Tên hai nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam được đặt tên đường phố tại Bắc Giang

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam, (15/9/1945-15/9/2023), sáng 8/9, tại thành phố Bắc Giang, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang long trọng tổ chức lễ gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến và đường Đào Tùng - đây là hai nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng người dân khai trương gắn biển tên đường phố Đào Tùng.

Tham dự có các đồng chí: Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam qua các thời kỳ; đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang và đông đảo người dân xã Tân Mỹ, xã Tân Tiến thành phố Bắc Giang.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Giang đã công bố các quyết định đặt tên đường Trần Kim Xuyến và đường Đào Tùng.

Đường Trần Kim Xuyến có điểm đầu và điểm cuối là đường Dương Quang Bổ nằm ở khu đô thị phía nam thành phố, trên địa bàn xã Tân Tiến có chiều dài 0,56km, lòng đường rộng 7,5m; vỉa hè 2x4,5m.

Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947), sinh tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 8/1945, ông được cử giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền kiêm Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam, phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Ngày 6/1/1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Bắc Giang. Sáng 3/3/1947, nhà báo Trần Kim Xuyến anh dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) khi đang trên đường sơ tán tài liệu. Trần Kim Xuyến là nhà báo Việt Nam đầu tiên, cán bộ Thông tấn đầu tiên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng người dân khai trương gắn biển tên đường phố Trần Kim Xuyến.

Đường Đào Tùng có điểm đầu là đường Chu Văn An và điểm cuối là đường Bà Triệu, nằm ở khu đô thị phía tây thành phố, trên địa bàn xã Tân Mỹ có chiều dài 1,18km, lòng đường rộng 12m; vỉa hè 2x6m.

Nhà báo Đào Tùng (1925-1990), tên thật là Đỗ Trung Thành, quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Từ tháng 5/1966, ông là Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã và từ năm 1977 ông là Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam cho đến khi qua đời. Từ những năm 1970, nhà báo Đào Tùng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam; ông cũng có đóng góp quan trọng cho Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trong vai trò Phó Chủ tịch OIJ.

Ngoài ra, nhà báo Đào Tùng còn giữ nhiều trọng trách khác như: Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia…

Đánh giá cao những cống hiến của nhà báo Đào Tùng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sau khi ông mất, mộ phần của ông được gia đình an táng tại Nghĩa trang Tân An, thành phố Bắc Giang.

Đường Trần Kim Xuyến tại TP Bắc Giang.

Trong đó, nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến được tôn vinh, đặt tên cho 3 đường phố mới: phố Trần Kim Xuyến tại quận Cầu Giấy, Hà Nội (năm 2014); đường Trần Kim Xuyến tại thị trấn Phố Châu, Hà Tĩnh (năm 2017) và đường Trần Kim Xuyến tại thành phố Bắc Giang (năm 2023).

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang khẳng định, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân của Đảng, Nhà nước, của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang, thành phố Bắc Giang, cùng tập thể cán bộ Thông tấn xã Việt Nam đối với nhà báo Trần Kim Xuyến, nhà báo Đào Tùng, những đại diện tiêu biểu của thế hệ nhà báo-chiến sĩ đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là sự ghi nhận đối với Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan báo chí vinh dự được Bác Hồ đặt tên, với bề dày truyền thống rất đỗi tự hào.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu tại buổi lễ.

Suốt 78 năm phát triển đồng hành cùng đất nước, Thông tấn xã Việt Nam vinh dự ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong các cuộc kháng chiến, các thế hệ phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam đã có mặt ở khắp các chiến trường, vượt lên mọi gian khổ, khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin mà Đảng và Nhà nước giao phó. Gần 260 nhà báo, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc.

Hiện nay, với đội ngũ 2.100 cán bộ, công nhân viên, trong đó hơn 1.200 phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các ban biên tập tin nguồn, các tòa soạn báo, trung tâm thông tin, truyền hình, hệ thống 93 cơ quan thường trú trong nước và khắp năm châu, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, luôn có mặt trên tuyến đầu, giữ vững vị thế là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của của Đảng, Nhà nước và nhân dân; vững bước trên con đường phát triển trở thành cơ quan thông tấn chủ lực đa phương tiện của hệ thống truyền thông quốc gia. 

https://nhandan.vn/ten-hai-nha-bao-cua-thong-tan-xa-viet-nam-duoc-dat-ten-duong-pho-tai-bac-giang-post771482.html

Tin nổi bật