Không thể triển khai 4G như 3G
(ICTPress) - Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia viễn thông tại buổi Tọa đàm "Việt Nam tiến lên 4G như thế nào" do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức chiều 21/10/2015 tại Hà Nội.
Tại Tọa đàm này, việc triển khai 3G cũng đã được đánh giá và nhìn nhận.
3G chưa thành công như mong đợi
Đại diện cho nhà mạng Viettel, ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc công nghệ đã cho biết dù có đầu tư tốt cho 3G nhưng Viettel đánh giá là làm 3G chưa thành công, thể hiện ở con số: tổng thuê bao 3G chỉ khoảng 30%, ở mức thấp (khu vực Đông Nam Á là 45%, Thái Lan chỉ trong 5 tháng đã chuyển 30%, bằng Viettel làm trong 5 năm). Chính là chưa có cách tiếp cận đúng khi cung cấp dịch vụ 3G, vẫn dùng phương pháp cũ của thoại (voice) là 2G.
Viettel cũng thừa nhận chuyện kinh doanh 3G chưa đạt như kỳ vọng. Viettel sẽ rút ra một số kinh nghiệm, lớn nhất là cách tiếp cận khi kinh doanh dịch vụ data. Viettel sẽ phải tạo môi trường nền tảng (platform) để tạo ra nhiều ứng dụng mới, thậm chí người dùng cũng có thể tạo ra ứng dụng, ông Dũng cho hay.
Việc triển khai 3G chưa đạt kỳ vọng cũng có những khó khăn như môi trường phủ sóng, ở Hà Nội phức tạp nhất, nhà bé ngõ hẹp, đi bộ vào còn vướng, lắp đặt trạm thì nhiều chỗ 4 - 5 năm không xin được lắp trạm. Với tần số 2100 MHz thì có những chỗ trong nhà (indoor) không tốt. Nhưng đánh giá chung các nhà mạng đã nỗ lực làm tốt, đo bình quân ở ngoài đường cũng trên 90% mẫu đạt trên tốc độ trên 512 hoặc 1Mbps.
Chia sẻ quan điểm của Viettel, đại diện cho đơn vị hạ tầng của VNPT - Tổng công ty VNPT-Net, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc cũng cho rằng các nhà mạng đều rất khó khăn trong vấn đề xin cấp phép để làm trạm phủ sóng. Đây là tình hình chung. Năm qua, VNPT đầu tư mạng 3G phủ sóng 90% lãnh thổ Việt Nam, nhưng vẫn vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, mua thiết bị rồi nhưng khó xây nhà trạm. Một phần do nhà mạng không quyết liệt, không biết cách khai thác để cắm thêm được trạm và tăng chất lượng phủ sóng. Nếu cắm thêm trạm thì tăng được dung lượng. Một trạm phủ sóng một phường thì không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cả phường.
Ông Long cho rằng nhà mạng sẵn sàng đầu tư để tăng cường vùng phủ sóng để tăng chất lượng cho khách hàng nhưng trong một chừng mực nào đấy, khi vào một tòa nhà, xuống tầng hầm bị mất sóng. Không nhà mạng nào có thể đầu tư thiết bị để phủ sóng mọi nơi. Hiện chúng tôi đo kiểm và tối ưu ở 1 số thành phố lớn, chất lượng tải xuống (download) và tải lên (upload) tương đối tốt trong khu vực, cũng có điểm “đen” về vùng phủ sóng.
Triển khai 4G sao cho hiệu quả nhất
Trao đổi về kế hoạch triển khai 4G của VNPT, ông Nguyễn Nam Long cho biết VNPT đang trình giấy phép xin thử nghiệm 4G, hy vọng Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm. Quá trình chuẩn bị thử nghiệm, hệ thống hạ tầng của VNPT đã sẵn sàng. Quan điểm của VNPT, không thử nghiệm về công nghệ vì đã chín muồi, chỉ thử nghiệm về thương mại, thử trải nghiệm của người dùng và phản hồi.
Nếu Bộ cấp phép, mạng lưới của VNPT đã sẵn sàng. Toàn bộ trạm cũ đấu nối vào trạm trung tâm đều đã đầu tư cáp quang, khi triển khai 4G chỉ cần nâng cấp hệ thống thiết bị ở trạm và trung tâm là có thể triển khai ngay. VNPT triển khai đi thẳng lên LTE-Advance. Tốc độ tối đa dự kiến thử nghiệm là 450Mbps download, ông Long cho biết thêm.
Nhận định về thời điểm triển khai 4G, ông Long cho rằng đến thời điểm này triển khai ở Việt Nam là chín muồi, tuy nhiên, sự chuyển dịch thuê bao 2G, 3G, 4G, sự chuyển dịch không phải do nhà mạng, dù lợi ích, các tiêu chí về băng thông, tốc độ nhà mạng có thể cung cấp được nhưng người sử dụng rất quan trọng bởi liên quan đến giá thiết bị đầu cuối. Ngay tại trung tâm Hà Nội, nhiều người sử dụng điện thoại “cục gạch” 2G. Nếu phủ sóng hết 4G thì không phục vụ lượng lớn. Lưu lượng thoại trên 2G vẫn rất lớn, khoảng 40%. Nhà mạng cân nhắc đầu tư 4G để đáp ứng thị trường theo thống kê số người sử dụng.
Lên 4G mà không tăng cường vùng phủ sóng thì cũng không chạy được tốc độ cao. Cách làm của VNPT sẽ khác, ông Long khẳng định.
Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về triển khai 4G, ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc VTV Digital cho hay cách tiếp cận lên 4G hoàn toàn khác xa với cách tiếp cận 2G, 3G. Tôi quan tâm đến hệ sinh thái hơn. “Chúng ta phải có hệ sinh thái đủ mạnh mới có thể nói chuyện thành công hay không. 3G chỉ giải quyết chuyện kết nối Internet. 4G giải quyết hệ sinh thái truyền thông. Vấn đề hạ tầng thì các nhà mạng sẵn sàng giải quyết”.
Có hai điều quyết định tương lai 4G. Một là vấn đề thiết bị, giá thành còn cao. Hai là vấn đề nội dung. Chúng ta còn quá xa để đến lúc đạt mức sẵn sàng cho 4G. Câu chuyện nằm ở chỗ với sự phát triển này, bài toán làm sao để sử dụng nền tảng 4G phục vụ đa nền tảng sẽ là tương lai cho sự phát triển 4G tại Việt Nam. Tương lai của truyền hình là 4K rồi 8K. Tương tự với 3G và 4G. Việc chuẩn bị nội dung là việc quyết định. Có thể đây là lý do các nhà mạng hiện tại đều muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình, ông Chiến đã trao đổi.
Theo ông Chiến Việt Nam là số 1 châu Á - Thái Bình Dương về số người sử dụng Internet để xem video (hơn 13 triệu người). Nội dung nào cho 4G, đấy mới là điều để có thể khai thác hiệu quả.
Cho biết về triển khai 4G của Viettel, ông Hồ Chí Dũng cho biết cũng như các nhà mạng khác, Viettel xác định thiết kế LTE trước hết để dùng dịch vụ video. 60 - 80% lưu lượng sắp tới là video, tốc độ thấp nhất là 3Mbps để xem dạng HD 720 pixel. Viettel cũng sẽ tạo môi trường để các nhà cung cấp nội dung và người dùng sáng tạo ra nội dung. Viettel tin sẽ tạo ra môi trường ứng dụng phong phú hơn hiện nay.
Rút kinh nghiệm từ triển khai 3G, ông Hồ Chí Dũng cho biết với 4G, Viettel sẽ có cách tiếp cận phù hợp, có lẽ tập trung chính vào chuyện triển khai những dịch vụ data mang tính sáng tạo cao. Sang 4G, Viettel sẽ đổi cách tiếp cận, sẽ không nói tỷ lệ rớt cuộc gọi là 0,5% nữa (hiện Viettel 0,2 - 0,3% - tốt nhất thế giới), sang video thì phải mượt mà, phải nhanh. Viettel sẽ áp dụng cách tiếp cận đó cho cả thiết kế và khai thác mạng 4G.
Chia sẻ những ý kiến với tư cách người làm công tác lâu năm trong lĩnh vực Viễn thông, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi để triển khai 4G. Vấn đề là phải triển khai thế nào để hiệu quả nhất, mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp (DN), xã hội và người dùng. Theo nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ:
Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, có một số việc việc. Theo quy định của Luật Tần số, Viễn thông, phải sớm tổ chức đấu giá băng tần. Đấu giá hay thi tuyển cũng được. Phải chọn DN có năng lực thực sự. Theo ý cá nhân tôi, nên đấu giá để có cả DN cũ và DN mới để đặt ra sự cạnh tranh. Nhiều nước đấu giá N+1, tức là N DN cũ và 1 DN mới. Tôi thấy cạnh tranh mang lại lợi ích lớn nhất cho DN và xã hội, người dùng. Phải thực sự có cạnh tranh trong lĩnh vực 4G. Quá trình cấp phép phải công khai minh bạch, chọn DN có năng lực thực sự, sáng tạo để thúc đẩy thị trường phát triển hơn nữa.
Một trong những cái chúng tôi trăn trở nhiều năm là tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông, Internet. Nhưng thực tế trong lĩnh vực viễn thông, di động vẫn là DN 100% vốn nhà nước. Đang cổ phần hóa MobiFone thôi. Cần phát huy các nguồn lực khác nhau của xã hội, kể cả DN tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Thì đầu tư cho hạ tầng 4G sẽ phát triển tốt hơn.
Thứ hai, quy hoạch tài nguyên cũng hết sức quan trọng. Việt Nam có địa hình khác nhau, thành phố, nông thôn, rừng núi. Khi quy hoạch làm sao có đủ băng tần cho từng nhà khai thác, đừng băm nhỏ băng tần quá. Chẳng hạn GTEL chỉ có 1 đoạn băng thì triển khai không hiệu quả. Đặc biệt 4G phải đủ độ rộng mới đạt tiêu chuẩn. Giờ có thể tích hợp sóng mang cũng là lợi thế, nhưng phải đủ băng tần cho các nhà khai thác, nên kết hợp để mỗi nhà khai thác đều có cả băng cao (triển khai ở thành phố, thành thị có số lượng người dùng lớn) và băng thấp (ở vùng rừng núi). Ví dụ, băng 1800 + 2600 MHz, sau này thêm cả 700 MHz.
Thứ ba, với các DN, rất cảm ơn các nhà sản xuất đã làm ra những sản phẩm công nghệ cao, tiêu chuẩn công nghệ tốt, nhưng phải làm sao đưa công nghệ vào thực tế. Ở Anh, châu Âu, cũng là máy 3G nhưng tốc độ nhanh hơn của mình rất nhiều. Tại sao Việt Nam chất lượng không đạt? Việc đầu tư, tối ưu hóa mạng lưới, vùng phủ sóng và cách triển khai là rất quan trọng. 4G không phải cuộc cách mạng mà là cuộc chuyển đổi, tồn tại cả các mạng 2G, 3G, 4G. Phần Lan là nước phát triển mạnh 3G, 4G nhưng vẫn đang dùng 2G, chủ yếu dùng cho mạng điện lực để thu thập dữ liệu công tơ điện để chuyển về.
Cách đầu tư sao cho hiệu quả nhất. Tại sao 3G ở Singapore tốt thế mà Hà Nội và TP.HCM không đạt được. Việt Nam có cái khác so với các nước là dùng di động chủ yếu trong nhà, vì ra đường đi xe máy, xe đạp (nước ngoài đi ô tô). Vùng phủ sóng, chất lượng phủ sóng trong nhà kém thì có 4G hay thậm chí 5G cũng không đạt mong muốn. Chúng ta chỉ phủ sóng ngoài trời, chất lượng phủ sóng trong nhà rất kém. Ở Tokyo, nhà 4 - 5 tầng hầm mà chỗ nào sóng cũng tốt.
Thứ tư, chúng ta xây dựng được "xa lộ" rồi, nhưng nếu chỉ đi xe máy, xe đạp thì không hiệu quả. Cái vướng là sự hợp tác giữa DN nội dung với nhà mạng hiện vẫn đang thực sự có vấn đề. Phải tìm cách nào hợp thương giá để phối hợp với nhau. Cả cơ quan quản lý Nhà nước, DN nội dung và nhà mạng phải hợp tác để giải quyết bài toán đó.
HM