Syndicate content

Chuyện dọc đường

Vẻ đẹp Nga

Đất nước Nga mênh mông, hùng vĩ, đẹp tuyệt vời làm say đắm bao người. Bốn mùa chuyển xoay, khuôn mặt thiên nhiên Nga cũng thay đổi, muôn hình muôn vẻ.

Vẻ đẹp sâu lắng của nước Nga đã đi vào các bức tranh tuyệt tác của danh họa Levitan, khiến những bức tranh này trở thành các họa phẩm bất hủ. Nền hội họa Nga tự hào với danh họa Isaac Ilyich Levitan (30/8/1860 - 4/8/1900). Tranh ông đi vào lòng người bởi thiên nhiên dường như có tâm hồn, tâm hồn Nga, vẻ đẹp Nga.

Nhân dịp “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam”, ICTPress xin gợi nhớ lại vẻ đẹp Nga và tình cảm yêu mến đối với nước Nga của các độc giả qua hình ảnh một số họa phẩm nổi tiếng của danh họa Levitan.

Bức tranh: Con nước mùa xuân
Bức tranh: Tháng ba
Bức tranh: Sự tĩnh lặng
Bức tranh: Nước sâu
Bức tranh: Rừng Bạch dương
Bức tranh: Hoàng hôn, đồng cỏ khô
Bức tranh nổi tiếng: Mùa thu vàng

 Hiền Minh

Tour lưu diễn của ban nhạc Aufbau West tại Việt Nam bắt đầu từ 12/11

(ICTPress) - Tour diễn sẽ bắt đầu vào ngày hôm nay 12/11.

Nhạc trẻ Đức bắt đầu đến Việt Nam với Ban nhạc Fotos từ Hamburg đã có buổi biểu diễn vào năm ngoái 2012, và năm nay chúng ta sẽ đón chào ban nhạc AUFBAU WEST- nhóm nhạc rất trẻ với các thành viên đến từ Münster, Berlin và thị trấn Erwitte vùng Westfalen.

AUFBAU WEST sẽ cống hiến hai buổi biểu diễn tại Hà Nội vào các ngày 12/11 ở Nhà hát Tuổi trẻ và 16/11 trong khuôn khổ Lễ hội Đức, cùng hai buổi biểu diễn ngoài trời tại Nhà hát Tháng Tám, Hải Phòng vào 14 tháng 11 và Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 1, TP.HCM vào 19 tháng 11.

Riêng ngày 16/11, tại khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), Lễ hội Đức với khẩu hiệu “Nước Đức khám phá và trải nghiệm” sẽ được diễn ra với rất nhiều hoạt động đa dạng thú vị như chơi trò chơi, âm nhạc, nghe thuyết trình, cung cấp thông tin… cùng với sự tham gia của ban nhạc Aufbau West.

Aufbau West là một cái tên khá mới mẻ, gồm 4 thành viên Florian Berres, Jendrik Leismann, Martin Kuntze và Sebastian Goedde. Họ đều là những chàng trai rất trẻ, tình cờ gặp nhau bên hồ bơi khi đang cùng bơi ngửa và sau đó quyết định thành lập ban nhạc. Với nhiệt huyết, khát khao cùng với những ca khúc ấn tượng, ban nhạc đã khẳng định được mình như một cái tên không thể thiếu trong nền âm nhạc Đức. Đây cũng là lần đầu tiên Aufbau West đến với Việt Nam và ca khúc “Vietnam” là một trong số những bài hát đặc biệt mà họ sẽ dành để biểu diễn cho người hâm mộ Việt Nam. 

Đây là chuỗi các hoạt động của Đại sứ quan Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp với Viện Goethe nhằm giới thiệu và quảng bá về hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Đức. Đồng thời qua đây thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên, những người yêu tiếng Đức sẽ có cơ hội giao lưu, trò chuyện nhằm nâng cao trình độ, hiểu biết về ngôn ngữ này.

 Lịch lưu diễn:

12.11.2013, 19h00

Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội

14.11.2013, 19h00

Nhà hát Tháng 8, 117 Đinh Tiên Hoàng, Hồng Bàng, Hải Phòng

16.11.2013, 18h00

Bảo tàng Lịch sử, 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội

19.11.2013, 19:00

Nhà Văn hóa Thanh niên, 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh

 Bảo Ngọc

Món áo "kho"

Tôi và Kỳ là hai thằng bạn chí cốt từ nhỏ đến bây giờ. Chúng tôi vào lớp một năm 1982 tại Trường Tiểu học số 1 Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam. Thời bao cấp, cả xã hội đều khó khăn. Lúc đó, chúng tôi thường mặc chung quần áo để đi học. Nhờ mặc chung nên đứa nào cũng được ba bộ để thay qua thay lại.

Thực ra, mỗi đứa chỉ có một bộ do mẹ mua thôi. Bộ thứ ba là đồ cũ của bố thằng Kỳ do mẹ tôi thấy còn dùng được nên đem về sửa lại cho chúng tôi mặc. Lúc đó, chúng tôi phải áp dụng sáng kiến kho đồ. Kho đồ tức là khi đồ mới giặt muốn nhanh khô thì bắc cái nồi đất lên bếp rồi bỏ đồ vào, sau đó dùng cây trở qua trở lại chỉ cần khoảng 5 phút là đồ khô ngay.

Một hôm, củi ướt quá nên cháy ít. Phải hì hục thổi thì mới bén lửa lên một tí. Thế là chúng tôi vừa để cái áo kho trên bếp vừa tranh thủ chơi cờ tướng. Cờ tướng của chúng tôi lúc đó là những nhánh cây được chặt ngang rồi viết bằng mực lên đó nào là tướng, xe, pháo… Còn bàn cờ thì được vẽ ngay dưới nền đất bằng que tre chứ không có giấy mực nào hết.

Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: Internet)

Đang mải mê đánh cờ thì nghe mùi khét.

- Chết. Áo cháy rồi Quang ơi - Kỳ đứng bật dậy chạy đến bếp.

Nhưng không kịp. Cái áo đã bị cháy sém ngay hai cầu vai, khét lẹt. Hai đứa vừa tiếc chiếc áo vừa sợ ăn đòn. Chiều về, tôi bị mẹ mắng cho một trận ra hồn nhưng tối hôm đó mẹ lại chong đèn dầu vá áo đến khuya.

Sáng mai, Kỳ vừa tới nhà, tôi liền khoe:

- Tốt rồi mày ơi. Mẹ tao mắng quá chừng nhưng vá áo lại rồi. Mày xem nè.

Kỳ vui hẳn lên. Cậu cầm chiếc áo nhìn ngắm cẩn thận rồi trầm trồ khen má tôi khéo vá quá.

Chợt Kỳ dừng lại:

- Nhưng… - Kỳ ngập ngừng. Nhưng vậy là mình mặc chung không được rồi. Vì lên lớp thầy cô và mấy bạn biết liền!

Ồ thì ra là vậy vì cái áo đã bị đánh dấu bằng hai miếng vá. Thế là hai đứa cứ nhường nhau không đứa nào chịu nhận áo.

- Hay là mình chơi oanh tù tì. Thằng nào thắng thì lấy mặc luôn.

- Hì hì. Đúng.

Hai đứa tôi oanh tù tì và Kỳ thắng.

- Thôi, tao nói vậy chứ mày lấy mặc đi vì mẹ mày bỏ công vá áo cả đêm mà – Kỳ không chịu nhận áo.

- Không. Đã giao kèo rồi mà. Để tao nói mẹ.

Thế là tối đó tôi về kể lại và xin mẹ.

- Đúng rồi. Con phải đưa áo đó cho Kỳ mặc. Sống là phải quân tử chứ, con trai!

Nghe vậy, tôi mừng rơn dù lúc đó không hiểu ý nghĩa từ quân tử là gì.

Thế là tôi chỉ còn mặc được hai cái áo thôi. Nhưng chúng tôi vẫn rất vui vẻ cùng đi học và tháng nào cũng thay phiên dẫn đầu lớp.

Lên cấp 2, cấp 3, rồi đại học, chúng tôi vẫn đều học chung trường, tuy có lúc khác lớp. Hai đứa vẫn đi chung một chiếc xe đạp hằng ngày.

Bây giờ cả hai đều là kỹ sư, tuy không khá giả hơn ai nhưng đối với chúng tôi đó là một thành quả đáng tự hào. Hai đứa đều thích sống giản dị một phần cũng nhờ xuất phát từ miền quê nghèo khó và câu chuyện món áo kho làm chúng tôi không bao giờ quên được. Đôi khi vui vẻ, anh em kéo vào quán, Kỳ lại tếu táo gọi món áo kho thì chủ quán chỉ biết ngơ ngác nhìn còn chúng tôi được một tràng cười vỡ bụng.

Trịnh Quang

Bài viết đạt giải Nhì cuộc thi viết “Ký ức học trò”
do báo Người Lao động tổ chức từ 19-9-2012 đến 31-8-2013

Life & English: “Pieces of life”

“Pieces of life” is name of the art exhibition of portrait, self-portrait and cartoon works featuring life of people in Hanoi.

The art exhibion is organized from 15 November to 04 December 2013 at L’Espace, 24 Trang Tien str., Hanoi with the participation of many artists.

"Pieces of life" is interesting views of life. Let come and see and feel.

 (Source: http://www.ifhanoi-lespace.com)

Đọc Tuổi thơ dữ dội, thấy mình cần sống có ích hơn

Gập lại cuốn sách này đã khoảng 1 năm nay, nhưng hình ảnh những người chiến sỹ Vệ Quốc Đoàn như vẫn còn sống mãi trong tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ đan xen với niềm tự hào.

Có lẽ đây là cuốn truyện hay nhất mà tôi đã đọc. Nhiều trang sách đã khiến tôi cũng như tất cả những ai đã từng đọc đều phải rơi nước mắt, nhưng tôi nghĩ, những giọt nước mắt đó rơi xuống hoàn toàn xứng đáng bởi nhà văn Phùng Quán đã tái hiện một cách hết sức chân thực và cảm động về tuổi thơ của những em nhỏ tham gia Vệ Quốc Đoàn.

Các em đều là những thiếu niên tuổi đời chưa đầy 14, 15, có những em chỉ mới 11, 12 nhưng đã hăng hái tham gia kháng chiến cứu nước, mang theo vào chiến trường ác liệt cái sự hồn nhiên, ngây thơ đến trong sáng của tuổi nhỏ mà đằng sau đó là sự gan dạ, anh dũng, tinh thần trách nhiệm cao với mọi công việc mà tổ chức giao phó.

Đó là tất cả những gì tôi đọc được từ cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán.

Các bạn có biết tôi đã khóc rất nhiều từ khi đọc cuốn sách này không? Tôi khóc vì cảm động trước lòng hiếu thảo của Mừng với mẹ. Em đã trèo lên tất cả các ngọn cây bút bút cao nhất của thành phố với mong muốn tìm được lá tầm gửi để chữa bệnh hen suyễn đã hành hạ mẹ em suốt bao năm trời. Em không hề sợ cây cao sẽ ngã, trong đầu em chỉ biết rằng, chỉ cần tìm được lá tầm gửi này là mẹ em sẽ hết bệnh như lời của cụ già trong làng đã nói với em. Và bằng mọi cách, em vẫn luôn giữ nó thật chặt bên mình, để mong một ngày gặp lại mẹ, để mẹ khỏi bệnh.

Tôi khóc khi Vịnh bị bọn giặc bắn chết và treo thân thể em lên, nhưng em đã hy sinh một cách vinh quang khi trèo lên cột thu lôi để bắn tín hiệu cho đồng đội ở trạm quan sát, để rồi khi đọc những lời của Đại đội trưởng nói về em: “Đứa em trai thân yêu, người đồng đội nhỏ tuổi của chúng ta tuy đã hi sinh nhưng hiện vẫn còn đứng sừng sững trên đầu bọn giặc nước! Em đứng để làm chuẩn cho các đồng chí bắn trúng, và để nhìn chúng ta chiến đấu”. Vịnh hy sinh nhưng tư thế hiên ngang lẫm liệt của em đã được lửa đạn của cuộc chiến khắc lên, và mãi mãi tạc ghi trong lòng ta.

Tôi khóc khi anh Đồng râu bị bọn giặc giết chết, các anh bị bêu ở đầu Đập Đá suốt 3 ngày đêm cho tới khi gần thối rữa mới đem chôn. Anh hy sinh khi cuộc kháng chiến còn chưa thắng lợi “mắt anh mở to bất động”.

Tôi khóc khi tiếng hát của Quỳnh sơn ca bật lên giữa chiến trường, khi em quyết định không trở về với gia đình, sống một cuộc sống giàu sang mà đứa trẻ nào cũng mong muốn mà ở lại chiến trường chịu đựng tất cả sự hi sinh gian khổ cùng các bạn… và em đã mãi mãi nằm lại ở đó trong nỗi tiếc thương và bao đau đớn của đồng đội. Em ra đi nhưng tiếng hát của em vẫn còn vang mãi.

Tôi khóc trước sự gan dạ của Lượm khi ở trong nhà tù. Em không hề chùn chân trước bao cạm bẫy mà bọn Tây đã giăng ra. Em đã vượt ngục bằng tất cả sự thông minh của mình nhưng không thành. Em còn tự hào rằng, cha của em cũng là cộng sản và đã 5 lần vượt ngục. Chính lòng tự hào ấy đã khiến em không hề nao núng, em không hề khai một nửa lời dù bị bọn chúng tra tấn, hành hạ dã man.

Tôi vỡ òa trong tiếng khóc khi Mừng bị nghi oan, vừa giận vừa thương em, chỉ vì em còn ngây thơ quá, em đã bị Kim điệu - một người đồng đội phản bội lừa một cách trắng trợn. Để rồi khi đọc đến những trang viết cuối cùng, trước khi chết, em vẫn cố nói vào điện đàm: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí”. Đó là lời khẩn cầu tha thiết nhất của người chiến sỹ vừa tròn 13 tuổi đời. Thật nghẹn ngào sao!

Gập lại cuốn sách này đã khoảng 1 năm nay, nhưng hình ảnh những người chiến sỹ Vệ Quốc Đoàn như vẫn còn sống mãi trong tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ đan xen với niềm tự hào. Tôi nghĩ rằng, “liệu mình sinh ra trong thời loạn lạc như vậy thì mình có như các em ấy được không?”. Tôi thấy mình cần phải sống có ích hơn nữa bởi cuộc sống của tôi giờ đây hạnh phúc và tự do. Điều đó đã phải đánh đổi bằng bao máu và nước mắt, bao gian khổ và hy sinh của bao người. Tôi biết rằng, có rất nhiều người đã từng đọc cuốn sách này nhưng còn những ai chưa đọc nó thì đừng ngần ngại, hãy đọc nó đi nhé. Nó sẽ đem lại cho mỗi chúng ta bài học rất bổ ích, bạn sẽ nhận ra được bản thân mình và từ đó biết sống và hành động có ý nghĩa hơn.

 Đỗ Phương Anh (Lớp 9I trường Lê Ngọc Hân, Hà Nội)

Nguồn: Báo Phụ nữ Thủ đô

Tuần lễ phim Nhật Bản KIZUNA - Sự kết nối

(ICTPress) - Nhân dịp kỷ niệm Năm Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam 2013, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu đến công chúng chương trình Liên hoan Phim Nhật Bản: SỰ KẾT NỐI 2013 diễn ra từ ngày 13/11 - 15/12/2013 tại Hà Nội, Đà Nẵng và Vũng Tàu.

Liên hoan phim năm 2013 sẽ giới thiệu những bộ phim Nhật Bản với chủ đề “KIZUNA”, chủ đề của Năm Hữu nghị. KIZUNA theo nghĩa đen trong tiếng Nhật nghĩa là sự kết nối và là từ tượng trưng cho ý nghĩa quan trọng của các mối quan hệ và tình hữu nghị.

8 bộ phim trình chiếu năm nay gồm có Gia đình Tokyo (đạo diễn Yoji Yamada/ 2013), Mộ Đom đóm (đạo diễn Isao Takahata / 1988), Một ngày nào đó (đạo diễn Junji Sakamoto / 2011), Tái sinh (đạo diễn Izuru Narushima/ 2011), Chú chó ngắm sao (đạo diễn Tomoyuki Takimoto / 2011), Chiến binh Ronin cuối cùng (đạo diễn Shigemichi Sugita/ 2010), Linda Linda Linda (đạo diễn Nobuhiro Yamashita/ 2005), Nửa lời thú tội (đạo diễn Kiyoshi Sasabe/ 2004). Đây là những bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản đã từng tham gia tại các liên hoan phim quốc tế và đạt những giải thưởng lớn. Nội dung từng phim và lịch chiếu phim ở các thành phố gửi đính kèm.

Phim "Chú chó ngắm sao"
Phim "Nửa lời thú tội"
Chiến binh "Ronin cuối cùng"
Phim "Mộ Đom đóm"
Phim "Linda Linda Linda"
Phim "Một ngày nào đó"
Phim "Tái sinh"
Phim "Gia đình Tokyo"

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, phim sẽ được trình chiếu với phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, phim được trình chiếu với phụ đề tiếng Anh và thuyết minh tiếng Việt.

Thông tin chi tiết về Liên hoan phim:

Đà Nẵng: Ngày 6 - 8 tháng 12 năm 2013 tại Rạp Lê Độ (46 Trần Phú, Q. Hải Châu, Đà Nẵng)

9:00 - 18:00 / Thứ hai - chủ nhật / bắt đầu từ ngày 27/11/ 2013, phát vé miễn phí tại Rạp Lê Độ.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngày 13 – 15 tháng 12 năm 2013, tại Rạp Bà Rịa (Đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa): Sáng 7:30 – 11:00 / Chiều 13:30 – 17:00 / Thứ hai - thứ sáu. Bắt đầu từ ngày 4/12/2013. Vé được phát miễn phí tại Rạp Bà Rịa.

Bảo Ngọc

10 điều chưa biết về nhà thiết kế nổi tiếng Jony Ive của Apple

(ICTPress) - Jony Ive có niềm đam mê về những chiếc ô tô tốc độ nhưng đầu những năm 2000 sở thích này suýt làm Ive thiệt mạng.

Jony Ive (Ảnh: abcnews)

Sau một loạt các thành công sớm với cương vị trưởng nhóm thiết kế của Apple, Ive đã mua một chiếc Aston Martin DB9, và bị tai nạn ngay sau đó 1 tháng cùng với một thành viên của nhóm thiết kế. Cả hai đã suýt thiệt mạng. Phản ứng của Apple trước việc này là tăng lương lớn cho Ive. Rõ ràng vụ đụng xe này đã giấy lên một cảnh báo Ive có giá trị lớn với Apple như thế nào.

Đây là một trong nhiều chi tiết mới về nhà thiết kế Apple khá bí ẩn được tìm thấy trong cuốn Jony Ive: The Genius Behind Apple's Greatest Products (tạm dịch: “Jony Ive: thiên tài đằng sau những sản phẩm lớn nhất của Apple), một cuốn sách sắp ra mắt của Leander Kahney, được dựa trên nghiên cứu và các phỏng vấn với các cựu nhân viên thiết lế và lãnh đạo của Apple. Một tiểu sử không chính thức sẽ hé lộ về thời đi học, các cảm hứng thiết kế và những xung đột thỉnh thoảng xảy ra với các lãnh đạo tại Apple.

Ive đã làm việc thân cận với đồng sáng lập Steve Jobs trong nhiều năm, giúp sáng tạo các sản phẩm phần cứng đã xoay chuyển Apple từ một công ty trên bờ phá sản thành một doanh nghiệp giá trị nhất trên thế giới. Trong thời kỷ hậu Steve Jobs, sức mạnh của Ive tại Apple đã tăng lên khi Ive lãnh đạo thiết kế phần cứng và phần mềm. Tuy vậy, Ive thường đứng ngoài sự chú ý trừ một số các video được quay trước hiếm hoi tại các sự kiện công bố sản phẩm của Apple.

Tim Cook có thể là lãnh đạo Apple, nhưng Ive là linh hồn. Với ý tưởng đó, dưới đây là 10 điều chúng ta sẽ biết về linh hồn của Apple từ việc đọc cuốn sách.

1. Ive là phiên bản của cha mình, ông Mike Ive. Bố của Ive là một thợ bạc và đã giúp thiết kế ra một chương trình học thiết kế bắt buộc tại các trường học ở Vương quốc Anh, được đánh giá là đã tạo ra nhiều nhà thiết kế của Anh, trong đó có Jony.

2. Ive đã thiết kế điện thoại di động và thậm chí đồng hồ (có liên quan tới những đồn đại về đồng hồ thông minh iWatch) hồi còn là một học sinh. Như là một trong những giáo sư đã cho biết “Ive đã thiết kế một số điện thoại di động khá mỏng và chi tiết giống như các điện thoại thời nay, thậm chí trong khi vẫn là một học sinh.

3. Một trong những dự án đầu tiên sau đại học là thiết kế một toilet cho một khách hàng. Ive đã thất bại. Ive gia nhập công ty thiết kế mới khởi nghiệp Tangerine vào năm 1989 và được một khách hàng đề nghị thiết kế một toilet, chậu rửa trong phòng vệ sinh và bồn tắm. Khách hàng này đã từ chối các thiết kế của Ive bởi vì chúng “quá đắt để sản xuất”,

4. Ive suýt chút nữa đã rời bỏ Apple ngay trước khi Jobs trở lại công ty. Sếp mới của Ive là Jon Rubinstein, đã cổ vũ và thuyết phục Ive. “Chúng tôi đã nói với Ive là chúng tôi sẽ nỗ lực để phát triển công ty và chúng tôi từng mong muốn xoay chuyển công ty, chúng tôi sẽ làm nên lịch sử. Đó là những điều chúng tôi đã nói để giữ Ive ở lại Apple”, Rubinstein cho biết trong cuốn sách.

5. Ive đã là một người thuyết phục Apple chủ động với các sản phẩm màu trắng. Jobs ban đầu phản đối việc sử dụng màu trắng theo Doug Satzger, nhà thiết kế trước đây của Apple và chỉ được thuyết phục khi trình diễn một cái bóng khác được gọi là xám đục. “Phần lớn những thứ Ive đã làm trước đây ở trường thiết kế tại Anh là màu trắng, và Ive bắt đầu đưa màu trắng vào Apple”, Satzge cho biết trong cuốn sách.

6. Thích nhạc techno. Loại nhạc này thường được chơi tại xưởng thiết kế bí mật hàng đầu của Apple, được mô tả trong cuốn sách là một nơi ồn ào và “hỗn độn” của âm nhạc và các nhà thiết kế chơi trượt ván và đá bóng.

7. Ive có một văn phòng riêng trong xưởng thiết kế được mô tả là “khối kính lập phương” với một chiếc bàn, ghế và đèn và không có bức ảnh nào về gia đình. Xưởng thiết kế bản thân là nơi rất hạn chế thậm chí những lãnh đạo cấp cao của Apple như cựu giám đốc iOS Scott Forstall cũng không thể vào được bên trong.

8. Ive không được phép nói chuyện với vợ về những gì Ive đang làm. Không giống như các thành viên khác của nhóm, Ive không bao giờ cho phép con mình vào xưởng thiết kế.

9. Ive là một trong hai người Steve Jobs yêu cầu đến gặp sau khi trải qua phẫu thuật u tuyến tụy năm 2004. Người thứ hai là vợ của Jobs là Laurene.

10. Những người làm việc cho Ive cho biết Ive không muốn trở thành CEO của Apple. Một cựu thành viên thiết kế của nhóm thiết kế cho Kahney biết Jony không muốn quan tâm về mọi thứ điều hành công ty.

HY

Theo Mashable

“Chuyện kể về nước” - liên hoan phim và ý tưởng tại Hà Nội

(ICTPress) - Hai buổi tối 12 và 13/11 tại Hà Nội những bộ phim kể về nước với thông điệp một cái nhìn mới về những thách thức đối với phát triển sẽ được trình chiếu.

Trong khuôn khổ Năm Pháp Việt Nam - Năm Việt Nam Pháp 2013 - 2014 và nhân dịp Năm Quốc tế Hợp tác trong lĩnh vực Nước của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp ngữ tại Hà Nội hôm nay 6/11 đã thông báo hai sự kiện là trình chiếu và thảo luận cho công chúng về “Nước”, nguồn tài nguyên quý giá tại Việt Nam tại Hà Nội.

Thứ Ba, ngày 12/11: Buổi chiếu dành cho công chúng bắt đầu từ 18h:

Born Sweet,  phim tài liệu được Cynthia Wade thực hiện, được trao giải tại liên hoan phim Sundance, đã chỉ ra một cách xót xa hậu quả từ ô nhiễm nguồn nước tới cuộc sống của một cậu bé.

Bồn hoa chứa phiền muộn, Phim hoạt hình được Kelly Lippmann, Juliette Nadaud và Marc Antoine Bonniez thực hiện.

Nước nguồn tương lai cho Yahimba, Phim hoạt hình do AFD sản xuất về chủ đề nước.

Tuvalu, quần đảo chìm dần trong lòng đại dương, Phóng sự ảnh của nhiếp ảnh gia Laurent Weyl, về một quốc gia nhỏ sẽ biến mất trong chưa đầy một thế kỷ tới do sự nóng lên của trái đất.

Tiếp theo buổi trình chiếu là cuộc thảo luận với ông Rémi GENEVEY, Giám đốc AFD tại Việt Nam, ông Sylvain Ouillon, chuyên gia Viện Nghiên cứu vì Phát triển Pháp (IRD), và ông Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển môi trường bền vững (CETASD).

Thứ Tư, ngày 13/11: Buổi chiếu thiên về các khán giả trẻ bắt đầu từ 18 giờ:

Sự biến mất của mùa nước nổi, phim tài liệu Việt Nam, do VTC16 sản xuất, hợp tác với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn tài nguyên nước - WARECOD, nói về vấn đề biến đổi khí hậu và sự tác động tiêu cực của con người tới thiên nhiên.

Bồn hoa chứa phiền muộn, Phim hoạt hình được Kelly Lippmann, Juliette Nadaud và Marc Antoine Bonniez thực hiện.

Nước nguồn tương lai cho Yahimba, Phim hoạt hình do AFD sản xuất về chủ đề nước.

Tuvalu, quần đảo chìm dần trong lòng đại dương, Phóng sự ảnh của nhiếp ảnh gia Laurent Weyl, về một quốc gia nhỏ sẽ biến mất trong chưa đầy một thế kỷ tới do sự nóng lên của trái đất.

Tiếp theo buổi trình chiếu là cuộc thảo luận với ông Jean-Claude PIRES, Phó Giám đốc AFD tại Việt Nam, ông Olivier Tessier, Giám đốc Viện Viễn đông Bác Cổ và ông Đào Trọng Tứ, Đại diện Việt Nam tại Mạng lưới Cộng tác vì nước Đông Nam Á (GWP SEA).

Các bộ phim sẽ được trình chiếu miễn phí tại Trung tâm Văn hóa Pháp - ESPACE, 24 Tràng Tiền, Hà Nội với phụ đề tiếng Pháp và tiếng Việt. Dịch ca-bin Pháp Việt

Bà Lan Anh, Cơ quan phát triển Pháp cho biết việc tổ chức Liên hoan phim chuyên về nước với mong muốn phổ biến hơn nữa về nguồn tài nguyên quý hiếm này không chỉ muốn cảnh bảo về thiếu nước mà còn khơi nguồn cảm hứng cho công chúng hiểu biết hơn về nước, về những tác động đối với nguồn nước.

Liên hoan phim về nước tại Hà Nội là tiếp theo sự kiện này đã được tổ chức thành công tại TP. Hồ Chí Minh vào giữa tháng 10.

Minh Anh

Life & English: “Japan In Me”

In celebration of the Japan - Vietnam Friendship Year 2013, the Japan Foundation Center for Cultural Exchange inVietnam presents a lacquer painting exhibition “Japan In Me” by Saeko Ando in Hanoi.

Son Mai lacquer painting is a truly unique and original art form that is shared with the rest of the world by its Vietnamese creators. Saeko Ando, an artist from Japan - a country with a long and established lacquer tradition - has lived in Hanoi and pursued her passion as a Son Mai artist for 18 years and has mastered the art here in Vietnam.

Saeko’s works depict aspects of life in the natural world that people usually fail to notice. Her command of Son Mai techniques, use of rich colours and bold compositions, and creation of elaborate textures, enable her to transform these into enchanting characters each with their own stories.

She creates the illusion of texture using colours and materials that are built up in complex layers until they look almost three-dimensional. This layering suggests that traditional Son Mai paintings are impossible to sand to a flat finish, yet Saeko’s paintings are astonishingly flat. This is just one way in which she challenges established theory about Vietnamese lacquer work.

The exhibition is organized from 09 November  to 01 December  2013.

(Source: Japan Foundation Center for Cultural Exchange in Vietnam)

Hòa nhạc nhân kỷ niệm năm Wagner cùng 2 nghệ sỹ Đức

(ICTPress) - Năm nay thế giới âm nhạc cùng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Richard Wagner (1813 - 1883), cha đẻ của những vở nhạc kịch vĩ đại như Parzifal, Tristan Isolde hay chiếc nhẫn của Nibelung cũng là nghệ sỹ sáng tác các bài hát.

Tình yêu (không thành) đối với Mathilde Wesendonck, người vợ của Mäzen, đã tạo nguồn cảm hứng phổ nhạc cho những bài thơ mà bà đã sáng tác. Tuyển tập các bài hát Wesendonck của Richard Wagner được hai nhà soạn nhạc lớn khác đưa vào trong mối tương quan âm nhạc khá thú vị: đó là Franz Liszt, con gái Cosima của ông là người vợ thứ 2 của Richard Wagner, và Richard Strauss.

Những bài hát của Richard Wagner, Franz Liszt và Richard Strauss sẽ được Katharina Padrok (Nữ trung) và Boris Schönleber (dương cầm) biểu diễn vào ngày 10/11/2013, lúc 20h tại Viện Goethe Hà Nội.

Hai nghệ sỹ Boris Schönleber (dương cầm) và Katharina Padrok (Nữ trung)

Katharina Padrok 

Giọng nữ trung, lúc đầu cô học vi-ô-lông ở nhạc viện Hannover, sau đó cô học sư phạm thanh nhạc và sư phạm phổ thông âm nhạc tại trường nghệ thuật Berlin. Tiêt mục biểu diễn đơn ca của cô rất đa dạng và bao gồm rất nhiều các chương trình hát, nhạc đương đại và các bài tăng gô của Astor Piazzolla, những tác phẩm đã được cô phối lại với thể loại tango ergo theo một cách hấp dẫn và đưa vào các hoạt cảnh. Bên cạnh những buổi diễn của mình cô còn là giảng viên thanh nhạc tại nhạc viện ở Frankfurt cũng như tại trường nghệ thuật và âm nhạc Büdingen.

Boris Schönleber

Là một nghệ sỹ dương cầm tự do ở Berlin. Anh đã từng học ở Berlin với Alexander Malter và tham dự khóa học nâng cao của những nhà dương cầm có tiếng. Tháng 7 năm 1998 anh tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành biểu diễn tại trường nhạc kịch Guildhall ở Luân Đôn. Boris Schönleber hiện đang là nghệ sỹ độc tấu Piano, đệm đàn và nhạc công trong các buổi hòa nhạc tại Berlin và những thành phố khác.

Chương trình hòa nhạc:

Richard Strauss (1864-1949): Tất cả tâm trí tôi, Tình yêu của tôi, Bóng đêm, Ôi tâm hồn.

Franz Liszt (1811-1886): Sonetto del Petrarca Nr. 47, Độc tấu piano, Ba người Di gan, Niềm vui và nỗi buồn, Ông vua ở Thule, Trên đỉnh núi là sự bình yên.

Richard Wagner (1813-1883): Bản concerto Piano WWV 85 dành tặng Mathilde Wesendonck

Richard Wagner (1813-1883): Chùm bài hát Wesendonck, Thiên thần, Đứng yên, Trong nhà kính, Nỗi đau, Giấc mơ

Bên cạnh buổi hòa nhạc này hai nghệ sỹ sẽ giảng dạy lớp nâng cao cho các sinh viên khoa thanh nhạc của Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam từ ngày 11/11. – 15/11/2013.

Bảo Ngọc