Nhà báo Ba Lan xuất bản sách đề cập vấn đề Biển Đông
"Mắt xiên" dày hơn 480 trang được nhà xuất bản Finn phát hành tháng 4/2015, là tập hợp các bài báo của ông R.Tomanski về các vấn đề châu Á đương đại, trong đó một số bài đề cập vấn đề Biển Đông.
Tàu Trung Quốc phun nước áp lực cao tấn công vào tàu Kiểm Ngư và Cảnh sát biển Việt Nam năm 2014. |
“Trung Quốc là một nước lớn. Tất cả đều nằm trong phạm vi của họ. Cả những xung đột với các nước láng giềng cũng vậy”, “Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 (tháng 5/2014) ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, vốn bị nước này chiếm từ người hàng xóm năm 1974 và không có ý định trả lại, nhằm hướng tới nguồn nhiên liệu khổng lồ ở đây…” Đây là những trích đoạn trong tập 1 cuốn sách “Mắt xiên” (Skosnym Okiem) do phóng viên Rafal Tomanski của báo Rzeczpospolita (Cộng hòa) - Ba Lan mới tổ chức giới thiệu tại thành phố Vác-sa-va ngày 11/6/2015 vừa qua.
Ngay trong buổi giới thiệu, phóng viên R.Tomanski cũng thể hiện sự ủng hộ đối với việc kênh truyền hình CNN (Mỹ) vừa công bố các hình ảnh Trung Quốc xây dựng và bồi đắp các đảo, đá nhân tạo trên Biển Đông.
Cuốn sách dày hơn 480 trang được nhà xuất bản Finn phát hành tháng 4/2015, là tập hợp các bài báo của ông R.Tomanski đã viết và đăng tải trên báo Cộng hòa, nhật báo điện tử của Ba Lan, về các vấn đề châu Á đương đại, trong đó một số bài đề cập tới mùa hè nóng bỏng năm 2014 khi Trung Quốc tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ngay trong vùng biển của Việt Nam.
Những bài báo từ tháng 5 tới tháng 8/2014 trong “Mắt xiên” điểm lại khá khách quan diễn biến chính của sự kiện này, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong phạm vi “đường lưỡi bò”, dẫn đến những vụ đụng độ do các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc va chạm, phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân Việt Nam. Vụ việc tác động tiêu cực tới quan hệ Việt – Trung, gây bức xúc đối với người dân Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
Trong cuộc Hội thảo về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại Đại học Almamer - Ba Lan (tháng 7/2014), các đại biểu được giới thiệu về hai tấm bản đồ cổ của Đức thể hiện đường biên giới cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Là người có quá trình nghiên cứu, học tập về Nhật Bản, đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Vác-sa-va chuyên ngành Nhật Bản học, ông R.Tomanski cũng giới thiệu với độc giả quan điểm của mình về tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực, không chỉ giữa Trung Quốc với Việt Nam mà còn giữa Trung Quốc với Nhật Bản khiến quan hệ Trung – Nhật căng thẳng.
Ngoài phần nội dung về Biển Đông, tác giả cũng thể hiện góc nhìn lý thú đối với văn hóa, con người châu Á như bài “Cuộc đua của những ông già” (đề cập việc các ứng viên lớn tuổi tranh cử ở Nhật Bản), “Sự phân chia kỳ diệu trong các trò chơi” (thành công của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird), “Bãi đỗ xe đắt hơn xe” (sự bùng nổ dân số ở Trung Quốc), “Hàng nhái” (về sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và kỹ nghệ làm hàng giả, hàng nhái của nước này), “Ông Wu Li đi nghỉ” (du lịch và du khách Trung Quốc), “In hình vuông cho sushi” (văn hóa ẩm thực của Nhật)...
Dự kiến cuối năm nay, tập 2 của “Mắt xiên” sẽ tiếp tục được giới thiệu rộng rãi tới độc giả Ba Lan. Hy vọng rằng cả hai tập của cuốn sách sẽ sớm được dịch và phát hành tại Việt Nam trong thời gian tới./.
Tác giả: Rafal Tomanski. Sinh năm 1982. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Vác-sa-va chuyên ngành Nhật Bản học; ĐH Kinh tế Vác-sa-va chuyên ngành kinh tế châu Á. Nghề nhiệp: Phóng viên báo Rzceczpospolita (Cộng hòa), cộng tác viên một số báo kinh tế tại Ba Lan như Fores, Start-up, kênh truyền hình TVN-CNBC, đài phát thanh TDK-FM, radio - Chilli - Zet và Pin. Đã phát hành 02 cuốn sách về Nhật Bản. |