Xây dựng chính sách CNTT đáp ứng mô hình kinh doanh mới, sáng tạo
(ICTPress) - Cần xây dựng chính sách CNTT mới đáp ứng mô hình đáp ứng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đáp ứng được mô hình kinh doanh mới là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm với các doanh nghiệp FDI về Luật CNTT và định hướng phát triển thời gian tới do Bộ TT&TT tổ chức ngày 2/6.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh qua hơn 1 thập kỷ phát triển, CNTT không những đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà trở thành hạ tầng cho các ngành kinh tế khác phát triển. Tăng trưởng bình quân toàn ngành công nghiệp CNTT hơn 10 năm qua đạt 20%/năm. Năm 2016, tổng hợp giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử đạt gần 58 tỷ USD, nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI với các lợi thế là dân số trẻ, gần 60% trong tổng dân số ở độ tuổi lao động (17-60%), nguồn lao động dồi dào, chi phí cho lao động ở Việt Nam cũng tương đối thấp, vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động.
Việt Nam cũng dần hình thành một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Trong đó có thể kể tới chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi về nhập khẩu linh kiện, chính sách về ưu đãi thuế. Đến nay, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút hơn 15 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel, Electronics, Nokia… trong đó điển hình là các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn của Samsung với quy mô đầu tư hơn 14 tỷ USD tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đã giải ngân hơn 10 tỷ USD và tạo ra gần 140.000 việc làm tại các địa phương.
Thực tế sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật CNTT trong tình hình quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và bản thân ngành CNTT đã có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng đã được nâng cao. Thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ, mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện đang có những xu hương phát triển công nghệ mới có nhiều đột phá và sáng tạo như IoT, SMAC, AI, Robotic… tất cả các công nghệ trên sẽ là nền tảng để thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT trong bối cảnh nêu trên, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng về CNTT.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết Bộ TT&TT đã tham mưu xây dựng trình cấp thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị với mục tiêu thúc đẩy CNTT thực sự trở thành phương thức phát triển mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về CNTT để phù hợp với xu thế phát triển và thực tế trở nên cấp bách. Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CNTT, đồng thời cũng đề ra nhiệm vụ “Rà soát, hoàn thiện các chính sách thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) về CNTT, ưu tiên thu hút đầu t ư vào ngành công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất vi mạch điện tử, kiểm tra, kiểm thử sản phẩm vi mạch điện tử; gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp phần cứng - điện tử”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết Luật CNTT được Quốc hội thông qua năm 2006, là văn bản luật đầu tiên về CNTT ở Việt Nam. Sau 10 năm thi hành, Luật CNTT đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế trong bối cảnh CNTT là ngành phát triển nhanh, với các thay đổi có tác động mang tính đột phá, đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi các quy định mới phù hợp trong lĩnh vực CNTT.
Tại Hội thảo, ông Phạm Quang Huy, Microsoft Việt Nam cho biết công nghệ đã thay đổi nhanh chóng trong 15 năm qua. Năm 1999 là máy tính cá nhân, lọc thư điện tử rác thì nay công nghệ nhận dạng, xe tự lái, công nghệ nano, in 3D, di động, hay điện toán đám mây đã trở thành xu hướng phát triển và tạo ra sự phức tạp hơn… Theo đó, chính phủ các nước cần xây dựng các chính sách và các yêu cầu điện toán đám mây tạo ra các cơ hội cho sáng tạo và đảm bảo đáp ứng các nhu cầu ICT theo 6 nguyên tắc: sáng tạo, linh hoạt, nhận thức dữ liệu, dựa trên rủi ro, tiêu chuẩn và minh bạch. 6 nguyên tắc sẽ làm nền tảng cho một khung chính sách đảm bảo cho các chính phủ thiết lập một lộ trình rõ ràng hướng tới sự sáng tạo và thúc đẩy các mục tiêu an ninh và linh hoạt.
Ông Ben Brooks, Giám đốc chính sách công khu vực châu Á Thái Bình Dương của Uber cho biết Uber là công ty công nghệ toàn cầu, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để kết nối người với người và để sử dụng tốt hơn các nguồn lực hiện có. Công nghệ cải thiện hiệu suất và năng suất vì giảm được các phương tiện trên đường, tránh ùn tắc, giảm tác động môi trường. Công nghệ cũng cải thiện sự an toàn, chất lượng và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ, đem lại những lợi ích kinh tế mới… Theo đó, Uber cho rằng để phát triển trong cách mạng công nghiệp 4.0 mang tính toàn cầu, các quy định quản lý nên đón nhận, không nên ngăn chặn. Cơ quan quản lý nên đưa ra chính sách phản ánh kịp thời xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh. Việt Nam có thể dẫn đầu châu Á nếu đưa ra được những chính sách thông minh.
Đóng góp ý kiến cho xây dựng chính sách mới về CNTT, ông Hồ Hữu Thắng, Giám đốc kỹ thuật Cisco Việt Nam cho biết có rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành ICT, cụ thể hơn là các vấn đề về thành phố thông minh, trong đó cần tập trung và phạm vi, sự riêng tư của dữ liệu và an ninh. Do đó, cần phải có những quy định kịp thời để giải quyết sự riêng tư của dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu của công dân được thu thấp. Các quy định cần hướng tới một cơ chế bảo vệ dữ liệu tối ưu để đảm bảo các dữ liệu thu thập không bị ảnh hưởng, trong đó có tham chiếu các nguyên tắc riêng tư của APEC và các quy tắc sự riêng tư xuyên biên giới (Cross Border Privacy Rules - CBPR). Ông Thắng cũng cho rằng cần phải có những quy định trong Luật CNTT về tội phạm mạng và các hành vi vi phạm pháp luật về tấn công IoT.
Đại diện cho Amcham, ông Troy Taylor cho rằng mục tiêu cao nhất là sửa đổi Luật CNTT phải hỗ trợ môi trường phát triển ngành CNTT, phải thu hút FDI, phát triển CNTT ở Việt Nam. Trong Luât CNTT sửa đổi cần đủ độ linh hoạt đáp ứng sự phát triển CNTT nhanh như vũ bão, và trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ hội nhập và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia. Theo đó, các chính sách cần phải trung lập về công nghệ mới đáp ứng các xu hướng công nghệ mới như IoT, dữ liệu lớn và các xu hướng mới…
Cũng tại Tọa đàm, đại diện của Grab Taxi cho rằng các quy định của các bộ ngành khác cũng cần quan tâm tới xu hướng phát triển của công nghệ, ví dụ trên nền tảng công nghệ kết nối hiện nay, các nước trong khu vực đã có thể áp dụng hình thực đi chung xe, có thể từ 2 người trở lên, giúp giảm thiểu phương tiện lưu thông trên đường, tác động môi trường. Tuy nhiên, nhiều quy định hiện hành về vận tải chưa bắt kịp sự phát triển của Công nghệ. Bộ TT&TT với vai trò quản lý nhà nước về CNTT-TT cần đóng góp ý kiến về vấn đề này.
HM