Ngày xuân nhớ người làm báo Tết

Báo Tết là đặc sản trong năm của làng báo đưa ra mời bàn dân, mời cộng đồng đọc, nghe, nhìn thưởng thức trong dịp Tết... Hệt như là thứ nếp dẻo, gạo thơm, dành dụm chăm bẵm cả năm của người làng cày chuẩn bị công phu mà dâng cúng ông bà tổ tiên, thần phật. Cũng linh thiêng, cũng trân trọng như nhau. Bởi vậy nên các ông các bà lãnh đạo các tờ báo hết sức chú trọng. 

Đầu tiên là đặt bài, thông báo trên bản báo, trên các phương tiện khác, thư mời, điện thoại v.v... Với các Tổng biên tập và biên tập viên giàu kinh nghiệm thì có ngàn lẻ một cách để làm tờ báo Xuân thêm chất lượng. 

Ở trên mới là phần việc của các biên tập viên và các Tổng biên tập, còn  nhà báo viết bài Tết thì mỗi người một cách. Khác các nhà báo mảng Thời sự,  các nhà văn viết cho báo Xuân sớm lắm. Thường là trước Tết khoảng vài tháng khi mà đông mới chớm, mưa gió vẫn dầm dề, các nhà ta đã bắt đầu... đón Tết. Viết trong hoài niệm hồi cố, viết trong cơn mê đắm để dâng tặng.

Một mình một Tết một Xuân. Mây vẫn bay trong phòng nhỏ, mưa bụi giăng mắc trong nắng nồng, cởi trần trùng trục mà viết về khăn trùm kín cổ, về áo dạ áo bông. Bụng đau quắn quéo ăn kiêng mà vẫn viết về dưa hành thịt mỡ. Bạn đọc chẳng bao giờ biết được đâu là thực đâu là hư trên trang văn ngày Tết. Cũng hệt như người làm hàng mã, hàng hoa, ngày Xuân ngày Tết đến sớm với mỗi nghề, mỗi làng. Thấy cái Tết khi người chưa thấy, yêu sắc hoa khi chưa có nụ, có mầm. Trang báo ngày Tết ngày Xuân thật bao công sức. Nghề báo Tết cũng lắm công phu... (!).

Nhà báo Văn Chi, ký họa của Hoàng Nguyên Ái.

Với báo nói, báo hình (Phát thanh, Truyền hình) thì người làm báo cũng có nhiều chuyện hay để nhớ. Khác anh báo in, truyền hình thì phải có hình. Nói hoa đào thì phải có hoa đào. Mà không phải là thứ hoa đào năm ngoái còn cười gió đông, mà phải là đào năm nay cơ, đào Thời sự. Viết bài Tết ở xí nghiệp nọ thì cũng phải đợi gần Tết chứ chả nhẽ đến sớm như bác nhà thơ. Thế là nhao lên làm phóng sự khi Tết đã cận kề, khi thi thoảng đã có đào, có quất.

Màn hình chỉ thực sự là Tết khi có sắc vàng, sắc đỏ ngày Xuân. Rồi cầu trời chỉ giăng giăng mưa bụi chứ đừng tầm tã thế. Máy móc hàng trăm triệu đồng không thể để ướt nước mưa. Che được mưa ghi được hình rồi còn nhiều công đoạn. Nào viết lời, nào đưa duyệt để phát thanh viên đọc. Rồi đưa Trung tâm dựng hình, đưa kỹ thuật viên. Ai cũng cần, bài nào cũng quan trọng, nhất là ai cũng vội để chóng hoàn thành. Để còn về quê, Tết đã đứng trước mặt rồi. 

Trong làng báo Phát thanh Truyền hình thì chỉ có Văn nghệ phát thanh là còn hao hao báo viết. Cũng phải sớm, cũng phải mẹo mực, chèo kéo để có tác phẩm hay. Những biên tập viên gạo cội trong nghề ở Nghệ - Tĩnh như cố nhà báo Văn Chi thì để có tác phẩm văn nghệ phát thanh trong dịp Tết lại có nhiều điều đáng nhớ. Tôi muốn nhắc đến ông để bạn nghe đài xứ Nghệ nhớ đến một người làm báo phát thanh đã sống chết với báo Tết như thế nào.

Vào khoảng tháng 9 tháng 10 âm lịch hằng năm, khi đêm đêm ngoài đường đang cồn cột gió mùa lạnh thấu xương, ông thường gạ tôi ở lại: "Về làm gì, lạnh thế. Có cái này hay lắm, tối mình đọc cho nghe".  Có khách, lại là khách cùng ăn, rồi cùng ở đêm thì còn gì vui bằng. Mấy năm trước thằng út ở cùng, nay nó đỗ đại học báo chí ở Hà Nội, nhiều đêm một mình ông nhớ con, khó ngủ.

Có khách, ông xăng xái đi chợ, giành phần trả tiền các thức mua. Rồi nấu nấu xào xào, anh em xì xụp. Xong, kéo ghế ra hiên uống nước, nghe đài. Nghe hết chương trình của tỉnh lại nghe tiếp của Trung ương. Không xem tivi. Kiên quyết không. Lạ thế! Dân Phát thanh Truyền hình mà không xem tivi. Dần dà tôi biết thêm ông không muốn xem tivi vì sợ phân tâm. Muốn tập trung toàn lực để làm phát thanh. 

Chuyện hay lắm mà ông gạ tôi ở lại trong những đêm đông ấy là những bài thơ luật Đường, xướng hoạ cho Tết, những câu đối Tết... Rằng năm nay là năm con Khỉ thì lấy vần này... rằng kết thế này là độc là sâu. Tôi chăm chú nghe ông đọc và công nhận thơ luật của Văn Chi quả là hóm, ý tứ sâu xa.

Năm nào cũng vậy, tôi thường được nghe thơ luật Đường của Văn Chi trước khi ông xướng lên mời hoạ đón Tết. Cũng là một cách ông xuất bản miệng sớm để tranh thủ ý kiến bạn bè. Gặp năm có được bài hay thì ngoài lệ phí nuôi cơm khách có bài Tết, ông còn mời bạn thơ trong nhóm về tận Nghèn để uống rượu nghe thơ. Ông sướng nhất là được một chương trình văn nghệ Tết chất lượng.

Nhìn chồng băng ngày Tết được sắp xếp cẩn thận, với lịch phát được phân chia cho từng buổi, đến tận ngày cuối cùng trong tuần Tết là ông mãn nguyện lắm. Khuôn mặt ông sáng ngời. Khi bàn giao cho phòng phát thanh, ông cẩn trọng như người hành lễ. Mặt không giấu được niềm tự hào khi nhìn sang mấy anh Thời sự đang cau có vì mưa, đang khốn khổ vì đợi bài.

Văn nghệ ông xong rồi đấy, qua các phòng ban chuyên môn, chả có việc gì, ông cũng sà vào góp chuyện. Những lúc như vậy là Giám đốc Nguyễn Công Tiến đến Phó Giám đốc Thái Ngụ đều nhìn Văn Chi một cách đầy trân trọng và kính nể. Chương trình Văn nghệ phát thanh đã được hoàn thành một cách rất chi vẻ vang. Ông tự hào về điều đó, chẳng quan tâm đến những bổng lộc, phong bì phong bao của ai đó, phòng nào đó đang bàn tán xôn xao. Thành phẩm trên sóng là quà Tết của ông, là trả nghĩa bạn viết bạn nghe. Ông sướng nhất là lúc này!

Đã có nhiều bài báo viết về nhà báo Văn Chi.

Thật bõ công, nhiều đêm mưa to rét buốt, ông vẫn đạp xe đến tận nhà từng nhân viên trong phòng, dặn dò phải thế này, thế kia... khi thu âm chương trình Tết. Nhân viên ngồi trong phòng ấm sực, quây quần với gia đình, ái ngại nhìn thủ trưởng tuổi đã cao, mặc chiếc áo mưa cũn cỡn, xo ro đứng dưới giọt hiên, không vào nhà, sợ bẩn. Dặn xong, lại quày quả đạp xe về.

Tính Văn Chi là thế, hiền lành, dễ dãi, nhưng với công việc lại hết sức tận tâm. Một đời chỉ lo bài vở. Chả thế mà chương trình Tú Trần kể chuyện (Tú Trần là bút hiệu của ông), mỗi tuần một chương trình, ông sưu tầm, biên tập và tự mình đọc trước máy. Không chương trình nào lặp lại. Ông duy trì trên sóng được gần 15 năm. Ban Biên tập Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh đã cấp kinh phí xuất bản 2 tập "Tú Trần kể chuyện" dày dặn. Ông coi đó là phần thưởng cao nhất của một người làm nghề, không dễ ai cũng có được.

Ngôi nhà cấp 4 của ông hướng Nam khá ấm cúng, vậy mà khi ngủ ông thường đội chiếc mũ lông kiểu Nga hai quai buộc chặt xuống cằm. Đêm ngủ ông thường không đóng cửa. Tôi lấy làm lạ, hỏi vì sao. Ông bảo mình có tật ngủ hay kêu to như người bị bóng đè, những lúc như vậy nếu có ai vào đập dậy thì tỉnh được, không mệt. 

Còn nếu cứ để một mình nằm kêu lâu thì sáng mai nhọc như người ốm nặng. Tôi có hỏi mấy ông bà ở cạnh nhà Văn Chi, họ đều cho biết đúng như vậy. Có người còn nhắc ông nhớ để cửa, nhỡ ông kêu thì còn vào. Ai cũng nói hệt nhau, rằng những lúc vào lay Văn Chi dậy như thế, thấy thương quá.

Sau này tôi mới biết Văn Chi bị nhiễm bệnh thần kinh bởi thời còn ở Đài Nghệ Tĩnh, có Tết, ông gồng mình viết mấy vở kịch truyền thanh. Trước đó hằng năm, mỗi tuần ông viết một vở, vừa đạo diễn vừa diễn viên. Làm gắng sức nên Tết đó ông phát bệnh. Nằm viện đêm còn la hét những lời thoại trong vở diễn của mình. Sau này chia tỉnh, lành bệnh ông mang về Đài Hà Tĩnh cả một kho tư liệu. Nào kịch truyền thanh, nào dân ca. Tư liệu ấy đủ cho gần 10 năm. Và mang về cả cái tật đêm ngủ la hét om sòm.

Tình yêu nghề nghiệp khi làm Văn nghệ phát thanh của Văn Chi không chỉ được bạn nghe đài cả một vùng rộng lớn Nghệ Tĩnh mà các cộng tác viên tỉnh xa như Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu cùng đóng góp bài vở cho chương trình mà ông phụ trách. Tình yêu ấy đã như tiếp thêm năng lượng sáng tạo, động viên anh em chúng tôi, để trong 3 nhân viên của Phòng Văn nghệ do ông phụ trách, thì 2 trong số đó sau đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Như Bình, Phan Quốc Bình).

Với riêng tôi, nhớ nhất Tết cuối cùng trước khi Văn Chi nghỉ hưu. Ông đọc tôi nghe hai cặp đối Tết. Câu tự thọ:  "Mừng mà chi, chúc mà chi, sáu mươi tuổi sáu mươi điều dại/  Giàu cũng rứa, nghèo cũng rứa, ba vạn ngày ba vạn cái lo".

Tôi hỏi: "Điều dại trong đời ông thì ai cũng biết rồi, ông chỉ giỏi nghề thôi, còn cái lo là lo gì?". Lo bài vở! Ông cười, bảo, nó cứ ám mình đến giờ. Rồi đọc tiếp. Câu tự điếu:

Mừng một tôi trở về Địa phủ
Chào muôn người ở lại thế gian.

Tôi giật mình: "Sái quá, ông ơi, sao Tết nhất mà lại đưa chuyện này ra?". Văn Chi bảo: "Mình tự thấy ở đời đã tròn phận sự, thì đi là chuyện mừng. Sái gì?".  Văn Chi thản nhiên cười đùa, còn tôi vẫn không giấu được nỗi lo sợ mơ hồ. Thế rồi cái sự sái nó ám vào ông thật. 

Cách một Tết sau, ngày ông vào họp Đại hội Văn nghệ tỉnh nhà, vừa từ trên xe bước xuống, ông đã bị một người xe ôm nghèo khổ, chạy vội tranh khách, tông Văn Chi ngã ra đường. Và thế là ông đi, đi mãi mãi... Tôi và bạn bè đã bàng hoàng bước dưới hai hàng chữ ông tự điếu mà đau đớn nhớ tiếc một bậc đàn anh làm báo hiền hậu, từng gắn bó với mình trong bấy nhiêu năm. 

Ngày Tết, ngày Xuân lại thấy thương nhớ vô cùng!

Trần Đắc Túc

Nguồn: cand.com.vn

Tin nổi bật