Cần đồng bộ các chính sách cho phát triển CNTT
(ICTPress) - Các đại biểu tham dự tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới" được Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/8 đều khẳng định cần phải điều chỉnh Luật cũng như các văn bản liên quan để thúc đẩy ngành này phát triển trong thời kỳ mới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì Tọa đàm |
Luật CNTT được Quốc hội thông qua năm 2006 là văn bản luật đầu tiên về CNTT ở Việt Nam. Sự ra đời của Luật với các quy định rõ ràng, minh bạch đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng về quản lý nhà nước cho việc phát triển và ứng dụng CNTT thời gian qua. Với quan điểm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành, Luật CNTT đã quy định những điều kiện thiết yếu cơ bản để phát triển công nghiệp CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước.
Sau 10 năm thi hành, Luật CNTT đã bộc lộ một số bất cập trong bối cảnh CNTT là ngành phát triển nhanh, với các thay đổi có tác động mang tính đột phá. Vai trò của CNTT trong mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, thương mại, giáo dục, quốc phòng… ngày càng quan trọng và được nâng lên tầm cao mới. Từ một lĩnh vực kỹ thuật có tính hỗ trợ, CNTT đã trở thành một động lực phát triển có tác động lan toả, toàn diện, giúp chuyển đổi các mô hình kinh doanh, nghiệp vụ truyền thống thông qua thúc đẩy sáng tạo, đổi mới dựa trên công nghệ số. Sự chuyển dịch mạch mẽ đó đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi các quy định mới phù hợp trong lĩnh vực CNTT.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật CNTT, tình hình quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và bản thân ngành CNTT đã có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng được nâng cao. Thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ, mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế. Đang có những xu hướng phát triển công nghệ mới với nhiều đột phá và sáng tạo như IoT, SMAC, AI, Robotic… tất cả các công nghệ trên sẽ là nền tảng để thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Vì vậy, theo Thứ trưởng: “Việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về CNTT để phù hợp với xu thế phát triển và thực tế càng trở nên cấp bách. Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CNTT”.
Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT là rất quan trọng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, với các DN, với ngành CNTT thì không chỉ chịu sự tác động riêng của Luật CNTT mà còn bị tác động bởi nhiều Luật khác. Bản thân những người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực CNTT cũng biết rằng bên cạnh Luật CNTT còn chịu chi phối bởi nhiều Luật khác. Do đó, khi tổng kết Luật CNTT, không chỉ là nói đến những tồn tại, những mặt được, chưa được của Luật CNTT mà cũng mong muốn các đại biểu có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về những nội dung, nội hàm ở các luật khác có tác động đến ngành CNTT, tác động đến hiệu quả hoạt động của các DN CNTT.
Thứ trưởng cũng cho biết, qua 10 năm thi hành Luật CNTT, những suy nghĩ, quan điểm của chúng ta về CNTT đã có nhiều thay đổi, do sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ. Ví dụ như, khi triển khai Luật CNTT, chúng ta dựa trên nền tảng về hạ tầng, dịch vụ, công nghiệp và nguồn nhân lực. Ngay về hạ tầng, trước đây chúng ta nghĩ nhiều đến hạ tầng viễn thông, nhưng ngày nay ta đặt vấn đề về hạ tầng thiết bị và các hạ tầng khác như hạ tầng kết nối qua các thiết bị, hạ tầng thanh toán cho các DN trong lĩnh vực nội dung số… Đó là những vấn đề nảy sinh, phát sinh chưa được thể hiện rõ trong nội hàm các văn bản pháp luật. Do vậy, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số, Luật CNTT nói về các dịch vụ CNTT liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp... các Bộ chủ quản ngành này cần phải có văn bản hướng dẫn, nhưng thực tế chưa có văn bản hướng dẫn được ban hành. Cụ thể khi triển khai nông nghiệp thông minh, một DN nhỏ là thành viên của Hội muốn làm và ký một hợp đồng với một đơn vị làm nông nghiệp thông minh, triển khai dịch vụ bay flycam để phun thuốc. Khi ký kết hợp đồng, nếu chiểu theo văn bản quy định không thấy có gì vướng mắc, nhưng khi thực hiện tự nhiên xuất hiện một văn bản của Bộ Quốc phòng yêu cầu phải xin phép khi bay flycam, DN đó làm rất nhiều thủ tục hành chính giấy tờ, từ xin phép giấy nhập khẩu thiết bị đến giấy phép bay, bay ở khu vực nào cánh đồng nào cũng phải xin phép. “Đây là một tình huống không liên quan trong quy định của Luật nhưng bỗng dưng xuất hiện”, ông Cường cho hay.
Cũng dẫn chứng một ví dụ cụ thể về việc cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, ông Đỗ Vũ Anh, Thành viên Hội đồng Thành viên VNPT cho biết Điều 74 của Luật CNTT quy định một số nội dung khuyến khích hỗ trợ người tàn tật có ghi “Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và ưu đãi khác cho hoạt động: Nghiên cứu - phát triển các công cụ và ứng dụng nhằm nâng cao khả năng của người tàn tật trong việc truy nhập, sử dụng các nguồn thông tin và tri thức thông qua sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin; Sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ, ứng dụng CNTT và nội dung thông tin số đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người tàn tật”. Bên cạnh đó, Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng có quy định “Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế cho cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật”. Tuy nhiên, triển khai thực tế những quy định này chưa có hướng dẫn. Do đó, với những Luật ban hành ra chúng tôi cho rằng cần sớm có hướng dẫn để quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết Luật CNTT ra đời năm 2009 thì CMC là DN tư nhân đã được hưởng lợi đầu tiên, là cho phép tư nhân được phát triển trong các ngành nghề pháp luật không cấm, như trong đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, ông Chính cho rằng những văn bản dưới luật đôi khi và thậm chí trái tinh thần của Luật, hạn chế những điều Luật đã cho phép. Rất nhiều Thông tư, Nghị định đưa ra gây nhiều khó khăn cho DN. Ví dụ ngay như với Nghị quyết 36a cũng bị vướng câu chuyện là có sự phân biệt giữa các thành phần nhà nước, tư nhân.
Về vấn đề làm thế nào thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, lĩnh vực CNTT là động lực quan trọng để phát triển kinh tế số. Để phát triển thì dịch vụ Internet, thoại, kết nối, dữ liệu… phải phát triển, phải làm thế nào ngày càng rẻ để khả năng tiếp cận dễ dàng, bình đẳng cho tất cả các đối tượng liên quan, ông Chính cho hay.
Đề cập đến phát triển lĩnh vực nội dung số, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho biết ngành này phát triển từ chính DN trên sân nhà của Việt Nam. Tất cả các công ty nội dung số Việt Nam hầu hết đi lên từ tay không, dùng nguồn lực duy nhất là con người. Tuyển dụng về CNTT, nội dung, người thiết kế… rồi kinh doanh.
Ông Tân cho biết Bộ TT&TT nên đề xuất với nhà nước gọi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, khi có tư tưởng như vậy thì sẽ biết được là làm ưu đãi gì. Theo ông Tân, có một thực tế đáng buồn là quá ít người hiểu ngành nội dung số là gì, các chính sách ưu đãi thì như đứa con bị bỏ rơi. Nếu xin chứng chỉ công nghệ cao thì xin Bộ KH&CN. Còn xin chứng chỉ tôi là DN nội dung số có lợi cho quốc gia cần ưu đãi thì không biết gặp ai. “Bộ TT&TT nên đứng ra làm, coi công nghiệp nội dung số là ngành trọng điểm và phát triển”.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng có nhiều điều cần quan tâm đến lĩnh vực nội dung số. Nền tảng, hạ tầng của chúng ta không chỉ là vấn đề về viễn thông mà còn là nền tảng về cơ sở dữ liệu, về thanh toán để tạo thuận lợi cho các DN nội dung số phát triển. Bộ mong muốn các DN nội dung số, các hiệp hội liên quan cùng Bộ có tiếng nói để tháo gỡ, có giải pháp để làm việc với DN nước ngoài nhằm tạo nền tảng ngày càng bình đẳng hơn với các DN trong nước.
Quan trọng nhất của việc tổng kết Luật CNTT không phải là những nhận định chúng ta đã làm được gì liên quan đến Luật mà chính là danh mục kiến nghị, đề xuất với Quốc hội liên quan đến ngành CNTT. Bộ TT&TT mong rằng trong thời gian tới nhận được sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để từng bước đưa ngành CNTT tiến lên.
HM