Tên miền tiếng Việt thúc đẩy thông tin thuần Việt, tăng truy cập Internet
(ICTPress) - "Hơn một nửa số doanh nghiệp tại Việt Nam sở hữu website để bán hàng trực tuyến. Tỷ lệ thâm nhập Internet có thể tăng lên do nhiều người Việt truy cập mạng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ", ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tại Hội thảo về phát triển tên miền đa ngữ hôm nay 3/5 tại Hà Nội.
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC phát biểu tại Hội thảo |
Tên miền đa ngữ (Internationalized Domain Name - IDN) là tên miền được viết dưới dạng ngôn ngữ bản địa của các quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu. IDNs hiện đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trên Internet đặc biệt là tại các quốc gia không sử dụng ngôn ngữ ký tự Latin như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Nội dung bản địa hóa trong tên miền đã ngữ hiện không chỉ dừng ở phần nhãn dưới một đuôi tên miền không dấu thông thường như hànội.vn; việtnam.com mà về lý thuyết còn có khả năng mở rộng đến cấp cao nhất như .ῇᾤ; .việtnam; vv…
Tên miền tiếng Việt (TMTV) là tên miền đa ngữ của Việt Nam. Do tiếng Việt thuộc hệ ngôn ngữ Latin, nên hiện Việt Nam chưa được chuyển giao tên miền đa ngữ mã quốc gia (tên miền mã quốc gia tiếng Việt). Không gian tên miền tiếng Việt hiện được phát triển dưới đuôi tên miền quốc gia “.vn” dưới dạng tên miền cấp 2 (trực tiếp sau “.vn”). Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) không triển khai cấp phát TMTV dưới các đuôi tên miền cấp 2 dùng chung như .com.vn, .net.vn...
Việc đăng ký, sử dụng TMTV bổ sung thêm nhiều lựa chọn, thay thế cho địa chỉ Website truyền thống chỉ chấp nhận những ký tự Latin thông thường. Với lợi thế rõ nghĩa, tránh được những cách hiểu mập mờ, không gian tên miền rộng lớn, TMTV là lựa chọn cho người sử dụng để xác định danh tính, bảo vệ thương hiệu của mình chính xác theo ngôn ngữ Tiếng Việt trên Internet.
Tại Hội thảo, bà Joyce Chen, Chuyên gia Phát triển và chiến lược đối tác toàn cầu của Tổ chức cấp phát tên miền quốc tế ICANN Châu Á - TBD cho biết, kể từ ngày 16/11/2009, ICANN đã chuyển giao tên miền đa ngữ cấp cao mã quốc gia cho các quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ phi Latin theo chương trình ưu tiên đăng ký có tên gọi “IDN ccTLD fast track process”. Các quốc gia, vùng lãnh thổ đã được cấp phát tên miền cấp cao mã quốc gia theo tiếng bản địa gồm có: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và các quốc gia theo hệ ngôn ngữ Ả rập (Ai Cập, Quata, Maroc, Jocdan, Tunis, …).
Trải qua lộ trình phát triển với nhiều giai đoạn khác nhau, hiện nay TMTV đã thực sự hoạt động trên mạng Internet, đem lại nhiều lựa chọn cho người sử dụng với lợi thế về không gian tên miền rộng lớn, rõ nghĩa, tránh được những cách hiểu mập mờ giúp người sử dụng xác định danh tính, bảo vệ thương hiệu của mình chính xác theo ngôn ngữ tiếng Việt trên Internet.
Nhấn mạnh thêm về lợi thế của TMTV, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC cho rằng, với sự phát triển mới của hoạt động Internet với đa dạng loại hình dịch vụ, công nghệ mới phục vụ cho nhu cầu sử dụng của con người, thì tên miền đa ngữ (tên miền được viết theo tiếng bản địa của các quốc gia trên thế giới) hiện đang là xu thế trên toàn cầu. TMTV góp phần tạo môi trường thuần Việt trên Internet, đưa Internet Việt Nam hội nhập công nghệ, ứng dụng tài nguyên Internet với thế giới.
Đặc biệt, TMTV được sử dụng sẽ rõ nghĩa, dễ nhớ, dễ quảng bá, thể hiện rõ ràng được ý tưởng, tên sản phẩm dịch vụ, tên nhãn hiệu, thương hiệu... tránh được những cách hiểu mập mờ. Không gian tên miền rộng lớn, tên miền tiếng Việt là lựa chọn cho người sử dụng để xác định danh tính, bảo vệ thương hiệu của mình chính xác theo ngôn ngữ tiếng Việt trên Internet.
Ông Tân cũng cho biết, theo báo cáo tài nguyên Internet năm 2016 của VNNIC, hơn một nửa số doanh nghiệp tại Việt Nam sở hữu website để bán hàng trực tuyến. Bằng việc vượt qua rào cản ngôn ngữ, tỷ lệ thâm nhập Internet có thể tăng lên do nhiều người Việt truy cập mạng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngoài ra, việc cập nhật hệ thống để theo kịp DNS luôn biến đổi nhằm chấp nhận được các tên miền gTLD mới và IDN là bắt buộc với các nhà thiết kế phần mềm và chủ sở hữu website. Bằng việc đảm bảo hệ thống phần mềm được cập nhật để hoạt động với DNS, dự kiến lợi nhuận online toàn cầu có thể tăng trưởng khoảng 9,8 tỷ USD.
Quá trình thúc đẩy phát triển TMTV
Quá trình phát triển TMTV gắn với dự án nghiên cứu khoa học của VNNIC đưa tiếng Việt vào ứng dụng trong hệ thống tên miền để góp phần thúc đẩy thông tin thuần Việt trên mạng Internet. Thời gian ban đầu, TMTV chưa thu hút được người sử dụng. Từ thời điểm bắt đầu cấp phát chính thức vào tháng 3/2007 đến hết tháng 12/2010, chỉ có 3.532 tên miền đăng ký.
Các mốc phát triển TMTV |
Số lượng đăng ký TMTV bùng nổ kể từ thời điểm triển khai cấp phát TMTV miễn phí theo Thông tư số 189/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính (ngày 28/4/2011). Sau gần 06 năm mở đăng ký tự do miễn phí (bắt đầu từ 28/4/2011), tên miền tiếng duy trì trên hệ thống ở con số 977.007 tên tính đến 31/10/2016.
Biểu đồ Tăng trưởng TMTV qua các năm |
Nhu cầu đăng ký và sử dụng tên miền đa ngữ là xu thế tất yếu thể hiện tinh thần dân tộc, tôn vinh tiếng bản địa của mỗi quốc gia. Kể từ thời điểm triển khai cấp phát tự do TMTV tới người sử dụng (28/4/2011) tới hết ngày 31/12/2016. VNNIC trực tiếp tiếp nhận và xử lý các yêu cầu đăng ký sử dụng TMTV. Trong suốt giai đoạn từ 28/4/2011 tới hết 31/12/2016, phí duy trì sử dụng TMTV ở mức 0 đồng để khuyến khích người sử dụng.
Cơ cấu TMTV theo chủ thể đăng ký (2016) |
Từ ngày 01/01/2017, theo quy định tại thông tư số 208/2016/TT-BTC ban hành ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí tên miền quốc gia “.vn” và địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam, TMTV chính thức được thu phí duy trì sử dụng ở mức tối thiểu đảm bảo bù đắp chi phí quản lý (20.000đ/tên miền/01 năm), không nhằm mục đích thương mại và kế thừa quan điểm ưu tiên, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước Việt Nam với thông tin thuần Việt trên Internet, nâng giá trị và vị thế TMTV tương đương với tên miền truyền thống. Cũng từ thời điểm này, VNNIC chuyển giao toàn bộ TMTV được đăng ký trực tiếp tại VNNIC trước đây sang quản lý tại Nhà đăng ký.
Được biết, từ ngày 01/01/2017 VNNIC chuyển đổi mô hình: VNNIC - NĐK (VNNIC - Nhà đăng ký). Hiện tại đã có 06 Nhà đăng ký tên miền triển khai cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt ra cộng đồng gồm: Công ty Cổ phần iNET; Công ty Cổ phần GMO-Z.com RUNSYSTEM; Công ty TNHH Phần mềm Nhân Hòa; Công ty TNHH P.A Việt Nam; Công ty cổ phần DOT VN INC (DOT VN INC., JSC); Công ty cổ phần Nhân Hòa; Công ty Công ty TNHH Giải pháp trực tuyến ESC. Các nhà đăng ký “.vn” khác cũng đang chuẩn bị để triển khai.
Minh Anh