Các cơ hội để Việt Nam tiên phong về IoT

(ICTPress) - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 liên quan đến IoT. Hy vọng Việt Nam được gọi tên.

Gs. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa nói về IoT, khởi nghiệp và nguồn mở, cơ hội cho các bạn sinh viên

Mới đây, VNPT Technology đã giới thiệu Smart Connected Platform (SCP) - platform IoT đầu tiên khá hoàn chỉnh của Việt Nam do đơn vị này nghiên cứu phát triển.

Theo đó, SCP là một nền tảng mở và duy nhất kết nối vạn vật cung cấp dịch vụ End-to-End. Với SCP và bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) mở được VNPT Technology cung cấp, các nhà phát triển ứng dụng có thể chủ động phát triển ứng dụng trong mọi lĩnh vực chạy trên các thiết bị đã chứng thực. Một thiết bị mới sau khi đã được chứng thực bởi SCP cũng sẽ tương thích với tất cả ứng dụng mà cộng đồng phát triển.

Trao đổi với các sinh viên CNTT-TT tại Hà Nội về “IoT - cơ hội cho công nghệ Việt Nam” trong khuôn khổ Ngày hội phần mềm nguồn mở 2016, TS. Trần Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý Phát triển sản phẩm, CMO, VNPT Technology cho biết IoT được ứng dụng trong nhiều ngành từ hạ tầng mạng, bệnh viện, chuỗi phân phối, logistics, môi trường, nông nghiệp, nhà thông minh… Mỗi người đều có thể quan tâm đến một góc nào đó của IoT, từ sáng tạo các thiết bị, các module gắn với các thiết bị để ứng dụng và quản lý như tạo các module để điều khiển từ xa bình nóng lạnh nhờ kết nối Internet, viết các ứng dụng như quản lý tưới tiêu cho nông nghiệp, quan sát nồng độ PH trong nước và điều khiển giúp người dân nuôi trồng thủy sản... Trong đô thị thông minh, có thể viết các ứng dụng quản lý giao thông thông minh, quản lý nhiên liệu cho ô tô, tàu hỏa… Các doanh nghiệp cũng có thể phát triển các dịch vụ trên nền tảng cho chính phủ, doanh nghiệp… Đối với các start-up có thể tạo ra một nền tảng nhỏ cho lĩnh vực nào đó và dần dần nâng cấp lên.

IoT chỉ có thể phát triển được khi có hệ thống bảo mật đủ tốt. Một người hay một tổ chức không thể làm được một hệ thống bảo mật hoàn chỉnh cho IoT. Các start-up có thể tham gia vào mảng đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho IoT.

“Một người không thể làm hết được, các doanh nghiệp, cộng đồng có thể tham gia vào phát triển IoT”, ông Kiên kêu gọi.

VNPT Technology sẽ hỗ trợ cung cấp Open API kết nối với SCP để cộng đồng phát triển ứng dụng, sẵn sàng chứng thực thiết bị (Certify), hợp tác cùng nghiên cứu phát triển, cung cấp “chợ” ứng dụng IoT, Hỗ trợ môi trường phục vụ thử nghiệm và phát triển; đầu tư về tài chính cho các start-up có chiến lược phù hợp với định hướng công ty. VNPT Technology đã phát triển xong nền tảng IoT này và hiện tại đã có phiên bản 1.3.

Ông Kiên nhấn mạnh: VNPT Technology đang làm IoT với một niềm tin Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực này. Ở VNPT Technology tất cả mọi người đều có niềm tin cuộc cách mạng lần thứ 4 ghi tên Việt Nam. Tin cuộc cách mạng lần này có tính mở và mong cộng đồng biến giấc mơ thành hiện thực.

Theo ông Kiên, IoT đang ở đỉnh cao sự quan tâm, là chủ đề hot trên thế giới và Việt Nam. Việt Nam quan tâm vào thời điểm này là thích hợp, để có thể ngang bằng với thế giới. IoT được quan tâm không chỉ bởi các nhà mạng, mà còn cộng đồng, trong đó cộng đồng mã nguồn mở đang rất tích cực quan tâm đến chủ đề IoT. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 liên quan đến IoT. Và hy vọng Việt Nam được gọi tên.

Có rất nhiều định nghĩa về IoT, nhưng có một định nghĩa của Busines Insider được nhiều người sử dụng: IoT là một mạng lưới gồm các vật thể được kết nối Internet có thể trao đổi thu thập và trao đổi dữ liệu, thường được viết tắt là IoT, theo Business Insider.

Theo Gartner, top 10 công nghệ liên quan đến IoT thì công nghệ đứng đầu là an ninh IoT, tiếp theo là IoT Analatics, quản lý thiết bị IoT, hệ thống mạng cho các sensor công suất thấp cự ly truyền dẫn thấp và cao hơn để điều khiển IoT trong một phạm vi như cánh đồng, các bộ vi xử lý IoT, các hệ điều hành IoT, Xử lý luồng dự kiện, các nền tảng IoT, các chuẩn và hệ sinh thái IoT.

Trao đổi về cơ hội IoT, bà Thạch Lê Anh, CEO Vietnam Sillicon Valley (VSI) đã khuyến khích các bạn sinh viên quan tâm tới IoT trong các lĩnh vực, đặc biệt trong nông nghiệp. Nếu các em quan tâm và thích thú có thể giúp đỡ cộng đồng nông thôn đến VSI ngay lập tức. VSI đang phối hợp với các nhà khoa học trong Chương trình Agriculture Solutions Alliance. Các bạn sinh viên có thể thiết kế các ứng dụng cho lĩnh vực nông nghiệp.

Chủ đề IoT, khởi nghiệp và phần mềm nguồn mở là những chủ đề được các chuyên gia về các lĩnh vực này trao đổi chuyên sâu tại ngày Hội phần mềm nguồn mở (SDF) 2016.

Vậy tại sao ba chủ đề này lại là nội dung chính và có liên quan tới nhau. Trong thông điệp nhân ngày Hội được tổ chức tại Việt Nam, TS. Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA đã cho biết tất cả các tên tuổi phần mềm nguồn mở đều là start-up, bắt đầu đi lên từ start-up. Có một số start-up vẫn đang tiếp tục ra đời. IoT hiện nay đang cần rất nhiều lập trình viên, nhiều start-up bởi làm IoT thì liên quan đến hàng tỷ thiết bị, do vậy nguồn mở chắc chắn là không tránh khỏi và duy nhất đúng. Nguồn mở là một xu hướng không thể đảo ngược của ngành CNTT trên thế giới.

GS. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa cho biết sự kết hợp hài hòa giữa IoT, khởi nghiệp và nguồn mở đã tạo ra những không gian mới, bắt kịp với sự phát triển của thời đại, bắt kịp với sự phát triển của công nghệ và tạo ra những sân chơi.

 QA

Tin nổi bật