Dân khổ vì ngành Điện không xóa độc quyền được như Viễn thông

Cách đây 5 năm, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Mai Liêm Trực đều cho rằng ngành điện phải học ngành viễn thông về mở cửa thị trường, tạo cạnh tranh để người dân được lợi. Thế nhưng, đến nay điện vẫn là ngành độc quyền.

Nhiều khách hàng phản ánh cách tính giá điện mới khiến cho nhiều hộ giá đình nhận được hóa đơn tiền điện tăng đột biến . Nguồn: Dân trí

Ngày 12/3/2015, Bộ Công Thương đã ra quy định chi tiết giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện, giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện và áp dụng biểu giá mới này kể từ ngày 16/3/2015. Quyết định này quy định giá điện đối với 8 nhóm đối tượng khách hàng, chia làm 89 mức giá điện áp dụng cho các khách hàng khác nhau. Với mức điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 1.622,01 đ/kWh (tăng 113,16 đ/kWh).

Theo Quyết định này, tiền điện tăng thêm của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 4.800 đồng; mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 9.800 đồng, hộ tiêu thụ 150 kWh/tháng là 16.100 đồng. 

Thế nhưng, liên tiếp trong mấy ngày gần đây rất nhiều khách hàng đã than phiền trên mạng xã hội rằng tá hỏa khi nhận được hóa đơn tiền điện tăng đột biến ở mức gần gấp đôi so với những tháng trước. Thậm chí có khách hàng phản ánh tiền điện của họ dùng mỗi tháng chỉ hết khoảng 900.000 nhưng hóa đơn tiền điện tháng 5 lên đến hơn 2,5 triệu đồng.

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến rất nhiều khách hàng đặt ra câu hỏi. Cách quản lý của Bộ Công Thương đang đi ngược với nguyên tắc thị trường là càng dùng nhiều phải càng giảm giá, càng được rẻ, trong khi đó tại Việt Nam dùng càng nhiều lại càng đắt. Thậm chí, rất nhiều khách hàng đặt câu hỏi trên Facebook rằng Việt Nam đang nỗ lực kêu gọi các nước công nhận Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường thì đây được xem là điển hình của việc đi ngược với cơ chế đó.

Những câu chuyện buồn của ngành điện với dân hôm nay được cho là đã không học được bài học mở cửa thị trường của ngành Viễn thông vốn độc quyền trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện độc quyền đã nảy sinh ra rất nhiều hệ lụy như khách hàng không phải là thượng đế, chất lượng phập phù, giá cao và cả chuyện quản trị của chính doanh nghiệp độc quyền rất ít được đề cấp đến…

Cách đây 5 năm, trong buổi tọa đàm về bài học mở cửa thị trường của ngành viễn thông các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là những bài học cho các ngành như điện, nước, ô tô… khi mở cửa thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực dường như đã bỏ qua những bài học đó.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết, đặc thù của viễn thông là độc quyền tự nhiên vì thời kỳ đầu nó như một đơn vị sự nghiệp của cơ quan chính quyền, phục vụ cho lãnh đạo hoặc cho dân, dần dần nó là đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo quá dè dặt và những níu kéo nhất định của tư tưởng cục bộ khiến quá trình mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam chậm hơn. “Giờ đây tôi thấy chị bán rau, anh xe ôm đã dùng điện thoại di động. Tôi cảm thấy rất xúc động vì điện thoại đã được bình dân hóa”, ông Mai Liêm Trực nói

Trả lời câu hỏi liệu bài học về mở cửa thị trường viễn thông có thể làm ánh xạ cho các ngành khác như điện, nước, ô tô mở cửa thị trường hay không? TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương cho rằng, khi thị trường mở cửa, các ngành gia nhập đều có những điều kiện nhất định. Về bản chất, chúng ta cần một nền công nghiệp, cần một sự cạnh tranh với thế giới, cần có sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi của sản phẩm đó. “Trong quan hệ so sánh thị trường ô tô với thị trường viễn thông, cách mở cửa thị trường viễn thông đã đi đúng hướng. Các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường một cách có điều kiện. Thị trường viễn thông ngày càng mở rộng và càng ngày có sự cạnh tranh quyết liệt, đúng theo quy luật của thị trường”, TS. Thiên nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Quang A cho rằng, chúng ta cần tiến hành tổng kết nghiêm túc mở cửa thị trường viễn thông để có kinh nghiệm phát triển các ngành khác. Tuy nhiên, việc mở cửa ngành điện khác với viễn thông và lại càng khác với thị trường ô tô. “Tôi cho rằng với câu chuyện mở cửa thị trường, nếu Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đưa ra chính sách và để cho những người có liên quan thảo luận góp ý một cách cởi mở, xây dựng thì chắc rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ phát triển hiệu quả hơn”, ông Quang A nói.

TS.Trần Đình Thiên cho còn biết, viễn thông là một trường hợp rất điển hình vì xuất phát ở một trình độ chung rất thấp nhưng đã vươn tới đỉnh cao công nghệ của thế giới bằng “ý chí” mở cửa thị trường. Thị trường này đã chấp nhận cạnh tranh để đi đến hình thành một thị trường ngày càng lành mạnh, khác hẳn với trường hợp của ngành công nghiệp ô tô nước ta. “Tôi thấy rằng, thị trường viễn thông có thể có những trục trặc trong bước đi nhưng hiện nay ngành viễn thông Việt Nam đã hình thành nên được một cấu trúc cạnh tranh tương đối tốt, tương đối hiệu quả. Cá nhân tôi vẫn mong muốn rằng Bộ TT&TT cùng các đơn vị khác có một sự tổng kết hết sức nghiêm túc vì đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập và mở cửa ngày càng sâu rộng. Những mô hình, những khuôn mẫu này cần được tổng kết để đúc rút ra thành bài học chung cho cả đất nước”, TS. Trần Đình Thiên nói.

5 năm trước, Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng, ngành điện lực, cấp nước... nên học bài học chống độc quyền và mở cửa thị trường của ngành viễn thông. Ông Trực vẫn trăn trở về mở cửa thị trường trong những lĩnh vực khác để các ngành này mạnh lên. Đến bây giờ những trăn trở đó của Tiến sĩ Mai Liêm Trực vẫn còn nguyên tính thời sự. Người dân chưa biết đến khi nào ngành điện mới hoạt động theo đúng cơ chế thị trường?

 ICTNews

Tin nổi bật