1000 năm Thăng Long trên tem và chuyện làm nghề tem bưu chính
(ICTPress) - Họa sỹ Tô Minh Trang, người đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế mẫu tem bưu chính “1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Xây dựng và Phát triển” đã dành cho tôi một buổi chiều thu năm 2010 để kể về thiết kế của bộ tem đặc biệt này và những câu chuyện về nghề làm tem bưu chính.
Ý tưởng hiện đại của bộ tem đặc biệt 1000 năm Hà Nội
Với những tư duy về bộ tem đặc biệt này để làm sao thể hiện được sự hội tụ, dấu ấn của cuộc sống đương đại đang chuyển động đi lên rất nhanh, “mạnh mẽ” của Hà Nội, đồng thời phải thể hiện được truyền thống một chặng đường dài 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, họa sỹ Tô Minh Trang cho biết đã thiết kế bộ tem với phương án vẽ bằng tay, vẽ bằng nét trên nền trắng tựa như bức tranh khắc gỗ để có được “cái hồn” Á Đông. Với tư duy như vậy, tác giả đã thể hiện cả hình ảnh truyền thống và hiện đại trên từng mẫu và ý tưởng này “xuyên suốt” 4 mẫu tem trong bộ tem. Vẽ nét được anh thực hiện cho các hình ảnh hiện đại của Hà Nội ở phần chính bên phải con tem, phần nền bên trái là những hình ảnh truyền thống của Hà Nội. Có thể chi tiết ra đây để bạn đọc biết được thông tin 4 chủ đề của bộ tem “đáng nhớ” này:
Mẫu 1: Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Nguồn gốc Hà Nội được thể hiện với hình ảnh chiếu rời đô, hình ảnh hiện đại là Cột cờ, vừa là dấu vết cũ của Hoàng thành Thăng Long, vừa ghi nhớ chiến công hiển hách của quân và dân Hà Nội chống giặc ngoại xâm, nơi cắm cờ độc lập của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Mẫu 2: Hà Nội - Xây dựng: được thể hiện qua hình ảnh Ô Quan Chưởng gắn với di tích 36 phố phường và hình ảnh hiện đại là khu đô thị mới thể hiện cả quá trình xây dựng đi lên của thủ đô Hà Nội.
Mẫu 3: Hà Nội - Phát triển: Hình ảnh được thể hiện là cây cầu “kỷ niệm” Long Biên và cây cầu dây văng hiện đại Nhật Tân đang được xây dựng. Hình ảnh hai cây là biểu tưởng cho sự kết nối, hiện tại vươn tới tương lai.
Mẫu 4: Hà Nội - Hiện đại: Ga Hàng Cỏ, Hà Nội thời kỳ đầu thế kỷ 20 là hình ảnh bên trái và hình ảnh hiện đại là sân bay Nội Bài đón các đoàn khách nước ngoài, thể hiện sự hội nhập, giao lưu kinh tế quốc tế của Việt Nam với thế giới.
Xem thiết kế tứ của bộ tem, người xem có thể thấy ngay hình ảnh quá khứ và hiện đại, vươn tới tương lai luôn được đan cài bởi mỗi người khi nhớ đến Hà Nội là nhớ đến quá khứ đã đi vào tiềm thức và hiện đại là những thành quả, công trình đồ sộ đang mọc lên.
Bloc của bộ tem này thể hiện tri thức Hà Nội với hình ảnh Khuê Văn Các, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, tượng vua Lý Thái Tổ, phía xa xa của bloc là đô thị đang trong quá trình xây dựng đi lên. Hình ảnh chính của bloc là con người, trí thức trẻ Hà Nội, những con người mới làm nên Hà Nội trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Tổng thể màu sắc được hòa sắc mạnh mẽ, màu đỏ của các mẫu tem và bloc thể hiện truyền thống và chuyển dần sang các màu khác để nói lên Hà Nội đang chuyển mình tự tin của ngày hôm nay. Rồng thời Lý, logo Hà Nội 1000 năm là những chi tiết được nhắc lại xuyên suốt để tạo thêm tính thống trong cả bộ tem.
Những “cái khó” trong việc sáng tạo một bộ tem lớn
Chia sẻ những cái khó trong quá trình thiết kế, họa sỹ Tô Minh Trang đã thật lòng cho biết anh chưa lường hết khó khăn khi lao vào thiết kế bộ tem này. Đầu tiên là cái khó khi thiết kế một bộ tem đặc biệt, nhất là bộ tem có ý nghĩa to lớn như bộ tem 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bởi chủ đề của bộ tem quá rộng lớn, Hà Nội có quá nhiều hình ảnh quen thuộc, việc lấy hình ảnh nào và đưa như thế nào cho lạ, mới là cả một vấn đề và cách anh chọn ngôn ngữ vẽ nét đã là yếu tố chính làm nên những hình đã quá quen thuộc cũng trở nên lạ hơn.
Được hỏi tại sao anh mạnh dạn với phong cách vẽ nét trên tem bởi đây là một thử nghiệm mới trên tem Việt Nam, nhiều họa sỹ Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, họa sỹ chia sẻ là ngay từ thời ngồi ở ghế nhà trường Đại học Mỹ thuật, họa sỹ đã may mắn được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp và vẽ ký họa là một trong những kỹ năng khó đã được tôi luyện. Một điều quan trọng nữa là vẽ nét cũng là sở thích của anh. Rồi một yếu tố nữa là Công ty Tem Việt Nam vừa qua cũng tổ chức lớp học ngắn hạn về khái niệm vẽ nét do thầy giáo bên ngành Ngân hàng giảng dạy. Chính vì những yếu tố, môi trường thuận lợi này đã giúp anh chọn vẽ nét cho bộ tem.
Trong tất cả các công đoạn của quá trình thiết kế mẫu tem nói chung và bộ tem 1000 năm Thăng Long Hà Nội có rất nhiều công đoạn. Công đoạn trăn trở, theo họa sỹ, chính là công đoạn tư duy, cách suy nghĩ, cách đặt vấn đề như thế nào cho nó hợp lý, điều hòa cái nét hài hòa sao cho thể hiện được hình ảnh trong một diện tích, không gian rất nhỏ của con tem. Công đoạn thứ hai không kém phần khó là kỹ năng vẽ. Vẽ nét hoàn toàn được được thực hiện bằng bút tỉa, bút lông sao cho một nét có thể ăn ngay vì không thể vẽ nháp, vẽ vờn, để đạt đến độ chính xác cao.
Ví dụ, trong bộ tem này để vẽ được hình ảnh Cột cờ, họa sỹ đã phải mất hai ngày, tuy chỉ là một hình ảnh rất bé nhưng khi in ra phải đảm bảo rõ được tất cả các nét, các chi tiết. Nghĩ được ý tưởng đã khó nhưng thể hiện được ý tưởng đạt được hết độ của hiệu quả cao nhất của nét mà khi thu nhỏ vẫn có thể nhìn thấy, rõ tất cả các chi tiết lại cả một nỗ lực rất lớn, họa sỹ Tô Minh Trang chia sẻ.
Bộ tem năm nay cũng có những yêu cầu khó hơn so với hai bộ tem 990 năm và 950 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2000 và 2005, đó là nhiều hơn một mẫu tem. Hai bộ trước chỉ có 3 mẫu và 1 bloc. Một yêu cầu khác là ba chủ đề mẫu tem Hà Nội xây dựng, Hà Nội phát triển, Hà Nội hiện đại của Thể lệ thi thiết kế bộ tem này cũng đặt ra nhiều thách thức cho người họa sỹ tham gia thi thiết kế bởi nếu không chọn lựa thông minh các hình ảnh thể hiện cho từng mẫu sẽ dễ bị trùng lặp. Chính vì vậy, bộ tem do họa sỹ Tô Minh Trang thiết kế, các hình ảnh được lựa chọn. thể hiện với cố gắng chắt lọc để vừa thay đổi, vừa có nhịp, liền mạch không bị lặp lại, đồng thời thể hiện được nét hiện đại và phát triển của Hà Nội. Thêm nữa, hai bộ tem 990 năm và 950 năm Hà Nội đã thế hiện hình ảnh đấu tranh giành độc lập, truyền thống chống giặc ngoại xâm. Bộ tem này đòi hỏi là vẫn phải thể hiện được những nội dung trên và thêm ý nghĩa, hình ảnh Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Thời gian “thai nghén” và triển khai bộ tem này, theo anh, là khá lâu, việc tư duy chủ đề của bộ tem hàng tháng và việc triển khai thiết kế mất thêm hàng tháng nữa, bởi vì với bộ tem này anh không chỉ có vẽ mà anh còn phải vận dụng kỹ năng thiết kế đồ họa trên máy tính để làm cho tổng thể sản phẩm bé nhỏ nhưng “ngon lành”. Một vấn đề khó là tác phẩm phải hoàn hảo cả về decor, chữ, mi sao cho chuẩn.
Vẽ tem cũng có những đặc thù khó riêng mà tôi đã thực sự cảm nhận qua những điều anh giãi bày và chỉ cho tôi thấy, cũng như tự tôi “trải nghiệm” tìm hiểu thêm sau đó.
Những chuyện làm tem bưu chính
Định hỏi tác giả bộ tem 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dăm ba câu bên lề nhưng loanh quanh, anh lại quay trở về với việc làm tem bưu chính của các họa sỹ thiết kế tem, niềm đam mê vẽ tem của anh tại Công ty Tem Việt Nam và bộ tem 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Anh cho biết từ năm 1999, Bộ Chính trị, Tổng cục Bưu điện nay là Bộ TT&TT lúc đó đã có quyết định về việc phát hành các bộ tem kỷ niệm thế kỷ XX và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh đã tham dự hai cuộc thi thiết kế mẫu tem kỷ niệm 990 năm vào năm 2000 và mẫu tem kỷ niệm 950 năm vào năm 2005 nhưng không đạt giải nào. Lần này anh đã “may mắn” hơn và may hơn nữa là thể hiện được sự xuyên suốt của ba bộ tem ở phần “hồn”, đó là làm sao toát lên được “chất” Thăng Long - Hà Nội. Thêm một may mắn đến trùng hợp nữa là hai bộ tem đoạt giải trước đó của họa sỹ Vũ Kim Liên, nhân 990 năm và 950 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là họa sỹ ở Công ty Tem Việt Nam với thiết kế bộ tem ngang và bộ tem thứ ba này của anh cũng là bộ tem ngang nên cả ba bộ đã trở nên phù hợp trong thống nhất.
Chọn cách vẽ nét cho bộ tem 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh chia sẻ thêm là cũng xuất phát từ hồi còn là sinh viên đại học, anh đã theo đuổi lối vẽ tả thực. Đã từng có giai đoạn, sống bằng nghề chép tranh Phục Hưng, cũng là cách tả thực, có giá trị hàn lâm vì nó trường tồn, anh cho biết luôn mong mỏi và thực tế đã vẽ mọi thứ cho “thực”, tả chân và cao hơn anh luôn muốn vẽ để đạt đến mức “cực thực”. Bản thân phong cách “cực thực” là làm cho mọi thứ trở nên sống động đến mức “ảo”. Nhớ lại trong những năm đầu ra trường, trong sự mưu sinh, anh đã tìm được công việc phù hợp với niềm đam mê vẽ tả thực của anh, đó là vẽ tem. Công ty Tem Việt Nam đã trở thành nơi để anh gắn bó được 12 năm. Điều này được anh gọi là “cơ duyên”.
Vẽ tem là vẽ phải khoa học, chính xác để làm sao nhiều người hiểu, không giống như vẽ tranh hội họa, vẽ tem có những đặc thù riêng. Vẽ tem là một thú vui, vừa là “vinh dự” vì được vẽ gửi gắm được việc vẽ của người họa sỹ vào trong ấn phẩm nhỏ bé mà ấn phẩm đó để truyền tải một thông điệp lớn là truyền tải văn hóa, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, anh tiếp tục tâm sự và anh cho biết đây cũng là suy nghĩ của các họa sỹ vẽ tem tại Công ty Tem Việt Nam.
Hài hòa “cái tôi” họa sỹ trong một công việc có tính chính trị như vẽ tem, anh tâm sự bản thân sống trong một cộng đồng, công việc vẽ tem của người họa sỹ là vẽ tem cho cộng đồng hiểu, nên muốn cộng đồng hiểu thì người họa sỹ vẽ tem phải cố gắng hài hòa giữa sáng tạo và tính phổ thông hóa để cộng đồng hiểu được. Đấy là mục đích mà người vẽ tem phải vươn tới và có khi họa sỹ có thể “bảo lưu”, “giải trình lại” những ý tưởng để hướng tới những cái đẹp hơn mà vẫn đủ nội dung mà về mặt mỹ thuật trong con tem. Người họa sỹ vẽ tem luôn “thấm nhuần” ý nghĩa thiêng liêng về hai chữ “Việt Nam”, “Bưu chính”, yêu cầu bắt buộc trên mỗi con tem để người nước ngoài khi xem mỗi con tem Việt Nam là nhìn thấy một một sứ sở yêu chuộng hòa bình, nhiệt đới và văn hóa. Làm sao thể hiện được những ý nghĩa “văn hóa” đó luôn được các họa sỹ vẽ tem trăn trở với tình yêu nghề để con tem tồn tại mãi, bay xa và len lỏi vào thế giới của những người sưu tập tem. Ngoài kỹ năng cần phải có tình yêu nghề.
Để duy trì sức sáng tạo, không bị mòn qua những thiết kế, người họa sỹ của những bộ tem tả thực đã chia sẻ với người cầm bút viết là hãy nhìn ra khu vực, thế giới rộng lớn qua Internet để thấy mình vẫn “tụt hậu” để cảm hứng đi tiếp. Họa sỹ đã từng lang thang để thấy mình đang còn chậm. Hướng đến những giá trị bên ngoài trong thời đại CNTT sẽ làm cho mọi người có thêm động lực, anh cho biết.
Là một họa sỹ thời đại CNTT, anh cho biết phương tiện CNTT cực kỳ hữu hiệu bởi hỗ trợ đồ họa, photoshop, corel công nghệ in đòi hỏi trong giai đoạn mới không chỉ xanh đỏ tím vàng, mà hội tụ, vận dụng những công nghệ tiên tiến để làm sáng tác, sản phẩm hoàn thiện thậm chí dễ in ấn, dễ in trên mọi chất lượng vì nhu cầu ứng dụng rất lớn như phóng to trên các ngã tư đường phố. Ngoài ra, nếu có đường truyền băng thông đủ rộng để anh và những đồng nghiệp có thể “truyền” những con tem dưới dạng tệp đồ họa lớn vào TP. Hồ Chí Minh, nơi “đóng đô” của công ty In Tem mà không phải đích thân mang mẫu vào, tiết kiệm chi phí đi lại.
Xin bật mí thêm là trong Cuộc thi thiết kế mẫu tem bưu chính “1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Xây dựng và Phát triển”, ngoài bộ tem đoạt giải Nhất sẽ được in và phát hành vào ngày 2/10/2010 trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại bảo tàng Hồ Chí Minh, họa sỹ Tô Minh Trang cũng có bộ tem đạt giải Ba với cách thể hiện vẽ nét và vẽ mảng.
Được hỏi cảm xúc sau khi đoạt Giải, họa sỹ cho biết mỗi lần đi ra phố, đi trên những con phố Hà Nội cảm giác tác phẩm tem của anh như thấp thoáng ở đâu đó, hình ảnh luôn “len lỏi”, hòa vào không khí chung của Hà Nội. Là một người con Hà Nội sinh ra trong những năm cuối chiến tranh, chứng kiến những thăng trầm thời bao cấp, những thay đổi nhanh chóng ở Hà Nội trong công cuộc đổi mới và thủa bé được ở một phố rất Hà Nội, phố Nguyễn Du, dường tất cả những yếu tố đó là môi trường thuận lợi mà một người “may mắn” như anh có được để “ngấm không khí” Hà Nội và chuyển tải không khí ấy khi được vẽ, được in tem về Hà Nội. Họa sỹ đã không dấu nổi niềm vui, tự hào và xem bộ tem của anh được chọn phát hành trong một dịp lễ trọng của Hà Nội này là “dấu ấn” trong cuộc đời.
Lan Phương