Năm 2016, quản lý viễn thông có tính khả thi cao, theo cơ chế thị trường
(ICTPress) - Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm vừa nêu ý kiến chỉ đạo đối với công tác của Cục Viễn thông trong năm 2016 tại Hội nghị triển khai công tác của Cục chiều 21/12.
Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT |
Theo đó, Thứ trưởng Phan tâm đề nghị năm 2016, Cục cần chú trọng việc xây dựng các văn bản quản lý viễn thông thiết thực với cuộc sống, có tính khả thi cao hơn. Tư duy kinh tế, cơ chế thị trường cần được đưa vào các văn bản để công tác quản lý “trơn tru” hơn thay cho việc phải can thiệp quá nhiều, làm thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Cục phải “bắt tay” với doanh nghiệp nhiều hơn để đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởngcho biết trong năm 2015 Cục Viễn thông đã tập trung nghiên cứu, xây dựng 20 văn bản, trong đó có 4 đề án trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 16 Thông tư; phối hợp xây dựng 2 thông tư liên tịch, trong đó có Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, quy định về kết nối viễn thông, quản lý, tổ chức hoạt động ủng hộ Cổng thông tin điện tử nhân đạo, thông tư sửa đổi ban hành danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng, thông tư quy định danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng…
Theo kế hoạch, một số thông tư sẽ chuyển sang năm 2016 ban hành gồm có Nghị định của Chính phủ về quản lý và phát triển thị trường viễn thông bền vững, thông tư quy định kết nối Internet, Thông tư quy định, hướng dẫn cung cấp, sử dụng dịch vụ thoai nhắn tin trên nền Internet (OTT), Thông tư sửa đổi và bổ sung Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 quy định về quản lý thuê bao di động trả trước…
Bên cạnh công tác xây dựng văn bản quản lý viễn thông, Thứ trưởng Phan Tâm đã đề nghị Cục Viễn thông năm 2016 tập trung cho công tác thực thi quản lý. Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Cục cần chủ động hơn nữa, xây dựng các chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường theo chuyên đề ngay từ đầu năm để có thể bố trí tổng lực nhiều nguồn lực. Cục cần hợp tác chặt với các Sở TT&&TT để cùng giám sát thị trường viễn thông. Để tăng cường công tác thực thi, Cục và các đơn vị liên quan cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phổ biến cho đội ngũ tuyên truyền văn bản pháp luật của Cục.
Cục Viễn thông cho biết, trong năm 2015 công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông tiếp tục được duy trì có hiệu quả hướng tới các mục tiêu tổ chức và đảm bảo thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân. Hoạt động này được thực hiện thông qua các nghiệp vụ như cấp phép và giám sát triển khai giấy phép, quản lý tài nguyên viễn thông, quản lý kết nối, hạ tầng, chất lượng thiết bị, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, giá cước viễn thông.
Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm các năm trước, năm 2015 Cục Viễn thông đã ký thỏa thuận hợp tác với 60 Sở TT&TT trong cả nước để triển khai phối hợp giữa Cục với các Sở TT&TT trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Viễn thông. Nội dung phối hợp tập trung vào các vấn đề: quản lý thuê bao di động trả trước, quản lý giá cước và khuyến mại dịch vụ viễn thông, quản lý chất lượng sản phẩm CNTT và viễn thông. Đến nay, các nội dung phối hợp theo kế hoạch đã hoàn thành, Cục đang tiến hành tổng hợp kết quả từ các Sở để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và tham mưu cho lãnh đạo Bộ.
Theo thống kê của của Cục Viễn thông, hiện có 27 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng, trong đó 15 doanh nghiệp được cấp giấy phép phạm vi toàn quốc, 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép phạm vi khu vực và 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép phạm vi 1 tỉnh, 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động, 72 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, 63 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Internet.
Cục Viễn thông cũng cho biết đã có 6,7 triệu thuê bao cố định, tỷ lệ 7,4 thuê bao/100 dân; 120.607.276 thuê bao di động, tỷ lệ 133 thuê bao/100 dân; 7.303.648 thuê bao băng rộng cố định, tỷ lệ 8 thuê bao/100 dân; 36,28 triệu thuê bao, tỷ lệ 40,1 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ người dùng Internet đạt 52% dân số và 100% số xã có máy điện thoại.
HM