Khu tưởng niệm “Chiến sĩ Gạc Ma”: Từ viên đá đầu tiên tới các viên gạch đang tiếp tục chở đến…
(ICTPress) - Ngày 13/3/2015, tại công viên Biển Đông (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), thuộc khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa đã cử hành“Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”.
Từ một khu đồi cao nhìn thẳng ra biển và vẫn được xem như một trong những vị trí đẹp nhất của tuyến đường du lịch nối giữa sân bay Cam Ranh và thành phố Nha Trang rồi đây sẽ là một công trình tưởng niệm mà mọi người hằng mong đợi.
Tượng đài |
Buổi lễ đã diễn trong bầu không khí trang nghiêm trọng thể và xúc động. Ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trong lời phát biểu khai mạc buổi lễ đã nhắc đến hình ảnh của trận chiến bất ngờ và không cân sức xảy ra trên đảo Gạc Ma năm xưa. Khi bị dồn vào thế cùng, trong tay không vũ khí, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã đứng kết thành một vòng tròn, lấy thân mình quyết giữ cho ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên biển đảo, không cho bất cứ kẻ nào có quyền chà đạp lên mảnh đất của cha ông. Tinh thần dũng cảm bất khuất đó đã là nguồn cảm hứng sáng tác tạo nên “Vòng tròn bất tử” - chủ điểm của khu tưởng niệm này như lời chia sẻ của các tác giả thiết kế tại buổi lễ.
Phối cảnh tổng thể khu tưởng niệm |
Từ tháng 7/2014, khi quyết định xây dựng “Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma” được đưa ra, đã có hàng chục kiến trúc sư, kỹ sư của nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký đi thực tế và gửi đồ án dự thi… Sau khi chấm, các tác phẩm đó còn được mang ra triển lãm để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Đồ án mang tên "Hành trình khát vọng" (1) và tượng đài trong tác phẩm "Những người nằm lại ở phía chân trời" (2) được nhiều người bình chọn nhất thì sẽ hiện hữu trong khu tưởng niệm nay mai. Tượng đài - điểm nhấn của cả cụm tưởng niệm – thể hiện dưới vầng mặt trời đang lừng lững nhô lên trên vùng biển đảo là hình ảnh nổi bật của một chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hiên ngang giữ vững ngọn cờ quyện với những người lính vừa ngã xuống như một sự kết tinh của lòng yêu nước nồng nàn.
Bên dưới tượng đài còn là một bảo tàng ngầm với nhiều kỷ vật…
“Góp gạch xây đài tưởng niệm….! Xin mở rộng hơn nữa để mọi người có dịp bầy tỏ tấm lòng”: Theo Báo Lao động thì trong cuộc trò chuyện trước lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực vận động và thúc đẩy quá trình xây dựng, để công trình có thể khánh thành vào ngày này năm sau, đúng dịp kỷ niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma. Ông còn kêu gọi người tất cả người Việt dù đang ở bất cứ nơi đâu hãy “đóng góp một viên gạch” để tập hợp đủ nguồn lực sớm hoàn thiện công trình (3).
Cũng như chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” trước đây, việc kêu gọi sự đóng góp của tất cả mọi người thực tế là nhằm “thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc”. Hơn nữa, mỗi người khi được đóng góp ít nhiều cũng vợi đi phần nào nỗi mặc cảm khi nhận thấy mình phải đứng ngoài những nỗ lực chung của đất nước.
Vì vậy xin đề nghị cần làm sao để tạo cơ hội cho nhiều người cùng tham gia vào cuộc vận động có ý nghĩa này. Chúng ta đã sử dụng hiệu quả hình thức gửi đóng góp bằng cách nhắn tin qua điện thoại. Nhưng lần này phải chăng chúng ta nên mở thêm việc quyên góp qua hình thức phát hành tem có phụ thu.
Tôi tán đồng ý kiến trong một bài báo của Tạp chí Tem số 129 (4), nhân dịp này Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông cho phát hành một bộ tem về “Thắng cảnh Vịnh Cam Ranh” có phụ thu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” nhân kỷ niệm 28 năm xảy sự kiện Đảo Gạc Ma.
Khác tin nhắn, con tem không những sẽ mang thông điệp về lời kêu gọi này được lan tỏa vừa nhanh vừa rộng mà còn lưu giữ bền trong lòng mọi người. Có một con tem có phụ thu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” trong tay chúng ta không khỏi có chút tự hào vì khi thấy mình đã có những cố gắng để làm tròn bổn phận. Gửi tem cho nhiều bạn bè không những đã làm tăng mức đóng góp mà còn góp phần tuyên truyền tích cực cho đất nước. Vì vậy chắc chắn những người sưu tập tem sẽ nhanh chóng thông báo cho bạn bè trên khắp thế giới về bộ tem này nếu có.
Phạm Khánh Hồng
Tạp chí Tem
(1) Nhóm tác giả ở Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
(2) Tác giả Lý Thị Liễu - Công ty TNHH mỹ thuật nhiếp ảnh Oanh Vũ, TP Hồ Chí Minh
(3) Trang tin điện tử Tổng Liên đoàn Lao động VN: http://www.congdoanvn.org.vn/details.asp?l=1&c=22&m=8686
(4) Tạp chí Tem số 129 (tháng 12/2014 trang 13)