Minh bạch để tái cấu trúc
Rõ ràng khi được minh bạch thông tin từ kiểm toán, tự người tiêu dùng không còn “hoa mắt”, “chóng mặt” với mê hồn trận thật giả về lỗ lãi của ngành điện và xăng dầu như thời gian qua.
Ảnh: congluan.vn |
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến 2 sự kiện, liên quan đến 2 ngành “nhạy cảm”, có yếu tố “độc quyền”. Một là giá điện điều cỉnh tăng từ ngày 20/12 trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước công bố thông tin ban đầu về đợt kiểm tra báo cáo tài chính năm 2010 của EVN với nhiều vấn đề “nóng” đáng bàn. Hai là, Bộ Tài chính công khai kết quả kiểm toán 4 doanh nghiệm xăng dầu, chứng minh ngành xăng dầu nếu hạch toán đúng thì không hề lỗ như “điệp khúc” của ngành này trong nhiều năm qua.
Trước khi xảy ra 2 sự kiện trên, trong bối cảnh dư luận chưa đồng tình về việc tăng giá điện, một lãnh đạo EVN từng thể hiện quan điểm: “Vấn đề rất cần thiết đối với ngành điện chính là minh bạch thông tin”. Bây giờ, càng thấy rõ, khi minh bạch thông tin, cả 2 ngành này sẽ nhận được sự cảm thông nhất định của dư luận về cái khó của mình, đồng thời, mỗi khi tăng giá, cũng là điều kiện để người dân giám sát các doanh nghiệp này. Và như thế, minh bạch thông tin là điều cần làm và cần phải xem đó là bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.
Với lý do chính là bù đắp chi phí lỗ, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 62 đồng/kWh từ ngày 20/12, tính ra chỉ tăng khoảng 5%. Thực ra, điều mà người dân muốn đó là sự công bằng. 88 triệu dân có quyền biết để làm rõ trong giá EVN đưa ra hiện nay bị lỗ thì có bao nhiêu phần do neo giá, bao nhiêu phần do yếu kém trong quản lý và do đầu tư bên ngoài… Dư luận đã có sự cảm thông hơn khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội thông tin: Năm 2010, thực trạng sản xuất kinh doanh điện lỗ hơn 8000 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là gần 15.500 tỷ đồng, tổng số là 23.500 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do EVN phải thực hiện mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành vì trong cơ cấu, thủy điện là rẻ nhất nhưng chỉ đáp ứng 40%...
Cũng giống như điện, “kịch bản” lỗ của kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công khai với người dân. Theo đó, nếu không tính lỗ do chênh lệch tỷ giá, thì các nguyên nhân “gây” lỗ cho Petrolimex là do cơ chế hoa hồng cho các đại lý vượt xa con số 600 đồng/lít xăng, theo định mức. Ngoài ra, thất thoát do hao hụt vẫn rất cao. Và Bộ Tài chính đã khẳng định, ngành xăng dầu nếu hạch toán đúng thì không hề lỗ, trái ngược với tuyên bố từ trước đến nay của ngành này mỗi khi lý giải cho việc tăng giá. Ngành xăng dầu cũng “tích cực” đầu tư ngoài ngành dù khả năng tài chính chẳng dư giả gì. Ngay cả doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, đầu tư ngoài ngành trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản… chiếm 35,7% vốn chủ sở hữu.
Rõ ràng khi được minh bạch thông tin từ kiểm toán, tự người tiêu dùng không còn “hoa mắt”, “chóng mặt” với mê hồn trận thật giả về lỗ lãi của ngành điện và xăng dầu như thời gian qua. Người dân có thể nhận định rõ bản chất của câu chuyện tại sao nhiều năm qua ngành điện cứ kêu lỗ vì… điện, còn ngành xăng dầu lại cứ kêu lỗ vì… xăng dầu.
Với các doanh nghiệp điện hay xăng dầu và rộng hơn là một số doanh nghiệp Nhà nước lớn, câu chuyện tái cấu trúc là vấn đề cực kỳ phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Quá trình này có thể sẽ “đụng chạm” rất lớn đến lợi ích của một số bộ, ngành chủ quản, thậm chí là lợi ích nhóm. Trong một động thái chuẩn bị cho tiến trình này, Bộ Tài chính đang xem xét dành khoảng 50.000 tỷ đồng nhằm tái cấu trúc nợ, cấp thêm vốn điều lệ… cho các doanh nghiệp Nhà nước cần phải tái cơ cấu.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là một công việc không hề dễ dàng. Để thực hiện cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Thế nhưng, điều kiện tiên quyết cho việc tái cấu trúc đó là phải công khai minh bạch ở cả 2 cấp độ: Nhà nước trong việc ban hành quản lý; và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường để người dân, người tiêu dùng có điều kiện giám sát và quản lý.
Đức Thành
Báo Tiếng nói Việt Nam (VOV)