Kiến nghị thuế 0% với báo điện tử
Lãnh đạo nhiều báo đề nghị xem xét giảm thuế với báo chí điện tử thấp hơn báo in, như ở mức 0% do đang gặp khó hơn cả báo in, chưa kể áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Ý kiến nêu tại hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay ở Hà Nội.
Có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí
Đánh giá về hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong 15 năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã năng động, đổi mới, thích nghi với cơ chế thị trường định hướng XHCN. Đa số báo chí của các bộ, ngành và các tổ chức xã hội đã tự chủ về mặt tài chính.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Bộ TT&TT |
Một số cơ quan báo chí có doanh thu cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đổi mới cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho nhà báo, phóng viên để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Minh Tuấn, một số cơ quan báo chí đã không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách. Nhiều ấn phẩm phụ của báo in, báo điện tử đưa nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục…
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu cho rằng, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập như: có xu hướng “thương mại hoá” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí.
Báo chí than khó về kinh tế
Theo ông Nguyễn Đình Chúc, phó TBT báo Lao động, báo chí hiện tại có hai nguồn thu chính từ quảng cáo và phát hành, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nói chung, hai nguồn thu này đang bị giảm đáng kể.
Ông đề xuất luật sửa đổi cần mở rộng thêm các loại hình hoạt động tài chính khác liên quan để trợ giúp các cơ quan báo chí.
Ảnh: Bộ TT&TT |
Về mức thuế với báo chí, ông cho rằng, dù Chính phủ đã có nhiều ưu ái và hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ khi mức thuế áp với báo in đã giảm, nhưng báo điện tử và các loại hình báo chí khác vẫn chưa thay đổi khiến các cơ quan gặp nhiều khó khăn.
“Đề nghị xem xét giảm thuế với báo chí điện tử thấp hơn cả báo in, ví dụ ở mức 0% bởi thực tế báo điện tử thậm chí còn đang khó khăn hơn cả báo in, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn”.
Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng biên tập báo CAND – cho hay, hiện nay, chi phí đầu vào của các cơ quan báo chí ngày một tăng, trong khi nguồn thu lại giảm mạnh, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xem xét biện pháp hỗ trợ cụ thể cho hoạt động kinh tế của báo chí.
Tổng biên tập báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Chính phủ đã thấy những khó khăn của báo in và có biện pháp hỗ trợ như giảm thuế. Tuy nhiên, còn nhiều loại hình báo chí khác cần hỗ trợ này. Thực tế có nghị định, thông tư trái ngược quy định về chi phí hạch toán lương với cơ quan báo chí, gây ra sự khó khăn trong áp dụng với báo chí.
“Cần đánh giá sâu sắc và toàn diện về cơ chế tài chính của cơ quan báo chí. Cần có chương riêng về tài chính của cơ quan báo chí trong luật sửa đổi”.
Các đại biểu cũng nêu ra những bất cập của luật hiện hành và yêu cầu sửa đổi, bổ sung với luật Báo chí để luật mới nhanh chóng điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Ông Võ Văn Long, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, cần nêu rõ cụ thể hơn nữa vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản vì luật hiện hành rất chung chung.
"Cần xem xét xu hướng phát triển tất yếu của việc tích hợp nhiều phương tiện, nhiều loại hình trong một cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản cũng cần đóng vai trò tích cực trong công tác chỉ đạo, quản lý nội dung, định hướng chính trị của báo, về kinh tế của cơ quan báo chí”.
Thái An
Vietnamnet