Xã hội sẽ 'phơi nhiễm' nếu không chấn chỉnh thông tin mạng
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, khi trả lời báo chí xung quanh việc Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi xác nhận mạng xã hội và xử phạt Haivl.com.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (ảnh Một thế giới) |
Thứ trưởng có thể cho biết khi xử lý vấn đề này - đóng cửa mạng xã hội Haivl.com - cơ quan quản lý nhà nước có quan tâm đến dư luận hay không?
Chúng tôi rất quan tâm đến dư luận và có trách nhiệm trước dư luận. Công ty cổ phần công nghệ APPVL Việt Nam được cấp phép mạng xã hội Haivl.com, hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam, nhưng trang này có nhiều sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội nên phải thu hồi giấy phép.
Dư luận phản ánh về trang Haivl.com, nhất là các bậc phụ huynh. Theo thống kê, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia có lượng người dùng Internet có độ tuổi trẻ nhất khu vực. Cụ thể tỉ lệ 42% ở độ tuổi 15-24, 32% ở độ tuổi từ 25-34. Bạn nghĩ sao nếu ngày nào con cái chúng ta cũng truy cập vào những trang như Haivl.com, đầy rẫy những hình ảnh, ngôn từ thô tục, nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục, xuyên tạc và bôi nhọ danh nhân, nhân vật lịch sử, xuyên tạc lịch sử…
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi luôn khuyến khích những trang thông tin lành mạnh, tích cực. Xã hội sẽ bị “phơi nhiễm” nếu không chấn chỉnh thông tin mạng theo kiểu “bỏng mắt”, “đắng lòng”…
Nhưng, ở khía cạnh luật pháp, một luật sư có ý kiến là thương vụ giao dịch 33 tỉ đồng giữa APPVL Việt Nam với Công ty Cổ phần 24H về mạng xã hội Haivl.com là hợp pháp, nên việc Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) “bắt lỗi” là không đúng?
Bộ TT&TT, Cục PTTH&TTĐT theo quy định là cơ quan cấp phép, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động đối với giấy phép đã được cấp. Nếu có việc mua bán về trang Haivl.com diễn ra mà cơ quan quản lý nhà nước không biết thì nó hoàn toàn trái luật.
Bởi chủ thể của Haivl.com là chủ thể có điều kiện. Luật không cấm mua bán tên miền nhưng mua bán giấy phép báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội là trái với quy định của pháp luật nếu không chuyển đổi theo quy định tại Thông tư 09/2014/BTTTT và Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Theo giải trình của APPVL Việt Nam với Cục PTTH&TTĐT thì đơn vị này đã chuyển chủ sở hữu công ty và giấy phép trang Haivl.com cho đơn vị khác từ ngày 7.10 là vi phạm pháp luật như quyết định thu hồi giấy phép đã nêu.
Bộ TT&TT có vẻ đang mạnh tay xử lý những sai phạm về thông tin điện tử, trong vấn đề này liệu có dám mạnh tay với “lợi ích nhóm báo chí”, nhất là báo điện tử hay không?
Theo đề án quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2020, thì báo điện tử sẽ đóng vai trò chủ đạo nên ngay từ bây giờ phải lập lại trật tự, lành mạnh hóa môi trường thông tin trên mạng. Trong 9 tháng đầu năm, Bộ TT&TT đã xử phạt tổng cộng 33 trường hợp, 26 cơ quan báo chí. Mới đây, Bộ cũng xử lý tiếp tục nhiều cơ quan báo trực thuộc Bộ và cả những cơ quan báo khác.
Tình trạng lạm dụng của báo mạng đã đặt ra vần đề đạo đức và pháp lý cho cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và cả xã hội. Những nhóm vấn đề được tổng kết là vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân, quảng cáo trá hình, ngụy tạo hình ảnh, đính chính và siêu liên kết với các mạng ngoài… phải chấn chỉnh nghiêm túc.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang kiên quyết chấn chỉnh báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội… nhằm lành mạnh hóa môi trường thông tin điện tử đầy rẫy những vấn đề phức tạp. Các cơ quan báo chí cần phải lên tiếng ủng hộ Bộ TT&TT trong vấn đề này nhằm đem lại sự công bằng cho đội ngũ làm báo và quyền lợi thiết thực của tờ báo.
Cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Minh Sơn/Một Thế giới