Sách Trắng CNTT-TT 2017: Những con số đáng chú ý
Sách Trắng CNTT-TT 2017 vừa được Bộ TTTT công bố, là nguồn tài liệu quý để các tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham khảo về sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam trong năm 2015 - 2016.
Theo Vụ CNTT, Bộ TTTT, đơn vị thường trực Ban Biên tập cho biết Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2017 tập trung vào việc cung cấp số liệu thống kê chủ chốt về tình hình hoạt động của ngành trong 2 năm 2015 và 2016 bao gồm 12 nội dung như: ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, an toàn thông tin (ATTT), viễn thông, Internet, phát thanh truyền hình (PTTH), thông tin điện tử, bưu chính, nhân lực CNTT…
Dịch vụ công mức độ 1, 2 chiếm đa số
Theo thống kê của Sách Trắng CNTT-TT 2017, ứng dụng CNTT đã được triển khai rộng trong các cơ quan nhà nước (CQNN). Các số liệu đáng chú ý về ứng dụng CNTT có thể kể đến:
94,49% máy tính trong cơ quan Bộ và 97,22% máy tính trong cơ quan tỉnh, thành phố được kết nối Internet; 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trang, cổng thông tin điện tử; 100% CQNN có mạng nội bộ và có đơn vị chuyên trách về CNTT;
Dịch vụ công mức độ 1, 2 chiếm đa số với gần 97.394 dịch vụ năm 2016. Số lượng dịch vụ công mức độ 3 năm 2016 là 10.872 và số lượng dịch vụ công mức độ 4 năm 2016 là 1.378.
Về nhân lực CNTT trong CQNN: 71,29% các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có cán bộ chuyên trách CNTT với số cán bộ chuyên trách trung bình là 3,86 người/đơn vị; 91,67% các đơn vị thuộc, trực thuộc Sở, ngành và 93,95 các đơn vị quận huyện ở các tỉnh/thành phố có cán bộ chuyên trách CNTT với tỷ lệ cán bộ chuyên trách trung bình đạt 3,08 và 2,39 trên 1 đơn vị.
45% DN có trang web; 99,64% DN kê khai thuế điện tử, 95,32% DN làm thủ tục hải quan điện tử.
Công nghiệp CNTT có tốc độ phát triển nhanh
Theo Vụ CNTT, Bộ TTTT, công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia.
Theo thống kê, tổng số DN CNTT cả nước năm 2016 ước tính là 24.501 DN, tăng 13,13% so với năm 2015. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT năm 2016 ước tính đạt 1.500.000 tỷ đồng (tương đương 67,693 tỷ USD, tăng 11,49% so với năm 2015), trong đó công nghiệp phần cứng là 58,838 tỷ USD, công nghiệp phần mềm là 3,038 tỷ USD, công nghiệp nội dung số là 739 triệu USD và dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là 5,078 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó phần cứng điện tử là 57,737 tỷ USD, phần mềm là 2,491 tỷ USD. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34,320 tỷ đồng, đóng góp khoảng 3,4% tổng ngân sách nhà nước.
Theo Vụ CNTT, nếu so sánh với ngành đang được coi là rất “nóng” hiện nay - ngành công nghiệp ô tô. Năm 2016, nhập khẩu 2,3 tỷ USD xe nguyên chiếc và 1,4 tỷ USD phụ tùng, tổng là 3,7 tỷ USD thì ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng gần 20 lần ngành công nghiệp ô tô.
Viễn thông - Interrnet phát triển tích cực
Thị trường Viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục có sự cạnh tranh tích cực. Theo số liệu của Sách Trắng, năm 2016 cả nước có 74 DN đang cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất và 5 DN đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.
Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2016 đạt 136.499 tỷ đồng (tương đương 6,16 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2015); Tổng số thuê bao điện thoại di động (phát sinh lưu lượng thoại, tin nhắn và dữ liệu) đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó có gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao truy nhập băng rộng cố định đạt hơn 9 triệu thuê bao.
Trong năm 2016, Việt Nam liên tục là nước có tổng số lượng tên miền quốc gia đăng ký cao nhất khu vực ASEAN. Tổng số tên miền .vn hiện đang duy trì trên hệ thống là 386.751 tên miền, tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký trên hệ thống là 994.161 tên miền. Đây được coi là tiền đề cho việc phát triển của các dịch vụ Internet vạn cật (IoT) cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Chủ động ứng phó sự cố ATTT
Năm 2016 cũng đánh dấu những nỗ lực của Bộ TTTT hành động quyết liệt nhằm xóa bỏ vấn nạn tin nhắn rác. Kể từ cuối tháng 10, sau khi các nhà mạng ký cam kết với Bộ TTTT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn, cho đến hết năm 2016, khoảng 15 triệu SIM thuộc diện này bị khóa dịch vụ.
Năm 2016 cũng chứng kiến những cuộc tấn công mạng tăng mạnh với website Vietnam Airlines bị tấn công thay đổi giao diện vào ngày 29/7/2016. Theo thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) sự cố tấn công mạng trong năm 2016 cao gấp 4 lần năm 2015. Tuy nhiên, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, DN và người dùng về vấn đề ATTT ngày càng được tăng cường, môi trường ATTT đã được cải thiện và người dùng đã chủ động hơn trong việc ứng phó với các sự cố ATTT. Tỷ lệ tổ chức có sử dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử năm 2016 là 54% tăng 8% so với năm 2015.
Hoàn thành giai đoạn 1 số hóa truyền hình
Năm 2016 ghi nhận các dịch vụ truyền hình trả tiền với số lượng thuê bao đạt gần 13,2 triệu thuê bao. Tổng doanh thu truyền hình trả tiền năm 2016 đạt gần 7.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 338,42 triệu USD).
Năm 2016 cũng là năm kết thúc thành công giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và một số địa phương lân cận. Bộ TTTT đã thực hiện việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 511.456 hộ gia đình nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Chính phủ với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 302 tỷ đồng (tương đương 13,63 triệu USD.
Mạng xã hội trực tuyến, DN cung cấp trò chơi điện tử được cấp phép tăng
Năm 2016, thống kê lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng cho thấy cả nước đã có 1.323 trang thông tin điện tử, tổng hợp đã được cấp phép của cơ quan, DN, tổ chức không phải là cơ quan báo chí; có 172 trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí; Đã có 240 mạng xã hội trực tuyến đã được cấp phép, tăng 124 so với năm 2015. Năm 2016, cả nước có 109 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng tăng 50 so với năm 2015.
Bưu điện Việt Nam là DN bưu chính chủ lực
Năm 2016, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt 409 triệu USD. Cả nước có 210 DN được xác nhận thông báo hoạt động và 248 DN được cấp giấy phép và xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Thị phần cung cấp dịch vụ bưu chính tính theo doanh thu năm 2016 theo thứ tự là: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost): 35,3%, Bưu chính Viettel (ViettelPost): 21,3%; DHL-VNPT: 12,8%, EMS: 8,6%, TNT Express: 7,9%, Kerry Express: 3,1% và DN khác là 11,0%
250 trường ĐH-CĐ đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông, ATTT
Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT với 250 trường đại học và cao đẳng (ĐH-CĐ) có đào tạo về CNTT, điện tử, viễn thông và ATTT.
Cụ thể, đối với đào tạo ĐH-CĐ: Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh CNTT-TT là trên 68.000 sinh viên, tuy nhiên, tỷ lệ thực tế tuyển sinh đại học, cao đẳng đạt 77,12%, tỷ lệ tốt nghiệp ĐH – CĐ ngành CNTT-TT đạt 93,88%.
Đối với đào tạo nghề, cả nước có khoảng 164 trường CĐ nghề, trung cấp nghề đào tạo về CNTT, điện tử, viễn thông và ATTT, với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh CĐ nghề, trung cấp ngành CNTT, điện tử, viễn thông và ATTT là 18.311 sinh viên với tỷ lệ thực tế tuyển sinh là 68,27% và tỷ lệ tốt nghiệp là 52,4%.
CNTT-TT đã có bước phát triển tích cực trong hai năm 2015 - 2016 với sự đóng góp của các văn bản được xây dựng, nổi bật là Luật ATTT mạng số 86/2015/QH13 được ban hành và có hiệu lực từ 2016 và nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về CNTT-TT được xây dựng.
Năm 2016, Bộ TTTT đã xây dựng, tham mưu cho Chính phủ ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực TTTT giữa Việt Nam với các nước Iran, Slovakia, Ấn Độ…; ký kết các nghị định thư, biên bản thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Pháp… Công tác ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị trường xúc tiến đầu tư CNTT-TT tại Pháp, Séc, Slovakia.
Trong hoạt động hội nhập quốc tế, Bộ TTTT đã tập trung xây dựng các phương án cam kết phục vụ kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định FTA trọng điểm.