“Rừng Ngập Mặn kết nối”: khả năng ứng dụng cho nông nghiệp VN
(ICTPress) - Trong khuôn khổ ngày Internet Việt Nam với chủ đề ”Internet of Things”, chiều nay 11/9, Ericsson Việt Nam đã trình bày ”IoT và cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông”.
Nhà khai thác viễn thông truyền thống bán SIM hay chuyển dịch vai trò
Theo Ericsson, Internet of Things đang điễn ra nhanh chóng và mang lại cơ hội rất lớn cho các nhà khai thác viễn thông. Dự kiến tới năm 2020, lĩnh vực Internet of Things (IoT) sẽ mang tới giá trị gia tăng 2.000 tỉ USD. Dự kiến tới năm 2020, thế giới sẽ có 26 tỉ kết nối trong đó 9 tỉ điện thoại di động, 10 tỉ thiết bị điện tử tiêu dùng và 7 tỉ thiết bị M2M (đồng hồ đo thông minh, cảm biến giao thông, các điểm bán hàng kết nối).
Kết nối và mạng di động chính là nền tảng cho sự phát triển của Internet of Things và trong đó có ba thách thức lớn nhất là chi phí thiết bị, thời lượng pin sử dụng, và vùng phủ cho các kết nối trong nhà. Chính IoT sẽ là một phần quan trọng của mạng 5G.
IoT mang lại ảnh hưởng sâu sắc trong tương lai bởi nó mang lại sự kết nối cho mọi đối tượng trên cơ sở những giá trị rất thông minh và có 7 bước quan trọng mà các nhà khai thác viễn thông cần lưu ý. Các nhà khai thác cần chuyển dịch từ vai trò cung cấp kết nối sang cung cấp giá trị, cụ thể là thay vì việc bán SIM và các gói dịch vụ kết nối, cần phải thiết lập những quan hệ trên nền tảng giá trị mang lại cho người dùng, thậm chí có thể tính tới chiến lược sáp nhập hoặc mua lại các công ty khác. Họ nên tham gia vào ngành kinh doanh mới để ứng phó trước nguy cơ giảm doanh thu trung bình trên mỗi kết nối (ARPC), thiết lập các kênh phân phối và bán hàng mới để duy trì quan hệ với khách hàng doanh nghiệp và dành thị phần tại mảng M2M (Machine-to-Machine).
Sử dụng Big Data và Analytics là một cách hiệu quả để có những cơ sở đáng tin cậy cho những quyết định mang tính hệ thống. Sẵn sàng hỗ trợ các ứng dụng IoT đa dạng, bởi tương lai ngoài nhóm ứng dụng mang tính cơ bản thiết yếu trong doanh nghiệp sẽ xuất hiện nhóm ứng dụng mang tính thỏa mãn cá nhân người dùng như cảm ứng cá nhân, thiết bị đeo tay.
Xây dựng mạng lưới với dung lượng và công suất phù hợp đáp ứng các dịch vụ IoT đòi hỏi băng thông lớn hơn và chất lượng dịch vụ cao hơn (như xem phim HD), trong đó có cả khía cạnh đảm bảo các thỏa thuận về roaming quốc tế để người dùng trải nghiệm liên tục mà không bị ảnh hưởng về chuyển dịch địa lý. Và cuối cùng là cần chú trọng tới vấn đề an ninh và tôn trọng tính cá nhân.
”Rừng ngập mặn kết nối”: nâng cao sự bền vững và hiệu quả cho nông nghiệp
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Hà Lâm, chuyên gia công nghệ và giải pháp của Ericsson chia sẻ sáng kiến “Rừng Ngập Mặn kết nối” đang triển khai tại Malaysia hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam.
Dự án tại Malaysia là dự án kết nối rừng ngập mặn đầu tiên trên thế giới cung cấp mọi thông tin theo thời gian thực dựa trên sự kết hợp của di động, Internet of Things, công nghệ Cloud và hệ thống lập trình và tích hợp của Ericsson. Giải pháp cung cấp thông tin thời gian thực về mức nước, điều kiện đất đai và khí hậu giúp duy trì rừng ngập mặn và điều kiện sống cho các thảm thực vật, động vật sinh sống tại đây.
Tại Malaysia, Ericsson hợp tác với tổ chức phi chính phủ, công ty công nghệ và cộng đồng dân cư ở Selangor để phục hồi và kết nối 10.000 giống cây tới năm 2020. Dự án này có thể nghiên cứu để áp dụng, nhân rộng và phát triển nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Minh Anh