Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh triển khai IPv6 đáp ứng nhu cầu khách hàng

(ICTPress) - Kết thúc Giai đoạn 2 (2013 – 2015) Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, các doanh nghiệp (DN) ISP lớn ở Việt Nam đã sẵn sàng IPv6 ở hạ tầng, mạng lưới; tuy nhiên chưa triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 thực tế tới người sử dụng. Do đó, chỉ số người dùng IPv6 Việt Nam lúc bấy giờ chỉ đạt khoảng 0,05%.

Năm 2016, với mục tiêu cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, hoạt động triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 được đẩy mạnh, tạo nên kết quả triển khai IPv6 nổi bật của Việt Nam. Tính đến nay, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc lên khoảng 5% với hơn 2.300.000 người dùng IPv6 (nguồn Cisco), Việt Nam vượt lên đứng thứ 2 Khu vực ASEAN, thứ 4 khu vực Châu Á. Kết quả này có được do các doanh nghiệp (DN) đã triển khai dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, tiêu biểu là FPT Telecom đã triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong năm 2016 với bình quân khoảng 2.000.000 người sử dụng đầu cuối.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Mạng Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), chỉ số truy cập qua IPv6 của Việt Nam tăng trưởng tốt, đặc biệt từ sau Ngày IPv6 Việt Nam (06/05/2016). Tính đến đầu tháng 12/2016, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Internet Việt Nam đạt khoảng 5%, thời điểm cao nhất lên tới 6,28% (nguồn APNIC), hiện Việt Nam vượt lên đứng thứ 2 Khu vực ASEAN, thứ 4 khu vực Châu Á.

Biểu đồ triển khai IPv6 của Việt Nam năm 2016 (nguồn APNIC)

 Theo thống kê của phòng Lab Cisco, chỉ số tỉ lệ người dùng IPv6 của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt với khoảng 4,7% (~2.224.000 người sử dụng IPv6), vượt xa mục tiêu 1-2% đặt ra tại Ngày IPv6 Việt Nam 2016. 

Bản đồ số lượng người dùng IPv6 (nguồn Cisco) 

Triển khai IPv6 tại một số đơn vị, DN tiêu biểu

Cục Bưu điện Trung ương: Mạng truyền số liệu chuyên dùng tiếp tục được Cục chú trọng xây dựng kế hoạch, triển khai thử nghiệm thành công IPv6 cho hệ thống mạng TSLCD của Bộ TT&TT và Văn phòng Trung ương Đảng với tỉ lệ IPv6 tương ứng đạt khoảng 0,0165% và 1,423%. Tháng 12/2016, Cục tiếp tục phối hợp với Trung tâm Tin học  – Văn phòng Quốc hội triển khai thành công IPv6 cho mạng của Văn phòng Quốc hội.

FPT Telecom: Là DN dẫn đầu Việt Nam và đứng thứ 17 toàn cầu trong công tác triển khai IPv6. Trong năm 2016, FPT đã cung cấp dịch IPv6 cho khoảng 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định; 100% các Website của FPT Telecom đã hoàn toàn chạy trên nền IPv6; triển khai IPv6 cho mạng nội bộ cũng như các dịch vụ nội dung, ứng dụng với khoảng 1.000.000 khách hàng IPv6 truy cập; tỉ lệ lưu lượng IPv6 quốc tế khoảng 22,7% (băng thông 3.491 Gbytes), trong nước khoảng 0.037% (băng thông 456 Gbytes).

Tập đoàn Viettel: Đầu năm 2016, Viettel thử nghiệm dịch vụ băng rộng cố định và di động 4G LTE thành công trên nền tảng IPv6 tại Vũng Tàu với khoảng 120 khách hàng; băng thông IPv6 trong nước là 70,25 Gbytes, quốc tế là 155,13 Gbytes; Viettel đã có lưu lượng IPv6 nhưng chưa nhiều. Trong thời gian tới, Viettel tiếp tục triển khai dịch vụ IPv6 cho 28 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các dịch vụ băng rộng cố địn, 4G LTE, Hosting IDC, Cloud server ....

Tập đoàn VNPT: VNPT đã triển khai thử nghiệm một số dịch vụ có hỗ trợ IPv6 như dịch vụ quảng bá, xây dựng Website chạy IPv6. Tổng số lượng khách hàng của VNPT đo đạc được là hơn 4.000 khách hàng đầu cuối có IPv6. VNPT đã tăng trưởng lưu lượng IPv6 nhưng chưa nhiều. Năm 2017, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ IPv6, đặc biệt là dịch vụ 4G LTE, băng rộng cố định …

Tổng công ty MobiFone: Năm 2016, Mobifone đã nâng cấp hệ thống, hoàn thành thử nghiệm IPv6 cho mạng CNTT, xây dựng phương án thử nghiệm dịch vụ 4G LTE. Sau khi triển khai thử nghiệm thành công, MobiFone sẽ triển khai chính thức dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6 vào cuối năm 2017. MobiFone cũng đã thực hiện chuyển đổi IPv6 thành công cho chuyên trang của MobiFone Portal.

NetNam: Là đơn vị có hoạt động triển khai IPv6 từ rất sớm, hiện đã có 7 Website sẵn sàng và dán nhãn IPv6 Ready Logo, duy trì 324 khách hàng dịch vụ Tunnel; NetNam đã sẵn sàng và dự kiến sẽ cung cấp IPv6 cho dịch vụ DNS, Hosting, Leasedline, wifi trong năm 2017.

SCTV: Đã cung cấp IPv6 cho hơn 2.000 khách hàng băng rộng cố định, tỉ lệ lưu lượng IPv6 của mạng SCTV kết nối trong nước và quốc tế đều có tăng trưởng.

VTC: Đã tăng cường kết nối peering IPv6 với VNPT, FPT, Mobifone Global; đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 500 khách hàng dịch vụ game mobile; tăng lưu lượng IPv6 kết nối VNIX (0,04%), trong nước (<1%), quốc tế (4%); thực hiện quảng bá IPv6 cho các khách hàng doanh nghiệp.

CMC Telecom: Năm 2016, CMC Telecom đã triển khai IPv6 rõ rệt hơn: Đã cung cấp dịch vụ IDC, hosting với IPv6; đã có lưu lượng IPv6 kết nối quốc tế và kết nối qua VNIX, tuy nhiên kết nối peering trong nước hầu như chưa có và việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới khách hàng còn rất thấp.

Báo điện tử VnExpress đã triển khai chuyển đổi và cung cấp dịch vụ IPv6 cho 4 chuyên trang của Báo VnExpress với khoảng 932.000 người dùng IPv6 truy cập mỗi ngày; tỉ lệ lưu lượng IPv6 kết nối trong nước khoảng 4,15% và 11% kết nối quốc tế. Báo VnExpress cũng đã rút ngắn 1 – 2 năm trong Kế hoạch chuyển đổi dịch vụ nội dung sang hỗ trợ IPv6.

Từ số liệu tổng hợp của các DN tiêu biểu tại Việt Nam, công tác triển khai IPv6 cho mạng lưới và dịch vụ đã có những số liệu nổi bật. Việt Nam đã có hơn 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trên nền IPv6, băng thông quốc tế qua IPv6 khoảng 3.700 Gbytes, lưu lượng IPv6 khoảng 400 Gbytes, là các nhân tố chủ đạo trong công tác triển khai IPv6 của Việt Nam.

Năm 2016, số lượng DN kết nối VNIX qua IPv6 tăng thêm 2 đơn vị là HTC và TPCOM, nâng tổng số DN có kết nối IPv6 lên 11/19 ISP.

Tính đến hết 30/11/2016, tổng số lượng DN có địa chỉ IPv6 tăng thêm 27 DN, nâng tổng số DN có IPv6 của Việt Nam lên 74 DN (tăng 1,5 lần so với năm 2015).

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), một số DN đã nghiên cứu và sử dụng IPv6, yêu cầu các ISP thực hiện quảng bá vùng IPv6 đã được cấp, từ đó, kích cầu dịch vụ IPv6 cho các DN ISP. Kết quả, bản đồ IPv6 Việt Nam xuất hiện một số DN mới bên cạnh FPT Telecom, NetNam, VNPT, Viettel có thêm ADTEC, VTC, BIZMAC, VTDC, CCVN, CMCTI, …

Năm 2016, Thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 tiếp tục tổ chức và hỗ trợ đào tạo chuyên sâu IPv6 cho các DN viễn thông, gồm: Tổ chức đào tạo triển khai IPv6 cho các doanh nghiệp di động 4G LTE; Tổ chức đào tạo 2 khóa chuyên sâu cho cán bộ của Tập đoàn VNPT.

Xu thế chuyển đổi IPv4 sang IPv6 là xu thế tất yếu trên thế giới. Sự tăng trưởng mạnh các kết nối, phát triển của các dịch vụ, xu hướng chuyển đổi sang mạng di động băng rộng thế hệ tiếp theo 4G/LTE& 5G, xu hướng Internet của vạn vật (IoT - Internet of Things), BYOD (Bring Your Own Device), SMAC (social, mobile, analytics and cloud) nhu cầu về kết nối Internet càng nhiều với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Do vậy việc chuyển đổi IPv6 là tất yếu để làm nền tảng phát triển Internet, đem lại nhiều lợi ích, dịch vụ đa dạng cho người dùng với chất lượng tốt hơn, an toàn hơn.

Minh Anh

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật