Syndicate content

Chuyện dọc đường

Trải nghiệm ẩm thực đạt sao Michelin tại Không gian Ẩm thực Hà Nội năm 2023

Tóm tắt: 

Những nét tinh túy của các món ăn đã làm nên thương hiệu cho ẩm thực của thủ đô ngàn năm văn hiến, đặc biệt là những món ăn vừa nhận được giải thưởng Michelin danh giá, sẽ được gửi tới người dân và du khách tại Không gian Ẩm thực Hà Nội năm 2023.

Những nét tinh túy của các món ăn đã làm nên thương hiệu cho ẩm thực của thủ đô ngàn năm văn hiến, đặc biệt là những món ăn vừa nhận được giải thưởng Michelin danh giá, sẽ được gửi tới người dân và du khách tại Không gian Ẩm thực Hà Nội năm 2023.

Du khách nước ngoài đứng xếp hàng mua bánh mỳ tại một cửa hàng trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. (Ảnh: T.LINH)

Theo Kế hoạch số 209/KH-UBND về việc tổ chức "Không gian giới thiệu Ẩm thực Hà Nội năm 2023" do UBND Thành phố Hà Nội ban hành, sự kiện diễn ra từ ngày 29/9 đến 1/10 tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội (Số 36-38 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Diễn ra cùng thời điểm với Festival Thu Hà Nội, Không gian giới thiệu Ẩm thực Hà Nội có chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt nhằm quảng bá giá trị ẩm thực với tư cách một sản phẩm du lịch đặc sắc của Thủ đô tới nhân dân, du khách trong và ngoài nước nhân dịp 69 năm kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023).

Sự kiện còn là dịp tạo cơ hội để các đơn vị, nghệ nhân, làng nghề ẩm thực của Hà Nội, Việt Nam được quảng bá, giới thiệu sản phẩm ẩm thực, làng nghề truyền thống và hiện đại đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tạo không gian để người dân, du khách có dịp được thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt.

Theo kế hoạch, Không gian được chia thành các không gian trưng bày, biểu diễn Ẩm thực truyền thống, tái hiện những món ăn truyền thống của Hà Nội như: Bún thang, chả cá Lã Vọng, bún ốc nguội, xôi Phú Thượng, ô mai, bánh mì...

Điểm nhấn tại đây là không gian của phở Hà Nội, nét tiêu biểu của ẩm thực Hà Thành và một số thương hiệu phở nổi tiếng khác. Du khách sẽ được trải nghiệm quy trình tạo ra những loại “Sợi”- một trong những nguyên liệu làm nên món ăn đặc trưng của bún, miến, phở...

Giới thiệu ẩm thực đặc sắc của các quận, huyện, làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các nghệ nhân trình diễn quy trình làm nên những món ăn đặc sản địa phương như: Rượu hũ làng Ngâu (Thanh Trì), Bún xào cần (Đông Anh), Tương Cự Đà (Thanh Oai), Tương nếp Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), Xôi Phú Thượng... Song hành cùng gian hàng ẩm thực và không gian giải trí, thưởng lãm các loại hình nghệ thuật làng nghề - chợ quê và các trò chơi dân gian.

Tại đây cũng sẽ có không gian ẩm thực quốc tế và các món ăn đương đại và đặc biệt là không gian quảng bá các cơ sở ẩm thực đạt giải Michelin, điểm đến du lịch ẩm thực của Thủ đô: Giới thiệu một số cơ sở ẩm thực đã đạt danh hiệu giải thưởng Michelin (được đưa vào Michelin guide - chuyên trang ẩm thực hàng đầu thế giới để quảng bá tới du khách tiêu biểu như: Tầm Vị, GIA (1 sao Michelin); Phở bò Ấu Triệu, Phở gà Nguyệt, Chả cá Thăng Long, Tuyết Bún Chả 34 (Bib Gourmand)...

 

Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là những câu chuyện về lịch sử, địa lý của gia vị Việt Nam sẽ được kể thông qua “Bản đồ Gia vị Việt” (Bản đồ các địa danh với hương liệu đặc trưng theo từng vùng miền). Các hương liệu trên bản đồ được lấy từ 100% hạt gia vị tự nhiên... Mỗi du khách tham quan sẽ cùng xếp những mảnh ghép để hoàn chỉnh “Bản đồ Gia vị Việt”.

Bên cạnh không gian ẩm thực Hà Nội, còn có không gian ẩm thực quốc tế và các món ăn đương đại. Du khách sẽ được trải nghiệm công nghệ chế biến của các quốc gia khác nhau, các đầu bếp sáng tạo những món ăn tinh tế, mới mẻ, hấp dẫn trong ẩm thực hiện đại. Du khách cũng có thể chụp hình check-in, thưởng thức đồ uống và những phần trình diễn điêu luyện của các Bartender.

Không chỉ có không gian ẩm thực, lễ hội sẽ diễn ra một loạt hoạt động như: Tọa đàm kết hợp trình diễn “Tinh hoa Phở truyền thống Hà Nội”, “Trải nghiệm làm Bánh Trung thu; Trình diễn “Ẩm thực Fushion-Lạ mà quen”, talkshow của các đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực,…

Trong những năm gần đây, Thủ đô của Việt Nam ngày càng thu hút nhiều du khách, đặc biệt là những tín đồ ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới. Tháng 1 năm nay, Hà Nội lọt top điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023 do TripAdvisor bình chọn.

Sự kiện Không gian văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 diễn ra được kỳ vọng sẽ giúp lan tỏa hơn nữa nét đẹp, độc đáo của ẩm thực Hà Nội tới du khách trong và ngoài nước.

https://nhandan.vn/trai-nghiem-am-thuc-dat-sao-michelin-tai-khong-gian-am-thuc-ha-noi-nam-2023-post767202.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

TP.HCM: Hơn 2.200 bài viết hồi tưởng về cuộc chiến với COVID-19

Tóm tắt: 

Tác giả các bài viết đều là những người trực tiếp hoặc gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, vì thế những câu chuyện được viết chan chứa yêu thương và lay động lòng người.

Tác giả các bài viết đều là những người trực tiếp hoặc gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, vì thế những câu chuyện được viết chan chứa yêu thương và lay động lòng người.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao giải Nhất cá nhân cho 2 tác giả. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 8/8, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc Vận động Viết về Phòng, Chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Cuộc Vận động được phát động từ tháng 12/2022, với chủ đề “Vượt qua đại dịch - Hướng tới tương lai.”

Bằng hình thức hồi ức, bút ký, các bài viết tập trung vào nội dung về phát huy sức mạnh toàn dân cùng tham gia phòng, chống dịch, những con người, việc làm ý nghĩa, sự hy sinh nhưng đầy tinh thần lạc quan của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, nhất là giai đoạn 150 ngày chống dịch khốc liệt (29/4/2021-01/10/2021).

Sau hơn 7 tháng phát động, Cuộc Vận động nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cá nhân, đơn vị với 2.267 bài dự thi.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, các bài dự thi đã thể hiện sâu sắc về công tác phòng, chống dịch của các cấp, ngành, lực lượng, các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ của cả nước và đồng bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế trong những ngày tháng chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh.

Có những bài viết nêu bật những ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân Thành phố trong những tháng ngày khó khăn để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Tác giả các bài viết đều là những người trực tiếp hoặc gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, vì thế những câu chuyện được viết chan chứa yêu thương và lay động lòng người.

Đại diện Ban tổ chức trao giải cho các tập thể. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ban tổ chức đã lựa chọn được 245 bài vào vòng chung khảo, 48 bài viết của các tác giả cùng 36 tập thể đã được chọn để trao giải.

Giải Nhất tập thể được trao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức; hai giải Nhất cá nhân được trao cho bà Nguyễn Thị Bích Vàng, giáo viên Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) và bà Trần Nguyễn Ngọc Phượng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 8.

“Ranh giới mong manh” là bài viết đầy xúc động của cô giáo Nguyễn Thị Bích Vàng, Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) kể về nỗi đau, niềm tiếc thương người chồng sắp cưới của mình đã hy sinh khi tham gia tuyến đầu chống dịch.

Cô Bích Vàng chia sẻ người yêu của cô là dân quân, từng tham gia chống dịch ở tuyến đầu ngay thời điểm dịch bùng phát. Mỗi ngày, qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi để cập nhật tình hình, cô được biết anh cùng các đồng chí, đồng nghiệp đã làm việc cật lực, không có thời gian ăn, nghỉ. Dù vất vả đến mấy, anh vẫn luôn mạnh mẽ, lạc quan, nỗ lực để từng ngày làm tốt nhiệm vụ của mình.

Thế nhưng, trước sự khốc liệt của cơn bão đại dịch COVID-19, anh đã ra đi mãi mãi, bỏ lại cô với bao dự định còn dang dở chưa thực hiện được. Giờ đây, dù nỗi đau còn đó nhưng cô tự nhủ, người ở lại vẫn phải kiên cường để viết tiếp tương lai.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh Cuộc Vận động mang rất nhiều ý nghĩa, đó là lời tri ân tới các lực lượng, nhân dân cả nước đã chung tay cùng thành phố chống dịch; đó là ghi nhận lại cho mai sau về những ký ức đáng nhớ của thành phố trong giai đoạn chống dịch và vượt qua đại dịch. Vì thế, trong mỗi bài viết không chỉ được viết lên bằng câu chữ mà viết bằng cả con tim, không chỉ viết cho bản thân tác giả mà viết cho cuộc đời.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đại dịch đã đi qua nhưng còn rất nhiều điều để viết, để nói, đó là những bài học không nhỏ cho cuộc sống trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, Thành phố cần tiếp tục duy trì, phát huy cuộc vận động này để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, để tri ân những người đã giúp thành phố vượt qua đại dịch.

Trong đại dịch COIVD-19, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu tổn thất lớn, thiệt hại nặng nề nhất trong cả nước. Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân địa phương, sự giúp đỡ của cả nước và đồng bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, đến cuối năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển./.

Nguồn: Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=887877

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản tại Hội An

Tóm tắt: 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1873-2023), tối 5/8, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng tổ chức sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản" lần thứ 19.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1873-2023), tối 5/8, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng tổ chức sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản" lần thứ 19.

Khai mạc đêm giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo đó chương trình "Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản" diễn ra từ ngày 4-6/8 với hàng loạt sự kiện, như: Triển lãm tranh sơn mài về Hội An của họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando; các hoạt động giao lưu nghệ thuật, như nhảy Yosakoi, nhảy hiện đại, múa Bon, hóa trang.

Trước đó, chương trình ca nhạc Anison diễn ra vào ngày 4/8 tại sân khấu Vườn tượng An Hội đã giới thiệu các ca khúc trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản với sự tham gia của ca sĩ Matsumoto Rica - nổi tiếng với vai trò lồng tiếng cho nhân vật Satoshi và hát ca khúc chủ đề trong anime Pokemon, và ca sĩ Sofia - quán quân thần tượng nổi tiếng tại Nhật Bản.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong đêm khai mạc - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Trong ngày 5/8 đã diễn ra các hoạt động gồm: Đua ghe ngang "Hội An, Nhật Bản và du khách" trên sông Hoài; tái hiện đám rước Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro. Đặc biệt có hoạt động hướng dẫn cắm hoa nghệ thuật Nhật Bản cùng nghệ nhân Endo Yuko. Tại sự kiện này nghệ nhân sẽ hoàn thành tác phẩm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản để giới thiệu đến công chúng và du khách.

Đêm khai mạc "Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản" diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc sắc, thể hiện mối quan hệ giao lưu sâu sắc giữa hai vùng đất Hội An-Nhật Bản, đó là, trình diễn trích đoạn opera "Công nữ Anio" với phân cảnh "Nỗi lòng của Chúa" và aria "Sao đành xa con" do các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn…

Chương trình thể hiện mối quan hệ giao lưu sâu sắc giữa hai vùng đất Hội An-Nhật Bản - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Vào ngày 6/8 sẽ diễn ra các hoạt động vẽ tranh "Thiếu nhi Hội An với văn hóa Nhật Bản", cuộc thi cosplay (hóa trang) thành các nhân vật trong phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản, và chương trình giao lưu nghệ thuật với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, trình diễn võ thuật aikido.

Tại sự kiện còn có các hoạt động giải trí, giao lưu văn hóa, ẩm thực diễn ra xuyên suốt từ ngày 4 đến 6/8, như: Trưng bày ảnh tư liệu về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội An-Nhật Bản, trưng bày điêu khắc gỗ về thương cảng Hội An xưa; hướng dẫn viết thư pháp Nhật Bản, gấp giấy origami và thử trang phục yukata; chợ phiên Hội An và đặc biệt là không gian ẩm thực Việt Nam-Nhật Bản…

Giới thiệu văn hóa Nhật Bản tại Hội An - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhấn mạnh, năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam. Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam phát triển mạnh mẽ và gắn kết chặt chẽ như ngày nay là bởi đằng sau đó có sự "thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người" được tạo nên nhờ mối liên hệ mang tính lịch sử, văn hóa lâu đời giữa hai nước.

"Sự thấu hiểu và đồng cảm đó trong lịch sử lâu đời vượt qua phạm vi 50 năm của hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là câu chuyện giữa Araki Sotaro, thương nhân vùng Nagasaki và Công nữ Ngọc Hoa thời Chúa Nguyễn vào khoảng 400 năm trước. Câu chuyện này vẫn còn lưu truyền tới tận ngày nay", Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho hay.

Người dân và du khách quan quan các hoạt động chương trình - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An khẳng định, Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống. Đô thị cổ Hội An được biết đến là một trong những nơi khởi nguồn cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam cách đây hơn 400 năm trước với mối quan hệ giao thương nhộn nhịp tại thương cảng Hội An cũng như mối lương duyên giữa Công nữ Ngọc Hoa cùng thương nhân Araki Sotaro ở tỉnh Nagasaki.

Tiếp nối và phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó, thời gian qua, Hội An đã không ngừng đẩy mạnh mối quan hệ giao lưu hợp tác, hữu nghị với các đối tác, địa phương của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lễ hội giao lưu văn hoá Hội An-Nhật Bản.

Sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản" năm nay càng có ý nghĩa hơn khi nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố thúc đẩy mối quan hệ thân thiết, nghĩa tình giữa hai đất nước, hai dân tộc.

"Thông qua sự kiện này, Hội An và các đối tác Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân các địa phương hai nước hướng đến một tương lai tốt đẹp", Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết.

 Nguồn: Lưu Hương

https://baochinhphu.vn/chuoi-su-kien-giao-luu-van-hoa-viet-nam-nhat-ban-tai-hoi-an-102230806080013515.htm

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Travel Off Path: Việt Nam dần trở thành điểm đến nổi tiếng ở châu Á

Tóm tắt: 

Việt Nam nổi tiếng với phong cảnh đẹp ngoạn mục, đường bờ biển kéo dài 3.260km và những thành phố năng động. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở châu Á.

Việt Nam nổi tiếng với phong cảnh đẹp ngoạn mục, đường bờ biển kéo dài 3.260km và những thành phố năng động. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở châu Á.

Các điểm di tích ở Việt Nam đã áp dụng nhiều công nghệ tiện lợi cho du khách quốc tế. (Ảnh: T.LINH)

Đó là nhận định của chuyên trang du lịch nổi tiếng của Mỹ: Travel Off Path (traveloffpath.com) trong bài viết nêu lên 3 lý do khiến Việt Nam trở thành “điểm nóng” du lịch mới của châu Á.

Trong bài viết có tựa đề: "3 Reasons This Country Is Becoming Asia's New Tourism Hotspot" (tạm dịch: 3 lý do khiến đất nước này trở thành điểm nóng du lịch mới của châu Á) đăng ngày 23/7, Travel Off Path cho rằng: “Khi mọi người nghĩ đến du lịch Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những điểm đến đầu tiên xuất hiện trong tâm trí. Nhưng nếu bạn muốn tránh đám đông ở Thái Lan, thì có một điểm du lịch mới nổi trong khu vực để khám phá - Việt Nam.”

Bài báo dẫn báo cáo của Google Destination Insights cho hay, từ tháng 3 đến tháng 6, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách điểm đến được tìm kiếm nhiều trên thế giới và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào danh sách 20 điểm đến hàng đầu.

Ba lý do chính khiến Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn với du khách quốc tế được Travel Off Path chỉ ra gồm: Quy định thị thực được điều chỉnh, Vẻ đẹp tự nhiên được bảo tồn, Du lịch được tập trung đầu tư để phát triển.

Điều chỉnh quy định thị thực

Từ ngày 15/8, việc đến thăm Việt Nam sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết đối với công dân của nhiều quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đã kéo dài thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 45 ngày cho người mang hộ chiếu Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh.

Thời hạn của thị thực điện tử nhập cảnh cũng được kéo dài từ 30 ngày lên 3 tháng.

80 quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, hiện đủ điều kiện để nhập cảnh vào quốc gia này bằng thị thực điện tử. Từ ngày 15/8, thị thực điện tử cũng sẽ cho phép nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam, thay vì hệ thống hiện tại mỗi thị thực điện tử chỉ đủ điều kiện cho một lần nhập cảnh.

Điều này sẽ cho phép du khách đến và đi tùy thích, du lịch đến và đi từ Việt Nam như một phần của chuyến du lịch châu Á dài ngày.

Nếu du khách cần xin thị thực để nhập cảnh vào Việt Nam, thì việc xin thị thực sẽ không còn là vấn đề. Đơn xin thị thực dễ dàng, đơn giản và giá cả phải chăng.

Điều này sẽ cho phép du khách đến và đi tùy thích, du lịch đến và đi từ Việt Nam như một phần của chuyến du lịch châu Á dài ngày. Nếu du khách cần xin thị thực để nhập cảnh vào Việt Nam, thì việc xin thị thực sẽ không còn là vấn đề. Đơn xin thị thực dễ dàng, đơn giản và giá cả phải chăng.

Travel Off Path

Vẻ đẹp tự nhiên được bảo tồn tốt

Bởi vì Việt Nam là một điểm đến du lịch mới nổi và chưa có lượng khách du lịch lớn như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, nên nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên vẫn được bảo tồn rất tốt.

 

Đất nước này có rất nhiều thắng cảnh. Ở phía bắc của đất nước, du khách có thể khám phá một vùng núi non hiểm trở. Ở miền trung và miền nam Việt Nam, du khách sẽ tìm thấy những bãi biển đẹp đến khó tin.

Vùng nông thôn tươi tốt và xanh mát. Và Chính phủ Việt Nam đã và đang quản lý để bảo tồn các di sản văn hóa một cách tuyệt vời.

Việt Nam có vô số thắng cảnh tự nhiên được bảo tồn nguyên vẹn. (Ảnh: vietnamtravel)

Các thành phố cũng là những điểm đến đang thu hút khách du lịch. Từ nét quyến rũ cổ kính của Hà Nội đến thành phố Hạ Long, Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” du lịch mới của châu Á nhờ tất cả những điểm đầy hấp dẫn này và đất nước này còn nhiều điều hơn thế nữa.

Đông Nam Á là một điểm đến giá cả phải chăng nói chung. Cả Thái Lan và Việt Nam đều là những điểm đến hợp lý cho những du khách tiết kiệm.

Nhưng Việt Nam được xem là một trong những lựa chọn ngân sách tốt nhất trong khu vực. Chỗ ở, thực phẩm và phương tiện đi lại ở Việt Nam đều rẻ hơn ở Thái Lan, đặc biệt nếu du khách đến các vùng nông thôn của đất nước này.

Tập trung cho tăng trưởng du lịch

Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào việc khuyến khích nhiều khách du lịch đến thăm và tăng số lượng khách du lịch trong năm nay.

Dù muốn hay không, các xu hướng truyền thông xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến các lựa chọn du lịch của du khách. Và Việt Nam hiện đang được quảng bá mạnh mẽ trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok.

Số lượng cơ sở lưu trú tại các thành phố lớn nhất của Việt Nam đang tăng lên, và theo Fuse Hostels and Travel, hệ thống khách sạn này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể lượng khách quốc tế đến lưu trú tại hệ thống trong 3 tháng qua.

Travel Off Path nhận định: Chính phủ Việt Nam muốn đưa đất nước mình thành điểm nóng du lịch mới của châu Á và cho đến nay, kế hoạch này đang được thúc đẩy. Do đó, bây giờ là thời điểm hoàn hảo để du khách khám phá đất nước xinh đẹp lạ thường này.

Hồi đầu tháng 3, Travel Off Path đã đưa Việt Nam vào danh sách một trong 5 điểm đến quốc tế hàng đầu trong mùa hè năm nay. Trước đó hồi tháng 1, dựa trên lượng tìm kiếm của du khách, chuyên trang này đã lựa chọn TP Hồ Chí Minh là điểm đến xu hướng hàng đầu trong năm 2023.

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Hà Nội sẽ mở rộng thêm nhiều điểm du lịch nông nghiệp

Tóm tắt: 

Du lịch nông nghiệp, nông thôn được coi là một trong những sản phẩm du lịch có thể trở thành mũi nhọn, tạo sản phẩm chuyên biệt cho Thủ đô nhằm tăng thời gian lưu trú và trải nghiệm đối với du khách.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn được coi là một trong những sản phẩm du lịch có thể trở thành mũi nhọn, tạo sản phẩm chuyên biệt cho Thủ đô nhằm tăng thời gian lưu trú và trải nghiệm đối với du khách.

Vì vậy, ngành Du lịch Thủ đô phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng triển khai mở rộng thêm nhiều mô hình điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương, phát triển loại hình du lịch này bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Du khách quốc tế du lịch Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Hiện nay, Hà Nội có hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đó là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm).

Thành phố công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).

Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp: Trang trại Dê Trắng, Trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì) và nhiều làng nghề nổi tiếng có sức hút với du khách.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế khi nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này.

Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn còn chưa thỏa đáng...
Các địa phương, đơn vị cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần gắn kết với điều kiện tự nhiên và làng nghề của địa phương nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư.

Việc kết nối giữa ngành Du lịch và Giáo dục - Đào tạo cần được đặc biệt quan tâm nhằm đẩy mạnh du lịch học đường trải nghiệm tại vùng nông thôn, tạo nguồn khách ổn định cho điểm du lịch nông nghiệp...
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, UBND thành phố đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

Hơn một năm qua, các sở, ngành, địa phương đã có chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ đánh giá một cách tổng quát tiềm năng, cách thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội nhằm khai thác, phát triển một cách hiệu quả loại hình này./.

Đinh Thuận/TTXVN

https://bnews.vn/ha-noi-se-mo-rong-them-nhieu-diem-du-lich-nong-nghiep/299719.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Khánh thành Nhà hát hiện đại nhất Việt Nam

Tóm tắt: 

Sáng 9/7, tại số 40A phố Hàng Bài, Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm đã chính thức khánh thành. Đây là nhà hát được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của các loại hình nghệ thuật đa dạng, từ hiện đại đến cổ điển, truyền thống. Nhà hát do Bộ Công an quản lý và vận hành.

Sáng 9/7, tại số 40A phố Hàng Bài, Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm đã chính thức khánh thành. Đây là nhà hát được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu  của các loại hình nghệ thuật đa dạng, từ hiện đại đến cổ điển, truyền thống. Nhà hát do Bộ Công an quản lý và vận hành.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ cắt băng khánh thành Nhà hát. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ khánh thành Nhà hát. Cùng dự lễ có các đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; cùng đông đảo các đồng chí đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, lãnh đạo các cấp, bộ, ban, ngành, các cơ quan truyền thông, báo chí…

Lễ chào cờ đầu tiên bên trong Nhà hát.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của các bên trong việc thi công và hoàn thành Nhà hát với thời gian kỷ lục trong 22 tháng, giữa điều kiện khó khăn do dịch Covid-19. Thủ tướng nhận xét, đây là một thiết chế văn hóa với không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống, có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, kết nối với các công trình văn hóa lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm, tạo thành một quần thể văn hóa tại Thủ đô Hà Nội.

Để phát huy tối đa hiệu quả công trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Bộ Công an quản lý, vận hành, sử dụng khoa học, hiệu quả, trong đó chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường giao lưu, hợp tác với các nhà hát trong nước và quốc tế…

Khung cảnh khán phòng lớn của Nhà hát.

Thủ tướng đề nghị Nhà hát hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phục vụ sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và thành phố Hà Nội, đồng thời luôn sáng đèn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và bạn bè quốc tế.

Nhà hát Hồ Gươm nằm tại địa chỉ số 40-40A Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), được khởi công tháng 10/2021. Nhà hát được xây dựng trên diện tích đất hơn 5.000m2, gồm sảnh lớn và sảnh nhỏ đón khách, khu vực hậu trường, hầm để xe, không gian đa năng, phòng nghỉ giải lao...

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, Nhà hát Hồ Gươm được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, là nhà hát đầu tiên tại Việt Nam được trang bị loại máy móc thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Khán phòng lớn của Nhà hát có sức chứa 850 người, khán phòng nhỏ chứa được 500 người. Không gian khán phòng lớn được trang trí cách điệu hình ảnh bông lúa quen thuộc trong hình hiệu của ngành công an. Khán phòng nhỏ được thiết kế như một bông hoa đang nở với đường nét là những sóng âm lan tỏa.

Thiết kế Nhà hát hiện đại, sang trọng.

Bộ trưởng cũng cho biết, Nhà hát được thiết kế hiện đại, bên ngoài là 52 cột chống bằng đá, mỗi cột cao 18m, được vận chuyển từ Tây Ban Nha về. Nhà hát có các khoảng vượt tầng, vượt nhịp, kết cấu phức tạp.

Ngoài hệ thống thang máy kép, khán giả có thể đi cầu thang hình xoắn ốc từ tầng một lên tầng 6 ở hai bên. Hệ thống âm thanh, ánh sáng được nhà thầu từng thi công hệ thống âm thanh, ánh sáng, thiết bị sân khấu cho các nhà hát nổi tiếng nhất thế giới lắp đặt.

Bộ trưởng, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, đây là Nhà hát có thời gian xây dựng nhanh kỷ lục, chỉ 22 tháng, trong điều kiện phải ngưng một thời gian để tuân thủ yêu cầu phòng dịch Covid-19, sau đó tổ chức thi công liên tục 3 ca để kịp tiến độ.

Nhà hát sẽ là nơi tổ chức các chương trình chính trị, văn hóa, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, thành phố Hà Nội (hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật...); tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ đối nội, đối ngoại; tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội với vai trò như một trung tâm hội nghị quốc tế.

Dự kiến, Nhà hát sẽ kết nối với các công trình văn hóa, lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm, tạo nên một quần thể công trình văn hóa của Hà Nội.

https://nhandan.vn/khanh-thanh-nha-hat-hien-dai-nhat-viet-nam-post761521.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh Hàng Trống

Tóm tắt: 

Tranh Hàng Trống là dòng tranh dân gian thể hiện “gu” thẩm mỹ tinh tế của thị dân Hà Nội xưa.

Tranh Hàng Trống là dòng tranh dân gian thể hiện “gu” thẩm mỹ tinh tế của thị dân Hà Nội xưa. Không chỉ thực hiện công tác bảo tồn, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã khai thác chất liệu tranh Hàng Trống vào sáng tác nghệ thuật. Đó là nội dung triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Công chúng tìm hiểu giá trị các bức tranh Hàng Trống và những sáng tác lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống.

Chiều 6/7, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các cá nhân, đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”.

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, mang giá trị văn hóa và thể hiện nhu cầu thưởng thức văn hoá tinh tế của người Hà Nội xưa.

Kỹ thuật làm tranh Hàng Trống đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, công phu và giàu tính nghệ thuật.

Nếu các dòng tranh dân gian khác chủ yếu sử dụng kỹ thuật in hàng loạt tranh thì với tranh Hàng Trống, người nghệ nhân phải dụng công kết hợp giữa in, vẽ và nhất là kỹ thuật vờn màu.

Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh này không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam, mà còn gây ấn tượng sâu sắc với công chúng thế giới.

Tham gia triển lãm có 38 tác phẩm tạo hình của 22 tác giả được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, giấy dó, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy dó. Nội dung các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Qua triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn quảng bá nét đẹp của dòng tranh độc đáo này đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, nhất là thế hệ trẻ và du khách quốc tế.

Đây cũng là dịp để giới thiệu sản phẩm nghệ thuật được kết tinh từ quá trình khám phá và sáng tạo trên nền giá trị nghệ thuật của di sản tranh Hàng Trống nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”được hình thành dựa trên những những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, họa sĩ trong hành trình gìn giữ, phát huy dòng tranh này trong đời sống đương đại. Triển lãm cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay học hỏi kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/7/2023 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

https://nhandan.vn/kham-pha-cac-gia-tri-nghe-thuat-cua-di-san-tranh-hang-trong-post761157.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Chương trình hỗ trợ xây dựng 100 tủ sách cộng đồng lan toả tri thức của Omega Plus Books

Tóm tắt: 

Có lẽ hơn bao giờ, sách hay văn hóa đọc nói chung ngày càng được quan tâm và chú trọng như hiện nay. Sự cần thiết của việc đọc, trau dồi tri thức đã và đang được độc giả ở nhiều lứa tuổi nhận thức ngày một rõ ràng.

Có lẽ hơn bao giờ, sách hay văn hóa đọc nói chung ngày càng được quan tâm và chú trọng như hiện nay. Sự cần thiết của việc đọc, trau dồi tri thức đã và đang được độc giả ở nhiều lứa tuổi nhận thức ngày một rõ ràng.

Có thể thấy tín hiệu đáng mừng ấy trong những dịp kỉ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thị trường sách năm sau lại sôi động hơn năm trước, hay ngày càng nhiều cá nhân/tổ chức có mong muốn xây dựng tủ sách cộng đồng, không chỉ trau dồi tri thức cho bản thân mà còn lan tỏa đến cả cộng đồng để nền móng cho sự phát triển đất nước ngày càng vững mạnh.

Là một đơn vị xuất bản, Omega Plus Books chứng kiến sự quan tâm ngày càng cao của các tầng lớp đại chúng đến văn hóa đọc trong cả nước cũng như cảm kích trước tấm lòng của nhiều cá nhân và tổ chức với gia đình, quê hương, trường học, bệnh viện hay các cộng đồng yếu thế cần sự hỗ trợ về điều kiện đọc…

Đặc biệt hơn, trong dịp này, khi cả nước đang phát động phong trào học tập suốt đời, Omega Plus quyết định tổ chức chương trình “Hỗ trợ xây dựng 100 tỷ sách cộng đồng” kéo dài đến hết ngày 31/7/2023, với mục đich tạo một chính sách chưa có tiền lệ, dành riêng cho các cá nhân và tổ chức muốn xây dựng tủ sách cho gia đình hoặc cộng đồng.

Cụ thể, các doanh nhân muốn xây dựng thư viện cho cộng đồng, cho doanh nghiệp; Các cá nhân/nhóm muốn xây dựng thư viện cho gia đình, quê hương, dòng họ; Các cá nhân/ nhóm muốn xây dựng thư viện cho bệnh viện; Các cá nhân/nhóm muốn xây dựng thư viện cho cho trường học (trường cũ hoặc trường học ở các địa phương ít có cơ hội tiếp cận sách).

Với các gói xây dựng tủ sách:

1. Với 5 triệu đồng có thể xây được thư viện với 100 cuốn sách (tương đương tổng giá bìa tới 30 triệu đồng).

2. Với 10 triệu đồng có thể xây được thư viện với 200 cuốn sách (tương đương tổng giá bìa tới 60 triệu đồng).

3. Với 20 triệu đồng có thể xây được thư viện với 500 cuốn sách (tương đương tổng giá bìa tới 150 triệu đồng).

Danh mục các đầu sách trong chương trình này là sách kinh điển, nền tảng do Omega+ tuyển chọn và xuất bản trong 7 năm qua với nhiều chủ đề khác nhau từ lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, chính trị, kinh tế, khoa học vật lý, văn học thiếu nhi, giáo dục, y học, nghệ thuật, âm nhạc… Độc giả được tự chọn các tựa sách và số lượng sách theo các gói giá qui định. Chi tiết danh mục tại đây:https://bit.ly/DM-TSCD

Cùng với các tủ sách, Omega Books góp một phần sức lực và kinh nghiệm để chia sẻ, tư vấn cho quý vị về các hoạt động để thư viện có thể vận hành hiệu quả. Các cá nhân/ tổ chức quan tâm, xin vui lòng gửi thông tin đăng ký về link tại đây, đội ngũ Omega Plus sẽ trực tiếp tư vấn và hỗ trợ: https://bit.ly/DK-TSCD.

 ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội mở cửa đón khách tham quan từ ngày 6/7/2023

Tóm tắt: 

Chiều 22/6, gia đình cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức buổi giới thiệu Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại số 81 đường Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Chiều 22/6, gia đình cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức buổi giới thiệu Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại số 81 đường Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Dự kiến từ ngày 6/7 tới đây, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội sẽ mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm. (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Bảo tàng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập ngày 30/12/2020 với hình thức là bảo tàng ngoài công lập, thuộc sở hữu của gia đình cố Đại tướng.

Chia sẻ với báo chí, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, ông và các thành viên trong gia đình đã đóng góp để xây dựng bảo tàng với quy mô tối thiểu, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước.

Về chức năng của bảo tàng, gia đình cũng không có ý định tôn vinh thêm về đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của quân đội và đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ thông tin về Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Sau khi có quyết định thành lập, trong năm 2021, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức thi công tòa nhà và mời các chuyên gia lĩnh vực bảo tàng, lịch sử, mỹ thuật tư vấn lập không gian trưng bày, bổ sung tư liệu, hiện vật.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được xây phỏng theo kiến trúc ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế (Hà Nội), nơi Đại tướng và gia đình đã ở trong giai đoạn năm 1955 đến 1986. Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Một góc trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (ẢNH: TRUNG HIẾU)

Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng cho hay, hệ thống trưng bày của bảo tàng bao gồm 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền bắc; Cách mạng miền nam; Ngày 6/7 (ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời - PV); Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối. Bên cạnh đó còn có các tiểu đề về Bình Trị Thiên khói lửa, nông nghiệp, đối ngoại, văn hóa văn nghệ, thể thao, "ông tướng du kích",...

Cũng theo Đại tá Phạm Văn Phi, hiện tại, Bảo tàng đang lưu giữ hơn 300 bức ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng phục dựng hai không gian là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam.

Một góc trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội. (ẢNH: TRUNG HIẾU)

Ngoài ra, hiện khu trưng bày còn có hơn 100 đầu sách do Đại tướng viết cùng các tác phẩm do nhiều tác giả viết; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đặc biệt, tại bảo tàng còn có nhiều hiện vật mới lần đầu tiên được công bố, điển hình như công văn của các nước gửi cho Đại tướng.

"Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trưng bày rất nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là những bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới", Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh.

Dự kiến từ ngày 6/7 tới đây, Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm. (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Dự kiến, Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách vào ngày 6/7 nhân dịp tưởng niệm 56 năm ngày Đại tướng từ trần.

Tới ngày 1/1/2024, lễ khánh thành bảo tàng sẽ được tổ chức chính thức nhân dịp 110 năm ngày sinh Đại tướng.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có địa chỉ tại số 144, Đặng Thái Thân, thành phố Huế, đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 6/7/2022. 

https://nhandan.vn/bao-tang-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-tai-ha-noi-mo-cua-don-khach-tham-quan-tu-ngay-672023-post758888.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Tuần lễ Sách của Người làm báo tại TP Hồ Chí Minh

Tóm tắt: 

“Tuần lễ Sách của Người làm báo” là hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.

“Tuần lễ Sách của Người làm báo” là hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc “Tuần lễ Sách của Người làm báo”.

Sáng 17/6, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cùng Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu sách của các tờ báo, nhà báo với chủ đề “Tuần lễ Sách của Người làm báo” tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và tại thành phố nói chung có hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các tác phẩm sáng tác của lực lượng phóng viên, các cơ quan báo đài trên cả nước.

Diễn ra từ ngày 17-22/6, Tuần lễ Sách của Người làm báo được tổ chức nhằm hưởng ứng phát động của Bộ Thông tin và Truyền thông về Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, tôn vinh sách và cổ vũ, phát triển phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp phát động hiện đang được các cơ quan báo chí triển khai thực hiện.

Xuyên suốt tuần lễ diễn ra sự kiện, Ban tổ chức trưng bày, giới thiệu sách của các cơ quan báo chí và những người làm báo đến đông đảo bạn đọc; đưa đến bạn đọc những trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự từ chất liệu sống của chính những người làm báo, góp phần đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam.

Các đại biểu tham quan các gian trưng bày sách của nhà báo.

Trong gần 1 tháng thông báo, Ban tổ chức đã nhận sách và trưng bày tại Đường Sách 281 tựa sách (291 cuốn), trong đó có 55 tác phẩm của 7 các cơ quan báo chí, 226 tác phẩm (236 cuốn) của 105 phóng viên, 15 nhóm tác giả đã và đang công tác tại các tờ báo trên cả nước.

Trong đợt hoạt động này, Ban tổ chức cũng đã phối hợp các đơn vị xuất bản tổ chức 4 tọa đàm giao lưu với 11 nhà báo, trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao của thành phố, Trung ương, nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi.

“Đây là dịp để các cơ quan báo chí giới thiệu những cuốn sách tập hợp từ những bài viết đã đăng trên báo giấy, báo điện tử, các tác phẩm sáng tác từ các cuộc thi của báo mình và sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu đến độc giả trong thời gian tới thông qua các chương trình giao lưu, giới thiệu sách của một cơ quan báo chí.

Các tác phẩm không chỉ mang giá trị về nội dung mà còn có giá trị lưu trữ theo thời gian”, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết. 

Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, ở năm đầu tiên tổ chức, Ban tổ chức kỳ vọng tạo ra những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; cổ vũ phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo; khuyến khích nhà báo tham gia viết sách, chuyển tải đến bạn đọc những trang sách mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự xã hội. Với thế mạnh về bút lực trong thời gian công tác tại các cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ tạo nên những tác phẩm mang đậm tính thời đại.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định hoạt động này cho thấy sự sắc sảo trong ngòi bút, khía cạnh mới, đóng góp mới của các nhà báo trong việc ra sách, tham gia phát triển văn hóa đọc.

“Tôi tin độc giả sẽ tìm ra được nhiều tác phẩm có giá trị, những cuốn sách giúp cho bạn đọc thành phố có được thêm nhiều kiến thức, ý tưởng hay. Tôi mong rằng Tuần lễ sách của Người làm báo sẽ tiếp tục được duy trì hằng năm với quy mô lớn hơn để giới thiệu đến bạn đọc nhiều tác phẩm có giá trị”, ông Dương Anh Đức cho biết.

Tại chương trình khai mạc, Ban tổ chức cũng trao kỷ niệm chương cho các nhà báo có tác phẩm sách đạt giải thưởng cao của thành phố, Trung ương như một lời cảm ơn, khuyến khích các nhà báo tiếp tục đóng góp nhiều tác phẩm cho công cuộc phát triển văn hóa đọc, góp phần làm đa dạng thị trường sách Việt Nam.

Các nhà báo giao lưu tại chương trình.

Ngoài ra, sau khi kết thúc hoạt động này, Ban tổ chức sẽ trao tặng số sách trưng bày đến Bảo tàng báo chí Việt Nam (Hà Nội) và khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu tìm đọc và nghiên cứu của độc giả, giảng viên, sinh viên.

Sau phần khai mạc, các đại biểu, nhà báo, nhà thơ, cùng độc giả đã có buổi giao lưu với các nhà báo có tác phẩm đoạt giải thưởng cao của thành phố, Trung ương: nhà báo Lại Văn Long với tác phẩm “Hồ Sơ Lửa”; nhà báo Lê Minh Quốc với tác phẩm “Chào thế giới bây giờ con đã đến”; nhà báo Bùi Phan Thảo với tác phẩm "Ngọn khói về trời"; nhà báo Bùi Tiểu Quyên với tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa”.

https://nhandan.vn/nhieu-hoat-dong-y-nghia-tai-tuan-le-sach-cua-nguoi-lam-bao-tai-tp-ho-chi-minh-post758141.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường