Những chặng đường lịch sử và Tem bầu cử Quốc hội Việt Nam
Quốc hội Việt Nam khóa I được bầu ra trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 6/1/1946 chỉ sau 4 tháng - ngày 2/9/1945 nhà nước Việt Nam ra đời.
Quốc hội Việt Nam khóa I là một sự kiện lớn của một quốc gia hiếm có trên thế giới, một tiếng vang từ một nước thuộc địa Pháp – người dân nô lệ đứng lên lập nước có Quốc hội, có Hiến pháp và ngang hàng cùng các dân tộc tự do, độc lập trên thế giới.
Những chặng đường lịch sử
Kể từ đó đến nay, trải qua 71 năm Quốc hội Việt Nam đã hình thành và phát triển 14 khóa. Mỗi khóa Quốc hội hoạt động 5 năm. Riêng khóa I Quốc hội Việt Nam hoạt động kéo dài 14 năm – từ 1946 đến 1960 do tình hình đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời khởi đầu của khóa I, Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) làm cố vấn tối cao và ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban thường trực. Kế tiếp cùng khóa này các ông Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng làm Trưởng Ban thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội). Quốc hội đã xem xét thông qua Hiến pháp năm 1946 đầu tiên của nước ta, phê chuẩn Hiệp định Genève, Luật Cải cách Ruộng đất 1953 – Xóa bỏ chế độ phong kiến, thực hiện chính sách sở hữu ruộng đất của nông dân.
Quốc hội khóa II (1960 - 1964) được bầu ngày 8/5/1960 đã kêu gọi động viên sức người sức của để toàn dân xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Quốc hội khóa III (1964 - 1971) được bầu ngày 25/4/1964, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên khóa III đã kéo dài nhiệm kỳ 7 năm. Ông Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Quốc hội điều hành cả các khóa tiếp theo IV, V, VI. Trong đó có một khóa chỉ có 2 năm – là Quốc hội khóa V (1975 – 1976) được bầu ngày 6/4/1975. Quốc hội khóa này đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương Thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất. Tiếp đến là Quốc hội khóa VI (1976 – 1981) được bầu ngày 25/4/1976. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quan trọng đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên thành phố Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh và thông qua Hiến pháp năm 1980.
Quốc hội khóa VII (1981 – 1987) được bầu ngày 26/4/1981, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Tại khóa này, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam ban hành Bộ luật Hình sự.
Quốc hội khóa VIII (1987 – 1992) được bầu ngày 19/4/1987, ông Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Khóa VIII khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội IV của Đảng đề ra.
Kế tiếp là Quốc hội các khóa IX, X, XI, XII, XIII, và XIV từ 1992 đến nay đã bầu các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội điều hành công việc trọng trách của Quốc hội bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Những con tem dấu son của Quốc hội Việt Nam
Trên những chặng đường vẻ vang 14 khóa của Quốc hội Việt Nam trong hơn 71 năm qua, Bưu điện 2 miền nước ta đã phát hành 14 bộ tem với 29 mẫu có nội dung về bầu cử Quốc hội.
Bộ đầu tiên phát hành ngày 3/5/1960 gồm một mẫu tem mang hình nền cờ đỏ sao vàng, bàn tay cầm lá phiếu bầu cử Quốc hội khóa II – 8/5/1960. Bộ thứ 2 “Kỷ niệm 20 năm ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên” được phát hành ngày 6/1/1966 mẫu tem vẽ quốc huy trên nền đỏ, phía dưới là đồng bào nô nức đi bỏ phiếu bầu Quốc hội... Đặc biệt là trong 2 năm 1976, 1977 Bưu điện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bưu chính Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã phát hành 9 bộ tem với 23 mẫu tem kỷ niệm “Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất”, trong đó tem VN.DC.CH có 5 mẫu, tem CH.MN.VN có 5 mẫu hình vẽ, màu sắc giống nhau; chung khẩu hiệu “Nước Việt Nam là một – Dân tộc Việt Nam là một” – “Độc lập Thống nhất Chủ nghĩa Xã hội” và cả 2 miền cùng chung 1 mẫu tem mang quốc hiệu VIỆT NAM với hình sẽ bản đồ Việt Nam trên nền trống đồng Ngọc Lũ.
Một số mẫu tem về Quốc hội và bầu cử |
Ngoài ra còn nhiều mẫu tem được thiết kế hình quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cột cờ Hà Nội, Hội trường Ba Đình... và ngày 6/1/1986 bộ tem Kỷ niệm 40 năm bầu cử Quốc hội đầu tiên (1946 – 1986) được phát hành với hình ảnh Bác Hồ, bản đồ và toàn dân đi bầu cử, 2 tem cùng 1 mẫu in 2 màu khác giá 1đ, 50 xu.
Với những mẫu tem bầu cử Quốc hội của nước ta được giới sưu tập tem trong nước và thế giới cho rằng khá độc đáo và hiếm có trên thế giới... Những tem này đã hết hạn phát hành nhưng vẫn được nhiều người sưu tập với giá khá cao nếu đủ bộ tem của 2 miền, đủ dấu kỷ niệm ngày phát hành đầu tiên của Bưu điện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Phạm Khánh Hồng
Tạp chí Tem