Sách, báo - nguồn tri thức vĩ đại

Thông tin từ sách đã giúp cho các chiến sỹ không quân Việt Nam làm nên chiến thắng 50 năm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Đây là chia sẻ của Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá và Thể thao tại buổi Giao lưu nhân chứng - sự kiện Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" do Thư viện Hà Nội và Liên chi hội nhà báo TT&TT tổ chức ngày 14/12/2022.

Hãy đọc sách bất cứ lúc nào có thể

Xúc động nhớ lại những ngày "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho biết cuộc giao lưu và trưng bày sách, báo "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tại quận Đống Đa rất có ý nghĩa, nơi trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không nhiều lần dội mưa bom, bão đạn với nhiều địa điểm bị đánh phá mang tính chất huỷ diệt như Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên… 

"Nhiều cuốn sách, trang báo, bức tranh của các em nhỏ hôm nay về cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội, quân dân miền Bắc nói chung trong cuộc chiến đấu chống Đế quốc Mỹ phá hoại bằng không quân cho chúng ta thêm niềm tự hào, nhớ lại những năm tháng không thể nào quên".

Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (giữa) và các đại biểu tại buổi trưng bày sách, báo "Vang mãi bản hùng ca Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tại nhà văn hoá quận Đống Đa

Để dành được chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ trên không, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho biết Không quân Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước dự báo, miền Bắc có thể bị tập kích, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài đã yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về máy bay B52 và đã ra được một tập sách được gọi là cẩm nang đánh máy bay B52. Cuốn sách được thông qua tại một Hội nghị của Quân chủng Phòng không - Không quân. "Cuốn sách tuy đơn giản nhưng là cẩm nang đầu tiên, là một trong những yếu tố để chúng ta chiến thắng chiến lược tập kích B52 của Không quân Mỹ", Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho biết.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải cũng chia sẻ sách, báo quý giá lắm và ông kể: "Thời trước khi vào bộ đội, đi B, thanh niên chúng tôi thời bấy giờ được đọc những cuốn sách như "Ruồi Trâu", "Bất khuất", hay cuốn "Từng từng lớp lớp" nói về thanh niên chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ… Khi vào chiến trường thì không thể mang theo sách vì thời kỳ đó "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", nên sách được để vào trong lòng, trong tim. Nhưng sau thời chúng tôi, nhiều anh em bộ đội đã được mang theo sách, trong đó có cả truyện Kiều".

"Sách rất quý, là tri thức của nhân loại, trong khi báo chí là người thư ký ghi lại công việc hàng ngày của xã hội. Sách, báo là kho tri thức, cái kho thông tin về ứng xử về văn hoá, xử lý công việc, dạy chúng ta về cuộc sống. Sách chính là vốn sống. Mỗi một trang sách, một bài báo… đều mang lại thông tin bổ ích cần thiết, là sản phẩm văn hoá, kết nối giữa quá khứ và hiện tại", người lính và nhà báo Phan Khắc Hải chia sẻ.

Ông cũng cho biết Hội nghị Trung ương vừa diễn ra đề cập đến vấn đề văn hoá, trong đó có vấn đề đọc sách, báo. Còn Bác Hồ đã từng nói sách, báo là văn hoá, "văn hoá soi đường cho quốc dân đi". Không có sách, không có báo thì không có văn hoá. Còn Lê-nin nói rằng không có sách thì không có chủ nghĩa xã hội.

"Hiện nay, sách, báo rất phát triển, có nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và nhưng bất cứ thời kỳ nào, sách, báo in vẫn là bạn đồng hành của mỗi người muốn tiến bộ, có giá trị riêng của nó. Sách, báo được đặt trên kệ các thư viện và sẽ luôn ở mãi với nhân loại".

Theo đó, Thiếu tướng Phan Khắc Hải mong muốn: "Các bạn trẻ hôm nay sống trong không khí hoà bình của đất nước hãy dành thời gian tổi thiểu trong ngày để đọc sách, báo. Sách, báo là tri thức của nhân loại, của Việt Nam. Thế hệ trẻ hãy tranh thủ nhất để đọc. Nếu ai bỏ đọc thì là điều đáng tiếc".

Thêm yêu Hà Nội qua những trang sách

Chia sẻ quan điểm với Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, giúp cho thế giới xích lại gần nhau. Trong các loại hình truyền thông ấy, sách báo là một loại hình vô cùng quan trọng, nó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là cầu nối tri thức cho tất cả mọi người. Trong cuộc triển lãm sách, báo hôm nay, chúng ta vô cùng cảm phục và tự hào đối với đất nước, đặc biệt tự hào đối với Thủ đô Hà Nội".


Đông đảo cán bộ, chiến sỹ, các em học sinh đến với trưng bày sách, báo và buổi Giao lưu nhân chứng - sự kiện Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Những ngày này cách đây hơn 50 năm trước, Thủ đô Hà Nội đang sục sôi đánh Mỹ, những trang sách báo bày ra trong buổi triển lãm, theo Giám đốc Thư viện Hà Nội, sẽ làm cho chúng ta hiểu thêm về Hà Nội, yêu Hà Nội, tự hào về Hà Nội, tự hào về đất nước Việt Nam của chúng ta. "Hãy tìm đọc những trang sách, tin bài vô cùng quý giá này".

Nhà báo Trần Bình Tám và bác Phùng Đệ, một trong những Vệ Út tham gia giữ thành Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946, một trong những nhân chứng về "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tham gia buổi giao lưu

Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT Trần Bình Tám chia sẻ thêm trước đây điện thoại không phổ biến, liên lạc chủ yếu qua những cánh thư phải gửi mất vài tháng, có khi cả năm mới đến người nhận. "Thời đại bùng nổ thông tin diễn ra nhanh chóng, hiện đại làm thế giới xích lại gần nhau nhưng sách, báo, trang văn, thơ, văn hoá dân tộc, lời ru của mẹ… sẽ nuôi dưỡng tinh thần của mỗi chúng ta".

"Nhiều chiến sỹ đi vào chiến trường đã mang theo truyện Kiều, "Thép đã tôi thế đấy", thơ Tố Hữu. Những bạn trẻ hôm nay hãy trận trọng những cuốn sách, báo để lại, hãy đến các bảo tàng để xem nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn về đất nước, cha ông đánh giặc, truyền thống lịch sử, văn hoá. Đây là những điều sẽ nuôi dưỡng tâm hồn các bạn trẻ", nhà báo Trần Bình Tám xúc động chia sẻ./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Tin nổi bật