Nhà báo Đỗ Quý Doãn ra mắt tập thơ "Rằng thương nhau cho trọn"

(ICTPess) - Trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4, NXB TT&TT tổ chức buổi tọa đàm ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn” của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn.

Nhà báo Đỗ Quý Doãn (trái) giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt Tập thơ

Nhà báo Đỗ Quý Doãn có bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, trở thành ca khúc rất nổi tiếng: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm". Nhưng không chỉ có vậy, ông còn có nhiều bài thơ khác được phổ nhạc. Các bài thơ này đã giúp ta nhận ra một nét riêng trong thơ Đỗ Quý Doãn, đó là tình yêu quê hương đất nước bình dị nhưng thắm đượm, có sức lay động lòng người. Chính vì thế thơ ông rất có duyên với âm nhạc.

Chưa có buổi ra mắt thơ nào mà tiếng vỗ tay, tiếng cười và cả những giọt nước mắt nhiều đến như vậy. Có lẽ, chính từ những tình cảm chân thành của nhà thơ khi viết cũng như trong đời thường đã chạm tới trái tim của người đọc.

Nhà thơ, nhà báo Đỗ Quý Doãn chia sẻ tại buổi toạ đàm rằng ông chưa bao giờ nghĩ mình là nhà thơ. Trong suốt quãng thời gian đi làm báo, ông có thói quen ghi lại cảm xúc của mình, và được sự động viên của anh em bạn bè, ông in tập thơ "Rằng thương nhau cho trọn", nếu ông được gọi là nhà thơ thì đó là một sự ưu ái.

Cũng trong chương trình, chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm”, nhà báo Đỗ Quý Doãn đã rất xúc động kể về tuổi thơ của mình. Tuổi 18 đôi mươi là lứa tuổi rất đẹp, biết yêu cũng từ tuổi này. Khi đi bộ đội, đóng quân ở Nghệ An, ông hay làm phong trào, hát cho vui. Vì không sinh ra ở Nghệ An, nên mỗi lần hát ông đều nhờ người dân ở đây dạy hò, ví giặm... Những câu hò ví giặm đã ngấm vào ông lúc nào không hay.

Cho tới khi đi học nước ngoài, vào một buổi chiều thu, nhạc sĩ Trần Hoàn nói với ông rằng nhớ quê và bảo nhà báo Đỗ Quý Doãn viết bài thơ về quê hương cho với nỗi nhớ. Bài thơ "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm" ra đời và được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc ngay trong đêm đó.

Nhà thơ, nhà báo Đỗ Quý Doãn là một người con của miền quê Quảng Bình. Mặc dù, lớn lên ông không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà làm trong lĩnh vực báo chí, rồi chuyển sang công tác quản lý; nhưng có lẽ tuổi thơ của ông đã bồi đắp tâm hồn ông những suy tư, tình cảm khi nhớ về quê hương của mình với hình ảnh người mạ, người cha yêu dấu như: “Nhật Lệ chiều”, “Xa em chiều Đồng Hới”, “Trở về với Mạ”, “Mạ ơi”, “Cha”…

Nhà thơ, nhà báo Đỗ Quý Doãn còn đi, còn gặp gỡ, còn để lại nhớ thương trên các miền quê và chắc chắn còn dâng hiến cho đời những bài thơ thắm tình nặng nghĩa. Những bài thơ này sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tạo nên những ca khúc nặng tình quê hương.

 Hiền Anh

Tin nổi bật