Triển khai thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo trên toàn quốc
(ICTPress) - Các cấp hội nhà báo Việt Nam sẽ triển khai thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 này trên toàn quốc.
Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí 2016 vào ngày 4/5/2016. Luật Báo chí 2016 là sự kế thừa, phát triển Luật báo chí 1989 và 1999. Điều 8 Luật Báo chí 2016 xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng, ban hành và thực hiện quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Ngay sau khi Chủ tịch nước ký Quyết định ban hành, cả hệ thống Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí đã tổ chức học tập Luật Báo chí 2016, góp ý kiến xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp thu, chọn lọc ý kiến góp ý từ các cấp các ngành, các tổ chức Hội trong cả nước, các nhà khoa học, giảng viên các cơ sở đào tạo báo chí và tham khảo quy ước đạo đức nghề nghiệp của một số nước để xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 10 điều, Ban Chấp hành Hội NBVN khóa X đã thông qua tại kỳ họp thứ 5 (15/12/2016), thực hiện cùng với Luật báo chí từ 1/1/2017.
Nhằm sớm đưa Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống, đặc biệt là đối với những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chỉ thị thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp Trung ương và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng; Hướng dẫn các cấp Hội Nhà báo thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức cấp tỉnh và tương đương ở địa bàn sinh hoạt của mình.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phát biểu chỉ đạo triển khai thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo VN |
Tại Hội nghị học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN và tập huấn công tác kiểm tra ngày 21/4, tại Lâm Đồng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã nhấn mạnh 4 nội dung các cấp hội cần triển khai trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn ở các cấp Hội và các cơ quan báo chí. Chú trọng phân tích, thảo luận làm rõ những điểm mới, những nội dung thường gặp, những nội dung dễ mắc sai phạm trong tác nghiệp báo chí.
Thứ hai, thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cấp tỉnh và tương đương, đồng thời phổ biến Quy chế làm việc của Hội đồng, hoàn thành trong quý 2/2017. Đây là công việc quan trọng và có tính chất quyết định, yêu cầu các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, giúp cho việc thực hiện tốt Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp.
Thứ ba, ngay sau Hội nghị này, từng cơ quan báo chí, từng tổ chức Hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình, tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện Nội quy, Quy chế, Quy ước riêng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp. Các tổ chức Hội cần chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội nhằm tạo sự ủng hộ và giúp đỡ; cần có hình thức phù hợp tranh thủ đồng thuận từ công chúng báo chí vv…
Thứ tư, cùng với việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, tổ chức Hội cần chú ý kiện toàn và đưa công tác kiểm tra của Hội vào nền nếp, đạt hiệu quả, chất lượng; tiến hành tập huấn nghiệp vụ thường xuyên và nắm vững 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam để hướng dẫn, ngăn chặn và xử lý sai phạm nghiêm túc, chính xác.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác 2017 và cả nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo Chủ tịch Thuận Hữu, trong công cuộc đổi mới, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tích cực đồng hành và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh những đóng góp to lớn và những tấm gương đáng tự hào đó, Chủ tịch Thuận Hữu nhận định có một thực tế là hiện nay các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại. Đó là: việc thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi và làm trái pháp luật, trái truyền thống đạo lý ngày càng gia tăng.
Tình hình này cho thấy sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Chủ tịch Thuận Hữu nói.
Các đại biểu giao lưu tại Hội nghị |
Trước đó, ngày 30/3/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 533/QĐ-Hội nhà báo Việt Nam thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhằm bảo đảm cho việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nghiêm chỉnh và hiệu quả; phù hợp với Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam khóa X.
Hội đồng gồm 23 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam làm Ủy viên Thường trực Hội đồng.
Theo Quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn: Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên; Tuyên truyền, giáo dục, theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm Luật Báo chí 2016, Điều lệ Hội, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đồng gồm 2 cấp: cấp Trung ương và cấp tỉnh, Thành phố, Liên chi hội, Chi hội trực thuộc.
LP