Họp báo kết thúc kỳ họp thứ 8 Quốc hội: Băn khoăn chất lượng làm luật
Trước đây các dự án luật được thông qua thường có tỷ lệ phiếu cao, giờ rất thấp phải chăng do chất lượng biên soạn luật còn thấp...
Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, chiều 28/11, tại Trung tâm báo chí của Hội trường Ba Đình đã diễn ra cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Báo cáo về kết quả kỳ họp, bà Phan Thị Toàn, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ; kỳ họp đầu tiên diễn ra tại trụ sở Nhà Quốc hội được xây dựng trên nền Hội trường Ba Đình cũ; là kỳ họp thứ hai triển khai Hiến pháp nước CHXCN Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí (Ảnh: Quang Trung) |
Quốc hội đã dành 2/3 thời gian để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật (với 18 luật, 11 nghị quyết được thông qua, 12 luật được cho ý kiến) nhằm khẩn trương đưa các quy định của Hiến pháp vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để Hội đồng Nhân dân các cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu tại các địa phương trên toàn quốc trong thời gian tới. Việc lấy phiếu tín nhiệm được đồng bào, cử tri tin tưởng. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), dư luận cử tri rất hài lòng trước kết quả của kỳ họp thứ 8 đã diễn ra thuận lợi, hiệu quả, có nhiều đổi mới tích cực phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Cử tri cũng hài lòng với vai trò giám sát của Quốc hội; đồng thời đánh giá công tác tuyên truyền của kỳ họp đã tạo bầu không khí lan tỏa rộng khắp, thu hút sự quan tâm của cử tri, gắn kết cử tri trên mọi vùng miền của đất nước hướng về kỳ họp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Nông thôn ngày này về tình trạng trước đây các dự án luật được thông qua thường có tỷ lệ phiếu rất cao, thường khoảng 90%, giờ rất thấp, dẫn đến tình trạng này phải chăng do chất lượng biên soạn luật còn thấp hay có lợi ích nhóm? Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Cũng là vấn đề bình thường bởi khi thông qua một dự án luật có nhiều quan điểm, ví như Luật Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa rõ sẽ giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo hay Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước, hoặc giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân công cho một bộ quản lý, tuy nhiên khi lấy phiếu thăm dò cả 3 phương án này đều có mức thống nhất rất thấp (dưới 5%). Vì vậy khi đưa ra biểu quyết đương nhiên sẽ có những quan điểm khác nhau, nên tỷ lệ phiếu cũng thấp chuyện dễ hiểu. Nhiều khi chỉ có một điều, một vấn đề làm ảnh hưởng đến toàn bộ dự án luật.
Phóng viên tham dự cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Quang Trung) |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo Tuổi trẻ về tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt quá nhiều. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong tổng số đại biểu Quốc hội chỉ có 25% là chuyên trách, phần lớn là kiêm nhiệm. Trong khi đó thời gian diễn ra một kỳ họp thường dài, hơn 1 tháng, nên việc bố trí thời gian để tham dự đầy đủ các phiên họp đối với nhiều đại biểu Quốc hội cũng có nhiều khó khăn bởi với những đại biểu đứng đầu các địa phương, nhiệm vụ, công việc nào cũng quan trọng cả. Quốc hội cũng đã yêu cầu các đại biểu phải cố gắng sắp xếp công việc hợp lý để đi họp. Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp tương đối nặng về khối lượng công việc (chưa có kỳ họp nào Quốc hội thông qua tới 18 dự án luật), các đại biểu cũng đã rất cố gắng để thu xếp thời gian tham dự. Cử tri có thể chưa hài lòng nhưng cũng nên thông cảm. Các đại biểu phải vắng mặt cũng có nhiều lý do ốm đau, bận việc này việc kia... không thể tránh được.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến một vài phương án, trong đó có phương án tách đôi kỳ họp, họp 15 ngày rồi nghỉ, sau đó lại họp tiếp 15 ngày nữa, nhưng thấy không hợp lý vì chi phí bị đẩy lên nhiều gây tốn kém, và không liên tục.
Theo phóng viên Thời báo Kinh tế theo dõi, có những phiên họp đại biểu vắng gần 1/3, kể cả trong các cuộc họp tổ cũng vắng. Phóng viên đề nghị Quốc hội nên cách thức cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp, nên chăng bỏ các cuộc họp tổ, rút ngắn thời gian để kỳ họp có hiệu quả hơn./.