Vì sao truyền thông thất bại trong việc dự đoán chiến thắng của Donald Trump?
Chiến thắng của Donald Trump trước Hillary Clinton là một cú sốc toàn tập đối với giới truyền thông. Vì sao mọi kênh thông tin đều dự đoán sai lệch trong cuộc đua lần này?
Tờ The New York Times là một trong những tờ báo đã thất bại trong việc dự đoán kết quả lần này. Ảnh: AP |
Sự thật không thể chối bỏ là gần như tất cả các kênh truyền thông lớn đều dự đoán sai, đơn giản chỉ vì họ không thể tin nước Mỹ sẽ chọn một người giống như Trump.
Các kênh truyền hình tại bờ Đông nước Mỹ không tiếp xúc nhiều với lượng lớn những người dân ở vùng quê, những cử tri chính làm nên chiến thắng của Trump, những người bỏ qua vẻ bề ngoài và nhìn thấy một tia sáng hy vọng nơi Trump.
Giống như tổng biên tập của tờ Cracked đã viết: “Nếu như bạn không sống tại một vùng quê hẻo lánh, bạn sẽ không thể hiểu được sự tuyệt vọng. Gần như tất cả các công việc hiện tại đều buộc họ phải chuyển tới thành phố, và đi kèm theo đó là chi phí đắt đỏ”.
Thế nhưng có nhiều hơn 1 lý do này để giải thích cho sự thất bại trên. Trump đã lợi dụng nền tảng báo chí hiện tại, luôn luôn lên tiếng truyền thông đưa tin sai lệch, chủ quan và sai sự thật, như một quân bài để xây dựng nên chiến lược tranh cử của mình. Để rồi tất cả những lần tìm tòi thông tin, tất cả những scandal được đào lên bởi những người như David Farenthold ở tờ Washington Post đều như nước đổ xuống sông.
Vào thời điểm này, những người dân đọc báo, họ chỉ đơn thuần là đọc, nhưng tin những gì mình tin, giống như trên Facebook vậy. Rất nhiều kênh truyền thông lớn đều cố gắng hạ bệ Trump, liên tục đăng tải các phóng sự về những scandal của ông này với phụ nữ, với người nhập cư. Nhưng việc làm quá lên như vậy hình như đã phản tác dụng. Tất cả những điều đó chỉ tô điểm thêm cho hình ảnh “kẻ ngoại đạo”, một người có thể làm nên thay đổi.
Một trong những sai lầm khác của giới truyền thông là đã coi nhẹ Trump. Những bài báo đầu tiên về ông đều mang tính châm biếm, trêu chọc, gắn liền với hình ảnh ngôi sao truyền hình thực tế nhiều hơn là một ứng viên Tổng thống. Họ đã quá tin tưởng vào việc người dân sẽ nhìn vào đó và cười, nhìn thấu được tâm can của con người tào lao này. Những gì cần làm là chỉ vào ông và cười, chỉ ra những điểm ngu xuẩn trong chiến dịch của ông, hay tính nghèo nàn trong cách suy nghĩ. Tất cả đều là một sai lầm nghiêm trọng.
Sự thật là những người ủng hộ ông Trump không hề đọc những ấn phẩm đó. Họ chỉ quan tâm tới những trang web như InfoWars hay Breibart News, lắng nghe Glenn Beck hay Morning Joe trên radio, những chương trình nói về những điều mà họ muốn nghe.
Khi mà mọi tờ báo đều chạy theo view, theo doanh số, thì những việc giật tít gây sốc về con người này, vô tình lại giúp cho ông tiết kiệm được hàng tỷ USD để xuất hiện trên báo chí, để được người dân biết tới rộng rãi.
Đừng nhìn vẻ ngoài ngây ngô của Trump mà “bắt hình dong”. Một con người có thể gây dựng nên một đế chế bất động sản tại New York không bao giờ là một con người đơn giản cả, và tất cả gần như đã quên đi điều này. Trump đã vượt trội hơn tất cả, khi khiến cho cả giới truyền thông rơi vào cái bẫy của mình.
Facebook cũng đã hoàn thành vai trò của mình. Một lượng lớn cử tri dựa vào Facebook để cập nhật thông tin của mình, dù cho thông tin đó hoàn toàn không được kiểm chứng, và chính vì thế mà một lần nữa, các cử tri chỉ tin vào những gì mà họ tin tưởng.
Những gì mà thời đại công nghệ này mang tới chính là, bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể trở thành một phóng viên, biên tập viên, và mọi người đều lựa chọn tin những gì mình tin.
Thế nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi. Công nghệ giúp chúng ta tìm kiếm những nguồn cảm hứng cho lòng tin của mình, thay vì hoài nghi nó, kiểm chứng nó, và cho phép chúng ta nhìn thấy viễn cảnh mình mong muốn. Những cử tri bầu cho Trump là như vậy, và truyền thông nước Mỹ cũng không hề vô can.
Nguồn: Hoàng Việt (Theo Fortune)/congluan.vn