Viễn thông FPT, CMC sẵn sàng "nối" IPv6 tới cả trăm ngàn khách hàng
(ICTPress) - FPT Telecom và CMC Telecom vừa cho biết các doanh nghiệp này đã triển khai các dịch vụ trên nền IPv6 cho những khách hàng tại buổi làm việc với Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia ngày 20/7.
FPT Telecom cho biết hiện có hai khách hàng doanh nghiệp là VPBank và FPT Software sử dụng dịch vụ IPv6 của FPT Telecom. Hai khách hàng này đã được kích hoạt sử dụng tốt trên địa chỉ IPv6. Trong khi đó về phía khách hàng cá nhân, theo thống kê của FPT Telecom, hiện đơn vị này đã có 90.000 thuê bao là khách hàng cá nhân, hộ gia đình sử dụng IPv6, được cấp địa chỉ và thiết bị trong nhà khách hàng có hỗ trợ IPv6. Đáng chú ý, FPT Telecom cho biết doanh nghiệp này đã sẵn sàng cung cấp IPv6 cho các khách hàng sử dụng dịch vụ Leased-line, FTTx, ADSL.
Với các dịch vụ online, FPT Telecom đã hoàn thành triển khai các dịch vụ Hdbox, Fshare, FPTPlay hỗ trợ song song cả IPv4/IPv6, dịch vụ Google Cache hỗ trợ IPv6. Riêng đối với dịch vụ VNExpress, theo đại diện FPT Telecom, việc chuyển đổi sang IPv6 sẽ mất nhiều thời gian do khá phức tạp. Hiện tại, FPT Telecom đang phối hợp chặt chẽ với FPT Online để chuyển đổi sang IPv6.
Ông Nguyễn Vũ Anh, Giám đốc Công nghệ FPT Telecom cho biết, từ năm 2012 đến nay, FPT Telecom đã thực hiện kết nối IPv6 với hàng loạt đối tác nội dung và các nhà cung cấp dịch vụ IPv6 như: Google, Yahoo, Microsoft, HKIX; PCCW, TATA, SINGTEL, NTT, CW, TSYSTEM.
Trên cơ sở xác định đơn vị mình sẽ tiến tới chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 trên tất cả các dịch vụ, vào tháng 8/2012, FPT Telecom đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai IPv6 gồm 1 trưởng ban là Giám đốc Công nghệ, 2 Phó ban phụ trách 2 khu vực mạng lưới khác nhau cùng các thành viên là cán bộ của tất cả các đơn vị trực thuộc,.
Từ đó đến nay, hàng loạt các nội dung công việc đã được Ban chỉ đạo IPv6 của FPT Telecom triển khai theo các giai đoạn chính gồm: Nghiên cứu công nghệ IPv6 (10/2012 - 5/2013); Thử nghiệm IPv6 (6/2013 - 12/2013); Xây dựng kịch bản triển khai IPv6 (1/2014 - 6/2014); Kích hoạt IPv6 trên hệ thống (7/2014 - 10/2014); và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng (từ tháng 12/2014 đến nay).
Kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng của FPT Telecom trong việc triển khai IPv6 theo các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cho thấy, đến nay doanh nghiệp này đã cơ bản hoàn thành các yêu cầu đặt ra ở tất cả các nhóm mục tiêu: nhân lực, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ ISP, hệ thống quản lý/ giám sát, ứng dụng nội bộ và các dịch vụ khác.
Theo kế hoạch, thời gian từ nay đến năm 2017, cùng với việc tiếp tục bổ sung và xây dựng kết nối IPv6 với các đối tác nội dung và nhà cung cấp IPv6 quan trọng, hoàn thiện các hệ thống hệ thống hỗ trợ đảm bảo chuyển đổi sang IPv6, FPT Telecom cũng sẽ tập trung triển khai mở tiếp dần dịch vụ IPv6 cho các khách hàng. FPT Telecom dự kiến rất cụ thể đến cuối năm nay, số lượng khách hàng dùng IPv6 sẽ đạt khoảng 200.000 thuê bao, phấn đấu đạt khoảng 500.000 thuê bao FPT Telecom sử dụng IPv6 vào năm 2016.
Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia họp với lãnh đạo FPT Telecom |
Đánh giá công tác triển khai IPv6 của FPT Telecom, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao kế hoạch chuyển đổi IPv4/IPv6 của FPT Telecom. Theo Thứ trưởng, FPT Telecom là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai chuyển đổi IPv4/ IPv6, đã đạt được những kết quả rất cụ thể: mạng lõi đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi, thành công trong việc giải quyết các bài toán về thiết bị đầu cuối và đặc biệt là FPT Telecom đã cung cấp để 90.000 thuê bao cá nhân, hộ gia đình sử dụng IPv6.
Tiếp đó, tại buổi làm việc của Ban công tác với CMC Telecom, cho biết tình hình đáp ứng IPv6 cho khách hàng của CMC Telecom, đại diện công ty này cho hay với khách hàng leasedlined và FTTx, CMC sẵn sàng cung cấp kết nối IPv6, cũng như đáp ứng nhiều khách hàng sẵn sàng đầu cuối IPv6 tại Hà Nội và TP. HCM. Thiết bị đầu cuối CMC Telecom nhập về cũng đáp ứng IPv6 cho cho khách hàng. CMC không có thuê bao ADSL. CMC Telecom có khoảng 130.000 khách hàng. CMC Telecom đã kết nối IPv6 trực tiếp với mạng đối tác nước ngoài và đã xuất hiện ổn định trên bản đồ IPv6 toàn cầu.
Đối với các dịch vụ ISP, hệ thống giám sát của công ty này cũng đang được triển khai và đáp ứng IPv6 vào Quý I năm 2016. CMC đang mở rộng và thay thế theo kế hoạch quý III năm 2016, toàn bộ mạng của CMC sẽ được kết nối IPv6 toàn bộ. CMC cũng đang đang xây dựng lại website chính thức và theo tiến độ chính thức hoạt động theo một giao diện mới, sử dụng IPv6 vào quý I năm 2016. Các dịch vụ khác như Web hosting sẵn sàng vào quý II năm 2016.
CMC Telecom đã hoàn thành các mục tiêu và lộ trình Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đề ra đúng tiến độ. Về năng lực hiện tại về tài nguyên, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng cung cấp cho khách hàng, sẵn sàng kết nối các nhà mạng trong và ngoài nước trên giao diện IPv6, đáp ứng nhu cầu kinh doanh dịch vụ của CMC, Đại diện của CMC khẳng định.
Trao đổi về kế hoạch công tác triển khai IPv6 tiếp theo, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC, Thường trực Ban công tác cho biết CMC tiếp tục hoàn thành hạ tầng mạng lưới, mạng core, kết nối VNNIX để thử nghiệm các dịch vụ IPv6 và cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên nền IPv6 thay cho IPv4. Nếu khách hàng sử dụng thiết bị của CMC Telecom thì CMC “tiên phong” cấp phát IPv6, giải quyết thiếu địa chỉ IPv4. CMC tận dụng IPv6 hiện có, xem xét thời điểm công bố cung cấp IPv6, thậm chí ngầm định IPv6 cho khách hàng dù họ chưa có nhu cầu.
Về các dịch vụ khác, CMC nghiên cứu gọi dịch vụ trên nền IPv6, xem xét cung cấp dịch vụ trên nền IPv6 miễn phí để khách hàng trải nghiệm gia tăng, ông Trần Minh Tân đã đề nghị.
QA