Cục Tần số VTĐ kỷ niệm 23 năm và khánh thành tòa nhà xanh, hiện đại
(ICTPress) - Cách đây đúng 23 năm, ngày 8/6/1993, Cục Tần số vô tuyến điện (VTĐ) được chính thức thành lập, thực hiện chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quản lý nhà nước về tần số VTĐ, quỹ đạo vệ tinh trên phạm vi cả nước.
Chiều nay 8/6, tại tòa nhà Cục Tần số VTĐ, Hà Nội, Lễ kỷ niệm Ngày thành lập và khánh thành tòa nhà xanh, hiện đại đã được Cục Tần số VTĐ tổ chức.
Đến dự Lễ kỷ niệm và khánh thành tòa nhà có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội; Ủy viên TƯ Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương cùng các Thứ trưởng Bộ TT&TT, lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ BCVT, Tổng cục Bưu điện qua các thời kỳ.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tòa nhà xanh, hiện đại của Cục Tần số VTĐ |
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 23 năm thành lập Cục tại Hội trường của tòa nhà mới |
Những dấu ấn quan trọng
Tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan đã ôn lại những dấu mốc quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước về tần số VTĐ trong 23 năm qua.
Theo đó, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và sớm được Cục chú trọng thực hiện. Quản lý tần số VTĐ là một trong ba nội dung chính của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông (BCVT) ban hành năm 2002. Năm 2009, Luật Tần số VTĐ được Quốc hội thông qua, là kết quả kế thừa, bổ sung và pháp điển hoá nhiều nội dung của Pháp lệnh BCVT và hệ thống các quy định về quản lý tần số trước đó, đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.
Quy hoạch tần số được xác định là một công cụ quản lý quan trọng, có tính chất mở đường cho sự phát triển VTĐ và đảm bảo việc sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số, nên được Cục đầu tư nghiên cứu ngay từ những năm đầu hoạt động. Năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam có Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch này sau đó được tiếp tục cập nhập, bổ sung vào các năm 2005, 2009 và 2013 cho phù hợp tình hình phát triển thông tin vô tuyến của Việt Nam và các quy định của quốc tế. Công tác quy hoạch tần số được các doanh nghiệp (DN) viễn thông trong nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Phổ tần số là tài nguyên được sử dụng chung cho nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh với nhiều đặc thù riêng, cần có cơ chế quản lý đặc biệt. Sau nhiều năm phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, năm 2006, việc phân chia tần số phục vụ cho mục đích dân sự - quốc phòng - an ninh lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng đảm bảo sự hoạt động ổn định an toàn cho các hệ thống vô tuyến của các lĩnh vực.
Một năm sau ngày thành lập, năm 1994, Cục đã chính thức cấp phép băng tần đầu tiên cho DN thông tin di động (TTD ) Mobifone, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của thông tin vô tuyến tại Việt Nam. Các giấy phép băng tần 2G và 3G được cấp tiếp theo cho Vinaphone, Viettel và các DN TTDĐ khác đã tạo nên sự phát triển bùng nổ của TTDĐ của Việt Nam, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Lĩnh vực Phát thanh Truyền hình (PTTH) là một lĩnh vực quan trọng, sử dụng nhiều phổ tần, đặc biệt là các băng tần thấp quý hiếm. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập Cục đã quyết tâm quản lý cho được tần số PTTH, và từ năm 1996 thì chính thức thực thi công tác cấp phép tần số đối với PTTH, tạo tiền đề để Tổng cục Bưu điện (sau này là Bộ BCVT và Bộ TT&TT chính thức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực PTTH. Các quy hoạch tần số cho PTTH được ban hành vào các năm 2003, 2005, 2013, đã giúp cho việc sử dụng tần số cho lĩnh vực này được quy củ, tiết kiệm.
Kiểm soát tần số là một chức năng cơ bản của công tác quản lý tần số. Năm 2000, lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể mạng đài kiểm soát được Tổng cục Bưu điện ban hành và sau đó được ban hành tiếp vào năm 2010, đã tạo dựng cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng hệ thống kiểm soát tần số. Từ chỗ chỉ có 2 đài kiểm soát tần số đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đến nay mạng đài kiểm soát đã được xây dựng trên cả nước với 91 Trạm kiểm soát tần số cố định, 22 Trạm kiểm soát tần số lưu động, 02 Hệ thống kiểm soát định hướng sống ngắn, 01 Trạm kiểm soát vệ tinh, hàng chục bộ thiết bị kiểm soát tần số xách tay, cầm tay. Nhờ đó, trung bình hàng năm, Cục đã phát hiện kịp thời và xử lý thành công hơn 600 vụ vi phạm thông tin, gần 70 vụ can nhiễu, trong đó có nhiều vụ nhiễu phức tạp liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Năm 2008, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam (Vinasat-1) được phóng vào quỹ đạo, đánh dấu mốc son mới trong ngành viễn thông của Việt Nam. Tiếp theo thành công của Vinasat-1, Việt Nam đã phóng vệ tinh Vinasat-2 vào năm 2012 và vệ tinh viễn thám VNRedsat-1 vào năm 2013. Thành công của các dự án phóng vệ tinh có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Cục trong công tác đàm phán phối hợp tần số và vị trí quỹ đạo, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên vũ trụ.
Thành công trong đàm phán tần số và quỹ đạo vệ tinh là một trong những kết quả của chiến lược chủ động hội nhập quốc tế cả ở cấp độ khu vực, lẫn cấp độ toàn cầu mà Cục đã kiên trì thực hiện, nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia về tần số VTĐ. Mặc dù là nước đi sau, nhưng uy tín, tiếng nói và vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tần số ngày càng được ghi nhận. Từ năm 2010 đến nay, Cục đã được giao chủ trì về vấn đề tần số của các nước ASEAN. Năm 2014, lần đầu tiên ứng cử viên của Việt nam được bầu vào Ủy Ban thể lệ vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Nhiều cán bộ trẻ của Cục được tín nhiệm giao nắm giữ các vị trí quan trọng trong các nhóm nghiên cứu về thông tin vô tuyến của ITU và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động là một hướng đi được Cục quyết tâm theo đuổi. Năm 2010, Cục được trao tặng giải thưởng “Cơ quan Nhà nước cấp Tổng cục, Cục và tương đương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất”. Ngay sau đó, Năm 2011, Cục bắt đầu cung cấp dịch vụ cấp giấy phép điện tử thay cho việc đăng ký và cấp phép bằng giấy. Đến nay, trung bình mỗi năm Cục đã cấp trên 20 nghìn giấy phép điện tử, chiếm gần 70% tổng số giấy phép Cục cấp ra.
Cũng trong năm 2011, Cục chính thức đưa vào hoạt động Phòng đo tương thích điện từ (EMC). Đây là phòng thử nghiệm quan trọng được đưa vào sử dụng phục vụ mục đích quản lý chất lượng phát xạ vô tuyến điện của các thiết bị điện tử, VTĐ - một thành tố quan trọng trong công tác quản lý phổ tần đã được Luật Tần số VTĐ quy định.
Tháng 11/2015, tại Đà Nẵng, truyền hình tương tự mặt đất sau nhiều thập kỷ tồn tại đã ngừng phát sóng hoàn toàn, chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Đây là thành công quan trọng bước đầu của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011, mà Cục Tần số VTĐ là cơ quan khởi nguồn đề xuất và được giao nhiệm vụ Văn phòng Ban chỉ đạo. Ngày 15/6 tới đây một số kênh truyền hình tương tự sẽ được tiếp tục ngừng phát tại 23 tỉnh thành khu vực Bắc bộ và Nam bộ, tiến tới ngừng hoàn toàn kênh tương tự tại các các địa phương này vào cuối năm nay.
Sự cố gắng và những đóng góp của Cục đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng và danh hiệu cao quý mà tiêu biểu là Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới được trao tặng năm 2013 và Huân chương Độc lập hạng ba được trao tặng năm 2015.
“Hành trình 23 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Tần số VTĐ đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển thông tin vô tuyến Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ninh quốc gia, chung tay cùng các ngành, các cấp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan khẳng định.
”Cùng với quyết tâm thực hiện tốt chức năng quản lý, Cục cũng đã kiên trì thực hiện và quyết tâm xây dựng Cục thành đơn vị lớn mạnh không ngừng, luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển thông tin VTĐ”, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.
Tại buổi Lễ này, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Trung tâm Tần số VTĐ khu vực II đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai và Văn phòng Cục Tần số VTĐ đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Nhiều cán bộ tiêu biểu đã được Cục Tần số VTĐ tôn vinh.
Đội ngũ cán bộ năng lực, sáng tạo, đổi mới
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Tổng Cục Bưu điện, Bộ BCVT trước đây và Bộ TT&TT ghi nhận và đánh giá cao, điển hình nhất là danh hiệu Anh hùng Lao động mà Nhà nước trao tặng cho Cục.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi Lễ |
Bộ trưởng cũng đã cho biết quản lý tần số là một lĩnh vực kỹ thuật chuyên môn sâu, có thể xã hội còn chưa biết đến nhiều, nhưng đây lại là lĩnh vực nắm giữ nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, giá trị cao, tác động tới sự phát triển của các ngành sử dụng thông tin vô tuyến như TTDĐ, PTTH, hàng không, hàng hải.
“Sự phát triển bùng nổ của TTDĐ trong hơn hai thập kỷ qua có đóng góp quan trọng của Cục Tần số VTĐ. Các hệ thống PTTH mặt đất phát triển được như hôm nay là có dấu ấn đóng góp quan trọng của Cục như phát biểu của Tổng thư ký ITU, khi đến thăm Việt Nam năm 2011 là “những người quản lý tần số là những người anh hùng thầm lặng”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ công chức của Cục. Cục đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, sáng tạo, có tinh thần đổi mới và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ của Cục không những hoàn thành nhiệm vụ trong nước mà còn có tiếng nói, vai trò và uy tín quốc tế trong lĩnh vực quản lý tần số VTĐ, đóng góp tích cực cho việc nâng cao vị thế của ngành CNTT và truyền thông Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho biết ngày nay CNTT và truyền thông vẫn đang tiếp tục phát triển, thay đổi với tốc độ nhanh chóng; sự hội tụ giữa viễn thông và phát thanh truyền hình ngày càng diễn ra mạnh mẽ; nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng rộng trong lĩnh vực khác nhau ngày càng gia tăng; kết nối vô tuyến giữa máy với máy trong internet cho vạn vật phát triển nhanh trong thời gian tới,… tất cả đang đặt ra nhiều thách thức mới, khó khăn mới cho công tác quản lý tần số.
Một tòa nhà làm việc xanh, hiện đại
Sau một thời gian thi công, nhân dịp kỷ niệm 23 năm thành lập Cục, Cục Tần số VTĐ hôm nay cũng đã cắt băng khánh thành tòa nhà làm việc mới tọa lạc tại số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tòa nhà bao gồm công trình xây mới cao 27 tầng kết hợp với khối nhà hiện có cao 10 tầng được sửa đổi nhằm tạo nên hình ảnh hiện đại, phù hợp với công năng tòa nhà cũng như các công trình xung quanh. Thiết kế tòa nhà hướng tới không gian xanh, hướng đến toàn nhà sử dụng năng lượng hiệu quả.
Tòa nhà cũng sẽ đón nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT về làm việc tại tòa nhà này trong thời gian tới.
HM