việc chạy quảng cáo, họp offline, mở những buổi trò chuyện, buổi đọc sách hay liên kết với một số nhóm khác trong các hoạt động xã hội ở những nơi như bệnh viện, trại giam, làng SOS, trung tâm khiếm thính...

Để theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng đó, tôi biết Thịnh đã phải chấp nhận gác thú sưu tập tờ nhạc sang một bên, vất vả với các công việc làm thêm và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động của dự án. Hàng trăm, hàng nghìn tờ nhạc mà tôi thấy trên bàn làm việc của anh có giá trị không nhỏ nhưng Thịnh cho biết, anh giữ chúng mà không muốn bán đi là để mọi người biết rằng, anh không chỉ mua bán, trao tặng sách cũ mà còn là người sưu tầm. Đây có lẽ cũng là một cách để anh duy trì tình yêu và đam mê với sách cũ. Nhờ đó, ngoài việc biết thêm về anh và dự án khi họ đồng hành cùng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) trong chương trình "Sống xanh" trong trao tặng sách đến thư viện Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, tôi còn thấy những hoạt động tương tự mà họ và Hội từ thiện Thánh Linh dành cho trẻ em tại Gia Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) hay trao tặng sách cho Thư viện cộng đồng ở thị trấn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông (Kon Tum)...

Chợt nhớ câu "Đừng chê sách cũ sách bong, em như cơm nguội no lòng canh khuya" trong cuốn Thú chơi sách của Vương Hồng Sển. Tôi hiểu rằng sao lại cần chia sẻ với người khác những tri thức trong đó mỗi tủ sách, mỗi cuốn sách và càng thêm trân trọng công việc mà Thịnh và dự án Căn phòng đầy sách đang và sẽ nỗ lực thực hiện nhằm đưa sách đến nhiều nơi, nhiều người trên mọi miền đất nước.

https://nhandan.vn/song-xanh-tu-nhung-cuon-sach-cu-post736425.html

Đặc sắc nét văn hóa cổ truyền, phong tục đón Tết của các nước

Mỗi nước có những phong tục, tập quán cổ truyền độc đáo khác nhau, nhưng tựu chung lại đây là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, tỏ lòng kính trọng với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Người dân chọn mua đồ trang trí đón Tết Nguyên đán tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tết Nguyên đán là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời, không thể thiếu trong đời sống của người dân nhiều nước châu Á như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ...

Mỗi nước có những phong tục, tập quán cổ truyền độc đáo khác nhau, nhưng tựu chung lại đây là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, tỏ lòng kính trọng với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cầu mong về một năm mới hạnh phúc, bình an.

Tại Trung Quốc, Tết cổ truyền là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vào dịp năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có 1 cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Mỗi năm, trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với 1 con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.

Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại ngon, cùng với đường và gừng tươi.

Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn gắn bó với nhau bền vững.

Phiên âm "Nian Gao" trong tiếng Trung còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ. Đó cũng chính là mong ước của người dân Trung Quốc trong năm mới.

Trong khi đó, người Hàn Quốc gọi ngày Tết âm lịch là Seollal. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu thời khắc bước sang năm mới mà còn là kỳ nghỉ lễ dài ở Hàn Quốc (chỉ sau Tết Trung thu).

Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch. Dù sống trong 1 xã hội hiện đại, nhưng với truyền thống trọng gia đình, người dân Hàn Quốc vẫn giữ truyền thống về quê ăn Tết với người thân.

Nghi lễ đầu tiên của ngày Tết, gọi là Charye, diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Phong tục này được thực hiện vào sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới.

Về cơ bản, các món như hạt dẻ, lê, bánh, cá khô, đậu phụ, canh bánh gạo, các món chiên là những món không thể thiếu trên bàn cúng gia tiên của người Hàn Quốc.

Sau lễ cúng gia tiên là nghi lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi và sau đó được nhận tiền mừng tuổi từ cha mẹ, ông bà.

Ở Triều Tiên, Tết năm mới được gọi là Seol. Trong những ngày đầu năm mới, người dân Triều Tiên có những nghi lễ đặc biệt để tưởng nhớ tổ tiên. Tết Nguyên đán ở Triều Tiên cũng là thời gian để mọi người sum họp bên gia đình.

Về ẩm thực trong dịp năm mới, Triều Tiên có bánh Songpyeon, 1 loại bánh gạo có hình trăng khuyết. Loại bánh truyền thống này chứa đựng quan niệm của người xưa “trăng khuyết rồi sẽ lại đầy", như cuộc đời vẫn đổi thay, nhưng tinh thần thì luôn hướng tới những điều tốt đẹp.

Còn tại Singapore, Tết Nguyên đán thường diễn ra với Lễ hội mùa Xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay, cùng nhiều hoạt động khác.

Vào dịp Tết, người Singapore thường ăn bánh trôi tàu với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Mâm cỗ tết của người Singapore còn có những món ăn khác như cá sống, mỳ trường thọ, Pencai (món ăn bao gồm thịt lợn, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp…).

 

Tại Malaysia, người gốc Hoa chiếm 25% dân số nên Tết âm lịch là một trong những dịp lễ quan trọng nhất tại đất nước này. Giống như các quốc gia đón Tết Nguyên đán khác, đây cũng là dịp để người dân ở Malaysia có dịp đoàn tụ, quây quần.

Màn bắn pháo hoa chào năm mới tại tháp đôi Petronas cùng điệu múa lân, múa sư tử... đã trở thành truyền thống trong dịp Tết. Sắc đỏ tràn ngập khắp các khu phố người Hoa trong ngày Tết.

Các trung tâm thương mại rực rỡ với câu đối đỏ, đèn lồng đỏ. Người người hòa vào không khí Tết chúc nhau những lời chúc tốt lành và những người thân quen trao những bao lì xì may mắn. Người dân cũng tham gia lễ hội đèn lồng lung linh huyền ảo và đến chùa cầu bình an.

Philippines được xem là quốc gia có truyền thống đón Tết âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hoá châu Á. Năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm.

Trong những ngày Tết, người dân thường đi chùa, nhà thờ, cầu cho 1 năm may mắn, an lành, thịnh vượng. Hoạt động đón mừng năm mới của người Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng.

Ẩm thực trong ngày Tết là món bánh gạo ngọt (Tikoy). Bánh này được làm từ gạo nếp, trộn mỡ heo, đường và nước, sau đó trộn chung với trứng gà, đánh đều trước khi chiên. Sự hòa quyện các nguyên liệu của bánh Tikoy có ý nghĩa cầu chúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau.

Tết âm lịch ở Mông Cổ còn gọi là Tết Tháng trắng. Đây là thời điểm quan trọng trong năm báo hiệu sự chuyển giao giữa mùa đông lạnh giá và mùa xuân ấm áp, là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ.

Để chào đón năm mới, người Mông Cổ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, tắm rửa, sắm sửa những bộ trang phục truyền thống mới và chuẩn bị các món ăn truyền thống. Món ăn truyền thống trong dịp Tết là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông hay với nho khô…

Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục truyền thống. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng, cùng nhau trò chuyện, trao đổi các món ăn và thưởng thức.

Tết âm lịch tại Ấn Độ được gọi là lễ hội Holi hay còn được biết đến với cái tên lễ hội của màu sắc. Lễ hội Holi được xem là một trong những lễ hội vào mùa xuân quan trọng nhất trong năm của người dân Ấn Độ. Lễ hội Holi là sự đánh dấu thời điểm kết thúc của 1 mùa đông khắc nghiệt và để chào đón 1 mùa xuân tươi mới.

Bên cạnh đó, người Ấn Độ cũng cho rằng, nắng ấm của mùa xuân sẽ giúp xua tan đi cái lạnh mùa đông, giống như việc cái thiện đánh lùi cái ác. Trong ngày lễ Holi có diễn ra một sự kiện vô cùng độc đáo và nổi tiếng là mọi người sẽ ném bột màu vào nhau dù có quen nhau hay không.

Tết cổ truyền ở Bhutan được gọi là Losar, là ngày lễ quan trọng nhất năm tại quốc gia này tính theo âm lịch. Tết Losar diễn ra trong vòng 15 ngày và 3 ngày đầu tiên của năm mới được xem là ngày quan trọng nhất đối với người dân Bhutan.

Vào ngày Tết Losar, người dân quây quần bên gia đình, cùng dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mâm cơm truyền thống, trái cây để cúng tổ tiên, tạ ơn thần linh và tổ tiên ban tặng cuộc sống ấm no và mạnh khỏe trong năm qua.

Theo phong tục truyền thống, trong Tết, người dân đi lễ chùa, múa hát, tổ chức lễ hội. Một trong những phong tục độc đáo là tham gia các cuộc thi bắn cung.

“Bộ phim đời” của cô gái Tày Bắc Kạn

Cuối năm 2022, người dân ở miền núi Bắc Kạn mừng vui khi biết tin cô gái Tày nhỏ nhắn Hà Lệ Diễm có bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) nằm trong danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xem xét đề cử tranh giải Oscar lần thứ 95 (năm 2023).

Hà Lệ Diễm chia sẻ về quá trình làm phim “Những đứa trẻ trong sương” tại Liên hoan phim IsReal tại Italia, phim đã đạt giải Nhất tại liên hoan này.
n này.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có phim lọt đến Top 15 của giải thưởng Điện ảnh danh giá này.

Những miền mây trắng

Tôi gọi con đường Diễm đang đi là “hành trình trong sương” bởi lẽ Diễm là nhà làm phim độc lập, tự bươn chải với đam mê, nhận nhiều sự thiếu tin tưởng đôi khi từ chính người thân trong gia đình. Và cũng bởi đề tài phim của Diễm thường gắn với những vùng cao sương trắng, ẩn khuất trong đó là những số phận đang muốn vươn lên.

Diễm, sinh ra ở thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn). Bản vùng cao quanh năm mây trắng bao phủ có lẽ là nền tảng để khi bắt tay với “nghiệp” phim, Diễm luôn lựa chọn những đề tài về dân tộc, vùng cao. Năm 2009, Diễm theo học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với ước mơ ban đầu rất đơn giản, đó là trở thành một nhà báo. Bản thân Diễm chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm phim, thậm chí còn trở thành đạo diễn.

Chân dung đạo diễn phim độc lập Hà Lệ Diễm.

Cơ duyên đến rất tình cờ khi vào năm học thứ hai, Diễm được các bạn rủ lên Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) học miễn phí. Qua ba vòng thi, Diễm thi đỗ và ý định làm phim bắt đầu nhen nhóm từ đây. Lựa chọn làm phim độc lập của Diễm bị người thân và bạn bè phản đối rất nhiều nhưng cuối cùng, người ủng hộ Diễm nhất chính là mẹ cô. Biết Diễm làm phim độc lập kinh tế không ổn định, mẹ lặng lẽ gửi tiền lên chu cấp như thời sinh viên.

Miền mây trắng đầu tiên mà Diễm chọn làm phim đầu tay không đâu khác chính là quê hương Bắc Kạn. Phim đó Diễm đặt tên là “Con đi trường học”, một mình Diễm đảm nhiệm tất cả các vai trò: sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim... với máy quay là chiếc máy ảnh Canon 550D.

Bộ phim là cuộc sống của một phụ nữ người Dao bị HIV, một mình nuôi con. Cứ đến cuối tuần, Diễm bắt xe từ Hà Nội về Bắc Kạn, lội suối đến căn nhà mái lá cheo leo và đơn độc giữa rừng núi của nhân vật. Diễm cùng ở, cùng ăn những bữa cơm trắng với măng xào, nộm ớt và nghe người phụ nữ cô độc kể chuyện đời mình, để thấy cả niềm tin yêu và hy vọng sống dồn vào đứa con trai duy nhất. “Con đi trường học” nhận giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) tại lễ trao giải Cánh diều năm 2013 ở hạng mục phim ngắn.

Diễm nói với tôi: “Dù phim “Những đứa trẻ trong sương” là rất thành công nhưng đối với tôi phim “Con đi trường học” cũng chính là khởi đầu cho con đường trở thành đạo diễn phim và mong muốn làm được những bộ phim hay nhất.”

Hà Lệ Diễm (thứ hai từ trái qua) chia sẻ về làm phim tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản.

Hành trình trong sương

Bốn năm ròng rã đi lại từ Hà Nội đến Sa Pa (Lào Cai) là thời gian để Diễm hoàn thành phim “Những đứa trẻ trong sương”. Diễm kể: “Em quay phim từ năm 2017 nhưng mãi đến khoảng 2019 mới phải quyết định đặt tên phim là gì. Em và bạn có nghĩ ra vài cái tên và cuối cùng bọn em chọn "Children of the Mist", tên tiếng Việt là "Những đứa trẻ trong sương".

Diễm lý giải thêm, trong phim thì sương mù cũng là một nhân vật mang nhiều trạng thái khác nhau. Lúc chọn tên phim Diễm cũng nhớ lại kỷ niệm hồi em đi học cấp một. Nhà em ở cách trường khá xa và phải đi bộ tới trường một mình qua con đường mòn nhỏ rất vắng, mùa đông rét đậm, sương muối và sương mù như che kín đường. Những đứa trẻ cùng Diễm đi các đôi dép tổ ong mòn vẹt đến lớp. Diễm nhớ lại: “Em nhận ra nếu em cứ bước dần về phía trước thì sương mù sẽ loãng ra và có thể thấy con đường phía trước từng chút một. Vì dấu ấn đó nên tên phim cũng chính là cảm giác của em lúc nhỏ khi lần đầu nhìn thấy màn sương mù”.

“Những đứa trẻ trong sương” với độ dài khoảng 100 phút của Diễm kể về cuộc sống của Di, một bé gái 12 tuổi người H’Mông sống tại Sa Pa. Di muốn đi học, nhưng sinh ra ở nơi có tục bắt vợ. Bộ phim kể về quá trình đổ vỡ của thế giới tuổi thơ và hành trình đơn độc trở thành người lớn của Di… Nội dung, hình ảnh của phim đã chạm tới đáy lòng của tất cả những ai đã được xem và thậm chí chỉ nghe kể cũng không khỏi xao lòng, đồng cảm với tuổi thơ vụn vỡ của bé gái người dân tộc H’Mông trên Sa Pa.

Hà Lệ Diễm trong một lần đến châu Âu.

Có lẽ vì những dấu ấn đó, trong làng phim Việt Nam hai năm qua, dù là đạo diễn chưa tên tuổi, mới bỡ ngỡ, rụt rè bước vào thế giới làm phim nhưng phim “Những đứa trẻ trong sương” của Diễm là phim tài liệu nổi bật của Việt Nam. Phim được đưa đi chiếu tại các sự kiện điện ảnh ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Úc, Mexico, Kosovo, Singapore, Campuchia, Italia... “Những đứa trẻ trong sương” được đề cử nhiều giải quốc tế, đoạt giải Phim quốc tế hay nhất tại DocAviv và Đạo diễn xuất sắc nhất tại IDFA (Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam).

“Khi thấy phim từ danh sách 144 phim đủ điều kiện vào danh sách rút gọn 15 phim xem xét đề cử Oscar em đã rất bất ngờ. Em cũng quen vài bạn có phim trong danh sách và biết dự án của các bạn từ năm 2019, hiểu rõ tiềm lực hùng hậu của các bạn. Thực sự em có cảm giác phim của mình như một chú “cá con” giữa một bầy "cá mập" vậy”, Diễm chia sẻ.

Phần lớn khán giả bị mê hoặc với cảnh trong phim, khâm phục đạo diễn Hà Lệ Diễm ở hành trình làm phim độc lập. Chia sẻ về những dự án mới, Diễm cho biết: "Em sẽ khảo sát, lên kế hoạch làm phim tại Tây Nguyên, miền Trung và miền Tây sông nước. Em hy vọng sẽ sớm tìm được nhân vật và hình ảnh khiến mình cảm thấy cảm động và mong muốn làm phim về nhân vật đó".

Hành trình để có phim đủ điều kiện dự giải thưởng uy tín của Diễm, thậm chí đã lọt Top 15 và có thể tiến xa hơn giống như một bộ phim. Một cô gái dân tộc Tày đến từ một bản vùng cao, ở một tỉnh miền núi nghèo nhất nước, có thể theo đuổi đam mê, đạt được thành công, chạm tới cảm xúc người xem khi mới chỉ là đạo diễn trẻ tuổi, làm phim độc lập xứng đáng là một “bộ phim của đời”.

https://nhandan.vn/bo-phim-doi-cua-co-gai-tay-bac-kan-post735720.html

Nét đẹp lao động gần dịp Tết đoạt giải nhất 'Vẻ đẹp Việt Nam' lần 7

Bộ ảnh chụp những khoảnh khắc khi các công nhân đang làm việc tại một công trình ở Hải Phòng, thể hiện thông điệp tích cực về lao động sản xuất, có ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Tác giả Vũ Lâm và bộ ảnh đoạt giải nhất. (Ảnh: BTC)

Sáng ngày 11/1 tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra chương trình Chung kết cuộc thi ảnh "Vẻ đẹp Việt Nam" năm 2022.

Cuộc thi do Truyền hình Nhân dân (Báo Nhân dân) phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện thường niên.

Khác với trước đây, cuộc thi năm 2022 không trao giải thưởng năm cho các tác giả đoạt giải nhất tháng, mà phát động vòng thi chung kết giữa 12 tác giả này. Với chủ đề của vòng thi là "Chuyện cuối năm," ban giám khảo đã tìm ra 11 tác phẩm là ảnh/bộ ảnh để trao giải.

Giải nhất đã thuộc về tác giả Vũ Lâm (Hải Phòng) với bộ ảnh "Gấp rút hoàn thành các công trình đón Tết." Bộ ảnh chụp những người công nhân làm ăn xa nhà, đang làm việc trên một công trình tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Điều khiến tác giả Vũ Lâm ấn tượng nhất chính là ánh mắt của họ, ở đó thể hiện sự mong mỏi được về quê những ngày giáp Tết cũng như tinh thần khẩn trương hoàn thành công việc.

Từ góc độ chuyên môn, đại diện ban giám khảo cuộc thi - Nhà lý luận nhiếp ảnh Vũ Huyến (Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam) nhận xét tác phẩm có cả điểm mạnh và điểm yếu.

"Bộ ảnh chụp công trình tốt, nhưng chụp người chưa khéo, có người còn quay lưng với máy ảnh. Tuy nhiên chúng tôi trao giải nhất vì bộ ảnh có ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển của xã hội, về những người lao động sản xuất tích cực cuối năm. Giải thưởng cũng mang tính định hướng và khuyến khích người tham gia đi vào những câu chuyện xã hội như thế này," ông Vũ Huyến nhận xét.

Tác phẩm đoạt giải nhì của tác giả Nguyễn Long Giang. (Ảnh: BTC)

Giải nhì thuộc về tác phẩm "Hạnh phúc cô dâu" của tác giả Nguyễn Long Giang (Quảng Ninh), tâm điểm là nụ cười của cô dâu người dân tộc thiểu số trong những giờ phút hạnh phúc nhất, được những người yêu thương của mình bao quanh.

Chương trình trao 3 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các tác phẩm còn lại.

Trước đó, vòng chung kết đã được phát động từ 1/1 - 9/1/2023. Các thí sinh có 10 ngày để thực hiện tác phẩm (ảnh/bộ ảnh).

Thành viên ban giám khảo - Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Văn nhận xét các tác phẩm có chủ đề đa dạng, nắm bắt được các khoảnh khắc thú vị. Nhiều tác phẩm cũng có tính thời sự cao, có thể nhắc tới bộ ảnh đạt giải ba về khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng 2-0 của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Indonesia tại vòng bán kết AFF Cup 2022 ngày 9/1 vừa qua. 

Cũng trong chương trình, cuộc thi ảnh "Vẻ đẹp Việt Nam" năm 2023 đã được phát động. Những thông tin mới nhất về cuộc thi sẽ sớm được cập nhật./.

Minh Anh (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=840676

Tôn vinh và lan tỏa các sáng kiến xuất sắc để sông xạch - biển xanh 2022

Ngày 29/12 tại UBND huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với các đối tác địa phương tổ chức Lễ tổng kết cuộc thi “Sông sạch – Biển xanh 2022”.

Tham dự buổi lễ có hơn 150 đại biểu bao gồm đại diện từ Trung tâm MCD, nhà tài trợ DOW Việt Nam, Sở TN&MT tỉnh Nam Định và các đơn vị Chi cục Bảo vệ Môi trường, Phòng biển, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Nam Định, Hội LH phụ nữ tỉnh Nam Định, UBND huyện Giao Thủy, Phòng Tài nguyên và Môi trường và phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Giao Thủy, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy; Huyện Đoàn Giao Thủy; các cơ quan đoàn thể và trường học tại huyện Giao Thủy, các tổ chức và doanh nghiệp môi trường, các cơ quan báo chí, chuyên gia truyền thông và các đoàn viên, thanh niên, học sinh huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Thí sinh của cuộc thi "Sông sạch, biển xanh 2022"

Buổi lễ dành để tôn vinh và lan tỏa các sáng kiến xuất sắc nhằm nâng cao nhận thức cho các bên liên quan và cộng đồng về bảo vệ môi trường sông biển, thúc đẩy thực hành tốt trong tiết giảm, thu gom, phân loại, xử lý rác thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa trên dòng chảy và khu vực cửa sông, ven biển.

Cuộc thi “Sông sạch  - Biển xanh 2022” được phát động từ ngày 16/10/2022. Trong vòng 1 tháng từ khi phát động Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 600 bài dự thi, trong đó 70 bài dự thi đã vượt qua vòng sơ tuyển và vào vòng 2 – tương tác trực tuyến và chấm điểm.

Theo thể lệ cuộc thi, các bài dự thi được tính điểm với 50% là điểm tương tác trực tuyến trên trang mạng xã hội của cuộc thi và 50% từ điểm của Ban giám khảo chuyên môn. BTC tổng hợp điểm và xếp hạng các bài thi đạt thành tích cao.

Có 16 bài dự thi xuất sắc, đạt thành tích cao và đã được công bố và vinh danh tại buổi lễ tổng kết cuộc thi. Các cá nhân và nhóm tác giả đạt thành tích cao gồm: 

01 bài dự thi được xếp thành tích hạng nhất thuộc về:  SBD 51-  nhóm tác giả Phạm Hữu Biên, Nguyễn Anh Phúc; Bùi Đình Huy Hoàng, học sinh trường THPT Giao Thủy với sáng kiến “mô hình thiết bị thu gom rác trên sông”.

02 bài dự thi được xếp thành tích hạng nhì thuộc về: SBD 04 - Tập thể lớp 12A2, trường THPT Giao Thủy B với sáng kiến “mô hình bản đồ Việt Nam từ nắp chai nhựa tái chế”; SBD 69 - nhóm tác giả Bùi Minh Loan và Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên trường THCS Hàn Thuyên với sáng kiến “Tái chế rác thải thành đồ vật có ích” nằm trong dự án "Nghệ thuật học đường".

03 bài dự thi được xếp thành tích hạng ba thuộc về: SBD 56 - nhóm Super Green, THPT Giao Thủy C với sáng kiến “Trang phục tái chế từ nilong”;  SBD 15 - nhóm Blue Sky, THPT Quất Lâm với sáng kiến “Vì một hành tinh xanh”; SBD 63 – Tập thể lớp 10A4; trường THPT Nguyễn Huệ với sáng kiến “Táo Quân vi hành - môi trường ô nhiễm truyện”

Ban Tổ chức cũng trao hạng khuyến khích cho 10 bài dự thi.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng ghi nhận thành tích cho các bài dự thi theo các tiêu chí đặc biệt, bao gồm: Bài dự thi có điểm tương tác mạng xã hội cao nhất: SBD 56, Nhóm Super Green, trường THPT Giao Thủy C với sáng kiến “Trang phục tái chế từ Nilong”

Bài dự thi có hình thức trình bày độc đáo nhất: SBD 20, Nhóm A2K49 – Trường THPT Giao Thủy B với sáng kiến “Tái tạo động cơ một chiều”

Thí sinh nhỏ tuổi nhất: SBD 29, Hoàng Thục Quyên – 4 tuổi đến từ Tp Nam Định với sáng kiến “Cấp cứu dòng sông”     

Bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc thường trực MCD cho biết: “Cuộc thi “Sông sạch – Biển xanh 2022” được tổ chức nhằm tăng cường sự quan tâm, nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan, thanh niên và cộng đồng địa phương trong các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; thúc đẩy thực hành và lan tỏa các giải pháp và công cụ tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý và giảm thiểu rác thải trên sông Hồng, Nam Định; góp phần quản lý rác thải rắn hiệu quả hơn và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường sông ngòi và môi trường biển của tỉnh Nam Định.

Cũng theo bà Thu, cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người Nam Định, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên, với tình yêu quê hương, có ý thức bảo vệ môi trường và giàu sức sáng tạo, đã có những sáng kiến rất thiết thực, khả thi. Đó là những nguồn vốn quý báu để thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương của quốc gia và của tỉnh Nam Định”

Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định chia sẻ: “Cuộc thi đã góp phần đẩy mạnh ý thức và hành động tích cực của cộng đồng đối với công tác quản lý rác thải rắn và chống rác thải nhựa. Sau cuộc thi, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các sáng kiến đạt thành tích cao có thể đi vào ứng dụng trong thực tế”. 

Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng’’ do Tổ chức Bảo tồn đại dương (Ocean Conservancy) tài trợ, và sáng kiến bổ trợ “Thanh niên tiên phong trong nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động cho các bên liên quan và cộng đồng về giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa khu vực sông biển tại Nam Định” do công ty DOW Việt Nam tài trợ, và Trung tâm MCD chủ trì thực hiện phối hợp với Sở TN&MT và các địa phương và cơ quan liên quan tại Nam Định. 

ND

Cuốn sách mở ra rất nhiều suy ngẫm đậm tính triết lý phương Đông

“Chàng hải âu kỳ diệu” là một trong những tác phẩm quan trọng và được đánh giá cao nhất của Richard Bach, mang đậm tính ngụ ngôn và chứa đựng nhiều triết lý Đông phương.

Richard Bach sinh năm 1936, là cháu trai của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach. Vốn là một tay lái phi cơ chiến đấu và cũng là thợ cơ khí máy bay người Mỹ, nên bầu trời và những chuyến phiêu lưu là niềm cảm hứng vô tận của ông. Với hơn 60 triệu cuốn sách bán ra trên toàn thế giới, ông ghi tên mình cùng Saint-Exupéry như người họa lại thế giới trẻ thơ đặc sắc. 

Một tác phẩm kinh điển đi theo thời gian và nên được đọc bởi bất kỳ ai

Cuốn truyện “Chàng hải âu kỳ diệu” của Richard Bach sẽ kể cho chúng ta về cuộc đời của Jonathan, một chàng hải âu mà niềm say mê bay lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Trong khi phần lớn thành viên trong đàn kiếm ăn bằng việc bay theo những thuyền đánh cá, thì Jonathan chỉ chăm chăm mỗi một việc bay. Chàng tập bay với nhiều tư thế khác nhau, bay với tốc độ cao, bay ở thế nhào lộn,...

Nhưng đàn hải âu lại không thích chàng làm như thế, chúng coi đó là nỗi nhục nhã, bỏ mặc chàng trong sự cô đơn. Ngay cả bố mẹ của Jonathan cũng tỏ ra lo lắng trước việc chú suốt ngày đơn độc một mình, hàng trăm lần tập đi tập lại những đường bay chậm là là mặt nước. Nhưng điều đó không làm chàng nản chí, vì sự thật là những con hải âu khác sẽ không bao giờ biết được vẻ đẹp và cảm giác vĩ đại khi bay.

Mặc cho gầy còm “toàn xương với lông”, cậu vẫn luôn vui vì được bay lượn hoàn toàn tự do. Ở cậu, ta có thể thấy một sự vượt thoát để vươn đến sự hoàn hảo, không chấp nhận thể trạng xoàng xĩnh cũng như ngu muội, sống đời tầm thường…

Qua cuộc hành trình của mình, chàng hải âu Jonathan học được một điều: “Thiên Đường không phải là nơi chốn, mà cũng không phải thời gian. Thiên Đường là trạng thái khi ta đạt được toàn thiện”... Nếu ở kiếp sống này ta không học thêm được cái gì cả, thì thế giới của kiếp sống sau sẽ giống hệt như thế giới này... Nhưng nếu ta học cách bay và ta luyện tập đủ tốt, thì ta sẽ ở trên cao hơn những bậc thang không có kết thúc để lên đến Thiên Đường, vì vậy đó chỉ là một bước tiến xa hơn.

Tác giả Richard Bach không hề duy mỹ hay lý tưởng hóa loài sinh vật này. Trong những khó khăn ở bước khởi đầu, bởi vì “bản năng” ưa chuộng những điều dễ dàng nên Jonathan đã không ít lần có ý buông xuôi. Nhưng chính khát khao cũng như niềm tin vào bản thân mình đã cứu vớt cậu, từ đó làm nên một cá thể riêng, có ý chí cũng như trách nhiệm.

Thông qua tác phẩm “Chàng hải âu kỳ diệu”, bài học theo đuổi ước mơ, không ngừng học hỏi và chịu trách nhiệm cho các lựa chọn của mình đã được thể hiện một cách sinh động. Vượt lên trên sự bình thường, mỗi loài sinh vật sẽ vươn đến sự hoàn hảo bằng nhân từ và yêu thương. Do đó nhân vật Hải âu Jonathan để lại cho mỗi người đọc bài học tích cực về việc nhìn thấy cái đẹp trong mỗi con người, sự vật, hiện tượng...

Tuy là tác phẩm mang tính ngụ ngôn và dành cho thiếu nhi, thế nhưng ở khía cạnh khác, cuốn sách này cũng đã mở ra rất nhiều suy ngẫm đậm tính triết lý phương Đông. Yếu tố tôn giáo, tâm lý chữa lành cũng như thiền học… được thể hiện rõ ràng trong phần nửa sau của tác phẩm.

Bản dịch Tiếng việt đầy đủ nhất kể từ khi xuất bản

“Chàng hải âu kỳ diệu” do Omega+ phát hành sử dụng bản dịch theo bản cập nhật đầy đủ của nguyên tác Jonathan Livingston Seagull (The Complete Edition) do nhà xuất bản Scribner ấn hành năm 2014 (đã bổ sung thêm chương 4 và Lời cuối). Trong khi các bản dịch khác trên thị trường chỉ dịch đến hết chương 3.

Sách được minh họa bằng bộ ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia Russell Munson. Đây là bộ ảnh nổi tiếng gắn liền với thành công vang dội của cuốn sách. Bộ ảnh ghi lại nhiều tư thế bay khác nhau cũng như hoạt động của loài hải âu trên bầu trời, nơi biển cả… Bìa sách cũng được thiết kế mới, theo phong cách khác biệt, không dễ lẫn với những ấn bản trên thị trường. Bìa được gia công thẩm mỹ với gáy giả, dập nổi, phù bóng tên sách cùng các họa tiết chính.

Tác phẩm nằm trong mảng Văn học Kinh điển Thế giới thuộc Tủ sách Đời Người - Tinh tuyển cho người Việt. Là tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt dành cho mọi thế hệ độc giả.

ND

Xuất bản cuốn sách của nhà văn, phóng viên chiến trường về Trung Đông

World Cup 2022 mới diễn ra ở đất nước Qatar đã trở thành một dịp để nhiều đôi mắt hướng về Trung Đông với mong muốn được hiểu và vén tấm màn bí ẩn về vùng đất này.

Với phần đa độc giả Việt Nam, hiểu biết về Trung Đông vẫn còn dừng ở một ấn tượng mơ hồ về sa mạc, dầu mỏ, chiến tranh, sự giàu có... Tuy nhiên, quá khứ, lịch sử của vùng đất này ra sao trong hành trình lịch sử chung của nhân loại? Những giá trị nào của nền văn minh này đã và đang hiện diện trong đời sống của chúng ta mà ta chưa hay biết? Đã từng tồn tại những nền văn minh, những đế chế cổ-trung đại nào ở vùng đất này?...

Lawrence xứ Ả-Rập: Chiến tranh, thủ đoạn, sự điên rồ của đế quốc và quá trình hình thành Trung Đông hiện đại là tác phẩm của nhà văn và phóng viên chiến trường người Mỹ Scott Anderson, sẽ góp phần làm sáng tỏ câu chuyện về sự hình thành của Trung Đông hiện đại, và từ cái nhìn sâu vào quá trình đó giúp ta hiểu được những vấn đề hiện tại họ đang đối mặt.

Thomas Edward Lawrence hay ''Lawrence xứ Ả-rập'' là một sĩ quan Quân đội Anh nổi tiếng với vai trò trong Cuộc nổi dậy của Ả-rập chống sự thống trị của Đế quốc Ottoman - Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1916 - 1918. Lawrence vừa là chứng nhân vừa là người tham dự trong một số sự kiện quan trọng nhất dẫn đến việc hình thành Trung Đông hiện đại. Cuốn sách Lawrence xứ Ả-Rập của Anderson sẽ tập trung vào T.E. Lawrence trong câu chuyện giữa anh và ba nhân vật khác, những người đại diện cho các thế lực ở Trung Đông trong Thế chiến I.

Đầu tiên là điệp viên Đức Curt Prüfer. Prüfer đang làm việc với người Ottoman để làm suy yếu sức mạnh của Đế quốc Anh ở Trung Đông. Nhân vật chính thứ hai là Aaron Aaronsohn, nhà nông học định cư ở Palestine. Ông đã thành lập một trạm thực vật trên bờ biển Palestine, với hai mục tiêu là tiến hành các thí nghiệm khoa học và thúc đẩy công cuộc phục quốc Do Thái. Ông cũng điều hành một mạng lưới gián điệp Do Thái của riêng mình. Nhân vật quan trọng thứ ba là William Yale, một người Mỹ lần đầu tiên đến Trung Đông với tư cách là nhân viên của Standard Oil. Trong chiến tranh, anh ta phục vụ Bộ ngoại giao Mỹ và hoạt động gắn liền với tình báo Anh.

Nhân vật trung tâm của cuốn sách là T.E. Lawrence, nhà khảo cổ học người Anh-Ireland, được đào tạo tại Oxford. Từ một nhà khảo cổ học đang khai quật những tàn tích ở Syria, năm 1917, anh trở thành một trong những nhân vật nổi bật của Thế chiến I, chiến đấu với cả kẻ thù và chính phủ của chính mình để giành lấy những gì mà mình đã hình dung cho người dân Ả-rập.

Đan xen với 4 câu chuyện kể này là hàng loạt câu chuyện và nhân vật phụ đáng chú ý. Chúng ta sẽ gặp Enver Pasha (bộ trưởng chiến tranh Ottoman), Sarah (em gái của Aaron Aaronsohn, người đã bỏ chồng để thiết lập đội ngũ gián điệp của riêng mình), ba người con trai của Vua Hussein là Faisal, Abdullah và Ali ibn-Hussein (sau này lần lượt là vua của Iraq, Jordan và Hejaz), cùng nhiều nhân vật khác.

4 nhân vật lịch sử trên sẽ lần lượt tham gia vào những trò chơi ngầm phức tạp và các cuộc đối đầu tay đôi, từ đó giúp kiến tạo Trung Đông hiện đại, định hình nên thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Phạm vi rộng hơn này cũng cho phép Anderson truy tìm nguồn gốc của những rạn nứt chính trị ngày nay, bao gồm xung đột Ả-rập - Do Thái, chủ nghĩa Hồi giáo và vai trò của ngành dầu khí ở Trung Đông.

Dựa trên nhiều năm nghiên cứu tài liệu sơ cấp chuyên sâu, Lawrence xứ Ả-rập đã ghi lại trọn vẹn cách sự điên rồ của quá khứ tạo ra nỗi thống khổ của hiện tại, đồng thời cung cấp bối cảnh có giá trị cho câu chuyện về T.E. Lawrence. Đây là một trong những cuốn sách lịch sử khách quan, toàn diện, dễ đọc và có ảnh hưởng nhất về lịch sử Trung Đông; một tài liệu tham khảo thiết thực cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm đến lịch sử Trung Đông nói riêng, lịch sử thế giới nói chung.

Lawrence xứ Ả-rập cũng là cuốn sách đầu tiên mở đầu cho Tủ sách Lịch sử Trung Đông của Omega Plus.

ND

Lễ hội hoa Tớ dày Mù Cang Chải

Lễ hội hoa Tớ dày với chủ đề “Sắc thắm Tớ dày Mù Cang Chải” sẽ khai mạc vào tối 24/12, tại trung tâm thị trấn Mù Cang Chải. Đây là lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ hội này.

Bên sắc hoa Tớ dày.

hó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lương Thị Xuyến cho biết, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc thắm Tớ dày Mù Cang Chải” khai mạc vào 19 giờ 30 phút ngày 24/12 tại thị trấn Mù Cang Chải.

Chương trình có các tiết mục nghệ thuật biễu diễn “Người H’Mông xuống phố vui xuân”; thực cảnh giới thiệu tổng quan về huyện vùng cao Mù Cang Chải, những tiềm năng du lịch, định hướng phát triển; quảng bá, giới thiệu giá trị về ruộng bậc thang, kết tinh văn hóa lễ hội, nét đẹp độc đáo của hoa Tớ dày...

Trong khuôn khổ Lễ hội, nhiều hoạt động phụ trợ được tổ chức như: Triển lãm ảnh nghệ thuật “Sắc thắm hoa Tớ dày”; giải đánh quay người H’Mông huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất; hội chim chào mào; lễ hội giã bánh dày với 28 đội thi thuộc 14 xã, thị trấn tham gia.

Với “Hành trình săn mây - Khám phá hoa Tớ dày Mù Cang Chải”; các du khách được các tour du lịch trải nghiệm ngắm hoa Tớ dày tại đỉnh Lùng Cúng (xã Nậm Có), đèo Khau Phạ, đỉnh Trống Páo Sang, Trống Tông (xã La Pán Tẩn), Háng Gàng (xã Lao Chải)…

 

Lễ hội hoa Tớ dày gắn với các hoạt động lễ hội mừng Đảng, mừng xuân, các lễ hội đầu xuân của dân tộc H’Mông nhằm giới thiệu, tôn vinh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích góp phần xây dựng huyện Mù Cang Chải là điểm đến “xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”.

Lễ hội hoa Tớ dày Mù Cang Chải diễn ra từ ngày 24/12/2022 đến ngày 2/1/2023.

https://nhandan.vn/le-hoi-hoa-to-day-mu-cang-chai-post730790.html

Chuỗi hoạt động kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"

Chuỗi hoạt động kéo dài từ nay đến hết ngày 25/12 nhằm tuyên truyền sâu rộng về “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng lịch sử thể hiện sâu sắc ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh lễ khai mạc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 16/12, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng B52-Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khai mạc trưng bày, giới thiệu các hiện vật, hình ảnh có liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”(18/12/1972-18/12/2022) và 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trưng bày giới thiệu nhiều tư liệu, hiện vật về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân Thủ đô cách đây 50 năm, với ba phần nội dung: Âm mưu của Mỹ; Tội ác của Mỹ; Quân dân Thủ đô chiến đấu. Thông qua tưng bày, người dân Thủ đô và du khách hiểu hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ và sự quả cảm của quân, dân Hà Nội trong chiến đấu, đặc biệt là 12 ngày đêm chiến đấu chống lại B.52 bảo vệ Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết những hiện vật giới thiệu tại đây góp phần nhắc nhớ những ký ức hào hùng của quân, dân Thủ đô, chiến thắng góp phần tạo bước ngoặt lịch sử cho Hà Nội và đất nước.

Cùng với rất nhiều hoạt động hưởng ứng đã và đang diễn ra trên toàn thành phố, trưng bày hy vọng trở thành nơi giáo dục truyền thống, nêu cao niềm tự hào, tình yêu dành cho Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.

Sự kiện cũng mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm được tổ chức trong không gian Phố cổ, phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, như: Chiếu phim tư liệu “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972” tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm; trưng bày 50 bức ảnh tư liệu đen trắng về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô Hà Nội tại khu vực phố đi bộ đối diện đền Vua Lê; biểu diễn nghệ thuật “Giai điệu hòa bình” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.

Hiện vật được trưng bày tại triển lãm (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chuỗi hoạt động sẽ kéo dài đến hết ngày 25/12, nhằm tuyên truyền sâu rộng về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng lịch sử, có ý nghĩa thời đại thể hiện sâu sắc ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của quân và dân ta, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam./.

Nguồn: Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/chuoi-hoat-dong-ky-niem-chien-thang-ha-noidien-bien-phu-tren-khong/836336.vnp

Sách, báo - nguồn tri thức vĩ đại

Thông tin từ sách đã giúp cho các chiến sỹ không quân Việt Nam làm nên chiến thắng 50 năm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Đây là chia sẻ của Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá và Thể thao tại buổi Giao lưu nhân chứng - sự kiện Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" do Thư viện Hà Nội và Liên chi hội nhà báo TT&TT tổ chức ngày 14/12/2022.

Hãy đọc sách bất cứ lúc nào có thể

Xúc động nhớ lại những ngày "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho biết cuộc giao lưu và trưng bày sách, báo "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tại quận Đống Đa rất có ý nghĩa, nơi trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không nhiều lần dội mưa bom, bão đạn với nhiều địa điểm bị đánh phá mang tính chất huỷ diệt như Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên… 

"Nhiều cuốn sách, trang báo, bức tranh của các em nhỏ hôm nay về cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội, quân dân miền Bắc nói chung trong cuộc chiến đấu chống Đế quốc Mỹ phá hoại bằng không quân cho chúng ta thêm niềm tự hào, nhớ lại những năm tháng không thể nào quên".

Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (giữa) và các đại biểu tại buổi trưng bày sách, báo "Vang mãi bản hùng ca Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tại nhà văn hoá quận Đống Đa

Để dành được chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ trên không, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho biết Không quân Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước dự báo, miền Bắc có thể bị tập kích, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài đã yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về máy bay B52 và đã ra được một tập sách được gọi là cẩm nang đánh máy bay B52. Cuốn sách được thông qua tại một Hội nghị của Quân chủng Phòng không - Không quân. "Cuốn sách tuy đơn giản nhưng là cẩm nang đầu tiên, là một trong những yếu tố để chúng ta chiến thắng chiến lược tập kích B52 của Không quân Mỹ", Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho biết.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải cũng chia sẻ sách, báo quý giá lắm và ông kể: "Thời trước khi vào bộ đội, đi B, thanh niên chúng tôi thời bấy giờ được đọc những cuốn sách như "Ruồi Trâu", "Bất khuất", hay cuốn "Từng từng lớp lớp" nói về thanh niên chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ… Khi vào chiến trường thì không thể mang theo sách vì thời kỳ đó "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", nên sách được để vào trong lòng, trong tim. Nhưng sau thời chúng tôi, nhiều anh em bộ đội đã được mang theo sách, trong đó có cả truyện Kiều".

"Sách rất quý, là tri thức của nhân loại, trong khi báo chí là người thư ký ghi lại công việc hàng ngày của xã hội. Sách, báo là kho tri thức, cái kho thông tin về ứng xử về văn hoá, xử lý công việc, dạy chúng ta về cuộc sống. Sách chính là vốn sống. Mỗi một trang sách, một bài báo… đều mang lại thông tin bổ ích cần thiết, là sản phẩm văn hoá, kết nối giữa quá khứ và hiện tại", người lính và nhà báo Phan Khắc Hải chia sẻ.

Ông cũng cho biết Hội nghị Trung ương vừa diễn ra đề cập đến vấn đề văn hoá, trong đó có vấn đề đọc sách, báo. Còn Bác Hồ đã từng nói sách, báo là văn hoá, "văn hoá soi đường cho quốc dân đi". Không có sách, không có báo thì không có văn hoá. Còn Lê-nin nói rằng không có sách thì không có chủ nghĩa xã hội.

"Hiện nay, sách, báo rất phát triển, có nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và nhưng bất cứ thời kỳ nào, sách, báo in vẫn là bạn đồng hành của mỗi người muốn tiến bộ, có giá trị riêng của nó. Sách, báo được đặt trên kệ các thư viện và sẽ luôn ở mãi với nhân loại".

Theo đó, Thiếu tướng Phan Khắc Hải mong muốn: "Các bạn trẻ hôm nay sống trong không khí hoà bình của đất nước hãy dành thời gian tổi thiểu trong ngày để đọc sách, báo. Sách, báo là tri thức của nhân loại, của Việt Nam. Thế hệ trẻ hãy tranh thủ nhất để đọc. Nếu ai bỏ đọc thì là điều đáng tiếc".

Thêm yêu Hà Nội qua những trang sách

Chia sẻ quan điểm với Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, giúp cho thế giới xích lại gần nhau. Trong các loại hình truyền thông ấy, sách báo là một loại hình vô cùng quan trọng, nó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là cầu nối tri thức cho tất cả mọi người. Trong cuộc triển lãm sách, báo hôm nay, chúng ta vô cùng cảm phục và tự hào đối với đất nước, đặc biệt tự hào đối với Thủ đô Hà Nội".


Đông đảo cán bộ, chiến sỹ, các em học sinh đến với trưng bày sách, báo và buổi Giao lưu nhân chứng - sự kiện Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Những ngày này cách đây hơn 50 năm trước, Thủ đô Hà Nội đang sục sôi đánh Mỹ, những trang sách báo bày ra trong buổi triển lãm, theo Giám đốc Thư viện Hà Nội, sẽ làm cho chúng ta hiểu thêm về Hà Nội, yêu Hà Nội, tự hào về Hà Nội, tự hào về đất nước Việt Nam của chúng ta. "Hãy tìm đọc những trang sách, tin bài vô cùng quý giá này".

Nhà báo Trần Bình Tám và bác Phùng Đệ, một trong những Vệ Út tham gia giữ thành Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946, một trong những nhân chứng về "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tham gia buổi giao lưu

Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT Trần Bình Tám chia sẻ thêm trước đây điện thoại không phổ biến, liên lạc chủ yếu qua những cánh thư phải gửi mất vài tháng, có khi cả năm mới đến người nhận. "Thời đại bùng nổ thông tin diễn ra nhanh chóng, hiện đại làm thế giới xích lại gần nhau nhưng sách, báo, trang văn, thơ, văn hoá dân tộc, lời ru của mẹ… sẽ nuôi dưỡng tinh thần của mỗi chúng ta".

"Nhiều chiến sỹ đi vào chiến trường đã mang theo truyện Kiều, "Thép đã tôi thế đấy", thơ Tố Hữu. Những bạn trẻ hôm nay hãy trận trọng những cuốn sách, báo để lại, hãy đến các bảo tàng để xem nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn về đất nước, cha ông đánh giặc, truyền thống lịch sử, văn hoá. Đây là những điều sẽ nuôi dưỡng tâm hồn các bạn trẻ", nhà báo Trần Bình Tám xúc động chia sẻ./.

Nguồn: ictvietnam.vn