"Nếu không hòa nhập vào mạng xã hội, nhà báo sẽ trở nên lạc lõng"
Theo PGS Nguyễn Văn Dững, nếu không hòa nhập vào mạng xã hội, nhà báo sẽ trở nên lạc lõng. Nhiều người đặt ra câu hỏi: “Các sinh viên báo chí có được dạy cách sử dụng mạng xã hội, facebook?".
Chúng tôi đã cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững |
Hầu như môn học nào cũng liên quan đến mạng xã hội
PGS. TS Nguyễn Văn Dững cho biết, hiện nay, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thì hầu như môn học nào thuộc chuyên ngành báo chí cũng liên quan đến mạng internet và mạng xã hội. Do đó, các giảng viên ở đây luôn luôn nhắc nhở sinh viên cách ứng xử với nó.
Theo PGS Dững, việc nhắc nhở hay cách ứng xử thì tùy theo môn học để nêu ra và yêu cầu tuân thủ. Ví dụ như môn Cơ sở lý luận báo chí thì cách ứng xử với mạng MXH khác với khi sinh viên học môn tin báo chí.
PGS Dững nói: “Tuy nhiên, trong trường đào tạo là một chuyện, ra trường lại là câu chuyện khác. Vì, thứ nhất, không phải tất cả những người sử dụng MXH sai phạm đều là sinh viên báo chí; thứ hai, các cơ quan báo chí đều có chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử với mạng xã hội. Cũng giống như trong trường không ai dạy tham nhũng hay nịnh nọt. Vấn đề là ở khâu quản lý”.
Cần cẩn trọng với các thông tin từ facebook và mạng xã hội
Chia sẻ về mạng facebook cá nhân nói riêng, PGS Dững cho biết thêm: “Tôi thường xuyên tham gia mạng xã hội, từ thời blog đến nay. Mạng xã hội là nơi người ta bày tỏ ý kiến về những sự kiện và vấn đề người ta quan tâm. Đó là nhu cầu tồn tại và nhu cầu phát triển, như cơm ăn nước uống, như học hành; thì được bày tỏ ý kiến, được thông tin và tham gia truyền thông là quyền cơ bản của con người, không thể khác được. Rất may là quyền này Thủ tướng đã phát biểu là không thể cấm; trong xã hội văn minh thì người ta khuyến khích. Dưới góc độ quản lý thì sử dụng mạng xã hội để nắm bắt thông tin và nhu cầu công chúng - nhân dân, để điều tiết và xử lý cho phù hợp”.
Khi được hỏi về những “tai nạn” hay “sự cố” khi dùng facebook, PGS Dững chia sẻ: “Tai nạn với tôi thì chưa, nhưng tai nạn ai cũng có thể bị. Tôi thấy dùng mạng xã hội để chia sẻ thông tin rất tốt, để nhiều người cùng biết để mở rộng hiểu biết, để thay đổi nhận thức, hành vi và thái độ. Đặc biệt trên báo chí của chúng ta hiện nay thông tin chưa đáp ứng nhu cầu công chúng, thì mạng xã hội là nơi để người ta có chỗ để bày tỏ. Mà xu hướng hiện nay công chúng "đổ" về mạng xã hội, thay vì báo chí. Trên thế giới cũng có tình hình này, nhưng nhẹ hơn. Vì báo chí họ thông tin đa chiều, thực tế hơn.
PGS Dững cũng cho biết, ông thường khuyên anh em học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên rằng nhà báo không thể xa rời mạng xã hội. Theo ông, nếu không hòa nhập vào mạng xã hội, nhà báo sẽ trở nên lạc lõng. Vào mạng xã hội để hiểu "công chúng ảo" đang quan tâm sự kiện, vấn đề thật nào đàn diễn ra, để hiểu các luồng thông tin, để nhận rõ cuộc sống thật dưới các chiều cạnh khác nhau,...
Tuy nhiên, theo PGS Dững, nếu sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội thì phải rất cẩn trọng, cần có phương pháp thẩm định nguồn tin. Nguồn tin là quan trọng thì thẩm định nguồn tin quan trọng gấp 10 lần. Mặt khác, sử dụng nguồn tin và các luồng ý kiến trên MXH chỉ nên xem như những dữ liệu tham chiếu cho các bài bình luận, đánh giá để thêm các chiều cạnh của vấn đề, không nên chỉ lấy đó làm tiền đề.
Mộc Miên