Tổ chức, sắp xếp lại Công ty MobiFone thành Tổng công ty theo hướng chuyên nghiệp hóa cao

Trong quá trình chỉ đạo việc tái cơ cấu Công ty thông tin di động MobiFone (gọi tắt là Công ty VMS) xây dựng phương án cổ phần hóa theo Quyết định số 888/QĐ-TTg, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động thành Tổng Công ty Viễn thông MobiFone. Đây là một bước đi quan trọng, cần thiết để bảo đảm lộ trình cổ phần hóa được thực hiện thành công, đạt hiệu quả cao đồng thời hoàn toàn phù hợp về mặt pháp lý cũng như thực tiễn hoạt động của Công ty VMS.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh nội dung trên. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng

PV: Thưa Thứ trưởng, thời gian gần đây vẫn còn tồn tại một số ý kiến khác nhau về quá trình tái cơ cấu lại Tập đoàn VNPT, xin Thứ trưởng cho biết dựa trên cơ sở nào Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu lại Tập đoàn VNPT trong đó có việc tách Công ty thông tin di động MobiFone ra thành Tổng Công ty Viễn thông MobiFone?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Như chúng ta đã biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT thì Bộ TT&TT đã bắt tay vào xây dựng Đề án tổ chức lại Công ty VMS trở thành Tổng công ty Viễn thông  MobiFone theo chức năng, quyền hạn được giao.

Triển khai Quyết định số 888/QĐ-TTg, Bộ TT&TT đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện tái cơ cấu phần còn lại của VNPT, trong đó tập trung vào các hoạt động: Thoái vốn tại các công ty cổ phần; tập trung sản xuất kinh doanh vào ngành nghề chính, có thế mạnh; xây dựng phương án chi tiết sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2014 - 2015. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo Tập đoàn VNPT xây dựng Đề án tổ chức các Công ty Truyền thông VNPT-Media, Công ty dịch vụ viễn thông VNPT- Vinaphone, Công ty Hạ tầng mạng VNPT-Net, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước. Đối chiếu quy định về điều kiện thành lập các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tại Nghị định này và căn cứ thực tế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động hiện tại của các công ty nêu trên trong Tập đoàn VNPT, ngày 03/10/2014, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức thành Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) trên cơ sở Công ty Dịch vụ viễn thông, Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) trên cơ sở Công ty Truyền thông, Tổng công ty Hạ tầng (VNPT-Net) trên cơ sở Công ty Hạ tầng.

Đối với Công ty Thông tin di động (VMS), ngay sau khi tiếp nhận Công ty VMS, theo thẩm quyền, Bộ TT&TT đã ban hành Điều lệ tạm thời về tổ chức và hoạt động của Công ty. Trên cơ sở các quy định của Nghị định số 69/2014/NĐ-CP và thực tế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động hiện tại của Công ty VMS, ngày 16/9/2014, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức và đổi tên Công ty Thông tin di động thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức sắp xếp lại Tập đoàn VNPT, Công ty VMS, Bộ TT&TT đã có các buổi làm việc với tập thể lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của hai doanh nghiệp để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, quán triệt chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Việc tách Công ty VMS ra khỏi Tập đoàn VNPT và tổ chức lại các doanh nghiệp được thực hiện thận trọng, khoa học, bảo đảm duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Theo số liệu báo cáo 09 tháng đầu năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của cả VNPT và VMS đều tăng trưởng tốt, trong đó: Tập đoàn VNPT có doanh thu đạt 57.800 tỷ đồng, hoàn thành 75,4% kế hoạch; lợi nhuận đạt 1.926 tỷ đồng, hoàn thành 82,7% kế hoạch; thuê bao di động phát triển mới phát sinh cước là 1.400.000 thuê bao. Công ty VMS, doanh thu đạt 26.030 tỷ đồng, hoàn thành 72% kế hoạch; lợi nhuận đạt 5.766 tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Công ty VMS đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí để hoạt động như tổng công ty quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, cụ thể: Vốn điều lệ hiện nay của Công ty là trên 12.000 tỷ đồng cao hơn quy định về vốn điều lệ của Tổng công ty nhà nước quy định tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP là 1.800 tỷ đồng. Thị trường của Công ty trải khắp đất nước, đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đội ngũ cán bộ, người lao động đông đảo (khoảng hơn 5.000 người), có năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc; Công ty được đánh giá là doanh nghiệp có nền quản trị tiên tiến nhiều năm liền. Trong giai đoạn 2011-2013, doanh thu bình quân của Công ty đạt 37.140 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 6.606 tỷ đồng; mức nộp ngân sách đạt 3.963 tỷ đồng. Công ty có đủ năng lực tài chính để đầu tư cho các công ty con và các công ty liên kết.

Trước đây, Công ty VMS  nằm trong Tập đoàn VNPT chỉ cung cấp dịch vụ di động, nếu tách ra thì cần có thêm các dịch vụ khác hạ tầng truyền dẫn mới đủ điều kiện cạnh tranh ngang bằng với các Tập đoàn viễn thông khác. Do đó, phải cấp thêm giấy phép để VMS đủ điều kiện phát triển các dịch vụ khác vệ tinh, truyền dẫn. Do vậy, việc cổ phần hóa Công ty VMS là rất cần thiết và đúng đắn với chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp viễn thông khác.

PV: Theo Đề án tái cơ cấu, Tổng công ty MobiFone sẽ được hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. Vậy theo Thứ trưởng, quá trình cổ phần hóa được thực hiện thế nào, các thành phần nào thì được quyền tham gia, liệu có đối tác nước ngoài hay không?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trong Quyết định 888 /QĐ-TTg về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đã xác định rõ, sau khi tách MobiFone ra thành doanh nghiệp hoạt động độc lập, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ Đề án Cổ phần hóa Công ty thông tin di động VMS và thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cổ phần hóa Công ty VMS.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tổ chức Công ty Thông tin di động VMS thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Tổng công ty viễn thông MobiFone trong năm 2014 theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bộ TT&TT tập trung chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch cổ phần hóa VMS, dự kiến vào cuối năm 2014 này sẽ trình đề án cổ phần hóa VMS lên Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án, sẽ thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Cũng theo Thứ trưởng, việc cổ phần hóa Công ty VMS hiện rất thuận lợi bởi công ty làm ăn hiệu quả, có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm đầu tư vào VMS. Đồng thời, Công ty VMS là một doanh nghiệp có quy mô lớn, địa bàn hoạt động trải rộng khắp toàn quốc và cũng đã tiến hành đầu tư kinh doanh tại một số thị trường quốc tế với chi nhánh tại Hồng Kông, Myanmar, Hoa Kỳ. Nhiều năm liền, Công ty là một trong năm (05) doanh nghiệp nhà nước có mức nộp thuế cho Nhà nước lớn. Bản thân Công ty cũng đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Khi còn trực thuộc Tập đoàn VNPT, Công ty VMS sử dụng rất nhiều hạ tầng mạng lưới, nguồn nhân lực của Tập đoàn VNPT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Khi tách ra khỏi Tập đoàn VNPT, Công ty sẽ trở thành doanh nghiệp viễn thông độc lập có mạng lưới hoàn chỉnh, kinh doanh tất cả các loại hình dịch vụ viễn thông và do đó việc tổ chức, sắp xếp lại Công ty là cần thiết, bảo đảm phù hợp với quy mô, định hướng hoạt động của Công ty trong thời gian tới. Ngoài ra, việc tổ chức Công ty VMS thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone và thực hiện cổ phần hóa sẽ làm tăng giá trị thương hiệu MobiFone, thu hút được nhiều sự quan tâm của đối tác chiến lược, các nhà đầu tư và đạt được kết quả cổ phần hóa cao hơn.

Đặc biệt, cổ phần hóa, xây dựng đề án phải minh bạch, rõ ràng trong việc bán cổ phần, theo cam kết của Việt Nam khi tham gia vào TPP và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì các doanh nghiệp được mua đối đa 49% cổ phần VMS. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia, sẽ phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, đánh giá hiệu quả đầu tư…

PV: Sau khi Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT được thực hiện và Tổng công ty Viễn thông MobiFone được hình thành, Thứ trưởng có nhận định về triển vọng của ngành bưu chính viễn thông Việt Nam nói chung và Công ty VMS nói riêng?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Sau khi VNPT được tái cơ cấu, tách MobiFone thành công ty hoạt động độc lập. Tôi tin tưởng rằng sẽ hình thành được thị trường viễn thông có từ 3-4 doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông, theo chiến lược kinh doanh trong giai đoạn tới, Công ty Thông tin di động MobiFone hướng tới sẽ trở thành Tập đoàn kinh tế về viễn thông mà nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Trong giai đoạn trước mắt, việc đổi tên thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone chuyên kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông sẽ làm tiền đề cơ sở cho Tổng công ty cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông cùng với các Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội, góp phần hình thành thị trường viễn thông Việt Nam phát triển ổn định, bền vững theo đúng Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP và Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng, bước đầu tách Công ty VMS ra và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa, cả VNPT và VMS đều hoạt động hiệu quả sau 9 tháng, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, các chỉ tiêu về lợi nhuận đều tăng trưởng tốt. Mặt khác, mô hình mà Viettel đang đầu tư thành công ở nước ngoài thì VNPT và VMS sắp tới, ngoài việc kinh doanh trong nước, chắc chắn sẽ đầu tư ra nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho ngành viễn thông Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Xuân Lộc (ghi)

(mic.gov.vn)

Tin nổi bật