TP.HCM: Hơn 2.200 bài viết hồi tưởng về cuộc chiến với COVID-19
Tác giả các bài viết đều là những người trực tiếp hoặc gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, vì thế những câu chuyện được viết chan chứa yêu thương và lay động lòng người.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao giải Nhất cá nhân cho 2 tác giả. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN) |
Ngày 8/8, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc Vận động Viết về Phòng, Chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Cuộc Vận động được phát động từ tháng 12/2022, với chủ đề “Vượt qua đại dịch - Hướng tới tương lai.”
Bằng hình thức hồi ức, bút ký, các bài viết tập trung vào nội dung về phát huy sức mạnh toàn dân cùng tham gia phòng, chống dịch, những con người, việc làm ý nghĩa, sự hy sinh nhưng đầy tinh thần lạc quan của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, nhất là giai đoạn 150 ngày chống dịch khốc liệt (29/4/2021-01/10/2021).
Sau hơn 7 tháng phát động, Cuộc Vận động nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cá nhân, đơn vị với 2.267 bài dự thi.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, các bài dự thi đã thể hiện sâu sắc về công tác phòng, chống dịch của các cấp, ngành, lực lượng, các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ của cả nước và đồng bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế trong những ngày tháng chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Có những bài viết nêu bật những ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân Thành phố trong những tháng ngày khó khăn để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Tác giả các bài viết đều là những người trực tiếp hoặc gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, vì thế những câu chuyện được viết chan chứa yêu thương và lay động lòng người.
Đại diện Ban tổ chức trao giải cho các tập thể. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN) |
Ban tổ chức đã lựa chọn được 245 bài vào vòng chung khảo, 48 bài viết của các tác giả cùng 36 tập thể đã được chọn để trao giải.
Giải Nhất tập thể được trao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức; hai giải Nhất cá nhân được trao cho bà Nguyễn Thị Bích Vàng, giáo viên Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) và bà Trần Nguyễn Ngọc Phượng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 8.
“Ranh giới mong manh” là bài viết đầy xúc động của cô giáo Nguyễn Thị Bích Vàng, Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) kể về nỗi đau, niềm tiếc thương người chồng sắp cưới của mình đã hy sinh khi tham gia tuyến đầu chống dịch.
Cô Bích Vàng chia sẻ người yêu của cô là dân quân, từng tham gia chống dịch ở tuyến đầu ngay thời điểm dịch bùng phát. Mỗi ngày, qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi để cập nhật tình hình, cô được biết anh cùng các đồng chí, đồng nghiệp đã làm việc cật lực, không có thời gian ăn, nghỉ. Dù vất vả đến mấy, anh vẫn luôn mạnh mẽ, lạc quan, nỗ lực để từng ngày làm tốt nhiệm vụ của mình.
Thế nhưng, trước sự khốc liệt của cơn bão đại dịch COVID-19, anh đã ra đi mãi mãi, bỏ lại cô với bao dự định còn dang dở chưa thực hiện được. Giờ đây, dù nỗi đau còn đó nhưng cô tự nhủ, người ở lại vẫn phải kiên cường để viết tiếp tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh Cuộc Vận động mang rất nhiều ý nghĩa, đó là lời tri ân tới các lực lượng, nhân dân cả nước đã chung tay cùng thành phố chống dịch; đó là ghi nhận lại cho mai sau về những ký ức đáng nhớ của thành phố trong giai đoạn chống dịch và vượt qua đại dịch. Vì thế, trong mỗi bài viết không chỉ được viết lên bằng câu chữ mà viết bằng cả con tim, không chỉ viết cho bản thân tác giả mà viết cho cuộc đời.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, đại dịch đã đi qua nhưng còn rất nhiều điều để viết, để nói, đó là những bài học không nhỏ cho cuộc sống trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, Thành phố cần tiếp tục duy trì, phát huy cuộc vận động này để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, để tri ân những người đã giúp thành phố vượt qua đại dịch.
Trong đại dịch COIVD-19, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu tổn thất lớn, thiệt hại nặng nề nhất trong cả nước. Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân địa phương, sự giúp đỡ của cả nước và đồng bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, đến cuối năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=887877