Ôi, các nhà báo đa năng!

Ở Việt Nam, làm báo thường được các nhà văn nhà thơ chọn như một nghề để nuôi nghiệp văn chương, thi phú. Nhưng cũng có nhiều nhà báo “lấn sân” sang các lĩnh vực khác vì sở thích hoặc vì đam mê.

Nhà báo kiêm ca sĩ

Nhà báo kiêm ca sĩ chiếm số lượng đông đảo nhất, đa phần là các nam nhà báo. Trong đó “nổi” nhất phải kể đến nhà báo Ngô Bá Lục – báo điện tử VNMedia, Nguyễn Mạnh Hà – báo Tiền phong, Quốc Vĩnh – báo Saigontimes hay Nguyễn Hữu Chiến Thắng – Đài Truyền hình Việt Nam.

Họ đến với ca hát đơn giản là vì sở thích, Ngô Bá Lục nói: “Từ bé sinh ra đã biết hát, hát như cơm ăn nước uống hàng ngày. Hát với tôi như kiểu sáng ngồi trà đá, thuốc lào vặt, chiều đá bóng sân đất với bạn bè, chắc khi nào hết trà đá, hết bóng bánh thì lúc đó mới hết hát”. Còn Nguyễn Mạnh Hà thì bảo rằng: “Tôi đi hát bởi vì tôi có giọng hát và có người nghe tôi hát”.

Nếu nhà báo Quốc Vĩnh từng phát hành vài album nhạc (hầu hết là nhạc Trịnh Công Sơn vốn là sở trường của anh) như nhớ Trịnh Công Sơn, Ru đời đi nhé… thì các nhà báo khác lại chọn cách đi hát ở các tụ điểm theo phương châm “vui là chính” hoặc chỉ làm “ca sĩ phòng thu”.

Ngô Bá Lục vẫn được biết đến  như một nhà báo chuyên theo dõi mảng âm nhạc với nhiều bài viết sắc sảo. Việc anh đi hát cũng rất tự nhiên, bắt đầu từ những cuộc thi cấp cơ quan và giọng hát của anh ngày càng được nhiều người biết đến bởi anh rất có duyên với giải thưởng (từng đoạt giải Nhất trong cuộc thi Liên hoan tiếng hát người làm báo lần thứ hai). Nhà báo này vẫn coi việc đi hát chỉ là để cho vui nhưng cũng cho rằng vì rất hiểu showbiz nên anh biết tự định hướng cho mình, biết rõ thế mạnh và điểm yếu của mình, biết rõ mình đang ở đâu để tự điều chỉnh và xuất hiện “đúng nơi đúng chỗ”. Tuy nhiên anh tiết lộ, mức cát xê của mình đã có lúc đến con số 15 triệu cho một show diễn.

Nhà báo Trần Bá Lục hát tại buổi Gặp mặt báo chí nhân dịp 86 năm ngày báo chí Cách mạng
Việt Nam do Liên chi hội Nhà báo TT&TT tổ chức (Ảnh: Trần Mạnh Vỹ)

Nguyễn Hữu Chiến Thắng từng là MC khá quen thuộc trên kênh VTV3 một thời với đài từ đặc biệt khó trộn lẫn, nay đã chuyển sang kênh VTV6 và ít xuất hiện trên màn ảnh nhỏ nhưng giọng đọc quen thuộc của anh vẫn xuất hiện đều đặn. Đặc biệt, giọng hát của nhà báo này cũng đã trở nên quen thuộc với khán giả thường hay lui tới một quán nhỏ trên đường Cổ Ngư – nơi anh vẫn đi hát mỗi đêm thứ năm hàng tuần. Đã quen xuất hiện trước khán giả truyền hình nên đi hát với Thắng là việc bình thường, anh hầu như không phải “đầu tư” gì thêm cho hình ảnh của mình.

Với nghệ danh Khôi Minh, nhà báo Nguyễn Mạnh Hà thường biểu diễn ở các quán bar ca nhạc hoặc quán cà phê có không gian âm nhạc, nhưng anh cũng từng xuất hiện bên cạnh những ca sĩ chuyên nghiệp. Với sở trường nhạc dân gian đương đại, anh đã tham gia liên hoan âm nhạc điện tử thử nghiệm quốc tế Không gian xanh tại Hà Nội cùng với nhóm ca trù Thăng Long và thường biểu diễn tại các đình làng. Hà cũng từng cho ra mắt album Khôi Minh – Bộ sưu tập 09 gồm các tình khúc nhạc tiền chiến.

Nhà báo kiêm diễn viên

Số nhà báo kiêm diễn viên cũng khá đông đảo, có người chỉ đóng một vai diễn và rời xa màn ảnh để làm nhà báo, cũng có người sau khi làm báo bỗng bén duyên với màn ảnh và trở thành diễn viên nổi tiếng.

Những nhà báo khởi nghiệp là diễn viên có thể kể đến Thu Hường, Lê Quang Thanh Tâm, Hoàng Nhật Mai… Thu Hường vốn học khoa Diễn viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, sau một vài vai diễn khá mờ nhạt, cô đã quyết định rời xa màn ảnh và đi làm báo. Hiện đang theo dõi mảng văn hóa tại báo điện tử Vietnamnet nhưng sắc vóc của một cựu diễn viên từng giúp cô lọt vào top dẫn đầu của cuộc thi Hoa hậu quý bà 2009 và đoạt giải Quý bà có hình thể đẹp nhất.

Sau một vai diễn nhỏ (không được nói câu nào vì vào vai chàng trai người Trung Quốc bị câm) trong phim nhựa Tiếng sáo ly hương. Lê Quang Thanh Tâm chuyển sang làm báo. Nhiều năm nay anh là đại diện của báo Màn ảnh sân khấu tại TP. Hồ Chí Minh.

Còn Hoàng Nhật Mai – cô sinh viên trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật quân đội sau viễn diễn nhỏ trong phim Ngã ba Đồng Lộc cũng chuyển hướng sang làm báo. Cô được nhiều người biết đến khi cầm trang Tin tức online của báo Vietnamnet và năm ngoái đã chuyển sang phụ trách kênh truyền hình HD9. Có lẽ hấp lực của một diễn viên với nhan sắc mặn mà đã khiến nhà báo Nhật Mai rất có duyên với báo chí. Cô thường xuyên xuất hiện trên báo như bất cứ một thành viên nào của showbiz Việt để tâm sự cả chuyền nghề… lẫn chuyện riêng tư.

Hoàng Nhật Mai (Ảnh: Internet)

Nhà báo đóng phim “nổi” nhất không ai khác chính là Lương Mạnh Hải. Tốt nghiệp đại học Ngân hàng chuyên ngành chứng khoán nhưng ra trường Hải lại chọn làm báo. Hải từng làm ở Đài truyền hình Hà Nội và các tờ Hoa học trò, Sinh viên, Tiếp thị & Gia đình cho đến khi được “cộng tác viên” viết báo là đạo diễn Lê Hoàng mời đóng một vai nhỏ trong phim Nữ tướng cướp. Kể từ đó, Hải rất đắt show phim ảnh trong nhiều dạng vai. Từ vai chàng trai đồng tính diện váy màu hồng trong Hồn Trương Ba da hang thịt, chàng trai với vẻ ngoài đậm chất lãng mạn kiểu Hàn Quốc trong Tuyết nhiệt đới, công tử nhà giàu trong Bỗng dưng muốn khóc đến vai diễn trong bộ phim đang “hot” Hotboy, chàng cười, cô gái điếm và con vịt sẽ ra mắt trong năm nay. Lương Mạnh Hải đang là một trong số ít những gương mặt diễn viên nao được coi là “sao” của màn ảnh Việt.

Nhà báo kiêm biên kịch

Có lẽ vừa do lợi thế văn chương của người cầm bút, hay xem phim, xem kịch, lại thường gặp gỡ, cộng tác với giới nghệ sỹ nên các nhà báo theo dõi mảng văn hóa văn nghệ thường bén duyên với việc viết kịch bản. Nhiều người trong số họ coi đây là việc viết cho vui, cũng có người coi là nghề tay trái nhưng có người lại nổi lên như một cây bút ăn khách và chuyển hẳn sang nghiệp biên kịch.

Nhà báo Hoài Hương từng là cây bút phê bình sân khấu sắc sảo của báo Thanh niên và báo Tuổi trẻ nhưng đến khi nhận ra rằng viết kịch bản mới chính là đam mê và sở trường của mình, chị chuyển hẳn sang làm biên kịch và hiện đang là một biên kịch “đắt hàng”. Mới đây chị còn thử sức làm đạo diễn kiêm biên kịch với series phim truyền hình dài tập Tình yêu và khát vọng.

“Đắt khách” không kém là nhà báo kiêm nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải – báo Công an nhân dân. Anh từng là tác giả kịch bản của nhiều phim truyền hình, phim tài liệu và cũng khá có duyên với các giải thưởng kịch bản.

Các nhà báo điện ảnh cũng rất mặn mà với việc viết kịch bản, nhà báo Ngô Minh Nguyệt – báo Điện ảnh Việt Nam từng có thâm niên chục năm viết kịch bản. Chị viết đủ các thể loại, từ phim truyện, phim tài liệu tới phim hoạt hình nhưng thành công nhất là ở mảng phim hoạt hình khi bộ phim Chuyện về những đôi giày (đạo diễn Phương Hoa) do chị viết kịch bản từng giành Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14.

Nhà báo Đặng Thiếu Ngân – báo Thế giới điện ảnh cũng từng là tác giả kịch bản của nhiều phim truyền hình dài tập như Tết cháy Ôsin, Tháng củ mật…

 Còn trên sân khấu kịch, nhà báo Quang Thi – báo Thanh niên với bút danh Xuyên Lâm từng tạo nên một cơn sốt ở sân khấu kịch Phú Nhuận (và ghi một kỷ lục về số suất diễn trong lịch sử sân khấu Việt Nam) bằng kịch bản đầu tay Người vợ ma. Kịch bản này đã được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản điện ảnh có tên Trăng máu và được đạo diễn Hoàng Duẩn dự định làm phim. Hiện Quang Thi vẫn tiếp tục cộng tác với nhiều sân khấu kịch TP. HCM không chỉ bằng chính kịch mà cả hài kịch.

Còn nhà báo kiêm nhà văn hoặc nhà thơ thì có thể nói số lượng đông đảo nhất, khó có thể kể hết tên, vì đa phần các nhà văn nhà thơ thường chọn viết báo như là một nghề để nuôi nghiệp văn chương. Bởi vậy, có thể kết luận rằng ở Việt Nam, nhà báo là một trong những nghề có nhiều người đa năng nhất.

 Theo Yên Khê

(Báo Phụ nữ Thủ đô số 24 ngày 15/6/2011)

 

Tin nổi bật