Khi cả thế giới bước vào kinh tế số, chúng ta không thể đứng ngoài

Báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế tại Đại hội Đảng 13 đặt ra mục tiêu kinh tế số đạt khoảng 20% GDP trong giai đoạn 2021-2025 và 30% GDP đến 2030.

Các chỉ tiêu rất cao này thể hiện quyết tâm của đất nước trong việc chuyển đổi nền kinh tế theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Cách đây vài năm, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab nhận định: “Trong thế giới mới, không phải cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh nuốt cá chậm”.

Nhận định đó đã khái quát thực tế là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá công nghệ trong nhiều lĩnh vực then chốt như thông tin và truyền thông, năng lượng, vận tải v.v... có ảnh hưởng lớn đến phương thức sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội lớn cho sự phát triển vượt bậc về lực lượng sản xuất thế giới.

Công ty cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may áo sơ mi, quần jeans xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển nếu biết tranh thủ CMCN 4.0 ngay từ giai đoạn khởi phát, song ngược lại sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn. Tư duy về cạnh tranh giữa các nền kinh tế trong bối cảnh mới cũng sẽ thay đổi đáng kể.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải tận dụng bằng được cơ hội này để vươn lên, nếu không muốn bỏ lại phía sau, như từng xảy ra trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. 

Dữ liệu - tài nguyên mới

Trong cuộc cách mạng 4.0 này, các nước có xu hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, nhất là chuyển đổi số cả về quy mô, phạm vi và tốc độ.

Ở bình diện toàn cầu, các lãnh đạo của G20 đã thông qua Tuyên bố Osaka vào tháng 6/2019 nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.

Ủy ban Kinh tế APEC cũng đã ra báo cáo Chính sách kinh tế năm 2019, tập trung vào các nội dung cải cách cơ cấu nhằm phát triển kinh tế số. Kinh tế số đang trở thành một ưu tiên mới của các nền kinh tế với nhiều chủ trương, chính sách hướng tới thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ.

Ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 100 tỷ USD năm 2019 (tăng 33%/năm trong giai đoạn 2015-2019) và dự báo đạt 300 tỷ USD vào năm 2025 với sự bùng nổ của các dịch vụ như  thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe… theo Google, Temasek và Bain&Company.

Một nghiên cứu gần đây của CIEM cho biết, hiện đã có khoảng 31 quốc gia dỡ bỏ giới hạn thanh toán không tiếp xúc trong năm 2020 để hỗ trợ các biện pháp giãn cách xã hội. Xu hướng làm việc từ xa cũng thúc đẩy việc ứng dụng các công cụ trực tuyến như Zoom, Slack, Microsoft’s Teams.

Một số ý kiến cho rằng tốc độ bùng nổ của kinh tế số và các hoạt động gắn liền với kinh tế số có thể giảm sau khi Covid-19 được kiểm soát, song sẽ vẫn duy trì ở mức cao do những thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, hành vi và sự lan tỏa của kinh tế số trong đời sống kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh đó, dữ liệu là “tài nguyên mới” có vai trò ngày càng quan trọng. Cạnh tranh giữa các nước lớn, các tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là giữa 3 trung tâm công nghệ hàng đầu là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á, sẽ ngày càng quyết liệt.

Nhiều quốc gia đang có xu hướng tranh thủ cơ hội khi “luật chơi” quốc tế trong lĩnh vực số hóa chưa định hình để bảo hộ thị trường, đầu tư phát triển mạnh về công nghệ số, đặc biệt liên quan tới mạng 5G, các trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo v.v...

Giới hạn

Khủng hoảng Covid-19 một mặt cho thấy tầm quan trọng, tiềm năng lớn của chuyển đổi số, song cũng bộc lộ rõ hơn những giới hạn của công nghệ số và chuyển đổi số:

Thứ nhất, công nghệ số có thể được ứng dụng trong mọi mặt đời sống xã hội, nhưng chưa thể thay thế, mà chỉ bổ trợ, nâng cao hiệu quả các phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp truyền thống.

Thứ hai, các vấn đề an ninh đặt ra trong chuyển đổi số, đặc biệt là an ninh mạng, bảo vệ thông tin, chủ quyền quốc gia trong không gian số, quy định và chính sách cho một số loại hình công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới xuất hiện.

Việc đa dạng hóa cơ cấu ngành dịch vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xử lý tác động bất lợi của các sự cố tương tự như đại dịch Covid-19. Nếu giữ nguyên phương thức sản xuất, kinh doanh như trước khi xảy ra đại dịch thì khó khăn kinh tế sẽ còn kéo dài hơn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, số hóa và tự động hóa sản xuất được đẩy mạnh hơn nhằm giảm chi phí, tăng khả năng linh hoạt, thích ứng với các biến cố bất ngờ do việc áp dụng các biện pháp chống dịch yêu cầu làm việc tại nhà, tăng giãn cách xã hội và các biện pháp khác như khám bệnh từ xa, học, mua hàng trực tuyến hay chuỗi cung ứng bị đứt gãy phải sử dụng công nghệ blockchain để truy nguồn gốc.

Kinh nghiệm này rõ ràng là rất bổ ích cho Việt Nam để thúc đẩy nhanh hơn nữa nền kinh tế số trong thời gian tới đây, nhất là khi chuyển đổi số đã được ghi vào các văn kiện của Đại hội Đảng. 

Lan Anh/vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/khi-ca-the-gioi-buoc-vao-kinh-te-so-chung-ta-khong-the-dung-ngoai-709302.html

Tin nổi bật